Những hạt cườm giúp phụ nữ thoát nghèo

07/12/2022 - 10:30

PNO - Hội LHPN phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TPHCM vừa khai giảng lớp dạy nghề kết cườm trên áo cho gần 40 phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, người lao động thuê trọ. Trực tiếp hướng dẫn nghề cho chị em là chị Lê Thị Hồng Chi, 50 tuổi, người vừa đoạt giải Ba cuộc thi “Giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp” năm 2022 do Hội LHPN thành phố tổ chức với dự án “Tạo sinh kế từ hạt cườm”.

Vươn lên từ 200.000 đồng và ý chí

Trong buổi học đầu tiên vào ngày 27/11, bên cạnh việc hướng dẫn chị em cách xỏ chỉ, lựa chọn hạt cườm phù hợp với loại vải và kiểu dáng trang phục, chị Hồng Chi đã chia sẻ về hành trình kiếm sống đầy gian nan của mình. 

Chị Hồng Chi (thứ hai từ phải qua) hướng dẫn học viên lớp kết cườm thực hành tại chỗ
Chị Hồng Chi (thứ hai từ phải qua) hướng dẫn học viên lớp kết cườm thực hành tại chỗ

Lập gia đình đã 32 năm, vợ chồng chị có 5 con gái. Về lý thuyết, chị là một người nội trợ. Nhưng thực tế chị đã phải làm rất nhiều công việc nhằm kiếm thêm thu nhập phụ chồng trang trải chi tiêu trong gia đình. “Tôi lấy chồng năm 19 tuổi, cả 2 đều tay trắng. Lúc đầu, chúng tôi thuê nhà trọ, nhưng sau đó không có đủ tiền thuê nên phải về nhà cha mẹ chồng tá túc. Chồng là lao động tự do, còn tôi thì kinh qua rất nhiều nghề, từ đi giúp việc nhà, mở quán cơm bình dân, bán cà phê, làm công nhân sản xuất ống nhựa, đi lồng báo ban đêm, rồi lên tỉnh Tây Ninh bóc vỏ hạt điều” - chị Hồng Chi chia sẻ.

Túng quẫn về kinh tế làm cho mâu thuẫn vợ chồng ngày càng trầm trọng. Cuối cùng vợ chồng chị ly thân. Chị sống lay lắt với 2 con gái. Năm 2016, với 200.000 đồng trong tay, chị tìm đến một cơ sở kết cườm để học nghề rồi được chủ giao cho một chiếc áo dài về nhà làm thử. Duyên nghề của chị bắt đầu.

Dù chẳng qua trường lớp đào tạo nào, nhưng với ý chí vươn lên, ham làm, ham học hỏi, sau mấy năm miệt mài, chị đã thạo nghề, có thể kết cườm lên áo dài, các kiểu váy lẫn áo dài cưới. Kể từ năm 2018, khi đơn hàng tăng lên đáng kể, chị nhận thợ vệ tinh để chia việc cho nhau với 8 người ở TPHCM, 20 người ở Long An và Trà Vinh. Biết nhau qua những mẫu kết cườm mà chị Hồng Chi đăng trên mạng xã hội, nhiều chị em ở tỉnh đã tìm tới học nghề rồi được giao hàng cho làm và dần trở thành đầu mối nhận hàng cho một nhóm thợ. Như chị Ngọc Thùy, ngụ tỉnh Long An, sau khi học nghề nơi chị Hồng Chi xong, đã về quê hướng dẫn lại cho nhiều chị em và hình thành nhóm thợ vệ tinh, nhận hàng làm quanh năm với thu nhập vài triệu đồng người/tháng. Chị Hồng Chi nhắn nhủ chị em: “Nghề này không khó, cũng không đòi hỏi vốn nhiều, cái cần nhất là nhẫn nại, sáng tạo và trung thực. Thù lao được tính theo giờ, cho nên thu nhập của thợ mới vào nghề thường là 10.000 - 12.000 đồng/giờ, thợ lâu năm thì 30.000 - 40.000 đồng/giờ. Khi nhận một đơn hàng sỉ, với sản phẩm đầu tiên mình sẽ xác định thời gian hoàn thành chính xác rồi tính cho những sản phẩm tiếp theo”.

Bước ngoặt cuộc đời

Chị Hồng Chi tự nhận mình không giỏi giao tiếp, chỉ cắm cúi làm việc đêm ngày. Nhưng cuộc thi do Hội LHPN TPHCM tổ chức đã mở ra một chương mới trong cuộc đời chị. Được vào chung kết xếp hạng cuộc thi “Giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp” năm 2022 do Hội LHPN thành phố tổ chức cũng là lần đầu tiên chị đứng trước nhiều người để nói về đời và nghề mà mình đang theo đuổi. “Các chị cán bộ Hội LHPN quận Bình Tân động viên và dẫn đi thi nên tôi mới có can đảm. Vậy mà vô chung kết vẫn run dữ lắm. Nhờ trải nghiệm đó mà giờ đứng lớp tôi thấy tự tin, nói năng rành mạch hơn. Sau cuộc thi, hội LHPN quận, phường cũng giúp giới thiệu sản phẩm mẫu do tôi làm đến đông đảo hội viên, nhờ vậy, đơn đặt hàng lại tăng. Tôi đang lên kế hoạch mở cửa hàng. Ở đó, tôi sẽ trưng bày hàng mẫu, nhận tư vấn mẫu mã và kết cườm luôn cho khách, đồng thời bán áo dài thành phẩm. Cửa hàng cũng sẽ là địa điểm tôi chào đón tất cả chị em cùng đam mê tới học và làm nghề tại chỗ” - chị Hồng Chi nói về dự tính tương lai. 

Sau khi tham gia cuộc thi “Giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp”, chị Hồng Chi (trái) được Hội LHPN quận Bình Tân tạo điều kiện giới thiệu về nghề và các sản phẩm mẫu trong mỗi dịp họp mặt hội viên, tổ chức gian hàng bày bán sản phẩm kinh doanh của phụ nữ địa phương
Sau khi tham gia cuộc thi “Giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp”, chị Hồng Chi (trái) được Hội LHPN quận Bình Tân tạo điều kiện giới thiệu về nghề và các sản phẩm mẫu trong mỗi dịp họp mặt hội viên, tổ chức gian hàng bày bán sản phẩm kinh doanh của phụ nữ địa phương

Là một trong những học viên đầu tiên đến lớp kết cườm, chị Nguyễn Thị Kiều Liên - 42 tuổi, ở khu phố 7, phường Bình Trị Đông A - tỉ mẩn với từng đường kim. Chị Kiều Liên cho biết, lâu nay chị nhận gia công quần áo em bé tại nhà, nhưng thời gian gần đây ít đơn hàng nên chỉ làm cầm chừng. “Tham gia lớp học, nghe cô giáo kể chuyện đời, chuyện nghề, tôi rất ngưỡng mộ và như được tiếp thêm động lực. Hy vọng qua lớp nghề này tôi sẽ có một công việc ổn định hơn” - chị Kiều Liên tâm sự.

Lớp nghề nằm trong chương trình hoạt động “đồng hành, tiếp sức cùng phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững” của Hội LHPN phường Bình Trị Đông A. Ngoài học trực tiếp, hội còn tạo nhóm trên Zalo để cô giáo và học viên tương tác và nhanh chóng giải đáp mọi thắc mắc về kỹ năng, kinh nghiệm chọn mua nguyên liệu... Chị Hồng Chi cam kết khi chị em thạo nghề sẽ giao đơn hàng cho làm. Dự kiến, sắp tới, hội sẽ mở thêm các lớp đan móc len, làm hoa giấy. 

Thảo Nguyên


 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI