Xây tặng bể chứa, chở nước lên non
Tả Gia Khâu là xã xa nhất, ít dân nhất và thiếu nước nhất của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Phía đông nam và tây nam của Tả Gia Khâu, dưới chân núi là dòng sông Chảy nhưng bao đời nay, bà con chỉ biết cúi nhìn dòng sông xanh biếc chứ không có cách nào sử dụng được nguồn nước ấy.
Cũng đã nhiều lần, các đoàn công tác lên đây khoan thăm dò, nhưng chưa tìm được bất kỳ mạch nước ngầm nào. Gần 4 tháng không có mưa, nắng nóng kéo dài từ đầu tháng Tư đến nay khiến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cả xã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
|
Cô và trò Trường mầm non Pa Cheo háo hức xem khoan giếng - Ảnh: V.N.G. |
Trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú Tả Gia Khâu nằm chênh vênh trên triền đồi với 204/266 học sinh học bán trú. Mấy tháng nay, cuối buổi học, học sinh bán trú khối Bốn, Năm của trường đều phải xách can 5 lít đi bộ 3 lần, mỗi lần vượt hơn 1km đường núi đến các gia đình xin nước, mang về đổ vào téc chứa. Các thầy thì chở can to, xe máy cài số 1-2, vặn hết tay ga mới qua được các con dốc.
Các loại téc của trường trữ được hơn 100m3 nước. Trường còn có 1 bể chứa do các nhà hảo tâm tài trợ tiền, bộ đội đồn biên phòng Tả Gia Khâu xây 2 năm trước, cũng chỉ chứa được 100m3, không đủ để sinh hoạt và ăn uống với mức tối thiểu là 100 lít nước/học sinh/ngày. Thầy cô giáo phải tắm giặt nhờ ở nhà dân và cứ mùa khô là kêu gọi các em “để dành”, cuối tuần về nhà tắm giặt. Nước xin được chỉ đủ dùng cho những hoạt động thiết yếu nhất, như nấu ăn, rửa bát, vệ sinh chân tay, mặt mũi, đánh răng.
Những ngày nắng gắt gần đây, nước ở các hộ dân cũng cạn, thầy và trò không thể xin hay gạn chắt ở đâu được nữa. Lãnh đạo huyện Mường Khương phải cầu cứu và Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh Lào Cai phải điều động xe chuyên dụng chở hàng trăm khối nước sạch tiếp tế cho Trường PTDT bán trú Tả Gia Khâu.
Ông Long Văn Ngạn - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tả Gia Khâu - nói: “Mùa mưa, nước rất nhiều nhưng không có chỗ chứa. Thầy trò nhìn nước mưa trôi tuột mà tiếc. May mắn là mới đây, các nhà hảo tâm lại hỗ trợ kinh phí để chúng tôi xây thêm bể ngầm có sức chứa lớn hơn. Hy vọng mùa khô năm sau, lượng nước sẽ đủ dùng cho nhu cầu tối thiểu của thầy cô, học sinh”.
Khoan giếng trong khuôn viên trường
Suốt nhiều năm, nguồn nước sinh hoạt của thầy và trò Trường tiểu học - THCS Chiềng Kheo ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cũng phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Giàng Thị Say - học sinh lớp Chín - kể: “Từ khi học tiểu học, mỗi khi đến trường vào mùa đông, cháu phải mang theo nước để rửa chân tay, giặt khăn lau bảng, tưới cây trong vườn trường”.
|
Thầy và trò Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nong U bên giếng nước do 1 nhà hảo tâm ở TP Vũng Tàu tài trợ - Ảnh: T.T. |
26/4/2023 là ngày vui của 25 giáo viên và gần 400 học sinh Trường tiểu học - THCS Chiềng Kheo: công trình giếng nước trong khuôn viên trường được khánh thành. Giếng khoan này là quà tặng của cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Sơn La.
Ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, thầy và trò Trường PTDT bán trú THCS Nong U cũng rất phấn khởi khi có 1 giếng nước ngay trong khuôn viên trường mới. 1 nhà hảo tâm ở TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tài trợ 28 triệu đồng thông qua quỹ của nhóm thiện nguyện Tuệ Tâm và giáo viên của trường Nong U góp thêm 7 triệu đồng để cùng xây giếng này. Đây là 1 trong 22 giếng đã được các nhà hảo tâm và nhóm thiện nguyện Tuệ Tâm trao tặng các trường ở các tỉnh miền núi trong gần 2 năm qua.
Trên “miền đá khát” Hà Giang, mỗi giọt mưa được ví như 1 giọt vàng bởi địa hình núi đá rỗng, mưa ngớt là nước trôi ngay. Các trường mầm non Sủng Là, PTDT bán trú tiểu học - THCS Sà Phìn của huyện Đồng Văn, PTDT nội trú Bắc Mê, PTDT bán trú THCS Yên Cường của huyện Bắc Mê là những trường phổ thông đầu tiên trong mô hình cấp nước sạch và nước uống học đường của tỉnh Hà Giang. Theo đó, nhà tài trợ hỗ trợ 80% kinh phí mua sắm, lắp đặt hệ thống thiết bị và cung cấp chuyên gia kỹ thuật, nhà trường góp 20% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng lắp đặt, làm hàng rào bảo vệ thiết bị.
Ông Nguyễn Xuân Toàn - Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú Bắc Mê - hồ hởi khoe: “Nước được xử lý theo công nghệ thẩm thấu ngược nên an toàn, thầy trò chúng tôi không phải lo thiếu nước sinh hoạt, không phải đi mua nước với giá đắt đỏ. Học sinh vừa không phải mang nước đến trường, vừa có thể uống trực tiếp tại vòi”.
Những giọt yêu thương
Ngày 27/4, hết giờ học, bọn trẻ của Trường mầm non Pa Cheo (xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) theo các cô giáo xuống đường liên bản xem khoan giếng. Đứa nào cũng tròn xoe mắt nhìn các cỗ máy lạ lẫm hoạt động. Các cô giáo Tao Thị Hợp, Lò Thị Diên, Nguyễn Kiều Trang không giấu được vẻ hồi hộp bởi các giếng khác trong xã đều phải khoan đi khoan lại mấy lần. Như giếng ở Trường PTDT bán trú THCS Pa Cheo qua 3 lần khoan, mỗi lần sâu 60m mà vẫn thất bại, nhóm thợ phải chuyển xuống nơi thấp hơn để tìm mạch nước và nếu có nước thì phải lắp ống dẫn lên trường.
|
Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Yên Thổ (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) vui sướng khi được nghịch nước trong mùa khô - Ảnh: V.N.G. |
Quê ở tỉnh Vĩnh Phúc, khi lên Pa Cheo dạy học, cô Kiều Trang phải mất khoảng thời gian khá dài mới thích nghi tình trạng thiếu nước sinh hoạt nơi đây. Sáng 27/4, cô ngồi trong lớp dạy bọn trẻ mà tâm trí để mãi dưới chân con dốc dẫn lên trường - nơi nhóm thợ khoan giếng dò tìm mạch nước.
Cuối chiều, khi nước được đẩy lên cùng đất đá, các cô giáo trẻ cùng nhóm thợ vỡ òa sung sướng. Lúc dòng nước ào ào chảy, cô Hợp, cô Diên, cô Trang hào hứng nghịch nước như những đứa trẻ. Sau không ít lần thất bại, các trường mầm non, trường tiểu học và trường THCS ở Pa Cheo đều tìm được nước. Các thầy cô giáo đã tự xây những vuông tường để bảo vệ giếng chứ không chịu thuê thợ, nhằm tiết kiệm chi phí cho các nhà hảo tâm.
Những giếng nước ở Pa Cheo nằm trong chương trình “160 giếng nước Tây Bắc” do sư cô Hạnh Duyên (TPHCM) và các nhà hảo tâm tài trợ. Theo sư cô Hạnh Duyên, những ngày này, các nhóm thợ gắn bó với chương trình đang tập trung khoan giếng ở Lào Cai. Khi sư cô và các nhà hảo tâm khảo sát ở tỉnh Cao Bằng, có đến 17 trường, điểm trường và 2 khu dân cư cần nước nhưng không tìm được thợ khoan giàu kinh nghiệm chịu đi xa. May mắn, sư cô và các nhà hảo tâm đã kết nối được với nhóm thợ khoan giếng ở Tây Nguyên.
Hiểu giá trị, ý nghĩa của chương trình, 4 người thợ đã chất đồ nghề lên xe tải, thay nhau lái xe suốt ngày đêm từ Tây Nguyên đến Cao Bằng. Khi đến huyện Bảo Lâm, tới con dốc cao, xe tải nặng quá, không bò lên được, nhóm thợ phải dỡ bớt các ống sắt xuống, vác từng cây ống đi bộ vượt dốc. Họ nói với sư cô Hạnh Duyên: “Nơi nào khó mấy tụi con cũng tới, làm xong bằng được giếng cho bọn trẻ mới thôi”.
Cứ thế, từ tình yêu thương bình dị, những giếng nước, bể chứa đã và đang tiếp tục được xây ở những ngôi trường vùng cao, giúp thầy và trò vơi bớt nhọc nhằn.
“Hơn 20 năm tôi dạy học ở đây, mùa khô nào, Chiềng Kheo cũng thiếu nước sinh hoạt. Nhà trường phải đi mua nước từ các hộ dân xung quanh. Nhưng cuối mùa khô, khan nước quá, bà con cũng không bán nữa”. Giáo viên Hoàng Thị Long (Trường tiểu học - THCS Chiềng Kheo) |
Ngọc Minh Tâm