Ngày 14/8, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết nơi đây vừa phối hợp với một trung tâm chống độc của Đài Loan cứu sống bệnh nhân N.V.T., 45 tuổi, bị nhiễm độc thạch tín nặng. Bất ngờ hơn, khi “thủ phạm” được xác định là những gói thuốc đông y mà bệnh nhân mua ở hiệu thuốc để xông nhà cho vượng khí (anh làm nghề thầu xây dựng và đã xông 10 năm) nhưng không biết trong đó có chứa độc tố giết người.
Trước đó, khi vừa nghe thông tin về bệnh nhân T., nhóm phóng viên Báo Phụ Nữ đã đi điều tra tại các hiệu thuốc Đông y để xem có gì trong gói thuốc xông nhà chết người đó.
Lần theo gói thảo dược giết người
Sau khi Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM hội chẩn liên chuyên khoa mới phát hiện ra bệnh nhân N.V.T. bị nhiễm thạch tín nặng, các bác sĩ (BS) không khỏi sốc bởi độc tố gấp 300-500 lần và sốc hơn khi phát hiện thủ phạm là những gói thuốc đông y xông nhà cho vượng khí mà bệnh nhân đã thực hiện trong 10 năm. Ám ảnh bởi vùng da toàn thân sạm đen của người bệnh, chúng tôi quyết định đi tìm sự thật trong gói thảo dược mà ai cũng nghĩ vô hại.
|
Những gói thuốc chứa độc tố là thạch tín - loại gây nhiễm độc cho anh T |
Bắt chuyến xe đò đêm lên Lâm Đồng, chúng tôi tìm nơi bệnh nhân N.V.T. thường mua gói thuốc xông nhà. Khoảng 13g một ngày tháng 7/2019, chúng tôi đến cửa hiệu thuốc đông y mà bệnh nhân N.V.T. đã mua trong suốt 10 năm. Chị bán hàng ngoài 40 tuổi, đon đả mời chúng tôi vào. Chúng tôi hỏi: “Ở đây có bán gói thuốc xông nhà để trừ tà và được may mắn không?”. Chị bán hàng nói ngay: “Có chứ, ở đây cái gì cũng có”.
Rồi chị đưa tay xuống gầm bàn lấy ra một bịch được gói trong giấy báo. Trong đó có cây cỏ và cả xác con gì đó (sau này đem về hỏi BS đông y chúng tôi mới biết đó là xác ve sầu), rồi chị nhanh chóng đóng lại. Chị nhanh nhảu hỏi: “Chị mua bao nhiêu, vài chục ngàn cũng có, vài trăm cũng có, như gói này là 200.000 đồng”. Chúng tôi hỏi giá mắc hơn là thuốc nhiều hơn hay sao? Chị nói: “Không phải, tiền nhiều thì tôi cho nhiều vị nặng, như cho thêm hùng hoàng, chu sa, thần sa, xạ hương…” và nói thêm là những vị này càng nhiều thì càng tốt, tăng thêm may mắn, vượng khí. Chúng tôi lại hỏi: “Vậy những loại này có độc không?”. Chị ngừng vài giây rồi trả lời với âm lượng nhỏ: “Có độc”. “Vậy khi mình xông, hít vô thì độc không chị?”. “Thì mình đốt lên rồi đi chỗ khác, xông nhanh thôi, sao độc được”.
Chúng tôi chọn mua gói thuốc xông giá 300.000 đồng như bệnh nhân N.V.T. vẫn thường mua. Chị bán hàng khi đó mở bịch thuốc gói trong giấy báo và với tay lấy những hũ thuốc bột đủ màu trút vào gói thuốc. Nào thần sa, chu sa, hùng hoàng… và một loại bột bỏ trong ống nhỏ màu đen không nhãn mác. Chúng tôi hỏi “cái này là gì?”, chị nói lí nhí, hình như là xạ hương nguyên chất. Là mùi hăng, rất nồng và khó chịu. Hơn nữa, bột được giới thiệu là xạ hương này rất mịn, chứ không phải là hạt lổn nhổn như xạ hương nguyên chất.
“Hàng này mua ở đâu chị?”. “Hàng nhập”. Nhập từ đâu thì chị ta không nói. Xem thông tin trên mạng, tôi thấy các chuyên gia về dược liệu khẳng định: chu sa, thần sa và xạ hương toàn được nhập từ Trung Quốc.
Trước khi ra về, chúng tôi hỏi: “Nếu em muốn lấy số lượng lớn, cỡ 300-500 gói/tháng để bán lại thì chị có cung ứng được không?”. “Muốn bao nhiêu cũng có, giá nào cũng có. Ít tiền vị nhẹ, nhiều tiền thì nhiều vị nặng, tốt hơn”.
|
Người bán hàng cho vào chu sa, thần sa, hùng hoàng khi phóng viên mua gói xông nhà |
Lúc chúng tôi chuẩn bị rời đi thì có một cô gái ngoài 20 tuổi bước vào cũng hỏi mua gói xông nhà. Có lẽ là khách quen nên hai bên đều không nói giá. Chị bán hàng cũng lấy gói giấy báo dưới gầm bàn và trút nhiều bột chu sa, hùng hoàng, xạ hương, long não vào. Chúng tôi thấy chị đưa tờ 500.000 đồng và rời đi trước khi chị bán hàng chào bằng câu: “Bán chậm mà tới đây mua về xông là chắc chị ha”. Chúng tôi tò mò hỏi “chị kia mua gói xông về để mua bán may mắn hả” thì chị bán hàng nói “đúng rồi, chị này ở Nha Trang lên bán nem nướng mà bán lúc được lúc không, nên cả năm nay chị ấy hay tới đây mua thuốc về xông cầu may”.
Câu trả lời khiến chúng tôi rùng mình, bởi không biết bao nhiêu nạn nhân đã bị tương tự như anh T. Chất độc đang được bán vô tội vạ và kinh khủng hơn là ẩn trong cái vỏ thảo dược. Vậy mà người mua vô tư, còn người bán cũng hồn nhiên “nhiều tiền nhiều vị nặng thì càng tốt” - dù biết rõ chu sa, thần sa, hùng hoàng rất độc, tìm trên Google sẽ thấy ngay, đây là những chất có chứa thủy ngân và asen (thạch tín). Trớ trêu thay, người có nhiều tiền mua thuốc có mệnh giá cao thì khả năng rước độc tố vào người càng nhiều. Mà mấy ai tìm hiểu xem gói thuốc xông gồm những gì, những loại bột được rắc vào là gì? Có lẽ, những người khác cũng giống bệnh nhân N.V.T. nghĩ: mình chỉ xông chứ có uống vào người đâu mà độc hại.
Việc này khiến chúng tôi nhớ đến một cảnh báo gần đây của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy: nhiều bệnh nhân bị đái tháo đường theo trị bằng thuốc đông y gia truyền không rõ nguồn gốc, để rồi bị nhiễm toan lactic và rơi vào hôn mê phải cấp cứu. Các BS đã rất nỗ lực mới giành lại được mạng sống của bệnh nhân và đã có nhiều người tử vong.
Về lại TP.HCM, chúng tôi đến ngay “thủ phủ” dược liệu ở Q.5.
Tại hiệu thuốc H. trên đường Hải Thượng Lãn Ông, chúng tôi than thở: “Quán ăn của nhà em từ tết đến giờ ế ẩm quá, mình có bán cái gì xông, treo để hết xui rủi, đem vận may tới không?”. Nghe vậy, người đàn ông trung niên bán hàng ở góc tay phải (tiệm có 3 người bán hàng) nhanh nhảu: “Vậy mua thuốc xông nhà đi, khi quán xá mua bán chậm hay trong nhà liên tục xảy ra chuyện không hay, bản thân gặp khó khăn, trục trặc, người ta hay mua thuốc xông nhà để trừ xui xẻo”. Ông này giới thiệu giá thuốc tùy theo tiền và xông càng nhiều thì càng may mắn. Chúng tôi chọn mua gói thuốc giá 500.000 đồng thì ông ta khuyên: “Đang gặp vận xui thì xông nhiều mới may chớ”. Nhưng chúng tôi từ chối với lý do làm ăn khó khăn quá nên không có tiền.
Người đàn ông cầm cái thau đi vào trong bưng ra 2/3 thau thuốc gồm có lá khô, cây cắt khúc nhỏ, rồi trút vào tờ báo trải trên bàn. Xong, ông ta lấy những hộp thủy tinh có ghi chú bằng bút lông: chu sa, hùng hoàng, xạ hương, an tức hương, ngân châu với bột đỏ, vàng nâu hất vào cỡ 2-3 muỗng canh chứ không định lượng cụ thể. Chúng tôi hỏi đây là gì. Ông trả lời nhát gừng: “Thì thuốc chứ là gì”. Chúng tôi hỏi thuốc này có độc không, ông ta tỏ ra khó chịu: “Người ta xông nhà để tốt, may mắn mà độc cái gì”.
