Nhạc kịch vốn là tổng hòa giữa nghệ thuật diễn xuất, âm nhạc và vũ đạo; đòi hỏi tài năng và tính sáng tạo cao, diễn viên phải giỏi ngoại ngữ, diễn xuất, hát lẫn nhảy múa. Vậy mà ở Hà Nội, toàn bộ diễn viên đang làm chủ sân khấu nhạc kịch đặc biệt đó lại là hơn trăm em học sinh, không ít em đang học ở “trường làng”, như phần lớn học sinh trên toàn quốc.
“Học” được cách… tè của chó
Tám tuổi, Lê Đặng Khánh Vân đảm nhiệm vai thứ chính trong vở nhạc kịch Không gia đình - chú chó Kapi, bạn thân của cậu bé Remy. Năm 2018, Khánh Vân cùng chị gái được mẹ đưa đến Nhà hát Tuổi trẻ để xem vở Matilda nổi tiếng. Matilda trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, với Khánh Vân, còn đặc biệt hơn những gì em được nghe và xem trích đoạn trên mạng, bởi trước mắt chị em Vân là các diễn viên người Việt, lại là những bạn nhỏ từ 6-14 tuổi, từ các trường học ở Hà Nội, diễn hoàn toàn bằng tiếng Anh. Khi đó, Khánh Vân, 7 tuổi, tiếng Anh còn bập bẹ.
|
Những học sinh “trường làng”, thông qua nhạc kịch, được rèn luyện khả năng ngoại ngữ, lối sống |
Tháng Một năm nay, đôi mắt Khánh Vân sáng rực khi nghe mẹ hỏi: “Đang có đợt tuyển diễn viên cho nhạc kịch Matilda và Không gia đình, con có muốn tham gia không?”. Vân gật đầu và theo mẹ đến địa điểm casting. “Các cô chú bảo cháu hát một bài tiếng Anh và làm mấy động tác nữa” - em kể. Hôm nhận vai diễn, Vân về nhà, tíu tít khoe: “Con đóng vai chú chó Kapi”. Chị Đặng Hiền nhìn con âu yếm: “Nhà mình chưa nuôi chó bao giờ, con có thấy vai đó khó không?”. Vân ưỡn ngực tự tin: “Có các thầy cô chỉ dạy, con sẽ làm được”.
Mấy hôm sau, Vân bất ngờ hỏi: “Mẹ có biết con chó tè như thế nào không?”. Chị Hiền gãi đầu gãi tai, Vân cười rinh rích: “Mẹ nhìn này”. Rồi em bò, giả làm chú chó, chân phải ghếch lên rồi hạ xuống cào cào mặt đất. Chị Hiền ôm bụng cười và hạnh phúc khi thấy con háo hức ở một sân chơi hoàn toàn mới.
Còn với Matilda, Phan Lê Thái An đóng vai nữ hiệu trưởng hung dữ, luôn ép học sinh vào quy định cứng nhắc. “Bà” Thái An phải học những bước đi đứng dữ dằn, tay luôn mang gậy và sẵn sàng xả vào học sinh những lời mắng nhiếc. Lúc đầu, An thấy thật khó, vì chưa bao giờ gặp phải một cô giáo “phản diện” như thế. Dần dần, An được hướng dẫn cách nhăn trán, vung tay, để thể hiện tính cách của bà hiệu trưởng dữ dằn.
Không chỉ là sân chơi
Matilda và Không gia đình là hai dự án được nhóm Sáng tạo HAY (Hanoi Arts for Youth) tổ chức. Ban đầu, HAY chỉ đơn giản muốn làm điều gì đó vui vẻ cho các bạn nhỏ, tạo môi trường để các em luyện khả năng tiếng Anh, cũng như thúc đẩy rèn luyện sáng tạo, thay vì dành quá nhiều thời gian cho máy tính, mạng xã hội… Nhưng ngay sau mùa đầu tiên, dự án đã thu hút sự đóng góp về trí tuệ, thời gian cũng như vật chất của cả học sinh và phụ huynh.
Chị Đặng Hiền “chạy xe máy rất kém, lái ô tô lại càng không biết”, nên những hôm chồng bận, mẹ con chị lại đi xe ôm đến nơi luyện tập, bất kể nắng mưa, ròng rã sáu tháng. Từ khi Khánh Vân tham gia Không gia đình, chị Hiền thấy hai cô con gái bình luận, trao đổi với nhau về nội dung cuốn tiểu thuyết, về các nhân vật nhiều hơn. Khả năng tiếng Anh của Vân cũng cải thiện rõ.
Từ những buổi làm việc tập thể ấy, một cách tự nhiên, Khánh Vân và các bạn ý thức được tính trách nhiệm, học được cách hòa đồng với người khác. Chị Đặng Hiền dành sự cảm phục cho những thầy cô đồng hành cùng con mình trong suốt sáu tháng.
“Nhà tôi hai đứa con gái mà nhiều lúc tôi còn “phát điên”. Ở đây, các thầy cô phải quản lý, dạy bảo cùng lúc mấy chục em. Tôi chứng kiến thầy Tùng (nghệ sĩ kịch câm Nguyễn Hoàng Tùng, biên kịch kiêm đạo diễn Matilda và Không gia đình) hoạt động như con thoi. Lúc nào bọn trẻ cũng ồn ào, nhưng chưa bao giờ Thầy nặng lời. Hai vở chia làm bốn nhóm, mỗi nhóm tập hai buổi/tuần. Phải là người thực sự yêu trẻ mới có thể đảm nhiệm được khối lượng công việc lớn như thế” - chị Hiền nói.
Chị Hiền cũng tâm sự: “Khánh Vân nhà tôi chỉ học “trường làng” bên Khương Thượng - Đống Đa (khi chị Hiền sinh ra và lớn lên, Khương Thượng vẫn là làng, có bốn xóm). Cùng một số bạn học trường công đứng trên sân khấu, biểu diễn bằng tiếng Anh như các bạn học trường quốc tế đã là niềm vui của cả gia đình rồi. Chưa kể, qua quá trình luyện tập và biểu diễn, con nhận thấy và học được ở nhân vật những điều tốt đẹp".
Là Giám đốc dự án, đồng thời là Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (ISEE), nhà báo Hoàng Hường cho biết, nhạc kịch khó, nhưng tiêu chí đầu tiên mà HAY lựa chọn không phải là các bạn diễn giỏi, hát hay, tiếng Anh cũng không cần quá xuất sắc, quan trọng nhất là các em có đam mê, yêu thích. Điều dự án hướng đến là cùng các em khai phá những điều còn ẩn chứa bên trong, thông qua không gian âm nhạc, lời hát và điệu nhảy.
“HAY chọn nhạc kịch vì tính kết nối, kích thích sáng tạo của nó sẽ giúp các em nhỏ nhiều nhất. Làm sao để các em tìm đến với mình, gắn bó với mình trong suốt nửa năm mà không bỏ, không vơi đi niềm yêu thích, không chán, không mệt? Nhạc kịch làm được điều đó” - bà Hường nói.
Uông Ngọc