Dũng sĩ chống vi trùng
Ngày 19/1/2021, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Huỳnh Thị Phương Liên - nguyên Trưởng khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cựu học sinh miền Nam, bác sĩ trên chiến trường khu V ngày nào, tác giả của 2 dòng vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản thế hệ 1 và 2 - đã được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
Những năm 1980, bệnh viêm não Nhật Bản lan rộng khắp nơi. Riêng ở Việt Nam, mỗi năm có 3.000-4.000 trẻ mắc bệnh này, tỉ lệ tử vong từ 20 - 30%, số sống sót cũng bị nhiều di chứng nặng. Thời điểm này, Nhật Bản sản xuất thành công vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản, chính phủ nước này trợ cấp 2 suất học bổng để phía Việt Nam cử cán bộ sang tập huấn, nhận chuyển giao quy trình sản xuất vắc xin.
|
Nguyên Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (bìa phải) trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Huỳnh Thị Phương Liên - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Tháng 5/1989, bác sĩ Phương Liên cùng cử nhân sinh học Đoàn Thị Thủy của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương được cử sang Viện Biken thuộc Đại học Osaka, Nhật Bản. Phía bạn yêu cầu các bác sĩ Việt Nam phải theo khóa học 12 tháng để tiếp nhận quy trình gồm 28 công đoạn với kỹ thuật cao, nhưng do kinh phí hạn hẹp, 2 người chỉ được cấp tiền đủ để theo học trong 1 tháng.
Để hoàn thành nhiệm vụ, bà Phương Liên tranh thủ đọc tài liệu, nghiên cứu không ngừng nghỉ trên giảng đường, trong phòng thí nghiệm. Khi trở về nước, bà đã cùng các đồng nghiệp ở Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương bắt tay thử nghiệm từng công đoạn của quy trình sản xuất. Sau hơn 1 năm miệt mài nghiên cứu trong điều kiện dụng cụ của phòng thí nghiệm cũ kỹ và lạc hậu, bà vẫn cùng đồng nghiệp sản xuất thành công 5 lô vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản đạt các thử nghiệm quy chuẩn.
Năm 1991, các lô vắc xin tiếp theo của viện được công nhận đạt 10 tiêu chuẩn của Nhật Bản, các đáp ứng kháng thể đạt 100%, có độ tinh khiết tối đa, an toàn và có chất lượng tương đương vắc xin của Nhật Bản. Với thành công này, cuối năm 1997, ngành y tế Việt Nam đã đưa vắc xin này vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em từ 1-5 tuổi trên cả nước.
Năm 2010, có quyết định nghỉ hưu nhưng giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phương Liên vẫn đề nghị được tiếp tục làm chuyên gia nghiên cứu theo diện hợp đồng cho Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế). Năm 2019, công trình nghiên cứu vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản bất hoạt trên tế bào vero (dòng vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản thế hệ 2) do bà làm chủ nhiệm đề tài đã được nghiệm thu cấp nhà nước. Năm 2021, dòng vắc xin này được sản xuất đại trà để phục vụ người dân và mang xuất khẩu.
Từ năm 1976 đến nay, bà Huỳnh Thị Phương Liên là tác giả và đồng tác giả của gần 120 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Ngoài nghiên cứu, bà còn đào tạo nhiều thế hệ cán bộ khoa học. Nghe chúng tôi ví bà là dũng sĩ chống vi trùng, bà cười hồn hậu: “Tôi được Nhà nước đào tạo và giao nhiệm vụ để trở thành người như vậy”.
Tiên phong làm kinh tế bằng nghiên cứu khoa học
Năm 20 tuổi, nhờ thành tích học tập và rèn luyện, Diệp Ngọc Sương - sinh năm 1942, nữ sinh Trường Học sinh miền Nam số 6 và số 4 - được kết nạp Đảng, sau đó được tuyển thẳng vào Khoa Toán, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Theo học một thời gian, bà xin chuyển sang Khoa Hóa để được học đúng lĩnh vực mình yêu thích.
Trong quá trình học, bà và ông Mai Xuân Quang - người gốc Huế, học trên bà 3 khóa - yêu nhau, sau đó thành vợ chồng từ năm 1966 khi bà tốt nghiệp, công tác tại Trường đại học Công nghiệp nhẹ, còn ông làm giảng viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau đó, bà được cử đi học và làm luận án tiến sĩ ở Tiệp Khắc, còn chồng làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Liên Xô.
|
Bà Diệp Ngọc Sương (thứ hai từ trái sang) cùng các nhà khoa học trẻ tại Công ty Sắc ký Tiên Phong - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Năm 1978, đôi vợ chồng tiến sĩ cùng trở về miền Nam. Bà nhận nhiệm vụ trưởng bộ môn hóa, Trường đại học Bách khoa TPHCM, còn ông làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu của Học viện Kỹ thuật quân sự. Sau đó, tiến sĩ Diệp Ngọc Sương về công tác ở Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1996. Năm 1997, được sự ủng hộ của chồng và nhiều đồng nghiệp, bà Diệp Ngọc Sương thành lập Trung tâm Đào tạo và phát triển Sắc Ký TPHCM - một trong những doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của TPHCM.
Bà nhớ lại: “Lúc đó, ai cũng nói tôi mạo hiểm bởi Việt Nam chưa có thị trường khoa học công nghệ. Mọi người vẫn nghĩ chỉ có trường đại học mới làm phòng thí nghiệm, nghiên cứu khoa học. Lối nghĩ này khiến nhiều nhà khoa học bị “bó tay bó chân”. Trong khi đó, trí tuệ, sự hiểu biết và khả năng ứng dụng trong thực tiễn của khoa học công nghệ vào cuộc sống là vô biên”.
3 năm sau, trung tâm vẫn sống được, có nhiều hợp đồng kinh tế và tiếp nhận được thêm một số tiến sĩ, kỹ sư. Thành công với doanh nghiệp đầu tiên này, bà Diệp Ngọc Sương mở thêm Công ty cổ phần Sắc ký TPHCM, Công ty Sắc ký Tiên Phong. Mỗi khi nhắc đến điển hình tư nhân làm khoa học, nhiều người nghĩ ngay đến bà - nữ tiến sĩ người mảnh dẻ mà quyết đoán.
Hiện nay, ở tuổi 82, tiến sĩ Diệp Ngọc Sương - Tổng thư ký Hội Hóa học TPHCM - không trực tiếp điều hành doanh nghiệp nữa mà bà đang đỡ đầu cho 7 doanh nghiệp khoa học do các thế hệ học trò của bà lập ra. Sau ca phẫu thuật cột sống năm 2023, hiện sức khỏe vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, nhưng bà vẫn làm việc để hoàn tất dự án kết nối mạng lưới các phòng thí nghiệm của TPHCM.
Bà nói, mở doanh nghiệp không chỉ để làm giàu mà là để có nơi ươm mầm những giấc mơ sáng tạo. Bà nói: “Tôi từng có những giấc mơ và tận hưởng niềm vui sáng tạo khi còn là sinh viên. Niềm vui đó ở những phòng thí nghiệm không khác gì niềm vui của người sáng tác âm nhạc, hội họa, thơ văn, tất cả đều cần có môi trường để những cảm xúc, kiến thức tích lũy được thăng hoa. Tôi chỉ là góp một bàn tay”.
Tiếp tục đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Trong cuộc họp mặt các cựu học sinh miền Nam trước tết Giáp Thìn 2024, bà Trần Tố Nga - cựu học sinh miền Nam, cựu phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng - khoe với mọi người: “Vụ kiện các công ty sản xuất chất độc da cam Mỹ của Tố Nga sẽ được mang ra xử phúc thẩm vào ngày 7/5/2024”. Bà nói rõ thêm, trong phiên xử sắp tới đây, tòa Evry chỉ ra phán quyết họ có quyền hay không có quyền xử đơn kiện. Nếu phán quyết từ tòa sơ thẩm sai thì toàn bộ đơn kiện sẽ trở lại sơ thẩm và bà đồng ý sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện dù có kéo dài thêm bao nhiêu năm nữa. | Bà Trần Tố Nga tham gia các hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam ở Pháp - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Ở cái tuổi đa phần chọn nghỉ ngơi, yên vui bên con cháu, 16 năm qua, bà Tố Nga vẫn kiên trì theo đuổi vụ kiện. Bà kể: “Tôi hỏi luật sư có nản chưa, luật sư nói Nga không nản thì luật sư không nản, nếu Tố Nga còn sống thì vụ kiện vẫn tiếp tục”. Bà nói sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng, như đã từng khẳng định sau khi rời khỏi tòa sơ thẩm Evry ngày 10/5/2021: “Cuộc chiến pháp lý chưa kết thúc đâu. Con đường còn dài và tôi sẽ đi tới cùng, tới hơi thở cuối cùng”. Trong quyển hồi ký Đường trần được xuất bản năm 2017, bà Trần Tố Nga kể, năm 2008, bà từ Pháp về Việt Nam trao tiền xây 200 căn nhà tình thương. Tiếp xúc với nạn nhân chất độc da cam, chứng kiến cảnh nhiều người bị biến dạng, đau đớn do nhiễm hoặc bị di chứng của chất độc hóa học, rồi nghe nói cả nước có hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam, bà quyết định bước vào vụ kiện vì 3 triệu con người. Từ năm 2009 đến nay, bà đã chịu đựng và nỗ lực vượt qua vô vàn khó khăn. Dù phải chống lại căn bệnh ung thư, bà vẫn tin tưởng vào chiến thắng của công lý bởi bên cạnh bà còn có nhân dân. Bà nói: “Vụ kiện mang tên Trần Tố Nga đã thành việc chung của hàng triệu con người, vì công bằng, công lý cho con người”. Khi được hỏi sức mạnh nào khiến bà không ngừng bước tới, bà Trần Tố Nga khẳng định, bà từng là học sinh miền Nam, được Đảng, Nhà nước đào tạo trong thời kỳ chiến tranh nên đã nói là làm, đã làm thì kiên quyết. |
Diễm Chi - Thu Lê