Những góa phụ trong cuộc chiến Syria

12/10/2014 - 14:10

PNO - PNO - Đám trẻ con đang hào hứng “trêu chọc” một con chuột cống to lớn và bẩn thỉu chúng tìm thấy phía trước căn nhà tồi tàn của Fathiya Ahmed, một phụ nữ 45 tuổi, đến từ Aleppo, Syria. Chúng không còn gì khác để chơi.

Nhung goa phu trong cuoc chien Syria

Fathiya Ahmed

Tại khu ổ chuột của thành phố công nghiệp Gaziantep gần biên giới này, lũ chuột cùng với cái nóng như thiêu khi trời nắng và cảnh lầy lội khi mưa xuống, cũng như cái đói, dường như đã trở nên quen thuộc.

Trước chiến tranh, Fathiya Ahmed sống không khá giả lắm nhưng cũng không đến nỗi túng thiếu cùng chồng và 6 người con, nhỏ nhất 7 tuổi và lớn nhất 30 tuổi cùng với hai đứa cháu tại Aleppo. Chồng bà là một tài xế taxi, thu nhập của ông vừa đủ để mua một căn hộ khá tươm tất và chu cấp cho cả gia đình.

Tai họa ập đến vào một ngày tháng giêng năm 2013 khi một máy bay của quân chính phủ Syria thả một quả bom gần ngôi nhà của họ. Chồng bà bị một mảnh bom văng vào đầu và chết ngay lập tức. Chôn cất ông xong, cả gia đình quyết định gia nhập vào đoàn di tản hơn 700 ngàn người tới Thổ Nhĩ Kỳ để tránh tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Từ khi tới đây, họ sống chủ yếu nhờ vào sự giúp đỡ của những người Thổ tốt bụng, trong đó có “quý bà đáng mến” đã cho họ ở nhờ nơi này không lấy tiền. Thu nhập duy nhất của gia đình giờ đây là tiền công xếp gạch lên xe tải của cậu con trai với khoảng 10 USD một ngày. Thỉnh thoảng, những người Thổ mang đến cho họ một ít quần áo hoặc thức ăn. Một tiệm tạp hóa gần đó mang cho họ một ít cà chua giập nát không bán được, Fathiya và những người phụ nữ trong khu đập cho chúng vỡ ra rồi chà nát thành thứ bột nhão, sau đó đem phơi khô để dùng dần - đó là món ăn chính trong bữa tối của họ.

Mỗi tuần hai lần, một chiếc xe của thành phố chở nước tới đổ đầy cho họ hai thùng nhựa đựng nước uống. Thức ăn được treo lên xà để tránh lũ chuột. Căn phòng bằng gạch xỉ với mái tôn thủng lỗ chỗ rộng chừng 12 bước chân không có bàn ghế hoặc bất cứ thứ gì, mọi người ngồi lên sàn hoặc trên những viên đá, đám trẻ con chơi trên khoảng sân bẩn thỉu và đầy sỏi.

Nhung goa phu trong cuoc chien Syria

Căn nhà của Fathiya

Fathiya nghe nói ngôi nhà của họ ở quê nhà đã bị bom phá hủy sau khi họ ra đi, bà buồn rầu nói: “Chúng tôi đã bỏ lại nhà cửa và cuộc sống của mình, dù sao thì nơi đó cũng tốt hơn ở đây…Chúng tôi phải trở về, nhưng phải xem có an toàn hay không đã. Chúng tôi sợ trở về thì chết đói mất. Tôi sợ rằng cuộc chiến này sẽ kéo dài năm sáu năm, nếu trở về bây giờ cũng gần như đi vào chỗ chết”.

Trẻ hơn Fathiya cả chục tuổi, Huda Khalaf đến trại tị nạn Oncupinar ở Kilis, Thổ Nhĩ Kỳ từ vùng Hretan, Syria. Chồng cô, Imad tham gia Quân đội tự do Syria (FSA) chống lại chính quyền của tổng thống Bashar al- Assad dù không được sự đồng ý của cô. Cô kể cô đã nói với chồng mình rằng “Em không muốn mất anh, không muốn những đứa con của chúng ta lớn lên không có cha”. Thậm chí cô đã dọa sẽ bỏ anh nếu anh cương quyết tham gia chiến đấu, nhưng cả cô và chồng cô đều biết đó chỉ là lời dọa suông mà thôi. Họ biết nhau từ khi còn nhỏ cho đến khi cưới nhau năm 2000, khi cô vừa 18 tuổi và đã có với nhau 4 đứa con - 5,7,11 và 12 tuổi. Cô căm ghét chế độ Assad, nhưng cô yêu chồng mình nên cô không muốn anh chết. Dù vậy, cô đã không thể thay đổi được quyết định của chồng: “Anh ấy nói: anh sẽ hiến dâng mình cho đất nước và trao những đứa con chúng ta vào tay Chúa”.

Cuối cùng thì nỗi lo của cô trở thành sự thật. Chồng cô chết trong một cuộc giao tranh với phe chính phủ ngày 25 tháng Hai 2012. Sau khi chôn cất Imad, ba người anh em trai của Imad đã đề nghị cha mình đưa những người phụ nữ và trẻ em trong gia đình trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ, còn họ vẫn ở lại để chiến đấu. Thế là đêm đi, ngày nghỉ để tránh quân chính phủ, cuối cùng họ cũng đến được trại tị nạn Oncupinar, một trong 25 trại tị nạn ở Kilis được xây dựng bằng những chiếc container cũ. 15 người trong gia đình họ sống ở đây từ đó đến nay nhờ vào trợ cấp của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Tổ chức lương thực thế giới, còn ba người anh em của chồng cô vẫn đang chiến đấu ở Syria. Huda nghe tin em trai mình cũng đã chết trong cuộc chiến đó, cậu ấy chỉ mới 23 tuổi.

Nhung goa phu trong cuoc chien Syria

Huda Khalaf sống tại trại tị nạn Oncupinar ở Kilis

“Không một lời nào diễn tả được cảm giác của tôi. Tôi đã mất chồng, các con tôi mất cha. Tương lai của chúng tôi không biết sẽ ra sao. Tôi không còn chịu đựng được nữa”. Cô nói rằng mỗi thành phố ở Syria giờ đây đều có một nghĩa trang để chôn cất những người chết trong cuộc chiến, và chúng được lấp đầy nhanh chóng.

Trên vách căn phòng cô có treo một tấm hình của chồng mình, và trên tay cô vẫn đeo nhẫn cưới.

DƯƠNG BÍCH LIÊN
(theo Washington Post)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI