“Trông thật khác, nhìn thật giống” - triển lãm cá nhân mới nhất và được đánh giá là “tham vọng” của Ngô Đình Bảo Châu (kéo dài đến hết ngày 3/10 tại Galerie Quỳnh, Q.1, TP.HCM), một trong những nữ nghệ sĩ đương đại có nhiều dấu ấn nổi bật - không chỉ là sự kiện đáng nhớ trong hành trình sáng tạo của cô, mà còn gợi lên nhiều suy tư về mối liên kết giữa ký ức và hiện tại, giữa cái chung và cái riêng.
1. Ngô Đình Bảo Châu là trường hợp đặc biệt của nghệ thuật đương đại. Khi phần lớn các nghệ sĩ trẻ luôn cố gắng hoặc ráo riết tìm cách khẳng định chỉ dấu nhận diện qua một chất liệu, phương thức thực hành nghệ thuật nào đó, thì Châu cho thấy khả năng thích ứng mạnh mẽ với đa dạng chất liệu từ lúc bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật cách đây hơn 10 năm, gồm chiếu, thép, bê tông, trúc chỉ (một vật liệu giấy mới lạ được làm từ bột nhuyễn của tre, bắp, hoặc bèo).
Châu nói điều này mang đến cho cô nhiều thử thách, nhưng đó thực sự là hành trình đầy mới mẻ: “Sự thay đổi đến từ những thất bại, và vẫn có cái thú vị riêng của nó, buộc tôi phải nghĩ nhiều hơn, và phải chấp nhận. Làm việc cùng nhiều chất liệu, tôi phải quan sát và học hỏi- đó là điều bắt buộc, vì mọi thứ đều có thể trở thành chất liệu một ngày nào đó”.
Nếu so sánh với thời điểm Châu mới xuất hiện tại một - hai triển lãm đầu tiên, người ta có thể lầm tưởng Châu đang thử tìm mình ở các loại chất liệu, hoặc thường xuyên bị/được người trong nghề lo lắng vì “năm triển lãm như năm người khác nhau”, thì giờ đây, chúng trở thành dấu ấn mang tên Ngô Đình Bảo Châu. Với Châu, chất liệu hay phong cách phục vụ cho mối quan tâm duy nhất: mối quan hệ giữa con người với con người.
“Tôi luôn cảm thấy có một sự thiếu kết nối ở bản thân với mọi thứ xung quanh, nó rất gần với sự xao nhãng, chối từ. Những lưu tâm, băn khoăn, cái mà tiền đề đưa đến việc hình thành suy nghĩ cho tác phẩm, đối với tôi, đến từ sự thiếu ấy” - Châu nói. Cô cũng không ngần ngại thừa nhận bản thân thuộc típ “thích sự đa dạng, mau chán và không sâu sắc, nhờ đó thích nhìn ngó xung quanh hơn”.
Tất nhiên, nhìn vào thành quả Châu gặt hái tại các triển lãm thiên hẳn về nghệ thuật trong và ngoài nước như Trên trời rơi xuống, Biển nhớ, The Mistake Room… hay một số triển lãm kết hợp với sáng tạo thời trang như Tơ sáng (với nhà thiết kế Phương My), Cục im lặng (với nhà thiết kế Nguyễn Công Trí), thì đó chỉ là cách nói khiêm tốn của cô. Tất cả đều cho thấy khả năng ứng dụng linh hoạt cách thức biểu đạt của hội họa, điêu khắc và sắp đặt của Châu để chuyển tải tinh thần tác phẩm.
2. Viết dài như vậy về Châu, về phương thức và quan điểm thực hành nghệ thuật của cô chỉ để nói, triển lãm lần này là tổng hòa những trải nghiệm trên hành trình “tìm mình”. Trong bộ tác phẩm này, với mô hình ý niệm về ngôi nhà (không gian nhà vô thực), các biểu tượng/hình ảnh/thói quen/nghi lễ được Châu phơi bày và xem xét lại, khoác thêm những lớp định dạng mới, vừa là cái này mà cũng đồng thời là cái khác, giống mà khác, gần gũi mà xa lạ, từ đó giúp người xem khám phá các mối tương quan giữa cái chung và cái riêng.
Trông thật khác, nhìn thật giống là ngôi nhà của ký ức, nhưng ngôi nhà ấy đã được vật chất hóa ký ức và đặt vào đó những biểu tượng vừa chung của cộng đồng, lại vừa riêng trong ký ức của từng người. Chẳng hạn, ở tác phẩm Ngôi sao sa bằng nhựa resin, người xem có thể tìm thấy hình ảnh đường phố ngập tràn đèn ông sao vào dịp tết Trung thu (rõ nét) và những biểu tượng khác đã được làm mờ.
Hay ở tác phẩm Sĩ số 40, bóng cậu học trò trong lễ chào cờ được in khắc gỗ lặp lại nhiều lần trên các miếng dán tường… Việc vật chất hóa ký ức này, nói như giám tuyển Arlette Quỳnh - Anh Trần trong bài giới thiệu về triển lãm: “Nó phản ánh cuộc sống hiện thực và ảnh hưởng tới tương lai”. Đó là hành lang ký ức mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều mang theo khi đến một nơi chốn khác và giúp bản thân xác tín lại/định nghĩa lại/bổ sung thêm vào những khái niệm quen thuộc, để xoa dịu, để thích nghi.
|
Một số tác phẩm tại triển lãm - Ảnh: GALERIE QUỲNH |
Châu nói, cảm hứng của triển lãm đến từ sự hoang mang của bản thân về khái niệm thế nào là một ngôi nhà, khi các quan niệm cô từng có như là: ngôi nhà thơ ấu là nhà của mình, nhà cha mẹ là nhà mình, cha mẹ/người thân ở đâu đó là nhà mình không trọn vẹn.
Khi ở Việt Nam, là người Việt Nam, gia đình, bạn bè là người Việt Nam, Châu không có nhu cầu tìm kiếm căn tính Việt. Nhưng khi tham gia chuyến lưu trú ngắn ngày tại New York, việc tìm kiếm các chất liệu/tư liệu Việt Nam trong những chuyến viếng thăm bảo tàng, thư viện, các nơi tham quan trở thành nhu cầu tự nhiên, như thể cô cảm thấy yếu đuối hơn.
“Tôi cần một điểm tựa quen thuộc, cũng như cảm giác nhẹ nhõm khi trở về nhà, lúc tôi quay lại New York sau chuyến đi ngắn ngày đến thủ đô Washington xa lạ. Nhà giờ đây không còn là một nơi chốn vật lý, nó là cảm giác. Nền văn minh lúa nước hình thành lối sống định canh định cư, người Việt Nam mình, việc xây một ngôi nhà luôn là một việc lớn trong đời người. Bộ tác phẩm này, phần nào đó gợi nhớ về những ước vọng như thế. Nhưng ngôi nhà ở đây, được hiểu theo một nghĩa rộng hơn, một cộng đồng hay một đất nước, với những thói quen, tập tính mình thuộc về, và điều này thì không cũ” - một đoạn chia sẻ của Châu.
(*) Chữ dùng của Gaston Bachelard
Hoàng Linh Lan