Du học sinh rạch tay do trầm cảm
Chưa học xong phổ thông trung học, N.T.M. (17 tuổi, ở TP.Hà Nội) được bố mẹ đưa sang Anh du học. Tuy nhiên, sau hơn một năm xa nhà, dịp gần tết vừa qua, cô bé trở về Việt Nam thăm gia đình với nhiều biểu hiện lạ. M. trở nên khép kín, ít giao lưu, trò chuyện cùng mọi người. Hầu hết quãng thời gian ở nhà, M. đều ngồi trong phòng. Khi có người đến thăm, phải đợi bố giục, em mới chào hỏi. Khi vô tình nhìn thấy vết rạch chằng chịt trên tay con, mẹ của M. mới phát hiện ra ý định tự tử của con mình.
|
Theo chuyên gia tâm lý, trước khi đi đến quyết định tự tử, hầu hết người trẻ có những “dấu hiệu ngầm”, nếu gia đình quan tâm, chú ý, có thể phát hiện sớm để can thiệp và điều trị kịp thời - Ảnh: SHUTTERSTOCK |
Phó giáo sư - tiến sĩ Tô Thanh Phương - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung Ương - cho biết khi tiếp nhận, bệnh nhân M. đã trầm cảm nặng. Khi sang Anh du học, M. không có nhiều người thân quen, em sống trong môi trường cô độc, không có bạn bè. Cuộc sống bí bách khiến em buồn chán và ngã bệnh lúc nào không hay. M. kể, mỗi lần em rạch tay đều do nghe thấy tiếng xúi giục của một người đàn ông vang lên trong đầu. “Đây là hiện tượng ảo thanh mà rất nhiều bệnh nhân trầm cảm tưởng tượng ra, sau đó tìm tới cái chết” - tiến sĩ Tô Thanh Phương nói.
Nam sinh viên P.T.T. (tỉnh Thái Bình) cũng thường xuyên tìm đến cái chết. Không chỉ xuất hiện ảo thanh xúi giục kết liễu cuộc sống của mình, cậu còn muốn tấn công những người xung quanh. Thậm chí, vào ngày tết năm ngoái, T. cầm liềm định cắt cổ chị gái. Khi đó, gia đình T. mới hốt hoảng đưa T. đi chữa bệnh. Sau khi được điều trị tích cực, tới nay, bệnh nhân này đã ổn định sức khỏe và đang hòa nhập lại với cuộc sống.
Không may mắn như hai trường hợp kể trên, thời gian qua, có rất nhiều thanh thiếu niên đã tìm tới cái chết khiến người thân, gia đình và cả xã hội phải bàng hoàng, đau xót. Câu chuyện của nam sinh viên N.V.N. (19 tuổi, quê ở tỉnh Bình Định) tự tử đang khiến dư luận bàng hoàng. Thậm chí, để chắc chắn cho sự ra đi của mình, cậu còn bỏ thêm 10kg gạch đá vào ba lô đeo trên lưng trước khi trầm mình xuống sông. Theo cha của N., N. là đứa trẻ ngoan, học giỏi, hiền lành; trước khi rời nhà đi học, N. vẫn vui vẻ, không có biểu hiện bất thường.
Tôn trọng và lắng nghe trẻ
Dẫn số liệu từ một nghiên cứu tại Việt Nam, tiến sĩ - bác sĩ Ngô Anh Vinh - Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết trong số trẻ vị thành niên bị trầm cảm, có 4,6% trẻ lập kế hoạch tự tử và 5,8% trẻ cố gắng tự tử. “Mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không chia sẻ được có thể khiến cho trẻ không tìm ra cách giải quyết dẫn đến việc trẻ tự tử. Bạo lực gia đình và bạo lực học đường cũng là một nguyên nhân quan trọng. Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự tử và xem việc tự tử như một cách để thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống” - tiến sĩ Ngô Anh Vinh phân tích.
|
Trẻ tự mua thuốc ngủ sử dụng dễ gây ra các bệnh lý về tâm thần, thậm chí tử vong nếu dùng quá liều - Ảnh minh họa |
Bên cạnh những “góc khuất” từ gia đình hay trường học, tiến sĩ Tô Thanh Phương cũng báo động về tình trạng trẻ lạm dụng thiết bị điện tử dẫn tới sự gia tăng tình trạng trầm cảm và tự tử.
Gần đây, sau một thời gian dài học online, số ca bệnh đến thăm khám tăng lên so với thông thường, đặc biệt là các học sinh phổ thông. Ông nói: “Trẻ học ở nhà không có bạn chơi nên không thể chia sẻ, giải tỏa các bí bách của mình. Trong khi đó, việc tiếp xúc với các thiết bị điện tử như ti vi, điện thoại, máy tính lâu ngày khiến trẻ càng ngày càng thu hẹp trong thế giới của riêng mình. Rất nhiều bệnh nhân khi tới thăm khám đều trong tình trạng buồn chán, lo âu. Những thông tin xấu, độc trên mạng ảnh hưởng rất nhiều tới các cháu. Nhiều cháu chia sẻ muốn tự tử chỉ vì học theo những clip lan truyền trên mạng”.
