Những giọt mồ hôi của anh trai tôi

28/03/2023 - 10:53

PNO - Anh tôi giấu nỗi nhớ quê, nhớ cha và các em; giấu những thiếu thốn khổ sở để các em đừng lo lắng.

Gần đây, câu chuyện về cô sinh viên Ying Chanita (Thái Lan) cúi lạy anh trai cô trong ngày lễ tốt nghiệp đại học đã làm cộng đồng mạng xúc động mạnh mẽ. Ying có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cô và anh trai đều cố gắng học hành để mong thay đổi hoàn cảnh.

Vào năm 2018, gia đình Ying xảy ra biến cố. Anh trai Ying quyết định nghỉ học để nhường cơ hội đến trường cho em gái.

Tấm bằng cử nhân của Ying hẳn có không ít mồ hôi và công sức của anh trai và cả tấm lòng hy sinh vô bờ bến. Trong ngày lễ tốt nghiệp, Ying đã trân trọng khoác áo cử nhân cho anh. Cô đã quỳ lạy anh trai để tỏ lòng biết ơn anh vì đã hy sinh quá nhiều.

Người anh có nét mặt hiền từ, khắc khổ. Anh xúc động, cúi xuống xoa đầu em một cách yêu thương. Giây phút đó, tôi tin tình anh em giữa họ thăng hoa, thắm thiết không thể tách rời. Tôi tin, rất nhiều năm sau, bức ảnh quỳ lạy của Ying sẽ còn kể lại cho con cháu họ về tình anh em ruột thịt đáng quý.

 

Anh trai tác giả - Nguyễn Đại Hải (thứ tư từ trái qua) - trong lần về nước đầu tháng 12/2022,  cùng các chị em gái trong chuyến du lịch Đà Lạt
Anh trai tác giả - Nguyễn Đại Hải (thứ tư từ trái qua) - trong lần về nước đầu tháng 12/2022, cùng các chị em gái trong chuyến du lịch Đà Lạt

Tôi cũng có anh trai thương các em như anh trai của Ying. Trước giờ, tôi viết rất nhiều về gia đình mình nhưng chưa bao giờ viết về anh trai dù mỗi lần nghĩ đến tình thương, những hy sinh của anh vì gia đình, nước mắt tôi lại lặng lẽ rơi vì thương anh, vì cảm thấy mắc nợ anh.

Anh tôi đi hợp tác lao động ở Đông Đức khi tôi mới 8 tuổi. Anh đi để thay đổi hoàn cảnh gia đình, để cha và các em có cuộc sống tốt hơn. Anh đi mới 3 năm thì cha tôi đột ngột qua đời. Các chị lớn lấy chồng xa; tôi và chị gái kế phải nghỉ học giữa chừng, lăn lộn ra đời kiếm sống.

Lần về phép đầu tiên, anh rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh nhà tan nát. Cha chỉ còn là di ảnh trên bàn thờ, bên cạnh ảnh má. Anh mang về mấy chỉ vàng, thuyết phục tôi và chị gái đi học trở lại.

5 năm ở xứ người, anh tôi về trong bộ quần áo cũ, đơn giản y hệt anh công chức nghèo, chẳng có dáng vẻ sang trọng của Việt kiều. Anh chưa từng kể về những ngày nhịn ăn nhịn mặc, tiết kiệm từng đồng để gửi về nhà cho các em. Anh không kể về những ngày rét buốt nơi xứ người. Không có tiền mua áo len dày, anh chỉ có thể mặc nhiều lớp áo mỏng để chống rét. 

Những ngày thèm cơm, anh cùng bạn bè đi hơn trăm cây số để mang về bao gạo. Họ cùng nhau nấu bữa cơm thuần Việt. Bữa cơm ấm áp trong mùa đông rét buốt hẳn có nhiều giọt nước mắt rơi vì nhớ quê, vì nỗi chạnh lòng của những người con xa xứ…

Ở nơi chỉ có gà và heo, bò đông lạnh, anh thèm mắm, khô, ba khía… - những món ăn giản dị của quê nhà. Anh giấu nỗi nhớ quê, nhớ cha và các em; giấu những thiếu thốn khổ sở để các em đừng lo lắng.

1992, tôi tốt nghiệp đại học. Tôi không có cơ hội khoác áo cử nhân cho anh nhưng tấm bằng cử nhân của tôi là mồ hôi và công sức của anh. Sau này, anh lấy vợ, chị dâu biết gia cảnh anh nghèo, chẳng những chưa từng than trách, chị còn phụ anh nuôi các em.

Anh tôi giờ đã 67 tuổi, vẫn còn mải miết với công việc. Lần về phép mới đây, anh đưa mấy chị em chúng tôi đi du lịch Đà Lạt. Là anh muốn được gần gũi các em mình, được nhìn thấy các em vui dù các em gái anh đã vào tuổi trung niên cả rồi. Anh chụp ảnh từng đứa em thật nhiều để sang đó nhớ nhà thì mở ra coi. Nỗi khao khát tình thân của anh khiến tôi ngậm ngùi… 

Anh hẹn lúc nghỉ hưu sẽ về Việt Nam ở thật lâu, đi thăm hết họ hàng, tham quan từ Nam chí Bắc. Với anh, không đâu bằng ruột thịt, xứ sở của mình… 

Thùy Gương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Phan Thị Thanh Bình 29-03-2023 10:28:51

    Tấm ảnh gia đình đẹp quá (mọi người nhìn phúc hậu và sang). Em kính chúc gia đình của các anh chị luôn nhiều sức khỏa - hạnh phúc - bình an và vạn sự như ý trong cuộc sống. Em rất thíc xem những tấm hình về gia đình như vậy.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI