Chỉ còn vài tháng nữa là Nguyễn Thị Thanh Xuân (SN 1998) tốt nghiệp Trường đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương). Mong ước của em là được trở về trường xưa để giảng dạy. Mái trường thân thương đó đã dìu đỡ và chứng kiến Xuân vượt qua những giới hạn của mình.
Tuổi thơ trụ cột
Năm 2012, Xuân đang học lớp Bảy thì mẹ đổ bệnh, qua đời. Một mình ông Nguyễn Thành Hưng, ba Xuân, với một cánh tay đã mất, chật vật mưu sinh, không đủ sức lo cho các con ăn học. Xuân quyết định nghỉ học, cùng ba chèo gánh mái gia đình. Mỗi đêm, tầm một giờ sáng Xuân thức dậy, theo ba rời nhà trọ từ H.Hóc Môn về chợ Cầu Ông Lãnh, Q.1, bán trứng gia cầm, rồi nhận đi giao hàng cho các cửa tiệm. Ban ngày, Xuân phụ việc cho một quán cà phê để kiếm thêm thu nhập.
Hơn một năm ròng rã rời xa sách đèn, nhưng ước muốn sẽ một lần nữa khoác chiếc cặp đi học chưa bao giờ rời bỏ cô bé tuổi mười lăm. Một hôm, Xuân nói với ba rằng em vẫn còn thời gian rảnh, là khoảng trống từ 17g đến nửa đêm, có thể tự học hoặc tham gia một lớp học nào đó.
Thương con vất vả, nhưng ông Hưng cũng vui mừng trước nghị lực của Xuân. Sáng hôm sau, ông đến Trường THCS Đông Thạnh ghi danh cho con gái đi học lại hệ bổ túc. Để con đường học tập được yên ả, Xuân cố gắng làm việc nhiều hơn để sao cho, số tiền công nhận được từng ngày đủ giúp ba trang trải các chi tiêu thường nhật, đóng tiền thuê trọ mỗi tháng. “Quãng đó rất vất vả nhưng em hạnh phúc vì buổi tối được đến lớp, theo đuổi con chữ và gặp gỡ bạn bè, thầy cô”, Xuân nói.
|
Nguyễn Thị Thanh Xuân bên chiếc xe máy cũ kỹ của ba để lại, khắc ghi những tháng ngày gian khổ |
Năm 2015, Xuân đang học lớp 11 ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên H.Hóc Môn thì một biến cố ập đến. Ba em qua đời chỉ sau bảy ngày kể từ lúc phát hiện bệnh ung thư. Xuân đau lòng nhớ lại: “Những ngày cuối đời, ba bệnh nặng điều trị ở bệnh viện mà em cũng không có nhiều thời gian để ở cạnh lo cho ba”. Nhờ người thân túc trực chăm sóc cho ba, phần mình, Xuân tối mặt đi lại lo cho người em trai và đi làm kiếm tiền trang trải viện phí cho ba, tiền sinh hoạt gia đình…
Ba mất rồi, căn phòng trọ nhỏ xíu được Xuân dành một khoảng trống kê chiếc bàn nhỏ làm chỗ thờ tự cha mẹ. Có lúc, nhìn cậu em mới mười tuổi, còn khờ khạo hỏi ba mẹ đâu, sao đi khám bệnh lâu về, Xuân chảy nước mắt. Cũng trong những ngày tháng côi cút đó, Xuân muốn nghỉ học. Em kể: “Trước khi mất, ba dặn em dù có thế nào cũng ráng lo thật tốt cho em trai, nên em muốn đi làm kiếm thật nhiều tiền để chăm sóc cho em trai tốt hơn”.
Lao vào công việc, trên chiếc xe máy cũ kỹ ba để lại, từ H.Hóc Môn, mỗi giữa đêm, Xuân một mình xuôi về Q.1 sớm hơn một chút để mong buôn bán được nhiều hơn. Em cũng choàng gánh những mối giao hàng của ba để lại. Tầm 6 giờ sáng trở về, Xuân tiếp tục phụ việc cho một quán cà phê gần chỗ trọ. Chiều muộn về đến nhà, em lo cơm nước, giặt giũ cho hai chị em. Bận bịu mưu sinh, nhiều ngày liền Xuân không đến lớp. “Một phần không thu xếp được để đi học đúng giờ, một phần em làm việc nhiều quá, buồn ngủ đến mức chạy xe mà ngủ gật, không tập trung học được”, em chia sẻ.
Chinh phục ước mơ
Cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt, giàu nghị lực, ham học và học giỏi vắng học quá nhiều ngày khiến thầy cô và bạn bè lo lắng. Ban Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên H.Hóc Môn cùng tập thể thầy cô đã gặp gỡ động viên, tạo điều kiện để giúp Xuân được tiếp tục học tập. Cô trò nhỏ nghị lực được nhà trường chọn vào đội tuyển tham gia kỳ thi học sinh giỏi THPT hệ giáo dục thường xuyên cấp thành phố môn lịch sử. Để tham gia kỳ thi, Xuân trải qua nhiều lần tranh đấu với bản thân, giữa những giấc ngủ chập chờn, giật mình vì cuộc sống thiếu trước hụt sau, đắp đổi bằng vay mượn bạn bè mỗi khi đến tháng đóng tiền trọ, học phí cho em… và giữa ước muốn tiếp tục đi học vẫn còn
trong lòng.
“Được thầy cô quan tâm, rồi nghĩ bản thân khó khăn cũng khó khăn rồi nên em cố gắng một lần nữa xem sao”, Xuân nói. Kỳ thi đó, Xuân đạt giải ba, trở thành niềm tự hào của thầy cô, nhà trường. Năm 2018, tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, Xuân khiến cho tất thảy thầy cô, bạn bè trầm trồ với kết quả đậu đại học chính quy. Em chọn theo học Trường đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương để tiện cho việc đi lại hằng ngày và được miễn học phí.
Gần bốn năm theo đuổi việc học, Xuân vẫn tiếp tục duy trì việc buôn bán, giao hàng mỗi đêm ở chợ Cầu Ông Lãnh.
Ngày đi học, buổi chiều tối em đi làm gia sư, kiếm tiền lo cho mình và cậu em trai hiện đang học lớp Chín. Xuân cũng lập gia đình với người bạn cũ. Anh Lê Ngọc Thành - chồng Xuân - hiện đang làm công nhân, luôn ủng hộ chuyện học hành của vợ. Họ vẫn sống trong căn phòng trọ chật chội của Xuân để tiện việc học cho Xuân và em trai. Từ đợt dịch thứ tư, họ về nhà anh Thành sống cùng ba mẹ và các em anh Thành cũng ở H.Hóc Môn.
|
Những ngày dịch bệnh, Xuân dành thời gian nấu bữa trưa cho gia đình |
Trên chiếc bàn thờ gia tiên, bà Thái Kim Tuyến - mẹ chồng Xuân - dành cho chị em em một góc nhỏ để thờ phụng cha mẹ. Bà Tuyến kể: “Tôi thương chị em Xuân như con cái trong nhà. Cuộc sống càng khó khăn, Xuân càng nghị lực. Như mọi bậc sinh thành, tôi mong đến ngày Xuân tốt nghiệp ra trường, cuộc sống tốt hơn, như cây trái gieo trồng đã đến ngày ra hoa kết quả”. Năm sau, Xuân tốt nghiệp. Mong ước của em là được trở lại mái trường xưa - Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên H.Hóc Môn để giảng dạy.
Xuân kể, chính trong những ngày học tại trung tâm và cả sau này, em bắt gặp rất nhiều ánh mắt dị nghị, sự kỳ thị dành cho các học sinh hệ giáo dục thường xuyên. Theo Xuân, hệ giáo dục thường xuyên ví như chiếc phao cuối cùng để các học viên bám trụ trong ước mơ được tiếp tục đèn sách. Hoặc họ không đủ điểm đậu THPT công lập hoặc vì hoàn cảnh, đã viết tiếp giấc mơ học hành của mình thông qua hệ giáo dục này.
Xuân muốn trở lại trường cũ giảng dạy để giúp đỡ các học viên, góp thêm một viên gạch trong bậc thang chinh phục tri thức cho những người ham học mà đâu đó, có thể muốn ngã gục trước khó khăn cuộc sống. “Trong khó khăn, ai cũng cần những lời động viên đúng lúc. Những lời động viên, nhắn nhủ có thể giúp mỗi người mở ra những giới hạn để kiên trì vượt khó. Giống như ba, như thầy cô đã từng đến với em kịp thời”, Xuân tâm niệm.
Bài 2: Trở lại trường sau gần 30 năm rời xa đèn sách
Giáo viên giáo dục thường xuyên tăng nhưng vẫn thiếu Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2020-2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở Giáo dục Thường xuyên đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học để đảm bảo hoàn thành chương trình đúng tiến độ và chất lượng. Năm học này, có 90,32% học viên giáo dục thường xuyên đã tốt nghiệp THPT (theo báo cáo sơ bộ kết quả thi đợt 1); kết quả tốt nghiệp THCS đạt tỷ lệ 99,7%. Song song với việc nâng cao chất lượng dạy học các chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và THPT, nhiều trung tâm đã tập trung phát triển các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn và từng bước đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của người dân. Công tác xây dựng xã hội học tập, xóa mù chữ cũng được hệ thống giáo dục thường xuyên tích cực thực hiện. Nhiều mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập đã phát huy hiệu quả. Theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2020-2021 quy mô và mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định. Cả nước hiện có 18.239 cơ sở giáo dục thường xuyên, tăng 782 cơ sở so với năm học trước. Hiện tại, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cơ bản ổn định so với năm học trước, với 18.705 cán bộ, nhà giáo. Trong đó, giáo viên dạy văn hóa tăng lên gần 1.300 thầy cô. Dù vậy, số lượng giáo viên biên chế của các cơ sở giáo dục thường xuyên vẫn ít (chiếm gần 64%), chưa đủ về số lượng và cơ cấu các môn học. |
Tuyết Dân