Tôi đã từng nghĩ rằng những đứa trẻ có cách cư xử bất lịch sự hay hỗn láo thì ắt hẳn do ở nhà đã không được dạy nghiêm. Rõ ràng là cha mẹ trẻ đã không biết cách uốn nắn hành vi của con mình vào khuôn khổ thích hợp. (Giá như tôi có thể quay lại khi ấy và cho mình một cái tạt tai thì tốt!)
Nhưng giờ tôi biết rằng những biểu hiện đó của trẻ có thể hoàn toàn bình thường và các bậc cha mẹ thông thường cũng sẽ ngạc nhiên về những điều trẻ làm như tôi.
1. Giận dữ
Điều gì làm tôi nghĩ rằng cha mẹ có thể khiến một đứa trẻ trong khoảng 1 – 3 tuổi thôi giận dữ trong một cơn giận đang bùng phát? Chuyện này cũng giống như việc dừng một con tàu lại vậy.
Con tàu lớn và mất kiểm soát này chẳng xuất phát từ đâu cả và tất cả những gì bạn có thể làm là nhanh chóng hạ đầu thật thấp xuống đường ray và cố gắng giữ lấy mạng sống thân thương của mình khi tàu chạy trên người bạn.
Bạn có thể thử nói và dùng những từ ngữ nhẹ nhàng, bình tĩnh để làm con tàu chạy chậm lại, nhưng dù sao thì nó vẫn là một con tàu thôi. Thế nên chúc bạn may mắn.
2. Gào khóc
Bạn muốn biết tôi đã phải nói với con mình câu “Mẹ không thể hiểu được con khi con cứ khóc lóc như thế” bao nhiêu lần ư? Chắc hẳn phải trên dưới 5,273,926 lần. Sự thật thì trẻ nhỏ không khóc lóc vì nó có hiệu quả với cha mẹ, mà vì trẻ thích nghe tiếng của mình khi khóc lóc thế thôi.
3. Không trả lời
Hai đứa con của tôi thường không trả lời người khác khi họ đang nói chuyện mặc cho tôi đã lặp đi lặp lại nhiều lần với các con rằng lờ người khác trong khi họ đang nói chuyện với mình là bất lịch sự.
Nhưng sự thật thì con gái tôi trả lời người khác bằng cách nghĩ trong đầu mà không hề nhận ra rằng bé không nói ra miệng. Còn con trai tôi sẽ không trả lời nếu bé không biết nói gì. Nhút nhát là một nguyên nhân.
4. Không đi ngủ
Có những đêm, đứa con út của chúng tôi có thể nằm yên hai tiếng rưỡi trên giường trong bóng tối mà không hề ngủ. Tôi không nói quá một chút nào. Hẳn 150 phút.
Bé sẽ tự nói chuyện một mình, hát và đôi khi gọi chúng tôi để nói rằng bé sẽ không đi ngủ. Mặc dù chúng tôi đã thử khiến con chơi mệt cả ngày hay thay đổi giờ ngủ mà vẫn không có tiến triển gì. Thật kỳ lạ. Con tôi thật sự là một con cú đêm.
5. Nói quá to
Vài đứa trẻ như thể không có nút chỉnh âm vậy. Trẻ nói chuyện với giọng quá to, không cần phải gào thét hay gì cả cũng đã đủ chọc thủng màng nhĩ rồi. Thậm chí ngay cả giọng thì thầm của trẻ cũng ầm ĩ.
6. Nói dối
Một trong những đứa con của chúng tôi may mắn có tính trung thực từ bé. Hồi nhỏ tôi cũng giống vậy. Tôi nhớ một lần duy nhất trong đời mình nói dối mẹ và đến bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy xấu hổ.
Nhưng hai đứa con còn lại của chúng tôi đều trải qua giai đoạn hay nói dối của trẻ nhỏ, mặc cho từ rất sớm chúng tôi đã thường xuyên nói với con về tính trung thực quan trọng như thế nào.
Tôi còn không thể tin được lần đầu tiên con nói dối mình. Làm sao con có thể làm thế? Nhiều người nói rằng đó là dấu hiệu của sự thông minh ở trẻ. Cũng tốt thôi, vậy còn đỡ hơn là nghĩ rằng “Trời đất, con tôi sẽ trở thành một kẻ đa nhân cách mất”.
7. Ngoáy mũi
Mọi đứa trẻ tôi biết dù ở nhà hay ở nơi công cộng đều có tật này. Cuối cùng thì trẻ cũng bỏ được thói quen ấy thôi, nhưng cho đến lúc ấy thì đó là một cuộc chiến đấu từ năm này qua năm khác.
Đôi khi bọn trẻ chỉ ngồi đó, đưa ngón tay vào lỗ mũi và để yên đấy. Chỉ ngồi yên đó thôi. Thật kinh khủng!
8. Không rửa tay sau khi đi vệ sinh
Rửa tay là một phần công việc mà chúng ta vẫn dạy trẻ sau khi đi vệ sinh: Chúng ta phải LUÔN rửa tay sau khi sử dụng toilet.
Và vẫn cần mất ít nhất 6 hay 7 năm mới có thể khiến trẻ có thói quen nhớ phải rửa tay sau mọi lần tự đi vệ sinh. Giờ tôi thậm chí còn có thể thêm mục “Chuyên gia kiểm tra tay” vào hồ sơ của mình ấy chứ.
9. Mở miệng khi nhai
“Khép miệng lại khi nhai đi con”, tôi luôn nói như vậy khi con mình bắt đầu phát ra những tiếng "chóp chép" khi ăn.
Nhưng 10 giây sau, tiếng động khó chịu ấy lại phát ra.
“Con yêu, con phải khép miệng lại khi nhai chứ", tôi vẫn rất kiên nhẫn.
Và cũng chỉ được 10 giây.
“Nào con yêu. KHÉP MIỆNG lại khi nhai đi", tôi đang cố gắng hết sức để không nổi giận.
“Con yêu, nghiêm túc này. Con phải bỏ thói quen mở miệng khi nhai như vậy đi. Làm sao con có thể đến nhà người khác và nhai như thế được chứ?”, 10 giây sau tôi lại phải nhắc nhở con mình lại từ đầu.
“Con đâu có nhai như thế ở nhà người khác đâu”, cậu bé chống chế.
“Vậy thì ở nhà con cũng không được nhai như vậy nữa. Đó không phải là chuyện con ở cạnh ai mà không ai muốn nghe tiếng con chọp chẹp như thế trong miệng cả”, tôi dứt khoát.
Kể cả như thế, thì 10 giây sau tiếng "chóp chép" vẫn vang lên khắp nơi. Cứ như là nước đổ lá khoai vậy.
10. Làm tất cả những điều gớm ghiếc khác
Một ngày chúng tôi đến chơi nhà của một người bạn. Khi tôi đi vào bếp thì phát hiện ra con mình quần áo nhăn nhúm và đi tất bẩn lên kệ bếp. Thậm chí còn không phải là đứa con út, mà là một trong hai đứa lớn hơn 10 tuổi và lẽ ra phải hiểu chuyện hơn. Lúc ấy tôi thậm chí không biết phải làm gì nữa.
Hãy tưởng tượng con của một gia đình bố mẹ đẹp đẽ sạch sẽ lại đang đi tè lên bàn chải đánh răng của anh trai mình. Chuyện ấy thật sự đã xảy ra đấy .
Năm trước đứa con 5 tuổi của tôi khi đến công viên Disney World còn liếm tất cả tay vịn cầu thang trong công viên. Tôi không mắc chứng bệnh ám ảnh về vi khuẩn nhưng chuyện này khiến tôi cảm thấy thật sự buồn nôn.
Còn rất nhiều việc gớm ghiếc khác nữa.
Chúng ta có dạy con mình làm những việc như thế không? Tất nhiên là không. Vậy trẻ tự học ở nơi khác ư? Cũng có thể. Thế chúng ta có cố gắng dạy lại trẻ bằng cách khác không? Tất nhiên là có. Vậy nó có luôn hiệu quả không? Điều này rõ ràng không phụ thuộc vào bậc bố mẹ như chúng ta rồi.
Thảo Thanh