Những kẻ "ngáo đá" cuồng loạn

30/09/2016 - 10:22

PNO - Vụ giết hại bốn bà cháu chấn động dư luận xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh mới đây, một lần nữa khiến cả nước rùng mình trước tác hại của ma túy đá.

Tại TP.HCM, những vụ giết người man rợ có nguyên nhân từ thứ độc dược đó cũng đã liên tiếp xảy ra. Tình trạng nghiêm trọng đến mức, lúc nào, ở đâu người dân cũng nơm nớp lo “ngáo” hiện hình và manh động. Trong khi đó, hành lang pháp lý để giải quyết vấn nạn này hiện chỉ mang tính tạm thời.

Trên thực tế, “ngáo” gây ra những hành động bộc phát và rất manh động. “Ngáo” đu dây điện, “ngáo” phá trụ sở công an, “ngáo” phá trụ sở công an, “ngáo” khỏa thân chui ống cống, ngáo” chém người, đốt nhà.

Bài 1: "Xác sống" ra đường

Bộ phim Xác sống (The Walking Dead) từng gây ấn tượng mạnh với khán giả yêu thích phim kinh dị. Trong phim, những cái xác không có cảm giác, không có ý thức, lang thang tấn công đồng loại mang nhiều nét tương đồng với hình ảnh kẻ “ngáo đá” đang lên cơn. Không phân biệt được bạn bè, người thân, kẻ “ngáo đá” khi đó đang bị chi phối bởi những “ảo thanh” cuồng loạn, mơ hồ.

Đã “ngáo”, không còn là “người”

Năm 2014, chỉ hai năm sau khi từ lóng “ngáo đá” phổ biến, cũng là lúc hàng loạt vụ án mạng rùng rợn xảy ra. Trong số này, phải kể đến vụ “ngáo đá” Tô Minh Nhật Hải (SN 1981) giết mẹ ruột là bà Phạm Thị Hòa (SN 1962) tại nhà ở P.4, Q.10, TP.HCM. Khai nhận sau khi qua cơn “ngáo”, Hải cho biết do tưởng mẹ là người ngoài hành tinh đến bắt mình nên mới ra tay.

Tại Q.Gò Vấp, dù đã xử lý hàng chục trường hợp “ngáo đá” nhưng công an P.15 không thể quên được vụ giải cứu cô gái kẹt trong ống cống trên đường Lê Đức Thọ. Những người chứng kiến cho biết, họ thấy cô gái khoảng 20 tuổi đang huýt sáo bỗng dưng ngồi xuống mương nước thải hôi thối, tự lấy gạch đập vào đầu. Khi mọi người chạy lại can ngăn, cô gái đã chui thẳng vào ống cống, chân còn thò ra ngoài. Hàng trăm người hiếu kỳ đã tụ tập, chen lấn theo dõi sự việc. Trong ống cống, cô gái thỉnh thoảng bị sặc nước, hét lên nhưng nhất định không chịu chui ra.

Trước vụ cô gái ngáo đá này, hàng ngàn người dân lưu thông trên đường Cộng Hòa, P.12, Q.Tân Bình cũng từng chứng kiến cảnh một nam thanh niên ngáo đá đu dây điện suốt hai giờ như diễn xiếc (ảnh). Ngoài những vụ việc “điển hình” này, không ít những trường hợp “ngáo” khác ở mức độ “nhẹ hơn” như: hành hung người nhà, hàng xóm, nhảy xuống từ tầng 2, tầng 3, đốt bình gas, xông vào trụ sở công an phá phách…

Nhung ke

Hầu hết “ngáo đá” khi mới bắt đầu loạn thần chỉ gây rối nơi công cộng, nhưng khi “ngáo” nặng, có thể phát sinh hành vi chém giết mất nhân tính hoàn toàn. Chị M. (SN 1982, quê Hà Tĩnh, ngụ Q.Bình Thạnh) là một trong những nạn nhân may mắn sống sót sau khi bị "ngáo đá" truy sát.

Nửa năm trước, chị M. đã bị “ngáo đá” Đỗ Văn Đông (SN 1986, quê Hải Phòng) dùng dao chém 15 nhát vào người. Trước khi xảy ra vụ việc, nể tình chỗ quen biết, chị M. cho Đông ở nhờ nhà tại chung cư Thanh Đa để đợi việc làm. Khi chị M. đang ngồi nói chuyện với hai người bạn tại nhà thì Đông lên cơn “ngáo đá” lấy dao tự đâm thủng bụng mình.

Bạn chị M. can ngăn cũng bị Đông chém nứt hộp sọ. Chị M. hoảng sợ chạy vào phòng ngủ khóa cửa lại thì bị Đông đạp cửa chém liên tục. Vụ việc không chỉ khiến hai nạn nhân trọng thương mà còn làm người dân trong khu vực hết sức lo sợ vì sự kinh khủng của “con ngáo”.

Sau vụ án nghiêm trọng này, một vụ việc dở khóc dở cười đã xảy ra tại khu chung cư. Do quá lo sợ nạn ngáo đá, thấy con mình có biểu hiện lơ là, môi thâm, hay ngáp, phụ huynh em T.M.T., học sinh cấp III tại trường THPT Thanh Đa đã bắt em đi test ma túy. Kết quả cho thấy em T. hoàn toàn bình thường nhưng vì tự ái tuổi mới lớn, em T. đã mua thuốc ngủ về định tự tử. May là em mới uống đến viên thứ ba thì phụ huynh phát hiện.

Nhung ke
Kẻ ngáo đá trèo lên bảo tháp 11 tầng tại chùa Cót (Hà Nội) đập phá và... lấy đà nhảy xuống, Ảnh: Zing.vn
Nhung ke
Nhung ke
Nhung ke

Tiêm chích giảm, “đập đá” tăng

Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng người nghiện vật vờ tại các điểm nóng ở TP.HCM như ngã tư An Sương, cầu vượt bộ hành Nguyễn Tri Phương, công viên 23/9... hiện đã giảm rõ rệt. Có được kết quả này là nhờ việc chốt chặn tuần tra của Trung đoàn Cảnh sát cơ động và công an các địa phương. Tuy nhiên, thay cho việc tiêm chích công khai ở nơi công cộng, những người nghiện đang chuyển mạnh sang ma túy đá vì nhiều “lợi thế”, do chính những chế tài quy định hiện nay tạo ra.

Trao đổi với chúng tôi, một trưởng công an phường tại Q.10 (đề nghị được giấu tên) cho biết, quy định xử lý con nghiện hiện nay chỉ mang tính... tạm thời. Ngay cả công an phường là nơi phát hiện, đưa con nghiện thực hiện các thủ tục xác định tình trạng nghiện nhiều lúc cũng phải ngậm ngùi buông tay cho con nghiện... ra về.

Theo vị này, muốn xác định tình trạng nghiện, đặc biệt là nghiện ma túy đá, nhiều trường hợp phải cần đến năm ngày, nhanh nhất cũng hai ngày. Chưa kể, con nghiện còn đối phó bằng cách uống một số loại thuốc để không thể test thấy ma túy. Trong khi đó, quy định tạm giữ hành chính hiện nay chỉ 24 tiếng. Tạm giữ quá thời hạn là sai luật, không đơn vị nào dám làm.

Bên cạnh đó, xét theo Nghị định 94/2010 về tổ chức cai nghiện tại gia và trạm y tế phường, thị trấn thì không một trạm y tế địa phương nào đáp ứng được tiêu chuẩn cơ sở vật chất: tối thiểu phải có ba phòng khám, phòng cấp cứu 10m2 , phòng lưu bệnh nhân 8m2 , phòng thường trực của cán bộ có lực lượng bảo vệ.

Hành lang pháp lý để xử lý người nghiện cũng còn “chéo chân” ở vấn đề “người nghiện có nơi cư trú ổn định”. Hầu hết lãnh đạo công an cấp phường khi tiếp xúc với chúng tôi đều nhận định là chuyện “càng làm càng rối”.

Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định áp dụng ba-sáu tháng xử lý, giáo dục tại địa phương đối với người nghiện có nơi cư trú thì Nghị định 94 hướng dẫn cai nghiện tại địa phương 6-12 tháng. Nếu con nghiện rơi vào trường hợp không có nơi cư trú ổn định thì tỷ lệ này chiếm một nửa tổng số con nghiện trên toàn thành phố. Trong khi đợi TAND cấp quận đưa ra xét xử áp dụng cai nghiện bắt buộc thì con nghiện đã đi khỏi địa phương từ lâu, thậm chí có trường hợp đã gây án hàng loạt ở các địa phương khác.

Hiện TP.HCM có hơn 22.000 người nghiện, trong đó có nơi cư trú ổn định là 11.000 người, nhưng làm hồ sơ đi cai nghiện chỉ có 117 trường hợp. Thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) cho thấy, chỉ tính đến quý III năm nay, ma túy tổng hợp đã chiếm gần 87% trong tổng số ma túy thu giữ được, cao hơn 6% so với cả năm 2015.

Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM nhận định, đúng là đang có những vướng mắc trong việc cai nghiện ở cộng đồng. Nếu không nhanh chóng giải quyết để sớm đưa người nghiện đi cai nghiện, sẽ gây nguy cơ bất ổn cho sự phát triển của thành phố.

Vinh Quốc

Người nghiện đang có xu hướng trẻ hóa

Ngày 29/9, tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội TP.HCM chín tháng đầu năm, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, trong tháng Chín, số vụ trộm cướp tăng khá cao, chủ yếu do đối tượng thanh niên gây ra.

Địa bàn xảy ra nhiều vụ trộm là Q.9 (31 vụ), H.Bình Chánh (24 vụ), Q.Tân Bình (20 vụ), Q.5 (16 vụ). Về tội phạm ma túy, trong tháng Chín, Công an TP đã khám phá 1.200 vụ, bắt giữ hơn 2.600 đối tượng, thu giữ 8,8kg heroin, 5kg cocain và nhiều phương tiện phạm tội khác. Số người nghiện mới đang có xu hướng trẻ hóa, sử dụng ma túy tổng hợp, hàng đá rất nguy hiểm, dễ phát sinh hành động khó kiểm soát.

Theo ông Phong, gần tết là thời gian phát sinh tội phạm mạnh nhất, các địa phương cần chú trọng quản lý người nghiện. Hiện TP còn hơn 1.000 đối tượng chưa quản lý được do quy định về cai nghiện bắt buộc và cai nghiện trong cộng đồng còn nhiều bất cập.

Mai Phan - Thúy Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI