Những "hòn vọng phu" can trường ở Lý Sơn

02/07/2014 - 11:39

PNO - PNO - Kế tục truyền thống qua bao thế hệ cha ông, những ngư dân Lý Sơn ngày nay đang giong thuyền vượt biển ra khơi, không chỉ mưu sinh mà họ còn thực hiện sứ mệnh cao cả là giữ gìn vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đằng sau những ngư dân can trường ấy có bóng dáng của những người phụ nữ cả đời tần tảo lo cho chồng con. Không xuống thuyền ra biển nhưng họ chính là chỗ dựa tinh thần quan trọng để những ngư dân có niềm tin, nỗ lực vượt qua phong ba bão tố.

Nhung
Ngày ngày những người phụ nữ Lý Sơn vẫn dõi mắt ra biển đợi chồng trở về 

Nhung

Những ngày này, khi tình hình biển Đông diễn biến phức tạp khiến bà con ngư dân Lý Sơn nói riêng, Quảng Ngãi nói chung luôn phải đối mặt với muôn vàn bất trắc và hiểm nguy. Tinh thần thép của những ngư dân can trường trên hòn đảo tiền tiêu Lý Sơn đã được báo chí nhắc đến nhiều, nhưng ít ai biết đến hậu phương của họ, những người phụ nữ có sức sống mãnh liệt, can trường không kém những người đàn ông đứng mũi chịu sào của họ.

Chị Nguyễn Thị Nở, ngụ thôn Đông, xã An Hải, 5 năm lấy chồng chị chỉ vò võ, một mình nuôi dạy con cái, cáng đáng nhà cửa ruộng vườn. Chồng chị là ngư dân Bùi Văn Phải, quanh năm đạp sóng bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa. Mỗi năm họa hoằn anh mới có mặt ở nhà dăm ba bữa, nhiều lần bị tàu Trung Quốc uy hiếp, đập phá ngư cụ, cướp tài sản, bắn cháy tàu cá, khiến gia cảnh chị Nở, từ chỗ có của ăn của để nay lâm vào cảnh nợ nần chồng chất hàng trăm triệu đồng. Những cú sốc suýt làm chị gục ngã, quần quật quanh năm suốt tháng bên đàn con nhỏ và ruộng tỏi nhưng không một lời kêu ca, bởi chị biết rằng biển cả đã gắn bó máu thịt đối với chồng chị. Chị Nở bộc bạch: “Nhiều lần tôi khuyên chồng chuyển đổi ngư trường hoặc chuyển nghề nhưng anh ấy đều gạt đi và cho rằng, Hoàng Sa là của tổ tiên ông bà mình nên anh không thể bỏ, còn sức thì còn ra Hoàng Sa”.

Nhung
Những người phụ nữ Lý Sơn ngày đêm phụ chồng lặn lội mưu sinh 

Còn chị Nguyễn Thị Xí, ở thôn Đông, xã An Hải, có chồng là lão ngư dân Nguyễn Đảng, cả đời gắn bó với biển cả nhưng nghiệt ngã thay, ông đã bỏ xác nơi biển Hoàng Sa cùng 5 bạn chài khác. Chồng mất, chị Xí bất đắc dĩ trở thành trụ cột gia đình, không biết phải làm gì để nuôi đứa con đang tuổi ăn tuổi học, trang trải hết nợ nần mà người chồng xấu số để lại. Nuốt nỗi đau vào lòng, người phụ nữ ấy vẫn khẳng định nếu chồng mình sống lại chị vẫn động viên anh ra Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là quần đảo của Tổ quốc, là máu thịt của quê hương mà mỗi ngư dân như ông Đảng, ngoài chuyện mưu sinh còn có trách nhiệm gìn giữ. “Khi còn sống, chồng tôi nói đảo Hoàng Sa là của mình, bao đời nay ông cha ta đã đổ xương máu để gìn giữ, cho nên mình cứ ra đó để làm kinh tế và gìn giữ đảo cho tròn trách nhiệm của lớp hậu sinh đối với tiền nhân. Nếu sau này con tôi lại đi biển kiếm sống, tôi vẫn tiếp tục cho con ra Hoàng Sa” - chị Xí nói.

Như mọi phụ nữ miền biển khác, phụ nữ Lý Sơn không đi biển, nghề chính của họ là trồng hành, trồng tỏi. Đây là thu nhập chính trong những ngày chồng con của họ đằng đẵng ngoài biển cả. Tỏi Lý Sơn cay thơm dịu bởi được trồng trên vùng đất núi lửa phun trào cách đây hàng ngàn năm. Không những thế, tỏi nơi đây còn có vị mặn được tích tụ từ những giọt mồ hôi, nước mắt của những người phụ nữ đảm đang.

“Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm” - câu thơ từ thời xa xưa đã nói lên tâm trạng của nhiều người vợ, người mẹ ở Lý Sơn. Thế nhưng vượt qua tất cả, những hòn vọng phu thời nay, như Chị Nở, Chị Xí và hàng ngàn phụ nữ Lý Sơn khác cùng chung tâm niệm hướng về phía trước. Bởi ngoài truyền thống can trường của những ngư phủ thì trong lòng họ luôn có tiếng nói từ trái tim, sẵn sàng chấp nhận khó khăn gian khổ khi hiểu rằng: chồng con mình vươn khơi, ngoài việc mưu sinh còn mang một sứ mệnh cao cả, đó là gìn giữ vùng biển đảo thân yêu của quê hương.

Ánh nắng buổi chiều le lói phía tượng đài Hải đội Hoàng Sa, cầu cảng Lý Sơn lại nhộn nhịp và rộn rã tiếng máy tàu của ngư dân chuẩn bị cho hành trình vươn khơi bám biển. Những lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh hiên ngang phất phới bay trên mũi tàu trực chỉ Hoàng Sa. Những người đàn ông vươn khơi mang theo niềm tin, niềm hi vọng cho một chuyến biển thành công và trên đất liền đâu đó có bóng dáng của những “hòn vọng phu” ra tiễn biệt và ngóng đợi chồng con trở về.


VĂN MỊNH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI