Những giọt máu ân tình trong đại dịch

18/06/2021 - 07:22

PNO - Theo ông Trần Trường Sơn - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM - chuyện lấp đầy ngân hàng máu đang cạn kiệt trong mùa dịch đã bật lên cái hào hiệp, nhân văn của người dân thành phố và đây không phải là lần đầu.

Bất ngờ với lượng máu hiến tặng 

Mười giờ ngày 16/6, bên ngoài Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM có gần chục người. Tuân thủ quy tắc 5K, họ đứng cách xa nhau, đeo khẩu trang kín mít. Nửa tiếng trôi qua, họ vẫn lặng lẽ đứng chờ ở vị trí của mình. Chừng như áy náy, tầm mười phút một lần, người bảo vệ trung tâm lại nói: “Anh chị thông cảm nha, dịch bệnh mà, mình phải đảm bảo không tập trung đông người. Đợi mấy người hiến máu trong kia về, rồi mình vô”. 

Nhiều người dân TP.HCM đi hiến máu trong đợt dịch ẢNH: D.X
Nhiều người dân TPHCM đi hiến máu trong đợt dịch - Ảnh: D.X

Tôi nhìn mấy tờ A4 ngay cổng trung tâm, có một thông báo vừa được dán sáng hôm đó, cho biết lượng máu được hiến hiện đã ổn, người hiến có thể trở lại vào tháng Bảy tới đây…

Người bảo vệ cười giòn tan: “Thật quý trọng, thành phố kêu gọi một cái là bao nhiêu cuộc gọi đến đặt lịch cho máu”. Trước đó, ngày 3/6, UBND TPHCM đã phát động người dân hiến máu nhân đạo, do ngân hàng máu của thành phố đang cạn kiệt, đáng báo động với kho dự trữ chỉ còn dưới 5.000 túi, trong khi ngưỡng an toàn thì con số này phải đạt 10.000 túi. Nhìn lại kết quả của hai tuần phát động, ông Trần Trường Sơn chia sẻ ngân hàng máu dự trữ tính đến nay, có thể nói đã dư. 

Theo ông Trần Trường Sơn, thời gian qua, trung bình mỗi ngày người dân hiến 500-700 túi máu, trong khi nhu cầu đưa về các cơ sở y tế điều trị do ảnh hưởng của dịch COVID-19 chỉ 300 túi. “Lượng máu dự trữ thiếu cũng không được, mà dư cũng không xong. Vì các túi máu đều có hạn sử dụng, vượt quá sẽ phải hủy. Mà để dẫn đến chuyện hủy thì rất có lỗi với người dân” - ông Trần Trường Sơn lý giải cho việc không ít người gọi điện ghi danh hiến máu, nhưng các cơ sở tiếp nhận phải hẹn lại một, hai tuần tới, và điều tiết tiếp nhận số đã đăng ký trước đó. 

Vị Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM không khỏi xúc động, bởi trong tình hình thành phố áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, số ca nhiễm bệnh phát sinh hằng ngày, có thể là thông tin gây ngần ngại cho bất cứ ai có ý định rời khỏi nhà. “Nhưng người dân thành phố rất hay, hay tin thiếu máu là đến…” - ông Trần Trường Sơn nói. Cũng theo ông, chuyện cạn quỹ máu của thành phố để qua đó, bật lên cái hào hiệp, nhân văn của người dân thành phố, không phải là lần đầu. 

Thời điểm dịch bệnh bùng phát năm ngoái, khi thành phố thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngân hàng máu cũng ở mức báo động. UBND TPHCM đồng ý cho duy trì công tác tiếp nhận máu, nhưng phải đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh. “Vậy là người dân đến, lượng máu tăng lên liền” - ông Trần Trường Sơn nói.

Điều này làm tôi nhớ câu nói của người bảo vệ tại Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM: “Với thông tin “quỹ máu thành phố đang cạn”, thì chỉ trong năm ngày là quỹ máu ổn định; nhưng nếu “quỹ máu thành phố đang cạn trầm trọng”, quỹ máu sẽ lập tức ổn trong hai, ba ngày. Thêm hai chữ “trầm trọng” mà tình thế khác lắm nha!”. 

Nụ cười giòn tan lẫn trong giọng nói rưng rưng của người bảo vệ trung tâm, chỉ đơn giản là xúc cảm hạnh phúc về cái đẹp thuần khiết của sự cho đi, vốn là căn tính của người dân xứ này. Trong khó khăn và tổn thương vì dịch bệnh, những tấc lòng càng thêm tỏa sáng. Cho, vì biết có ai đó đang cần. Cho, vì một lần hiến máu của một người có thể cứu sống ba người. Thậm chí có bệnh nhân, ba năm qua, sống được bằng chính máu của người hiến tặng. 

Chuyện của những người tặng máu

Để có kết quả nói trên chỉ sau hai tuần, có lẽ nhờ vào một nghĩa cử… bình thường của người dân thành phố hơn chín triệu dân. “Thành phố cần thì mình đi hiến thôi” - họ đáp vô tư và coi nó như chuyện đương nhiên. Anh Đặng Đức Tuấn (Q.8) kể: “Đọc thông tin quỹ máu cạn, tôi muốn tham gia liền”. Sau cuộc gọi đặt hẹn đến Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM, anh được hướng dẫn sang điểm hiến máu tình nguyện ở 24 Nguyễn Thị Diệu, Q.3 để đảm bảo giãn cách. Sáng 14/6, anh Tuấn đến điểm hẹn, dành phần lớn thời gian để khai báo y tế và kiểm tra sức khỏe. Rồi được bố trí hiến 350ml máu. 

Nhiều người dân TP.HCM đi hiến máu trong đợt dịch ảnh: D.X.
Nhiều người dân TPHCM đi hiến máu trong đợt dịch - Ảnh: D.X

“Sau bốn, năm lần đi hiến máu, lần nào mình cũng vẹn nguyên cảm giác hạnh phúc khi nghĩ rằng mình vừa giúp được ai đó đang cần” - anh Tuấn chia sẻ. Hôm đọc thông tin kêu gọi, nhóm sinh viên ở Q.Bình Thạnh cũng lập tức đăng ký. Họ hồn nhiên “khoe”: “Nhờ đi hiến máu, mình mới biết mình thuộc nhóm máu gì”, “Mình chẳng có gì ngoài sức trẻ để cho đi!”…

“Tôi hiến lần này là lần thứ 65 rồi, như một thói quen, năm nào tôi cũng đi hiến khoảng ba, bốn lần” - anh Đặng Văn Hải, công tác tại Công an Q.8 khẳng định. Anh kể về lần hiến máu mới đây - sau khi thành phố kêu gọi: “Bác sĩ kiểm tra trên máy thông tin của tôi, đùa rằng qua 64 lần hiến máu, lượng máu tôi hiến đã nhiều gấp năm lần số máu tôi đang có, phải đến cái bình 20 lít đựng cũng không hết. Bác sĩ nói vui thôi, nhưng tôi rất hạnh phúc với cái sự… thống kê đáng yêu đó. Hiến máu xong tôi còn được tặng quà, tôi chọn con thú nhồi bông mang về cho con gái, để nó nối tiếp tinh thần đi hiến máu của cha”.

Anh Trịnh Minh Cường (người sáng lập Happy Young House) đã tham gia đội tình nguyện hiến máu của trường khi còn là sinh viên năm nhất. Ở tuổi 28 với thâm niên hơn chục lần hiến máu, hơn ai hết, anh Cường hiểu rằng, tình hình dịch bệnh kéo dài cùng lệnh giãn cách, người dân sẽ càng hạn chế ra ngoài, khiến quỹ máu bị ảnh hưởng. Ngày 1/6, khi chưa có phát động của chính quyền thành phố, anh đã tự nguyện đi hiến máu và vận động bạn bè, người thân cùng tham gia.

“Tôi hiểu được rằng ngân hàng máu rất quan trọng trong chữa bệnh và cứu người” - anh Cường thẳng thắn. Anh kể, năm ngoái, một đồng nghiệp của anh nhập viện do mắc căn bệnh liên quan đến tủy, cần được tiếp nhiều máu. Anh lập tức kêu gọi trên trang cá nhân của mình và bạn bè, cuối cùng lượng máu cũng đã đủ cứu sống người đồng nghiệp…

“Hiến máu để giữ nhịp đập cho trái tim ai đó. Ai tham gia hiến máu cũng dừng lại ở suy nghĩ… dễ thương ấy. Họ cho đi mà không cần biết người nhận là ai” - một bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định. Cũng theo bác sĩ này, đằng sau nó luôn là những câu chuyện của tình huống cấp bách, của sự sống treo trên đầu sợi tóc. “Một bệnh nhân đang cần mổ gấp, nhưng bệnh viện thiếu máu AB, O…”. Khi phát đi những dòng như vậy, chúng tôi lập tức được hỗ trợ. Rất nhiều bệnh nhân khi tỉnh dậy, biết mình sống sót nhờ những giọt máu ân tình kia, đã rất xúc động. Sau đó cũng chính họ, trở thành người ghi danh hiến máu đầu tiên, khi hay tin có một ai đó đang cần” - vị bác sĩ cho hay. 

Theo ông Trần Trường Sơn, sáu tháng đầu năm 2021, thành phố thu được hơn 102.600 túi máu hiến, đạt tỷ lệ 46,64%. Một tín hiệu vui là tỷ lệ túi máu 350-450ml chiếm gần 80%, tăng so với những năm trước 10-20%. Về mặt kỹ thuật, túi máu lớn qua xử lý có thể chiết chế được nhiều thành phần để phục vụ công tác điều trị bệnh nhân. 
Cũng theo ông Trần Trường Sơn, từ cuối năm 2020, UBND TPHCM đã phê duyệt dự án Chuyển đổi số về tăng cường, nâng cao công tác tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện và quản lý máu an toàn. Dự án giải quyết ba mấu chốt của quy trình hiến máu là công tác tuyên truyền vận động - tiếp nhận và xử lý máu - phân phối, cung cấp theo nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế. Qua đó, lượng máu sẽ được kiểm soát và đáp ứng theo nhu cầu điều trị của các cơ sở; tránh tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa quỹ máu…
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM chia sẻ, do ảnh hưởng dịch bệnh, dự án này hiện đang gấp rút triển khai để bắt đầu năm 2022, thành phố sẽ khắc phục được tình trạng thừa - thiếu máu dự trữ.

Người nước ngoài ở Việt Nam cũng gọi nhau đi hiến máu

Nhóm hiến máu nhân đạo cho người vô gia cư ở Hà Nội (Blood Donors in Vietnam) thường xuyên chia nhau đi hiến máu vào cuối tháng kể từ năm 2016. Thời gian gần đây, khi dịch COVID-19 ở Việt Nam diễn biến phức tạp, số người trong nhóm tham gia hiến máu càng đông hơn, để bù lại lượng máu dự trữ đang thấp báo động.

Người nước ngoài tham gia hiến máu
Người nước ngoài tham gia hiến máu

Christopher Axe, người lập nhóm Blood Donors in Vietnam chia sẻ: “Trong lúc này, ai cũng sợ đến bệnh viện. Tôi đã hiến máu nhiều lần và thấy rằng bệnh viện rất sạch sẽ và an toàn. Mọi người đều tuân thủ 5K nên không có gì đáng lo cả”. Anh cũng gửi thông tin này tới các hội nhóm người nước ngoài ở Hà Nội để kêu gọi họ tham gia.

Trang Facebook của Blood Donors in Vietnam thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình dự trữ máu và các trường hợp thiếu máu trong nhóm hiếm khẩn cấp để mọi người cùng chung tay. Có khoảng 60 người nước ngoài đã hưởng ứng cùng anh. Ngoài ra, nhóm Help Hanoi’s Homeless do Christopher dẫn dắt cũng thường xuyên quyên góp thức ăn và các loại nhu yếu phẩm khác để phát cho người vô gia cư trên đường phố Hà Nội. Từ khi có dịch, họ còn phát khẩu trang và nước rửa tay trên các nẻo đường thủ đô.

Hiện nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam đang kêu gọi hiến máu nhân đạo để đảm bảo đủ lượng máu cho cấp cứu và điều trị y tế. Nhiều người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam cũng hưởng ứng để góp phần mang lại đủ máu dự trữ cho các bệnh viện. Họ truyền tai nhau rằng, cách bệnh viện tổ chức nhận máu rất chuyên nghiệp, nhân viên y tế rất thân thiện và hướng dẫn rất kỹ cho người hiến máu. Điều này không còn lạ lẫm, bởi nhiều người nước ngoài sống ở đất nước này, từ lâu, đã xem Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. 

Tuyết Dân

 
.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI