Những học sinh vượt qua nghịch cảnh - Bài cuối: Trở lại trường để tương lai rộng mở

12/11/2021 - 07:32

PNO - Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học giữa chừng quyết tâm trở lại trường lớp khi theo học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên và đã đạt được những kết quả đáng ngưỡng mộ.

 

Báo Phụ Nữ TPHCM vừa đăng tải loạt bài Những học sinh vượt qua nghịch cảnh. Nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự ngưỡng mộ về nỗ lực của các nhân vật khi quyết tâm vẽ lại cuộc đời mình từ hệ giáo dục thường xuyên. Để hiểu hơn về môi trường học tập này, chúng tôi đã trò chuyện cùng ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (TPHCM) - nơi có nhiều học sinh vượt qua nghịch cảnh để trưởng thành.

ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (TPHCM)
Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (TPHCM)

Phóng viên: Tâm lý ngại ngần, cực chẳng đã mới vào học hệ giáo dục thường xuyên bởi môi trường này lâu nay gắn với quan niệm… “học vớt” và là nơi đón nhận phần lớn học sinh quậy phá, học kém. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Đỗ Minh Hoàng: Quan điểm này thực ra không mới, thậm chí phổ biến của nhiều người. Thực tế, hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) tạo điều kiện để mọi người dân được học tập suốt đời, cập nhật thông tin, kiến thức, kỹ năng… Việc tổ chức giảng dạy chương trình THPT trong các trung tâm GDTX hiện nay tạo thêm cơ hội để học sinh được tham gia học tập chương trình văn hóa bậc trung học, đồng thời góp phần phân luồng học sinh sau THCS. Tôi cho rằng, mỗi học sinh sẽ có một năng lực khác nhau, do đó khi ta tạo điều kiện cho các em tiếp cận được môi trường phù hợp nhằm phát huy sở trường, năng khiếu thì các em sẽ thành công trong tương lai. 

* Hệ học này cũng sẽ đón nhận nhiều học sinh được xem là “cá biệt”, không ngoan. Dưới góc độ sư phạm, ông có những “đối sách” nào để nâng bước các học viên này?

- Bước vào môi trường hệ GDTX, mỗi em đều mang theo một câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau. Không phải tự nhiên mà có em quậy phá, khó gần hay có hành vi không như mình mong muốn. Còn nhớ cách đây ba năm, khi tôi mới nhận công tác ở trường, có một học sinh lớp 10 thường xuyên đi học trễ. Khi tôi mời phụ huynh và học sinh lên làm việc thì hai mẹ con đổ lỗi cho nhau. Tôi phải cùng phụ huynh và học sinh đó tìm ra giải pháp để học sinh không trễ giờ đến trường trong những ngày mẹ không thu xếp được. 

Một tình huống khác, có một em tiếp thu bài rất nhanh, đặc biệt các môn tự nhiên nhưng chỉ học khi thích và thường mất tập trung. Giáo viên nhắc nhở, phê bình, học sinh không bao giờ tỏ thái độ, mà chỉ vâng dạ và cười. Tôi tìm hiểu lý do, mới biết hoàn cảnh học sinh đó, do mẹ đi bước nữa. Cha dượng hay đánh mắng cả mẹ lẫn con không cần lý do. Không thể chia sẻ, em đành chịu đựng, lâu dần em chỉ có thể phản kháng bằng im lặng và nụ cười cam chịu.

Khi biết được hoàn cảnh, thầy cô và cả tôi đã chia sẻ, nói chuyện, động viên em rất nhiều. Kết thúc năm lớp 10, em đạt học lực khá. Người mẹ khi gặp tôi đã hồ hởi rằng trong cuộc đời học tập của con, đây là lần đầu con đạt học sinh tiên tiến. Cả hai năm học sau đó, em đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và đã tốt nghiệp THPT. 

Chúng tôi thống nhất quan điểm: không có học sinh kém, chỉ có phương pháp giáo dục chưa phù hợp. Không cứng nhắc áp dụng trách phạt khi học sinh có lỗi, mà tìm cách giúp đỡ các em nhận ra lỗi. Ở trường tôi, vào đầu cấp, hầu như học sinh không biết chào hỏi, hiếm khi mỉm cười với thầy cô. Nhưng, tôi yêu cầu tất cả giáo viên khi gặp học sinh thì nên cười và chào các em trước. Rất nhiều học sinh của chúng tôi không có cơ hội nhận được nhiều nụ cười, nhận được sự tôn trọng của người lớn. Do đó, khi thầy cô mở lòng, gần gũi, tôn trọng các em; các em sẽ mở lòng với thầy cô… 

Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học giữa chừng quyết tâm trở lại trường lớp khi theo học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên và đã đạt được những kết quả đáng ngưỡng mộ
Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học giữa chừng quyết tâm trở lại trường lớp khi theo học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên và đã đạt được những kết quả đáng ngưỡng mộ

* Xin ông chia sẻ về hướng đi của học sinh khi theo học hệ GDTX?

- Tôi rất tâm đắc tuyến bài Những học sinh vượt qua nghịch cảnh, với nhiều nhân vật thông qua hệ GDTX đã chạm đến giấc mơ của mình. Tại Trung tâm GDTX Chu Văn An, tất cả học sinh đều được học hai chương trình, một là phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo có bổ sung chương trình tiếng Anh bốn kỹ năng; chương trình tin học ứng dụng theo khung của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hai là chương trình trung cấp nghề được cấp bằng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ngoài ra được tổ chức tập luyện thể thao ba năm ba môn: cầu lông, bóng rổ và judo tự vệ. 

Hết năm lớp 11, học sinh sẽ thi để có bằng trung cấp nghề, hết lớp 12 thì dự thi tốt nghiệp THPT. Với hai tấm bằng đó, học sinh có thể tiếp tục vào học tại các trường đại học, cao đẳng hoặc học liên thông chương trình đại học, cao đẳng từ bằng trung cấp nghề. Các em cũng có thể đi làm ngay với bằng trung cấp nghề, các chứng chỉ Anh văn, tin học đạt được trong chương trình phổ thông tại trung tâm. Tùy hoàn cảnh, các em cũng có thể vừa đi làm vừa học trực tuyến để có bằng đại học thông qua một số trường đại học do nhà trường liên kết…

Với nhiều giải pháp, phương pháp giảng dạy, cùng sự tận tâm của giáo viên, tôi tin rằng cánh cửa vào đời của các em sẽ rộng mở hơn.

* Xin cảm ơn ông! 

 Tuyết Dân (thực hiện)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI