Những 'kẻ đầu bạc' đứng giữa cảnh sát và người biểu tình tại Hồng Kông

08/09/2019 - 15:21

PNO - Với khẩu hiệu 'Bảo vệ trẻ em', những cụ ông, cụ bà ngoài 50 thường xuyên xuống đường vào cuối tuần. Họ đứng giữa cảnh sát và người biểu tình...

Một phần, họ muốn ngăn cản xung đột leo thang. Phần còn lại để “câu giờ” cho nhóm người biểu tình trẻ tuổi trốn thoát khỏi sự vây bắt của cảnh sát.

Nhung 'ke dau bac' dung giua canh sat va nguoi bieu tinh tai Hong Kong
Ông Wong  ngăn giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình tại quận Tung Chung vào ngày 7/9. (Ảnh: AFP)

Trong cuộc biểu tình ngày 7/9, "ông nội Wong" lại giơ ngang chiếc gậy trên đầu, cầu xin cảnh sát chống bạo động ngừng bắn hơi cay. Mặc dù đã 85 tuổi, ông Wong vẫn thường có mặt tại các trận chiến trên đường phố ở Hồng Kông, đứng giữa các sĩ quan chống bạo động và những người biểu tình, với hy vọng ngăn cản bạo lực leo thang từ hai phía. Ông Wong nói với hãng tin AFP: "Tôi thà ngã xuống còn hơn nhìn bọn trẻ bị đánh đập. Chúng tôi đã già, còn những đứa trẻ là tương lai của Hồng Kông."

Nghiên cứu của các học giả chỉ ra rằng một nửa số người biểu tình trên đường phố từ 20-30 tuổi, và 77% có bằng cấp. Phong trào nhận được sự ủng hộ rộng rãi trên toàn cộng đồng với các luật sư, bác sĩ, y tá, giáo viên và công chức, mà đặc biệt hơn cả là một nhóm người cao tuổi, được mệnh danh là “đội quân tóc bạc”. Ông Wong và người bạn thân "ông ngoại Chan" (73 tuổi) là hai trong số những người hoạt động tích cực nhất của nhóm "Bảo vệ trẻ em", bao gồm hầu hết là người già và tình nguyện viên. Hầu như mỗi cuối tuần, họ ra ngoài để cố gắng hòa giải cảnh sát và người biểu tình, cũng như “câu giờ” khi cảnh sát tiến hành truy quét.

“Bảo vệ bình yên”

Khi luồng hơi cay tràn xuống một đại lộ ở Vịnh Causeway, ông Chan nắm chặt tay ông Wong, ngăn đồng đội của mình quay lại cuộc chiến. Dù nhóm "Bảo vệ trẻ em" hoạt động chủ yếu để bảo vệ thanh niên, ông Wong luôn cố gắng khuyên giải những người biểu tình không khiêu khích cảnh sát. Ông nhận xét: "Thật sai lầm khi ném đá, đó là lý do tại sao cảnh sát đánh họ. Mọi người nên giữ hòa bình để bảo vệ các giá trị cốt lõi của Hồng Kông".

Hơn ba tháng đối đầu mang đến những cơn giận dữ ngày càng leo thang, với một số ít người biểu tình mặc đồ đen sử dụng bom xăng, ná cao su và gạch. Cảnh sát cũng đã tăng cường bạo lực, triển khai các vòi rồng, dùng đến hơi cay và đạn cao su. Khoảng 1.100 người đã bị bắt, từ trẻ em từ 12 tuổi đến một người đàn ông ngoài bảy mươi. Nhiều người đang phải đối mặt với cáo buộc bạo loạn, với mức án lên đến 10 năm tù.

“Bảo vệ tương lai”

Ông Wong nói rằng ông hiểu tại sao những người trẻ tuổi cảm thấy họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc biểu tình phản đối. Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đại lục trở nên giàu có, quyền lực hơn và độc đoán trong cách tác động đến đặc khu.

Roy Chan, người tổ chức nhóm "Bảo vệ trẻ em", cho biết ông tôn trọng những gì người già làm nhưng thất vọng khi họ phải đứng lên vì cộng đồng. Ông Roy nói: "Những người lớn tuổi nên có một cuộc sống tốt ở nhà trong những năm cuối đời. Nhưng giờ họ phải tham gia một cuộc chiến và bảo vệ giới trẻ".

Sự hiện diện của ông Wong tại cuộc biểu tình ở Vịnh Causeway kết thúc khi cảnh sát chống bạo động tiến đến khu mua sắm vốn sầm uất. Nhưng ngày hôm sau, ông xuất hiện trở lại, lần này tại một cuộc biểu tình gần sân bay của thành phố. Ông Wong hô to: “Về nhà đi các bạn trẻ. Hãy để người già chăm sóc bạn".

Ngọc Hạ (Theo CNA, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI