PNO - Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT mới ban hành, tiếng Anh sẽ là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông từ lớp Ba đến lớp 12.
Chương trình được xây dựng theo quan điểm: năng lực giao tiếp là mục tiêu của quá trình dạy học; kiến thức ngôn ngữ là phương tiện để hình thành và phát triển các kỹ năng giao tiếp thông qua nghe, nói, đọc, viết…
Mục tiêu phát triển khả năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh được nhiều giáo viên đồng tình. Tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của chương trình mới này khi so sánh với điều kiện thực tế.
Cần thay đổi phương pháp đánh giá các kỹ năng tiếng Anh của học sinh
Cô Hoàng Thanh Thy, giáo viên tiếng Anh Trường Quốc tế Canada, nêu ý kiến: “Tôi dạy ở trường quốc tế, vì muốn học sinh phải nghe, nói được tiếng Anh nên phương pháp là rèn cho học sinh kỹ năng nghe - nói trước đã. Các em nghe và lặp lại cho đến khi từ (hoặc câu) ăn sâu trong đầu. Như một đứa trẻ học nói, chẳng cần phải biết viết cho đúng, cho thông thạo, chúng sẽ học chữ sau khi đã nói sành sỏi. Vậy tại sao với môn tiếng Anh, trước giờ chúng ta làm ngược lại bằng cách chú trọng đến việc phát triển từ vựng và văn phạm, sau đó mới cho học sinh nghe, nói? Điều ngược ngạo đó đã hạn chế khả năng nói tiếng Anh như một quán tính của học sinh.
Vì vậy, sự thay đổi là vô cùng cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, để làm được điều này, vấn đề đầu tiên cần phải thay đổi là chuẩn hóa trình độ giáo viên để phù hợp với chương trình mới. Hiện nay, phần lớn giáo viên dạy tiếng Anh vẫn còn hiện tượng phát âm sai và thiếu kỹ năng nghe - nói. Họ sẽ trở nên bị động trước phương pháp đổi mới này. Vì vậy, chương trình dù thay đổi nhưng “thói quen cũ” khiến giáo viên không chủ động tạo ra những tình huống cho học sinh thì sự thay đổi cũng không mang lại kết quả như mong đợi”.
Cô Nguyễn Hồng Vinh, giáo viên một trường THCS ở Q. Tân Phú, TP.HCM, cho rằng: “Có những giáo viên kỹ năng cực kỳ tốt nhưng không thể hướng học sinh phát triển kỹ năng nghe, nói được, bởi khi làm bài kiểm tra, thi cử, đánh giá, nội dung kiến thức chủ yếu tập trung vào ngữ pháp, từ vựng.
Vì vậy, điều quan trọng trong chương trình tiếng Anh hiện nay là cần thay đổi phương pháp đánh giá. Phương pháp đánh giá của chúng ta chú trọng vào ngữ pháp và kỹ năng viết là chính. Kỹ năng nghe cũng có nhưng không được xem là phần chính yếu. Cụ thể trong đề thi, phần nghe chỉ chiếm 20% điểm số, còn lại là từ vựng và văn phạm. Không có phần nào dành cho việc đánh giá kỹ năng nói của học sinh. Chính phương pháp đánh giá đó đã dẫn đến việc học sinh yếu kỹ năng nghe, nói”.
Thật sự, phương pháp đánh giá môn tiếng Anh của chúng ta hiện nay đang dần giết chết kỹ năng nghe, nói của giáo viên, hoặc chấp nhận trình độ giáo viên chưa đủ chuẩn. Chị Trần Thúy Vân, một phụ huynh học sinh lớp Tám tại Q. Tân Bình (TP.HCM) cho biết: “Phương pháp dạy tiếng Anh hiện nay vẫn rất sai, sai trầm trọng. Cái sai đó làm cho nhiều giáo viên không có ý thức tự nâng cao kiến thức bản thân mình”.
Thấy con đi học về phát âm không đúng rất nhiều từ, chị đành phải chi một số tiền đầu tư cho con đi học thêm tiếng Anh ở các trung tâm bên ngoài. Từ đó, thằng bé hay “chỉnh” cô giáo vì có nhiều từ cô giáo ở lớp phát âm sai cơ bản. Thế rồi những lần sau, cô giáo tránh né việc đọc bằng cách bắt học sinh đứng lên đọc bài trước, hoặc cho băng nói thay mình.
Cũng theo cô Nguyễn Hồng Vinh, với điều kiện trường lớp hiện nay, và sĩ số cao trong mỗi lớp học (40-50 học sinh/lớp), rất khó để giáo viên tạo điều kiện cho tất cả các em tham gia giao tiếp. Để phát triển đồng đều bốn kỹ năng như vậy, cần một lớp học khoảng 20 học sinh. Khi đó, khả năng tương tác giữa cô với trò, cũng như việc tạo nên những tình huống giao tiếp sẽ được thực hiện có hiệu quả.
Với ba hạn chế về kỹ năng nghe, nói của giáo viên, phương pháp đánh giá, điều kiện trường lớp như đã nêu trên, làm sao để giáo viên có thể tổ chức một lớp học tiếng Anh hướng đến việc cân bằng bốn kỹ năng?
Hãy bắt học sinh nói 70% trên lớp
Cô Thụy Khuê, giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ, nêu ý kiến: chương trình mới mà giáo viên cứ dạy theo cách cũ thì sau 12 năm đâu cũng lại vào đấy, chữ nghĩa sẽ “trả hết cho thầy”. Theo tôi, trước hết phải thay đổi cách thức giảng dạy nhằm tạo động lực học ngoại ngữ cho học sinh. Thay vì thầy cô cứ diễn thuyết thì hãy bắt học sinh nói 70% còn giáo viên chỉ nói 30% trên lớp.
Giáo viên thường đã được đào tạo bài bản hoặc khi thực tập đã có những trải nghiệm về việc tạo ra hoạt động trên lớp để tạo động lực học cho học sinh. Nhưng trong thực tế, đa phần họ vẫn dạy theo cách cũ, bám theo nội dung cũ kỹ của sách giáo khoa, học sinh cứ ngồi im và nghe những điều họ buộc phải nghe để làm bài kiểm tra.
Theo tôi, việc học thoải mái nhất khi suy nghĩ nó như một trò chơi, một cách tiếp cận ngôn ngữ nhiều hơn, tạo hứng thú hơn cho các học sinh ngay từ cấp I, bằng các hoạt động vận động mang tính tư duy cao, mà điều này hoàn toàn có thể được tìm tòi nghiên cứu bởi các giáo viên để bài giảng không bị nhàm chán.
Hãy để cho mỗi bài giảng là một lần vui chơi, để học sinh dần có hứng thú với môn học, xem đó như một lần vui chơi nhưng vẫn có thể tích lũy kiến thức sau những tiếng cười và vận dụng nó để nói trong các hoạt động. Có thể học sinh không cần học nhiều, nhưng phải được ứng dụng nhiều. Mà khi đã thích học môn nào đó, động lực học của học sinh sẽ tăng lên hẳn, luôn trông chờ mong ngóng các buổi học sinh động sắp tới.