PNO - Kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam (13/8/2008-13/8/2023), Nhà xuất bản Trẻ vừa in 2 cuốn sách mới tưởng nhớ ông. Dịp này, Quỹ Sơn Nam cũng trao tặng 24 suất học bổng cho trẻ em nghèo ở Lũng Cú (Hà Giang).
Những góc đời riêng lạ là tập sách gồm các bài viết của nhà văn, nhà báo và con gái của nhà văn Sơn Nam viết về những kỷ niệm, những chuyện chưa kể trong cuộc đời riêng của ông. Trong phần 1 Nhớ ba tôi, góc đời riêng lạ của cố nhà văn được con gái ông - bà Đào Thúy Hằng - kể lại. Những ký ức từ góc nhìn của người trong gia đình càng làm hiện rõ cuộc đời và nhân cách “ông già đi bộ”.
2 tác phẩm vừa phát hành kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Trẻ
15 năm sau ngày ông mất, lần đầu tiên những “góc khuất” trong cuộc đời giản dị của ông được kể lại cùng bạn đọc. Chuyện chàng trai tên Lạc (tên ở nhà của Phạm Minh Tày, tức Sơn Nam) quen và yêu cô giáo đàn hay, diễn kịch giỏi và nhờ mai mối như thế nào. Khi có con, nhà nghèo ông đã cõng con gái đi khắp xóm trên, xóm dưới để phụ giúp người ta xay lúa, giã gạo ra sao và chuyện 2 cha con từng ăn cơm ké nhà người ta… Sơn Nam dành cả cuộc đời cống hiến cho văn nghiệp và đời riêng của ông cũng giàu tình yêu thương, hiền lành, chân chất đúng nghĩa của người con đất quê Nam Bộ.
Phía sau những hào quang trên văn đàn, một trong những điều mà bè bạn, những người yêu quý và hiểu Sơn Nam đã cùng chia sẻ trong Những góc đời riêng lạ đó là ông luôn… không có nhiều tiền. Về quê, đi ngang nhà, nhưng ông không ghé, vì “không có tiền thì về làm gì”. Hay trong ghi chép của nhà văn Ngô Khắc Tài, lần về An Giang cưới vợ cho con mà Sơn Nam đi tay không. Bạn văn hiểu nên đã cùng nhau mua trầu cau, mâm quả cho ông đi làm sui, “cho giống người ta”...
Bên cạnh những câu chuyện đời thường, còn có nhiều ghi chép cảm động về nhà văn Sơn Nam. Như lần ông về quê chịu tang mẹ, trong ký ức được nhà văn Lý Lan ghi lại. Đó là khi tàu chạy chừng mười mấy cây số, có người đến lục túi áo ký giả của ông, túi trên, túi dưới đều không có tiền. “Người ở Sài Gòn gì mà mặc đồ 6, 7 túi, hổng có đồng xu nào” - người đó nói. “Sơn Nam ngồi trân người hỏi lại: Ai vậy?”. Người đó mới nói: “Tôi là người vừa chôn má anh. Bà mất cách đây 1 tuần, ở tại nhà tôi”.
Trong sách, phần phụ lục Chân dung một ông già đi bộ Sơn Nam còn có bài viết của các nhà văn, bạn bè - đều là những người có dịp gặp gỡ và yêu quý ông: Võ Đắc Danh, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Trọng Chức, Nguyễn Lam Điền…
Hương đất thoảng trong từng trang viết
Nhà văn Lý Lan nhận định: “Đọc Sơn Nam thì biết cây giá ở Rạch Giá là cây gì, cây quao xứ Gò Quao ra làm sao, hương rừng Cà Mau là mùi thơm bông tràm, con ong làm mật bay như thế nào, tại sao nói con cá Hậu Giang là con cá trắng mà cá sông Trẹm là cá đen…”. Có nghĩa, đọc Sơn Nam là đọc cả một kho tàng kiến thức văn hóa Nam Bộ mà ông chuyển tải vào trang viết. Không chỉ có hàm lượng thông tin cao mà còn giàu cảm xúc, những trang văn mộc mạc chuyên chở cả tấm lòng và tình yêu của nhà văn dành cho người, cho đất.
“Canh chua ăn với cá kho tộ quả là hài hòa, cả hai món đều cay. Sáng kiến kho cá đồng, đặc biệt là cá rô với nước mắm ngon, trình bày trong kiểu bao bì bằng gốm thô đen đúa - (cái mẻ kho) được thay thế bằng cái tộ, đặt hàng sẵn ở lò gốm cho có vẻ sạch sẽ; lần đầu tiên đâu từ sau năm 1960 ở quán Cây Dừa, đường Lê Lai, gây sự hấp dẫn đối với khách sành điệu Sài Gòn rồi phổ biến trở lại các tỉnh phía đồng bằng…” - trích bài viết Món cơm của nhà văn Sơn Nam, in trong tập sách Đi và ghi nhớ. Những ghi chép của ông lúc nào cũng vừa gợi cảm xúc vừa gợi hình ảnh. Dù là viết về món ăn, cảnh quan văn hóa hay chuyện về đất, về người, mọi thứ đều như hiển hiện rõ ràng, len lỏi và đánh thức mọi giác quan, cảm xúc của người đọc.
Đã 20 năm kể từ khi nhà văn Sơn Nam trao bản quyền toàn bộ tác phẩm của ông cho Nhà xuất bản Trẻ, đến nay, đơn vị đã in hơn 20 tựa sách của nhà văn. Văn hóa Nam Bộ hiện lên dung dị, thấm đẫm tình đất tình người qua các tác phẩm: Hương rừng Cà Mau, Theo chân người tình một mảnh tình riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa - Văn minh miệt vườn, Biển cỏ miền Tây - Mùa len trâu và các truyện khác, Vạch một chân trời chim khuyên xuống đất… Cuốn sách Đi và ghi nhớ ra mắt trong dịp này là tập hợp những bài viết của Sơn Nam từng in trên tạp chí Xưa & Nay cùng một số báo khác (từ trước năm 1975-1997).
56 bài viết trong sách tập trung vào các vấn đề lịch sử - văn hóa của con người Sài Gòn - Nam Bộ xưa và nay. Trong đó nổi bật là những bài về văn hóa vùng đất (Thương cảng Sài Gòn, Sức sống cư dân vùng châu thổ sông Cửu Long, 100 năm trước Sài Gòn…); phong tục tập quán - đời sống tinh thần (Cá tính dân Sài Gòn qua địa lý, Mâm cơm tết Nam Bộ…); nhân vật (Vương Hồng Sến, Hải Thượng Lãn Ông…).
15 năm nhớ nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam bằng những tác phẩm vẫn vẹn nguyên giá trị, bằng những trang viết gợi ký ức đằm sâu. “Ông già đi bộ” vẫn sống trong lòng bạn đọc, trong từng câu chuyện về đất, về người mà ông đã để lại cho đời.