Những hộp cơm… gây sốt
Những ngày qua, không khí nhận cơm thiện nguyện ở Bệnh viện Dã chiến số 7 (TP.Thủ Đức) sôi động hơn hẳn. Ai cũng háo hức chờ đợi xem họ có phải là người “đặc biệt” hay không. Đặc biệt ở đây không phải phần nhiều hơn, thức ăn ngon hơn mà chính là những dòng chữ “tặng kèm” được nắn nót viết, đôi lúc có thêm những hình vẽ ngộ nghĩnh đầy màu sắc.
Phần lớn chúng là những câu thơ lục bát với nội dung đa dạng ca ngợi tình thương, sự đoàn kết trong dịch bệnh, nỗi nhớ nhung của người đi chống dịch: “Cơm này không tính bằng tiền/ Quy ra tình cảm cả miền yêu thương”, “Hương hoa ướp tóc em bồng/ Hương cơm ướp vạn tấm lòng từ bi”... hoặc những câu bông đùa, tình tự: “Bánh mì phải có pa-tê/ Ăn cơm thì phải nhớ mê người làm”, “Hộp cơm thơm thảo hương quê/ Mong cho hết dịch mình về với nhau”...
Ai nhận được những phần cơm đặc biệt đều bất ngờ, đọc cho cả phòng hoặc nhóm cùng nghe. Những tiếng cười cũng từ đó bật ra, góp phần xoa dịu bầu không khí căng thẳng ở nơi cuộc chiến giành giật lại mạng sống diễn ra mỗi giờ, mỗi ngày.
“Cơm chữ” là từ khóa được tìm kiếm rất nhiều trên mạng xã hội thời gian qua. Hàng loạt fanpage đăng lại hình ảnh những hộp cơm chữ được hàng ngàn người yêu thích, chia sẻ, bình luận. Tài khoản Nhật Trang viết: “Có lẽ khi nhận được những hộp cơm như thế này, việc ngon, dở không còn là vấn đề. Tình thương sẽ giúp người ăn cảm thấy ngon miệng hơn”. Chị Diễm Thúy bày tỏ: “Tình thương đong đầy qua mỗi hộp cơm. Hoàn cảnh có khắc nghiệt thế nào cũng không ngăn được sự lạc quan, niềm vui, hy vọng sống mãnh liệt của con người”.
Chủ nhân những hộp cơm đáng yêu này là anh Phạm Phúc Lợi, một trong những thành viên điều hành bếp cơm từ thiện đặt trong khuôn viên Trường đại học Nguyễn Tất Thành. Anh cũng là giảng viên Khoa Du lịch và Việt Nam học của trường, đồng thời là một nhiếp ảnh gia có tiếng trong làng thời trang Việt với nghệ danh Kiếng Cận.
Sống tử tế, có ích từ những điều nhỏ nhất
Hơn 22 giờ, khi thành phố chuẩn bị chìm vào giấc ngủ cũng là lúc anh Lợi và các cộng sự hoàn thành công việc bếp núc của một ngày dài. Anh thở một hơi như để trút hết mệt nhọc, cười: “Ngày nào cũng vậy, đến giờ này chúng tôi mới xong việc. Cực nhưng vui vì chúng tôi biết ngoài kia có rất nhiều người đã được no bụng”.
Dịch bệnh bùng phát khiến công việc của anh Lợi dở dang hàng loạt. Người thân của anh cũng kẹt lại TP.HCM với đầy trăn trở về gia đình ở quê. Song, cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều mảnh đời đang oằn mình trước dịch bệnh, họ quyết định góp tay xoa dịu những vết thương, tiếp thêm sức mạnh để cùng Sài Gòn chống dịch.
Bếp ăn từ thiện là lựa chọn đầu tiên, bởi anh Lợi và người thân hiểu việc no bụng là nhu cầu tối thiểu trong thời điểm này. Sau khi giúp sức tại bếp Suối mát từ tâm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), anh và người thân chuyển sang tiếp sức cho bếp ăn tại Trường đại học Nguyễn Tất Thành, khi các thành viên nơi đây có dấu hiệu đuối sức. Nhân lực có hạn nên công việc khá áp lực, vì mỗi ngày họ phải đảm nhận từ 300 - 500 phần cơm. “Chứng kiến sự hy sinh của tuyến đầu, chúng tôi thấy sự đóng góp của mình nhỏ bé vô cùng, từ đó lại động viên nhau cố gắng, anh nói.
Dịch bệnh đã tạo nên những khoảng cách vô hình khiến con người xa cách nhau. Người nấu không biết người nhận là ai và ngược lại. Vì thế, Lợi nghĩ: “Sao không tạo nên một sợi dây kết nối để mọi người xích lại gần nhau hơn?”. Anh in những câu chúc ngon miệng, chúc bình an dán lên hộp cơm, túi bánh. Lần theo hashtag được để lại, nhiều người tìm đến anh để bày tỏ niềm vui, lời cảm ơn. Anh chợt nghĩ: “Đây chỉ là thông điệp được in hàng loạt mà họ đã vui như thế thì khi nhận được một phần cơm như được chuẩn bị cho riêng mình, niềm vui hẳn sẽ nhiều hơn”.
Anh quyết định viết tay các lời chúc. Từ kinh nghiệm tham gia, tổ chức nhiều chuyến thiện nguyện về các vùng cao, Lợi nhận ra rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, sự lạc quan, niềm vui luôn là một trong những liều thuốc hữu ích. Với óc hài hước sẵn có, anh bắt tay vào việc sáng tác những câu thơ dí dỏm.
Ban đầu, anh thử với 30 trên tổng số 300 hộp cơm. Sau hai ngày, qua Zalo, Facebook, hàng loạt tin nhắn đổ về, trong đó có rất nhiều lời cảm ơn từ bệnh nhân: “Thật sự tôi cảm ơn rất nhiều. Tôi ăn cơm hôm nay vui hơn rất nhiều và có thêm niềm tin để chiến đấu với bệnh tật”, “Nếu không có hoàn cảnh này, không biết bao giờ tôi mới nhận được những dòng chữ viết tay như thế. Xin cảm ơn tấm lòng của mọi người”... Thậm chí, y, bác sĩ cũng thích thú, “phân bì”, hỏi anh vì sao họ không có “cơm chữ”.
Ban đầu, mỗi ngày anh dành 45 phút để trang trí cho 30 hộp cơm. Trước nhu cầu ngày càng cao từ “thị trường”, anh phải viết nhiều hơn để kịp đáp ứng, kéo thời gian dành cho việc này lên gần gấp đôi. Anh nhờ thêm người thân, bạn bè tiếp sức, suy nghĩ những ý thơ, sau đó chỉnh lại cho phù hợp với tinh thần của gian bếp. Nhờ sự lan tỏa của cộng đồng mạng, bếp ăn từ thiện này được nhiều người chung tay. Có đơn vị đã tặng cho Bếp yêu thương loại hộp cơm tự phân hủy thân thiện môi trường. Có bác sĩ, người quen lại giới thiệu mạnh thường quân hỗ trợ trứng, rau cho bếp.
|
Mỗi ngày, anh Phạm Phúc Lợi luôn dành thời gian viết tay các câu chúc để mang đến niềm vui và động viên cho những người nhận được cơm |
“Việc tôi và các cộng sự làm không quá lớn nhưng vẫn có thể tác động đến cộng đồng. Điều đó đủ để chúng ta càng tin rằng hãy sống đẹp, tử tế từ những điều nhỏ nhất. Giữa một mảnh đất khô cằn, chỉ cần một mầm xanh hé nở vẫn đủ gieo vào lòng người niềm hy vọng”, Phạm Phúc Lợi tâm sự.
Sức mạnh tập thể
Ý tưởng của cá nhân đã tạo nên màu sắc khác biệt cho bếp ăn này, nhưng nội lực vẫn phải từ sức mạnh tập thể. Đó là điều anh Lợi nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong câu chuyện. Bếp ăn khởi phát từ tình thương của những thầy cô dành cho sinh viên của trường, rồi mở rộng đến những nơi cần trợ giúp. Ở đó, ngoài anh Lợi và người thân còn có những thầy cô vừa giảng dạy, vừa lo chuyện bếp núc. Áp lực lớn nhất là thời gian. Người này bận việc, người kia lập tức thế chỗ để đảm bảo bếp được vận hành trơn tru. Đó là chuyện của anh đầu bếp chấp nhận xa vợ con hàng tháng ròng, trụ lại bếp nhằm đảm bảo an toàn. Có người cũng sẵn sàng từ bỏ cơ hội việc làm để gắn bó với nơi đây chờ ngày Sài Gòn khỏe lại.
Họ cùng làm việc, xem nhau như một gia đình. Mỗi ngày của họ thường bắt đầu từ 6 giờ. Sau khi kết thúc công việc vào khoảng 18 - 19 giờ, họ cùng nhau tập thể thao. Trước khi đi ngủ còn tâm sự chuyện nghề, chuyện đời. Anh Lợi vẫn nhớ như in câu chuyện người thân của một thành viên trong bếp ăn nuôi tóc dài, rồi cắt tóc bán để lấy tiền làm từ thiện. Họ nhận ra rằng lòng thiện, những sự tốt đẹp vẫn tồn tại xung quanh.
Những ngọn lửa trong căn bếp sẽ tắt đi khi Sài Gòn dần “khỏe” lại. Anh Lợi cho biết hiện các thành viên trong bếp đã lên kế hoạch hỗ trợ sinh viên khó khăn sau dịch để các bạn tiếp tục đến trường. Hành trình gieo yêu thương vẫn tiếp tục.
Trung Sơn
Ảnh nhân vật cung cấp)