Hình như chỉ có chúng ta, những người may mắn chưa phải bước chân vào vạch đỏ cách ly, thì thào âu lo, nhìn nhau cảnh giác, ngay cả tiếng ho khan của ai đó cũng khiến giật mình. Còn ở đó, mọi thứ như phút ngừng nghỉ giữa căng thẳng, thì thầm với nhau, rằng hãy thu xếp lại những gì có thể; hãy lập những thói quen mới mà không lạ, để rồi bình yên đi qua tất cả, rồi sẽ đến lúc mình sẽ tự do hít thở đi lại như chưa từng có điều gì xảy ra. Những đôi mắt vẫn nhìn nhau ấm áp và tự tin giữa bức tường tạm thời dựng lên, bởi đó là nhịp đập khác chứ không lạ những bộn bề bất chợt đến...
Chúng tôi nói chuyện với nhau, sao có cảm giác thời bình mà như thời chiến. Tại lâu rồi mới nghe từ “dã chiến”; mới nghe bà con dặn nhau, không có việc thì hạn chế ra ngoài. Không khí “tổng động viên” trên cả nước. Và lâu lắm rồi, mới nghe từ “hy sinh”. Chỉ khác là, ngày xưa chống giặc ngoại xâm, giờ chống đại dịch. Từ Móng Cái - thành phố biên mậu sầm uất bậc nhất biên giới Việt - Trung nhưng lại quạnh vắng nhất trong 20 năm qua, đến những con đường rải vôi trắng xóa ở “tâm dịch” Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc); cho đến Bệnh viện dã chiến TPHCM… Nơi đâu, cũng đã sẵn sàng cho một cuộc chiến mang tên COVID-19.
Bài liên quan
- Lời nhắn từ Bệnh viện Dã chiến TPHCM
- Quạnh hiu thành phố biên mậu Móng Cái
|
Đi qua những sợ hãi ban đầu, với sự hỗ trợ tối đa từ trung ương về cả người và trang thiết bị, Bình Xuyên đang bình tĩnh và quyết tâm dập dịch COVID-19.
|
Ngoài Sơn Lôi, Bộ Y tế cũng đang tập trung nguồn lực cho cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên. Hai trong bốn bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị cách ly đặc biệt tại đây đã có kết quả âm tính lần hai |
Nhịp sống cách ly gần như ngày thường
Giữa thôn An Lão (xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), những phụ nữ sắp xếp dụng cụ lao động chuẩn bị ra đồng. Dừng xe trước chốt kiểm soát đầu thôn, bà Thuần, bà Hiên tháo đôi thùng, cái cuốc và làm thủ tục đi qua trạm.
Các bà trình “giấy thông hành” được UBND xã Sơn Lôi cấp rồi nghiêm ngắn chờ cán bộ y tế đến đo nhiệt độ, khử khuẩn. Mọi thao tác đều trơn tru, có vẻ các bà đã quen với những thủ tục này. Giọng bà Hiên chắc nịch sau lớp khẩu trang: “Ngày đầu tiên cách ly, chúng tôi thấy phiền hà. Nhưng được giải thích, tuyên truyền, bà con đã yên tâm và tuân theo mọi biện pháp của chính quyền, cơ quan chức năng. Giờ không ai thắc mắc về việc lập chốt, hạn chế tối đa việc đi lại nữa”.
Hai phụ nữ phốp pháp gánh thùng, vác cuốc đi bộ ra cánh đồng. Đi sau các bà có một cảnh sát cơ động và một nhân viên y tế, để ví dụ khi các bà gặp ai, nói chuyện hay có trục trặc về sức khỏe khi đang lao động, thì đều được các cơ quan chức năng theo dõi và nắm rõ.
Rẫy cỏ xong, bà Hiên hái những quả cà chua chín đỏ. Ruộng bên, bà Thuần thu hoạch đỗ. Một phần nông sản thu hoạch hôm nay được giữ lại dùng trong gia đình, phần còn lại các bà đưa ra chợ bán.
Trong thôn, mấy công trình xây dựng vẫn đang tiến hành. Công nhân đeo khẩu trang, rửa tay trước khi vào việc. Giữa chợ, bà Đỗ Thị Tỉnh ngồi sau những bình dưa muối, cà nén. Sáu ngày Sơn Lôi cách ly, bà vẫn bán hàng bình thường. Chỉ khác là, khi chưa có dịch, buổi sáng ở đây rất đông, người đi chợ, học sinh đến trường, bà ngồi bán hàng cũng thấy nhộn nhịp.
Chỉ vào chiếc khẩu trang y tế đang đeo, bà Tỉnh bảo từ trước hôm cách ly, bà và mọi người đã luôn đeo khẩu trang và dùng nước rửa tay. “Nói chung đời sống của bà con vẫn bình thường, không xôn xao hay xáo trộn gì đâu. Thôn này không ai nhiễm, nhưng mọi người đều bảo nhau phải biết cách phòng dịch” - bà Tỉnh cười.
Bà Thái bán cá thì khoe một ngày vẫn bán được gần tạ cá. Thậm chí, những người bán cá, bán dưa cà như bà Thái, bà Tỉnh còn nhàn hơn. Bởi trước khi chưa có dịch, các bà dậy rất sớm ra chợ đầu mối lấy hàng. Nhưng từ hôm cách ly, người bán mang đến tận đầu thôn, các bà chỉ việc ra chốt kiểm soát chở về.
Gần Trường THCS Sơn Lôi, cửa hàng tạp hóa khá lớn của bà Nguyễn Thị Son vẫn đông khách như mọi ngày. Cửa hàng của bà Son được xã chọn làm một trong những điểm bán nhu yếu phẩm phục vụ bà con. Không sốt hàng, không tăng giá, chỉ khác là bà Son treo thêm tấm bảng: “Để tránh phát tán dịch tiết họng, khách khi vào mua hàng xin vui lòng đeo khẩu trang. Vào lấy hàng rồi ra thanh toán, không nói chuyện, không hỏi khi không cần thiết”.
Ngoài đường, vôi bột trắng các chân tường, khắp mọi đường làng, ngõ xóm. Khu vực buôn bán ở các trung tâm thôn vẫn khá đông.
Ở thôn Ngọc Bảo, quán cà phê Minh Tâm ngưng hoạt động từ hôm cách ly theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Ông chủ quán bảo, ngoài việc tạm ngưng kinh doanh, thì mọi sinh hoạt của gia đình vẫn bình thường.
Tạm ngưng kinh doanh, nhưng gia đình ông cũng không phải loay hoay trước bài toán kinh tế. Bởi trong hơn hai mươi ngày cách ly, gia đình ông và hàng vạn bà con Sơn Lôi được tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ 40.000đồng/người/ngày.
Ông không có việc gì phải ra khỏi làng nên mấy ngày nay dành toàn thời gian trông nom bọn trẻ. Chỉ những hộ có trại chăn nuôi ngoài cánh đồng hay những gia đình cần thu hoạch rau màu thì lên UBND xã trình bày, xin “giấy thông hành” để ra, vào làng trong những ngày cách ly.
Tập trung mọi nguồn lực
Trên vỉa hè của con lộ lớn đi qua trung tâm xã, chiếc lều dã chiến bị gió mùa đông bắc tràn về, giật đổ. Các anh bộ đội, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, mỗi người một tay cùng dựng lại căn lều dã chiến. Có chốt tận dụng lán hàng tạm ngưng buôn bán của bà con, mái bị giật tung. Gió thốc, những tấm lưới đen căng làm mái bay phần phật.
Sơn Lôi có 14 chốt, mỗi chốt đều có các lực lượng y tế, công an, quân đội và cán bộ địa phương, vừa kiểm soát việc đi lại vừa khử trùng, đo thân nhiệt; lại vừa thực hiện công tác tuyên truyền chống dịch đến bà con. Chốt 1 làm nhiệm vụ ở đường chính đi vào xã Sơn Lôi. Bà Phạm Thị Tuấn là cán bộ y tế được tăng cường từ huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc). Ở chốt 1 cùng bà còn có chín cán bộ y tế tăng cường. Thiếu tá Tạ Văn Nam, Phó trưởng phòng An ninh đối ngoại tỉnh Vĩnh Phúc, phụ trách chốt 1, cho biết, các lực lượng trực 24/24 để đảm bảo kiểm soát việc đi lại, cũng như hàng hóa, vật tư đưa vào xã.
Theo thượng tá Hoàng Việt Lào, Phó trưởng phòng PA83, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, ngoài lực lượng làm nhiệm vụ ở các chốt, còn 100 cán bộ chiến sĩ được công an tỉnh huy động tham gia các tổ kiểm tra, tuần tra khép kín tại Sơn Lôi, luôn sẵn sàng hỗ trợ cho các chốt. Thiếu tá Đặng Quốc Toản, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc “cắm chốt” tại đây từ ngày đầu cách ly. Các thành viên thuộc các lực lượng chia thành bốn tổ, ban ngày trực bốn tiếng, đêm trực sáu tiếng để đảm bảo việc kiểm soát 24/24.
|
Một trong 14 chốt kiểm soát ở xã cách ly Sơn Lôi |
Ở Trạm Y tế xã Sơn Lôi, hai xe cứu thương “túc trực” ngoài cổng. Trong sân, chiếc xe X-quang kỹ thuật số lưu động được Bệnh viện Phổi Trung ương đưa về hỗ trợ cho tâm dịch. Các bác sĩ của Viện Nhi Trung ương, của Bệnh viện Bạch Mai và nhân viên y tế của tỉnh Vĩnh Phúc cũng được tăng cường cho Sơn Lôi.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Đội trưởng Đội Điều trị của Tổ công tác tăng cường (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch) có mặt tại đây từ ngày 13/2 cùng các bác sĩ, nhân viên y tế.
Ông Khoa cho biết, từ hôm thực hiện cách ly toàn xã, Trạm Y tế xã Sơn Lôi được chia thành hai khu, một khu khám sàng lọc cách ly những trường hợp có triệu chứng ho, sốt, khó thở. Tất cả các trường hợp nghi ngờ sẽ chuyển bằng xe cứu thương riêng lên khu vực cách ly tại trung tâm y tế huyện. Một khu để khám, chữa những bệnh thông thường. Nếu như trước đây, những người mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… đến thẳng Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên thì nay, tất cả những bệnh nhân này sẽ được khám và cấp thuốc ngay tại trạm y tế xã. Trường hợp cấp cứu sẽ được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên bằng xe cứu thương riêng.
Còn tại cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, các bác sĩ giỏi của Bệnh viện Bạch Mai cũng được tăng cường về. Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế, đã có mặt và làm việc tại đây từ ngày 12/2. Tổ đã thực hiện nhiều biện pháp khẩn, để đồng bộ từ cán bộ tỉnh xuống xã, thôn - trên dưới như một, cùng nắm nguyên tắc chuyên môn.
Việc dự phòng, môi trường, điều trị đều được tổ “cầm tay chỉ việc” đến cán bộ y tế các cấp. Một trong nhiều bác sĩ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân tại khu vực cách ly đặc biệt chia sẻ chân thành: “Những ngày điều trị, chăm sóc bệnh nhân là những ngày ẩn chứa nguy hiểm với đội ngũ y bác sĩ. Nhưng chúng tôi luôn làm hết khả năng, bởi đây không chỉ là trách nhiệm nghề nghiệp, là lương tâm của cán bộ ngành y; mà còn vì cả cộng đồng”.
Ấm lòng giữa hai chiều dư luận
Cùng huyện Bình Xuyên, xã Thiện Kế là địa phương xuất hiện ca dương tính COVID-19 thứ 16. Từ ngày 13/2 đến nay, các đoàn viên Đoàn Thanh niên xã Thiện Kế đã hoạt động hết công suất. Nhóm đi tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch đến từng người dân. Nhóm phát khẩu trang và nước rửa tay miễn phí.
Ngày 16/2, bà con khu vực Rừng Cuông đến nhà văn hóa thôn Tùng Sơn nhận khẩu trang, nước rửa tay và kiểm tra thân nhiệt. Ngày 15/2 qua, 3.000 khẩu trang, cồn sát khuẩn được phát cho bà con tại ngã ba thôn Thiện Kế.
Ngày 14/2, 1.000 khẩu trang và 500 chai nước rửa tay được phát cho bà con thôn Quang Khai… Đặc biệt, toàn bộ lượng khẩu trang và nước rửa tay đó đều do các doanh nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc chung tay giúp đỡ bà con phòng chống dịch.
|
Xã Thiện Kế, nơi ghi nhận ca dương tính COVID-19 thứ 16; những ngày qua, đoàn thanh niên đi tuyên truyền và phát khẩu trang, nước sát khuẩn đến tận tay từng người dân |
Với 11 ca dương tính COVID-19, Vĩnh Phúc là tâm dịch của cả nước. Với bảy bệnh nhân đến từ xã Sơn Lôi, nhiều ngày qua, người dân Sơn Lôi nói riêng và người dân Vĩnh Phúc nói chung đã chịu không ít kỳ thị.
Chị M. có một phòng khám nhỏ ở thôn Ngọc Bảo. Từ khi có dịch, phòng khám của chị phải đóng cửa. Cha chị làm lái xe ở tỉnh khác, nhưng trước khi Sơn Lôi cách ly, ông cũng đã nghỉ ở nhà, không muốn đi làm mà khách hàng và đồng nghiệp lại né tránh.
Mấy ngày cách ly, cũng là mấy ngày người Sơn Lôi lên mạng nhiều hơn, vừa giải trí vừa cập nhật thông tin. Rất nhiều lời bình luận ác ý, miệt thị người Sơn Lôi từ mạng xã hội đã đập vào mắt họ. “Ban đầu là tức giận, sau là xót xa và thấy thương những người thiếu hiểu biết”, chị M. nói.
Rồi cũng chính cộng đồng mạng đã khiến chị M. và bà con Sơn Lôi ấm lòng. Bên cạnh những bình luận tiêu cực, rất nhiều người đã động viên: “Vĩnh Phúc cố lên! Sơn Lôi cố lên!”.
Những đêm giá rét, bà con chở từ trong làng ra chốt những xe củi để các chiến sĩ, cán bộ làm nhiệm vụ sưởi ấm. Thỉnh thoảng lại có bà nông dân tất tả xách đến chốt món quà quê, người nải chuối, người quả dưa... Có khi là rổ khoai lang vừa luộc, khói bay nghi ngút, hay nồi cháo gà làm ấm lòng những người đang ngày đêm làm nhiệm vụ.
Sáng 18/2, khắp Sơn Lôi râm ran trước thông tin hai bệnh nhân Vĩnh Phúc (trong đó có một bệnh nhân là người Sơn Lôi) nhiễm COVID-19 được xuất viện; lại thêm hai trong bốn bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên đã có kết quả âm tính lần hai, đủ điều kiện xuất viện; cháu bé ba tháng tuổi điều trị ở Viện Nhi Trung ương cũng có kết quả âm tính lần một.
Người làm nhiệm vụ thấy gánh nặng phần nào được vơi đi, những gương mặt Sơn Lôi trong các xóm nhỏ yên bình như giãn ra. Bà con tin, với tất cả nguồn lực về người và thiết bị mà trung ương, địa phương tập trung cho Bình Xuyên; với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; và sự đồng lòng của bà con với những đường hướng của cơ quan chức năng, COVID-19 sẽ sớm bị đẩy lùi.
Ngọc Minh Tâm