Tiến sĩ Tô Thanh Phương khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm tới con cái trong thời gian học online. Dịch bệnh dự báo còn tiếp tục kéo dài, do đó, cần điều tiết hài hòa thời gian trẻ học và nghỉ ngơi, thư giãn. “Cha mẹ nên cho con sử dụng máy tính thay vì điện thoại để vừa hạn chế các tác hại về mắt, vừa giảm bớt được nguy cơ trẻ tiếp xúc với những trò chơi dễ cài đặt, dễ thao tác trên điện thoại khiến trẻ nghiện thiết bị điện tử. Ngoài giờ học, gia đình nên khuyến khích trẻ làm việc nhà trong khả năng, giao tiếp với ông bà, cha mẹ…” - ông khuyên.
Có ba dấu hiệu chính và bảy dấu hiệu phụ để xác định trẻ bị trầm cảm, cần được thăm khám. Ba dấu hiệu chính bao gồm: khí sắc giảm; nét mặt thiếu tươi tắn, luôn buồn rầu, ủ rũ, thể hiện sự chán nản; giảm năng lượng và hứng thú trong các hoạt động hằng ngày, cơ thể mệt mỏi. Bảy dấu hiệu phụ gồm: giảm sự tập trung, học hành sa sút, luôn do dự và không quyết đoán trong các vấn đề của cuộc sống; thiếu tự tin, luôn nghĩ mình yếu kém và mặc cảm với bản thân; nhìn mọi việc đầy bi quan, ảm đạm; cảm giác tội lỗi, cho rằng những thất bại, sai lầm đều xuất phát từ hành động của mình; có ý định và hành vi tự tử; rối loạn giấc ngủ; ăn uống kém, gầy mòn. Theo tiến sĩ Tô Thanh Phương, khi gia đình nhận thấy trẻ có một vài biểu hiện như trên, cần đưa trẻ đi thăm khám kịp thời bởi càng phát hiện sớm, càng ít các biểu hiện thì việc điều trị càng dễ dàng hơn, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. |
Theo tiến sĩ - bác sĩ Ngô Anh Vinh, độ tuổi chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn đang trong quá trình hình thành ý thức nhưng chưa đầy đủ, hoàn thiện, dễ có những hành động bồng bột. Gia đình và nhà trường cần quan tâm, phát hiện những thay đổi trong suy nghĩ của trẻ. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này, trẻ rất nhạy cảm, muốn thể hiện được cái tôi và sự trưởng thành của mình nên mọi sự quan tâm, sẻ chia cũng phải được thể hiện đúng cách. “Cha mẹ cần tuân thủ năm nguyên tắc: tôn trọng trẻ, lắng nghe trẻ, không phán xét trẻ, dành nhiều thời gian cho trẻ và bảo mật thông tin khi trò chuyện với trẻ” - tiến sĩ Ngô Anh Vinh nói.
Phát hiện những dấu hiệu ngầm để sớm điều trị
Khi đi đến quyết định tự tử, hầu hết trẻ có những “dấu hiệu ngầm”, mà theo tiến sĩ Tô Thanh Phương, nếu gia đình quan tâm, chú ý, có thể phát hiện sớm để can thiệp và điều trị kịp thời.
Tiến sĩ Ngô Anh Vinh cũng lưu ý, một trong những dấu hiệu khá phổ biến của trẻ trước khi đi tới các suy nghĩ tiêu cực là rối loạn giấc ngủ. Khi phát hiện dấu hiệu này ở trẻ, cha mẹ cần lắng nghe, chia sẻ và tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này để tìm cách xử lý. Nhiều trường hợp mất ngủ là biểu hiện của một số căn bệnh như rối loạn lo âu, trầm cảm. Ở chiều ngược lại, những cú sốc tâm lý hay đơn thuần là do việc nghiện game, thiết bị điện tử khiến trẻ bị mất ngủ kéo dài có thể gây ra các bệnh lý về tâm thần. Đáng lo ngại là khi mất ngủ, một số trẻ tự mua các loại thuốc ngủ trên thị trường để sử dụng. Đây là việc làm vô cùng nguy hiểm bởi có thể gây tử vong nếu sử dụng quá liều.
Sai lầm “chết người” khi điều trị tâm thần cho trẻ Phó giáo sư - tiến sĩ Tô Thanh Phương khẳng định, khi trẻ bị trầm cảm, nếu chỉ điều chỉnh hành vi của những người xung quanh sẽ không đủ để “kéo” trẻ trở lại trạng thái bình thường: “Có một sai lầm hiện nay là khi trẻ bị trầm cảm, thậm chí đã có ý định hoặc từng tự tử, người lớn chỉ cho trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý. Điều này thiên về việc giải thích bệnh, từ đó muốn thay đổi lại thói quen sống của người bệnh và những người xung quanh. Tuy nhiên, vấn đề tâm lý chỉ giải quyết được khi trẻ bị sang chấn tâm lý, còn khi đã xác định mắc bệnh lý tâm thần, như bị trầm cảm, thì bắt buộc phải dùng thuốc mới điều trị được tận gốc”. Theo ông, nếu trẻ không được điều trị sớm, tình trạng bệnh cũng như hậu quả sẽ nặng hơn: “Trầm cảm có xu hướng tăng dần, ít khi dừng lại, nên cần điều trị sớm cho trẻ. Trong quá trình điều trị, có thể kết hợp giữa bác sĩ chuyên khoa tâm thần và các chuyên gia tâm lý để mang lại hiệu quả tốt nhất cho trẻ”. |
Minh Quang