Những kẻ bất lương mang "khuôn mặt thiên thần"

12/05/2020 - 12:20

PNO - Để diễn ra hành vi tham ô tiền chăm nuôi trẻ là sự bất nhẫn, vô đạo của những người lớn lành lặn và cả người… làm lớn có trách nhiệm.

Từ năm 2018 đến hết tháng 4/2019, Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè đã để ngoài sổ sách tiền, hiện vật nhận từ thiện quy giá trị là hơn 1,1 tỷ đồng; trong đó, hơn 760 triệu đồng đã được cán bộ, nhân viên của trung tâm này chia chác - kết luận của Thanh tra TPHCM vừa công bố.

Vậy là sau vụ việc nhân viên Phòng Quản lý hồ sơ - Giáo dục tư vấn của Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM bị bắt vì hành vi dâm ô trẻ em ngay tại trung tâm vào tháng 11/2019, thì nay là hành vi tham ô của cán bộ, nhân viên tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. Cả hai trung tâm đều trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, là những đơn vị có tính chất hoạt động tương trợ xã hội, là “ngôi nhà” của người yếu thế, tàn tật, không may, bị bỏ rơi…

Đã lang thang, cơ nhỡ; đã tàn tật mồ côi là đã một lần khốn khó, bất hạnh. Vậy mà bị chính kẻ đội lốt bảo bọc, trợ giúp dọa dẫm, dâm ô; bị những người mang khuôn mặt “thiên thần” thản nhiên tước đoạt khẩu phần chăm lo. Bất hạnh thì muôn mặt. Nhưng sự bất lương, tham lam, độc ác, trước đối tượng là trẻ lang thang, trẻ tàn tật mồ côi thì chỉ có một. Đừng biện minh, lấp liếm, che đậy. Sau lớp vỏ bọc đẹp đẽ, ra vẻ mẫn cán kia, một khi quý vị chà đạp thân thể người khác trong cơn say bản năng hay mặc quyền và tha hồ chia chác đồng tiền nhân ái, hiện vật từ thiện thì quý vị chính là những kẻ tàn tật nhân cách, tha hóa đạo đức. Nhân danh ai mà đòi “bảo trợ”, núp bóng ai để lén lút ăn trên ngồi trốc mà nhận “hỗ trợ”.

Nhiều sai phạm tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, trong đó có việc tiền từ thiện bị để ngoài sổ sách rồi chia chác
Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè - nơi tiền chăm nuôi trẻ bị những người có trách nhiệm tại đây ăn chặn

Sau vụ việc nhân viên xã hội dâm ô trẻ em gái, ông giám đốc sở có phát biểu: “Sự việc xảy ra ở Trung tâm hỗ trợ xã hội là sự đau đớn của sở. Chúng tôi không bao che, dung túng cho cán bộ, nhân viên làm sai”. Ông giám đốc cũng cho biết là đã yêu cầu các cơ sở bảo trợ xã hội phải hoàn thiện hệ thống camera, nơi nào thiếu thì phải bổ sung để hỗ trợ giám sát, hạn chế tiêu cực.

Camera có giám sát được thứ bản năng thú tính của tay nhân viên để ít nhất, không dưới hai lần, cô bé đáng thương kia bị dày vò thể xác, trong khi việc cắt đặt, sắp xếp, bố trí, theo dõi, kiểm tra công việc tại trung tâm đã bị bỏ phế, buông lỏng trong suốt thời gian dài.

Camera có soi thấu những bôi xóa, ngụy tạo các con số trong - ngoài sổ sách, có “quét” qua được toan tính chia chác lẫn nhau, trong khi việc kiểm tra, đối chiếu thu - chi nếu được siết chặt, minh bạch thường xuyên, công khai thì đã không dằng dai sai phạm.

Để xảy ra hành vi dâm ô trẻ, là “sự đau đớn” cho trẻ, cho chút lương tri làm người lớn còn sót lại.

Để diễn ra hành vi tham ô tiền chăm nuôi trẻ là sự bất nhẫn, vô đạo của những người lớn lành lặn và cả người… làm lớn có trách nhiệm.

Tất cả những ai đã từng một lần đến Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, nhìn và thấu cảm những ánh mắt, đôi tay hay bất cứ một chuyển động - không lời nào từ những “thiên thần mắc đọa”, sẽ trào lên sự phẫn nộ với thói chia chác kia, mà ngẫm ra cái chát đắng, à thì ra, “ăn không từ cái thứ gì”, ăn của bất cứ ai, kể cả đó là quà tặng dành cho trẻ tàn tật...

Ái Mỹ

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
  • Đạt Cao 15-05-2020 10:19:24

    Sự việc đúng – sai như thế nào hãy để cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân định, nhưng bên cạnh đó không thể phủ nhận công lao cực khổ của những người làm việc tại các trung tâm bảo trợ xã hội đã hết lòng chăm sóc cho các bé, phải đến tận nơi mới thấy rằng nuôi dưỡng trẻ bình thường đã khó, chăm sóc các cháu khuyết tật, thiểu năng, tâm thần bị gia đình ruồng bỏ… càng khó hơn và cực nhọc như thế nào, có những cô hoàn cảnh rất khó khăn, một số mạnh thường quân ngoài hỗ trợ cho các cháu cũng có nhã ý muốn hỗ trợ ít gạo, mì tôm …để tiếp sức, tạo động lực cho các cô nuôi dưỡng các cháu tốt hơn.

  • Cao Thế Đạt 15-05-2020 09:56:16

    Sự việc đúng – sai như thế nào hãy để cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân định, nhưng bên cạnh đó không thể phủ nhận công lao cực khổ của những người làm việc tại các trung tâm bảo trợ xã hội đã hết lòng chăm sóc cho các bé, phải đến tận nơi mới thấy rằng nuôi dưỡng trẻ bình thường đã khó, chăm sóc các cháu khuyết tật, thiểu năng, tâm thần bị gia đình ruồng bỏ… càng khó hơn và cực nhọc như thế nào, có những cô hoàn cảnh rất khó khăn, một số mạnh thường quân ngoài hỗ trợ cho các cháu cũng có nhã ý muốn hỗ trợ ít gạo, mì tôm …để tiếp sức, tạo động lực cho các cô nuôi dưỡng các cháu tốt hơn.

  • Lê Ngọc Phương Nhi 14-05-2020 17:15:00

    công việc của các cô rất vất vả . Các nhà hảo tâm luôn đồng hành cùng CBCNV để chăm lo cho các cháu mồ côi khuyết tật tốt hơn .

  • nguyenvanthin 14-05-2020 15:10:42

    những ttbt này là rất hay và đầy tính nhân văn của xã hội.chỉ tiếc là do yếu tố con người thôi,làm sao để chọn được người có đủ tâm đức hoặc những người thật tâm thiện nguyện thì mới đảm trách được vấn đề này.đừng để vì quá nhiều những con sâu mà phải đổ đi nồi canh.

  • Nguyễn văn Trung 14-05-2020 12:58:12

    Đúng ra phóng viên nên đến Trung tâm xem các cháu được các cô chăm sóc ngày đêm ra sao .Nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ cho trung tâm và một phần nhỏ đông viên khích lê các cô như gạo,mì gói. ..Thật buồn các cô lại bị đánh giá là những kẻ bất lương

  • nguyen huu phuoc 13-05-2020 23:07:44

    cam on nha bao da phang phui nhung tieu cuc va nho cong an vao cuoc ai dung ai sai thi se luan phat trung tri

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI