Cuối cùng những ngày tết Nguyên đán cũng trôi qua. Giờ là lúc thầy cô giáo cùng học sinh phải quay trở lại với nhịp điệu dạy và học bình thường đã được lên lịch từ trước đó.
Thế nhưng, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đến nay đã có gần 40 tỉnh thành trên cả nước quyết định cho học sinh tạm dừng đến trường sau kỳ nghỉ Tết để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, đồng nghĩa với việc sẽ có hàng chục ngàn giáo viên, học sinh không thể gặp nhau ở trường mà chỉ nhìn thấy nhau qua màn hình máy tính cho đến ít nhất là cuối tháng Hai.
|
Nhiều trường học đã áp dụng hình thức học trực tuyến ngay trong buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán - Ảnh: PNO |
Bắt đầu từ thứ Tư (17/2, mồng 6 tết), hàng loạt trường học đã triển khai hình thức dạy và học trực tuyến thông qua các ứng dụng hỗ trợ dạy học online như Microsoft Teams, Zoom hoặc các ứng dụng do chính nhà trường phát triển.
Mặc dù việc dạy và học trực tuyến không còn quá mới mẻ hay lạ lẫm nhưng do việc học bị gián đoạn một thời gian bởi kỳ nghỉ tết Nguyên đán nên nhiều phụ huynh lẫn giáo viên nhận thấy có những khó khăn nhất định đối với học sinh và con em mình khi khởi đầu năm mới với việc học online cùng chiếc máy tính.
Bên cạnh những vấn đề kỹ thuật thường gặp như: không đăng nhập được vào tài khoản vì quên mật khẩu, mạng internet bị trục trặc, micro bị “tịt”,... thì tình trạng các con quên lịch học, không tập trung vào việc học cũng khiến nhiều bậc phụ huynh “đau đầu”.
Theo cô Trần Thuý Hằng, một giáo viên với 24 năm kinh nghiệm dạy học và quản lý ở các trường công lập và tư thục tại TPHCM, thì phụ huynh cần dành từ một vài buổi đến vài tuần đầu tiên (tùy theo từng đứa trẻ) sau kì nghỉ tết để theo dõi, quan sát, nhắc nhở, đôn đốc giúp con dần đi vào nề nếp.
“Tạo được thói quen tốt cho con ngay từ vài tuần đầu thì sau đó bố mẹ sẽ nhìn thấy sự thay đổi tích cực của con mình đối với việc học trực tuyến”, cô Thúy Hằng chia sẻ.
|
Cô giáo Trần Thúy Hằng (giữa, áo đỏ) cùng các học trò của mình sau một tiết học trên lớp - Ảnh: NVCC |
Bên cạnh đó, cô Thúy Hằng cũng đưa ra thêm một số gợi ý thực tế cho phụ huynh có con đang học tiểu học hoặc THCS tham khảo và áp dụng để bố mẹ có thể giúp con mình vượt qua “sức ì” của bản thân và sẵn sàng cho những giờ học trực tuyến thật vui vẻ và hiệu quả cùng thầy cô giáo.
1. In thời khoá biểu các tiết học online và dán ngay tại góc học tập của con. Nhắc con vào phòng học trực tuyến từ 5 đến 10 phút trước giờ học chính thức để nếu có trục trặc gì thì bố mẹ còn kịp thời gian xoay xở, khắc phục.
Cần lưu ý rằng, việc theo dõi bài ngay từ đầu là rất quan trọng bởi đây là lúc giáo viên dặn dò những lưu ý trong suốt bài học, nếu con bỏ lỡ thì sau đó sẽ gặp khó khăn để tiếp thu bài.
2. Nhắc các con tuyệt đối không được mở ứng dụng không liên quan hoặc không hỗ trợ việc học (như game, chat, các loại hình giải trí khác) khi đang trong tiết học online bởi khi học mà các con mở song song các ứng dụng khác hoặc làm việc riêng thì sẽ bị phân tâm ngay.
3. Khuyến khích con trao đổi và tương tác với giáo viên như khi học trực tiếp trên lớp. Không hiểu gì con nên hỏi thầy cô ngay để bản thân và các bạn có cùng thắc mắc sẽ được giải đáp ngay lập tức.
4. Khi đến thời gian nghỉ giải lao (thường giáo viên sẽ mở nhạc cho vui), con nên rời bàn học, rời màn hình để đi lại trong phòng hoặc ra sân dạo 1 chút cho cơ thể được vận động, mắt được nghỉ ngơi, tâm trí được thư giãn. Nhờ vậy, khi quay lại tiết học, con sẽ tiếp thu bài tốt hơn.
Nếu được thầy cô cho nghỉ giải lao từ 10 đến 15 phút thì con có thể nhảy dây tại nhà hoặc tập một số động tác thể dục đơn giản để máu huyết lưu thông.
|
Để việc học trực tuyến của con có hiệu quả, bố mẹ cũng cần đồng hành cùng con |
5. Nhắc con nộp bài tập đúng hạn, đầy đủ để giáo viên chấm, chỉnh sửa cũng như giải thích những lỗi sai kịp thời cho con.
6. Nếu có điều kiện thì nên mua laptop hoặc máy tính bảng riêng để phục vụ việc học cho con, tránh tình trạng con “chiếm dụng” máy tính của bố mẹ làm ảnh hưởng đến công việc của bố mẹ. Không nên cho con sử dụng điện thoại để học vì màn hình nhỏ sẽ khiến con khó theo dõi bài học cũng như tương tác với giáo viên.
7. Nên xem xét nâng cấp gói internet tốc độ cao để đảm bảo giờ học của con được diễn ra mượt mà, suôn sẻ, tránh được tình trạng lớp học đang diễn ra “ngon trớn” thì mạng bị chậm, lag, chập chờn,... sẽ khiến cho con mất tập trung, việc học cũng sẽ bị gián đoạn.
Do tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp chưa biết khi nào mới chấm dứt để việc đến trường được trở lại bình thường nên hầu hết các trường học trên cả nước đã xác định học trực tuyến là hình thức được ưu tiên hàng đầu trong điều kiện và hoàn cảnh hiện tại. Vì vậy, việc phụ huynh quan tâm đồng hành cùng giáo viên hỗ trợ con em mình trong việc học trực tuyến là hết sức cần thiết.
Nguyễn Thuận