Những tia nắng đầu tiên của ngày le lói đây đó, viền sáng những vạt lau trắng, hoa xuyến chi và dã quỳ vàng rực. Lâu lắm rồi nhóm bạn gái thân mới lại được đi lang thang cùng nhau, sau gần bốn tháng giãn cách vì COVID-19. Trong họ, ai mà ngờ được, nhiều người vừa qua một cuộc bể dâu…
|
Chị Thanh Nguyên lên vùng cao lùng lá chuối, đậu xanh… cho lô hàng bánh tét vừa xuất đi Mỹ |
Nhìn Thanh Nguyên cười rạng rỡ, ôm bó hoa dại vừa hái dưới thung lũng đi lên dốc, không ai nghĩ rằng cô vừa trải qua những ngày lao đao vì dịch bệnh. Là chủ quán phở Hai Thiền nổi tiếng ở phố Tây Bùi Viện (TP.HCM), Nguyên không chỉ bán phở đơn thuần mà còn mang “sứ mệnh tự trao” là giới thiệu phở, từ tô phở nước lèo trong vắt đến sợi bánh phở, công thức nấu phở đến thực khách nước ngoài. Nguyên còn mở một quán phở ở Nhật. Mặt bằng đã thuê, quán đã thiết kế và thi công rất đẹp, chỉ chờ ngày cô bay sang Tokyo khai trương thì COVID-19 ập đến. Nguyên xính vính vì thua lỗ. Phố Tây vắng hẳn khách Tây, khách ta cũng ít ỏi, tiền mặt bằng thì đắt (120 triệu đồng/tháng), lương nhân viên vẫn chi đều mỗi tháng. Nguyên đóng quán, chỉ còn bán online, tìm cách xoay hướng khác. Quán phở ở Nhật cũng chưa biết ngày nào có thể tiếp tục triển khai.
Nguyên không ngồi im. Giữa những khoảng COVID-19 tạm lắng, cô đi đó đây, “đóng đô” nhiều tháng trời ở Tây Bắc để tìm kiếm và giới thiệu các sản vật địa phương đến người tiêu dùng. Cô gầy dựng “gian hàng” trên Amazon, thực hiện một chương trình quảng bá ẩm thực trên trang thương mại điện tử này và trả lời phỏng vấn một đài truyền hình nổi tiếng của Mỹ. “Trong họa có phúc. Dịch bệnh khiến tôi phải đóng cửa các quán phở, nhưng lại mở ra cho tôi cơ hội tiếp cận thị trường khách hàng lớn hơn rất nhiều, giúp tôi đưa văn hóa ẩm thực Việt ra toàn thế giới”, Nguyên nói.
Hiện, phần lớn hàng công ty Nguyên xuất đi thị trường Mỹ, phục vụ cộng đồng người Việt. Nguyên mang đến cho những người con xa xứ liều thuốc chữa “nỗi nhớ quê hương” qua những món ăn Việt như phở, bún bò Huế, miến măng vịt, chè bưởi… đóng gói. Chỉ vài ba phút nấu lại hay bỏ vào lò vi sóng, họ đã được thưởng thức món ăn quê nhà nóng hổi.
Những ngày giãn cách xã hội nghiêm ngặt vừa qua, Nguyên rời Q.1, về Củ Chi sống, cùng công nhân sản xuất bánh tráng, bánh phở và chế biến nông sản khô. Một container món ăn Việt của công ty Nguyên vừa xuống tàu để xuất đi Mỹ, có thêm mặt hàng bánh tét. Từ hạt nếp đến đậu xanh, lá chuối làm bánh tét Nguyên đều mua từ vùng núi cao và là giống bản địa thuần chủng.
“Bể dâu COVID-19” đối với Thu Minh (45 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) thì mang hình thái khác. Ngay đợt COVID-19 thứ hai, vợ chồng cô cùng phải cách ly tập trung do là F1, liên quan đến một ca F0 là đối tác mà chồng cô (một kiến trúc sư) vừa gặp gỡ để ký kết hợp đồng. Hy hữu là trước đó một ngày, cô vừa nói chuyện chia tay với chồng. Họ ly thân lâu rồi, vì sự khác biệt ngày càng lớn, từ chuyện làm ăn đến nuôi dạy con, quan điểm sống… Vài lời đàm tiếu bên ngoài về chuyện anh say nắng say mưa cũng không còn khiến cô bận tâm nữa. Cô muốn chia tay để mỗi người được sống như mình muốn.
|
Chị Tân Hằng sát vai cùng chồng điều hành Công ty dệt kim Á Châu vượt những khó khăn mùa dịch |
Vào khu cách ly, phòng gần 20 người, không ai biết họ là vợ chồng. Họ hỏi han nhau và chia sẻ đồ ăn bên ngoài chuyển vào như mọi người. Mỗi ngày anh cắm mặt vào laptop làm việc với những bản thiết kế, cô điều hành online mọi việc của công ty. Không gian chật chội, bí bách, cô thấy rõ tinh thần chồng thất thường, lúc sôi nổi, khi trầm lặng. Công nhân nhiễm COVID-19 hàng loạt, hàng sản xuất ra không chuyển đi các tỉnh thành được. Hai đứa con vị thành niên lại phải tự chăm nhau ở nhà. Anh sa sút tinh thần, cô liên tục tự trấn an mình rồi quay sang an ủi chồng.
Nhưng rồi một ngày, Minh nhận tin mẹ mình trở thành F0, nhập viện. Tuổi cao cộng với nhiều bệnh nền, bà không cầm cự được. Phút giây chứng kiến mẹ hấp hối qua điện thoại nhờ cô bác sĩ gọi video call, Minh khóc ngất trên vai chồng. Ngày rời khu cách ly, cô thu dọn đồ đạc rồi ngậm ngùi nói với chồng: “Giờ mình về nhà. Những gì anh chưa kịp làm cho em thì làm đi”. Chồng cô trả lời: “Em muốn làm gì, sống như mình muốn thì thực hiện đi. Công ty và con để anh lo”. Chỉ thế thôi, họ không nhắc gì về chuyện chia tay nữa. Dường như, dịch bệnh, những gì đang xảy ra và thời gian cách ly đủ để mỗi người ngẫm ngợi. Rằng, cuộc sống này ngắn ngủi lắm, có khi không đủ để thực hiện hay làm lại một điều gì đó, dù nhỏ nhoi.
Mở cửa trở lại, công ty nhà Minh ký được hợp đồng mới. Cô và chồng lại bận bịu với công việc. Nhưng khác trước, giờ mỗi sáng họ dành thời gian để đi bộ quanh khu nhà, trò chuyện và ăn sáng cùng nhau rồi mới đến văn phòng. Và họ đã nói về chuyện sẽ già đi cùng với nhau ở một ngôi nhà miền quê nào đó, công trình mà anh sẽ thực hiện theo ý vợ, như một món quà ý nghĩa mà suýt nữa họ đã “đánh mất”.
Sau gần bốn tháng phong tỏa và giãn cách nghiêm ngặt, Tân Hằng mới gặp lại người chồng Hàn Quốc của mình. Bốn tháng đó, anh bám trụ ở nhà máy Công ty TNHH Dệt kim Á Châu ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai), còn cô ở Sài Gòn cùng hai con, điều hành văn phòng từ xa. Đồng Nai bùng dịch, nhà máy đóng cửa một tháng, rồi sau đó là giai đoạn “ba tại chỗ”. Công ty cô phải cải tạo lại không gian nhà máy để dành chỗ ăn ở cho công nhân. Vừa lo sản xuất, lo cho công nhân ăn ở tại nhà máy, người nhiễm bệnh được cách ly tại chỗ, bệnh nặng thì đưa đi bệnh viện… chồng cô bạc tóc. Xót chồng, có lúc cô năn nỉ anh về Sài Gòn ở cùng vợ con cho an toàn, nhưng anh từ chối: “Dịch bệnh thế này, công nhân biết trông vào ai, tâm lý họ thế nào khi người chủ lại “chạy trốn” để an toàn cho riêng mình? Anh phải ở lại cùng họ cầm cự qua giai đoạn khó khăn này”.
Sau bốn tháng “biệt phái”, anh trở về Sài Gòn, tóc dài như… cư sĩ. Cả nhà lại bên nhau, người cha giờ là người hùng của vợ con lại được ăn những món ngon vợ nấu, cảm nhận may mắn, hạnh phúc tròn đầy sau giông bão. Mới đây, công ty Hằng đã xuất một số chuyến hàng dệt kim đi Nhật, Mỹ và châu Âu. Hỏi Hằng mong ước gì những ngày tới? Cô cười: “Không cầu gì xa xôi, chỉ mong được trở lại những ngày bình thường cũ”. Quả vậy, có những điều quá đỗi bình thường, giờ lại thành điều ước.
Nhìn các cô bạn vui đùa hồn nhiên bên sắc hoa dã quỳ cuối mùa, ít ai ngờ được ngày thường đó là những người đàn bà “hét ra lửa”. Họ như những bông hoa của núi rừng, tươi tắn và mạnh mẽ dù cuộc cuộc sống có khắc nghiệt thế nào. Như đất nước mình, lặng lẽ và can trường vượt qua bão táp phong ba. Luôn là như thế, ngàn đời nay vẫn thế.
Đỗ Ngọc