Khi đó, những nhân viên khác đều đổ dồn vào chúng tôi. Một phụ nữ lên tiếng: “Mỗi ngày, tụi tôi bán biết bao nhiêu thuốc chị ơi, quán ăn, nhà hàng người ta đến mua mỗi tháng, hay lễ khai trương, nhập trạch nhà mới, làm ăn sa sút người ta cũng mua về xông để trừ tà, thanh tẩy khí uế, đem lại may mắn. Chứ độc ai khùng mà mua”. Chúng tôi hỏi cách xông như thế nào thì chị bày: “Đốt lò than lên, cho hết gói này vào, bưng đi vòng vòng trong nhà, quạt lửa cho bùng lên và nhớ vừa đi vừa cầu khấn điều mình mong muốn. Nên vừa xông vừa niệm chú Kim Cương Đạo Sư Liên Hoa Sinh hoặc chú Lục Tự Đại Minh Quán Thế Âm thì hiệu nghiệm lắm”. Chúng tôi lại thắc mắc: “Nhưng đốt xong ở gần lò than và quạt cho lửa lớn thì có hít hơi độc vô không?”. Chị lườm: “Tụi tôi bán hít mỗi ngày vẫn sống nhăn răng nè, chị một năm đốt được mấy lần mà sợ?”.
Chúng tôi qua cửa hiệu A. ở đường Triệu Quang Phục. Từ ngoài cửa, chúng tôi đã nói lớn: “Cho gói xông nhà trừ tà, đốt phong long”. Cô bán hàng trẻ nhanh nhẹn kéo mấy hộc tủ sau lưng và bốc bốc bỏ vào gói giấy báo và cũng như hai tiệm trước, cô trút ba loại bột màu đỏ, nâu đỏ và vàng đồng không có nhãn cho vào gói thuốc đưa cho chúng tôi. “Đốt cái này hít vào có độc không em?”. “Đốt rồi đi, đốt nhanh thôi, chớ đứng đó hít đâu mà độc”.
Bên trong gói thuốc xông nhà có gì?
Chúng tôi đem những gói thuốc đến các BS y học cổ truyền. Soi kỹ thang thuốc và dùng ngón trỏ chấm vào những loại bột màu đỏ, vàng, nâu đã bị trộn lẫn, vị BS đang là giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM nói: “Trong thang thuốc này có hơn 10 vị: bồ ngót, vỏ quýt, vỏ cây, long não, chu sa, xạ hương… Nhưng trong đông y không tồn tại bài thuốc trừ tà hay mang lại may mắn. Cái này là mê tín dị đoan hoặc có người tận dụng, khai thác đời sống tâm linh xưa - hay đốt trái bồ kết, vỏ bưởi để thơm nhà cửa và nghĩ hương thơm này mang đến sự may mắn”. BS Trần Văn Năm - nguyên Viện phó Viện Y dược học dân tộc - khẳng định: “Không có bài thuốc xông nhà trừ tà ma hay xua đuổi xui xẻo, rước may mắn. Người ta nếu có xông là xông cây lá có tinh dầu để thơm nhà, tẩy mùi hôi, xua đuổi muỗi”.
|
Người bán hàng cho vào chu sa, thần sa, hùng hoàng khi phóng viên mua gói xông nhà |
Chúng tôi vừa định mang thang thuốc xông nhà đi kiểm nghiệm, thì được biết tiến sĩ - BS Cao Thanh Ngọc - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - đã gửi thang thuốc mà chị thu thập từ bệnh nhân T. - có đủ thành phần như những gói thuốc mà chúng tôi có, đưa đến Trung tâm Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm khu vực phía Nam nhờ kiểm nghiệm thạch tín và thủy ngân trong thuốc.
Trong lúc chúng tôi vẫn còn ngây người vì ma trận thuốc đông y được bán vô tội vạ ở các hiệu thuốc, thì một đồng nghiệp chuyển cho chúng tôi mấy đường link bán hàng online. Hàng chục sản phẩm được giới thiệu là “thuốc bắc xông nhà” với đủ giá từ 30.000-80.000 đồng được quảng cáo rất kêu: “Công việc bạn đang trì trệ, gia đình gặp chuyện không may, mua bán ế ẩm, nhà cửa mang lại xui xẻo… hướng giải quyết cho những vấn đề trên chính là dùng thuốc xông nhà. Xông toàn bộ ngôi nhà hoặc cơ sở kinh doanh của bạn. Mùi đặc trưng từ thuốc xông xua uế khí trong không gian quanh bạn hoặc xua chính uế khí của bản thân bạn. Mọi xui xẻo được tiêu tan, mang lại sinh khí cát tường cho gia thất, bản thân cũng như công việc kinh doanh”.
Dù quảng cáo có cánh như vậy nhưng không sản phẩm, nhãn hàng nào ghi thành phần gói thuốc. Riêng sản phẩm “Thuốc gia truyền” xông nhà được bán trên trang Lazada còn chỉ cách xông mà trong đó không cần chất độc, chỉ hít khói từ kiểu xông này cũng đủ ảnh hưởng đến sức khỏe. Phần giới thiệu sai lỗi chính tả và nguy hiểm: “Đốt lò than cháy đỏ, từ từ rải thuốc vào, quạt lên khói đi từ hóc hẻm, buồng, bếp, trở ra nhà giữa. Tiếp tục quạt và rải thuốc gần hết, đem ra cửa bếp lò tất cả quẳng ở ngã ba, đồng hoặc ao hồ gần nhất (nên làm buổi đêm)”. Xông kiểu này và giữa đêm thì khói dễ làm cho người đang ngủ bị ngạt thở, nhất là với người già và trẻ em. Chưa kể, nếu trong thuốc có chứa độc tố mà thải ra nguồn nước thì người dân sẽ lãnh đủ. Dù hướng dẫn nguy hiểm nhưng trên hướng dẫn không hề ghi cảnh báo nào.
Chúng tôi chợt nhớ tới lời của những người bán hàng: “Nếu có độc tại sao tôi bán mỗi ngày mà không bị gì?” và đem thắc mắc này hỏi vị BS đông y thì được giải thích: chu sa, thần sa, hùng hoàng khi có tác dụng của nhiệt thì bay hơi lan tỏa xung quanh, người hít thấm vào đường máu nhanh hơn, nguy hiểm hơn so với tiếp xúc dạng khô. Với những trường hợp bán hay xông ít, nhanh thì không nhiễm độc ngay nhưng chất độc tích tụ dần dần sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như thần kinh, tiêu hóa… Và nó bộc phát ở đâu thì người bệnh được cho vào nhập viện khoa đó - mà không nghĩ là bị nhiễm độc. Vì vậy, nếu người bệnh bị nhiễm độc tình cờ, tích tụ dần mà không hay thì phải đi điều trị khắp nơi, thời gian dài mà vẫn có thể không tìm ra bệnh.
Theo BS Cao Thanh Ngọc, thạch tín được xem là vua các loại độc. Thạch tín gây nguy hại cho sức khỏe là loại thạch tín vô cơ tích tụ trong đất đá hoặc hòa tan vào nước. Độc tính của nó cao gấp bốn lần thủy ngân và thạch tín được xếp là các chất gây ung thư nhóm 1. Thạch tín và các hợp chất của thạch tín được sử dụng làm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và trong sản xuất hợp kim. Chỉ cần tra trên mạng hay ngay cả các trang web về đông y, cũng thấy cảnh báo: chu sa, thần sa, hùng hoàng là kim loại nặng, có độc tính cao, phải thật thận trọng khi sử dụng.
Tiến sĩ - BS Cao Thanh Ngọc cho chúng tôi biết vị giáo sư chuyên điều trị chống độc, người đã hỗ trợ ngay từ đầu trong việc điều trị cho bệnh nhân T. cũng bảo rằng: “Không chỉ ở Việt Nam mà thuốc đông y bên Đài Loan cũng có vấn đề vì không kiểm soát nổi khi người thân từ Trung Quốc mang sang”. Và ông cũng đau đáu như các thầy thuốc ở nước ta, vì rất nhiều người bị nhiễm độc, bị ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc như những bệnh nhân bị xương khớp, bị rối loạn cương dương.
Trở lại với kết quả kiểm nghiệm những gói thuốc xông nhà của BS Ngọc và của chúng tôi thu thập được, theo đó, trong gói thuốc xông có chứa lượng thạch tín và thủy ngân rất cao. Kết quả cho thấy: asen (thạch tín) là 6.88mg/kg và thủy ngân là 970.309mg/kg. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Bộ Y tế về hàm lượng asen trong nước ăn uống an toàn ở mức 0,01mg/l.
Nhìn kết quả, chúng tôi lại nhớ hình ảnh đau đớn, vật vã của bệnh nhân T. Với thực trạng mua thuốc hồn nhiên, bán thuốc vô tội vạ như hiện nay thì sẽ có bao người như bệnh nhân T.? Cơ quan chức năng, Hiệp hội Đông y cần tổ chức những buổi hội thảo mời những người bán thuốc đông y tham dự, để họ hiểu và cam kết không bán thuốc có độc tố. Còn nhớ, một đất nước văn minh, hiện đại như Úc mà năm 2015 đã gây chấn động khi các nhà nghiên cứu công bố: 90% thuốc đông y của Trung Quốc ở Úc đều chứa kim loại độc hại.
Nhóm Phóng viên