Viên ngọc của đức ông Rồng
Làng Đồng Lầm giờ đã lên phố với tên gọi phố Kim Hoa (phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội). Giếng cổ ở cuối làng cũng thành giếng phố. Giếng cuối phố có tuổi đời chừng hơn 300 năm và được ví là viên ngọc mà đức ông Rồng ngậm từ phía đình Kim Liên. Vì thế, dân làng Đồng Lầm xưa vẫn gọi là giếng Ngọc.
Phía sau đình là đền thờ ngài Cao Sơn đại vương (con của Lạc Long Quân). Do vậy, giếng Ngọc gắn bó với lịch sử và lễ hội diễn ra hằng năm để tưởng nhớ Đức ông đại vương. Đồng thời đền còn là mốc giới phía nam kinh thành Thăng Long xưa (nằm trong hệ thống tứ trấn kinh thành). Vậy nên từ phố Kim Hoa đi một thôi đường là tới phố Cửa Nam hiện nay. Dọc đường còn nhiều giếng khơi cổ đã bị lấp từ ngày có nhà máy nước. Thế nhưng giếng Ngọc vẫn còn đó, giữ được nét cổ xưa cho dù dấu thời gian đã phủ rêu phong trên từng viên gạch nhỏ.
|
Nước máy đã có từ lâu nhưng người dân vẫn sử dụng nước giếng khơi như một thói quen đã theo họ từ ngày thơ bé |
Những người Đồng Lầm gốc, đến nay, thi thoảng vẫn ngân nga đôi câu lục bát cổ của làng: “Đến đây trước giếng sau chùa/ Không yêu ta cũng bỏ bùa cho yêu”; “Cuối làng có cái giếng trong/ Người hiền rửa mặt, má hồng soi gương”; rồi “Thứ nhất gần mẹ gần cha/ Thứ nhì gần giếng, thứ ba gần đình”. Ấy là giếng Ngọc làng Đồng Lầm - phố Kim Hoa. Suốt nhiều năm, thanh niên trong làng - phố đi nghĩa vụ đều tập trung ở đình Kim Hoa. Và không ai bảo ai, trai tráng cứ lấy gầu ra múc nước giếng Ngọc dội lên đầu. Họ lên đường từ dấu mốc đó.
Nghe ca trù ở giếng nước hơn 500 tuổi
Nhắc đến giếng cổ nhất phố phường Hà Nội phải kể đến giếng ở đền Bạch Mã (phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm). Đền cũng là dấu mốc trấn phía đông của kinh thành Thăng Long và được ví là rốn rồng thờ thần Long Đỗ, được xây dựng từ thế kỷ IX. Do đó giếng ở đền đã được khơi đào từ ít nhất hơn 500 năm.
Từ xưa, nước giếng đền Bạch Mã đã trong mát quanh năm và thường được lấy làm lễ mỗi khi có hội làng. Nếu giếng Ngọc có chu vi thành rộng vài chục mét thì giếng rốn rồng ở đây lại chỉ rộng vừa đủ với thành xây vững chãi. Những ngày lễ hội, các phật tử đều đến đây ngồi bên giếng mát nghỉ ngơi, cạnh cây đại xanh um. Còn vào những đêm hát ca trù (do đoàn ca trù Hà Nội biểu diễn), không ít khán giả ngồi vây quanh giếng để nghe vọng giọng đào nương Bạch Vân sang sảng trong đền.
|
Giếng vuông nằm sâu trong con ngõ nhỏ của phố Nhà Chung |
Theo ông Phan Huy Thảo - một trong những người coi đền dinh trấn phía Nam - nói đến giếng phố cổ lâu đời nhất, chỉ có những giếng ở các đền dinh từ trấn kinh thành. Ngay trong kinh thành Thăng Long vẫn còn lưu giữ được những di sản này ở địa chỉ 18 đường Hoàng Diệu. Nơi đây có tới hơn 20 giếng nước độ tuổi ngàn năm. Các nhà khảo cổ phải mất nhiều thời gian mới khơi lại được mạch của những giếng nước này. Có giếng sâu hơn 6m vẫn còn nguyên vẹn thành giếng đá ong. Khi khơi lại, nước nguồn dềnh lên trong vắt.
Ông Thảo nói đó là nguồn nước mưa được lọc đã nhiều năm và được coi là phần âm để cân bằng sinh thái (âm dương). Ông nhấn mạnh, xưa các phố đều từ làng mà nên. Các giếng làng đều hình tròn, là hình thuộc về âm. Chiều sâu giếng cũng là bề dày âm trong lòng đất. Nước giếng lạnh cũng thuộc về âm. Chính vì thế giếng phố luôn được coi là nơi phát tích tinh hoa của vùng đất quanh nó. Sinh linh từ xưa tới nay đều lớn lên từ mạch nguồn này. Vậy nên có thể coi giếng phố xưa mang dấu ấn triết lý long mạch mà hình thành những vùng quê yên bình và phố phường thịnh vượng. Thành Thăng Long được xây dựng trên chính long mạch đó.
Hồn thiêng Thăng Long còn mãi
Ở những phố Hàng xung quanh trấn Bạch Mã, không ít giếng cổ còn được giữ lại như: giếng cổ ở phố Hàng Trống (trong ngõ 68), giếng ở phố hàng Bông (trong ngõ Tạm Thương), giếng tại ngõ 15 Phủ Doãn… Đặc biệt phải kể đến giếng cổ trong nhà thờ Chính tòa Hà Nội. Đi qua cổng 36 phố Nhà Chung là có thể ngắm một số giếng còn nguyên vị. Xưa, đây chính là một ngôi chùa, sau bị Pháp đập đi. Riêng long mạch của trời đất là những cái giếng thì vẫn còn. Đó chính là hồn thiêng của Thăng Long xưa được giữ - những giếng tròn như những mắt ngọc lung linh hồn phố, nhộn nhịp kinh thành cổ xưa.
|
Giếng tròn trong ngõ 86 Hàng Trống |
Quanh khu phố Nhà Thờ kéo xuống tới phố Hàng Mành và Hàng Chỉ vẫn còn lưu giữ những giếng cổ có tuổi thọ ít nhất cũng hơn trăm năm. Phố Lý Quốc Sư vẫn còn ngõ giữ được giếng cổ, người dân đậy nắp lên làm bàn uống cà phê và lưu giữ như một mạch nguồn trong mát làm dịu đi cái nóng của phố phường. Giếng làng Tố Tịch, ngõ Hàng Chỉ được đào trước khi cả dãy phố cổ hình thành. Hiện nước giếng vẫn trong và mát; được một số cư dân trong ngõ múc lên nấu nước pha cà phê và trà.
|
Ngõ Huyện là con ngõ còn nhiều giếng cổ, các giếng vẫn đang được người dân sử dụng |
Có sự cân bằng âm dương đến kỳ lạ ở chiếc giếng này: nước thơm, trong vắt và đượm hương ngòn ngọt. Chả thế mà những ngày không vướng dịch COVID-19, quán cà phê trong ngõ Hàng Chỉ thường đông khách. Hầu hết khách là những người đã ít nhiều gắn bó tuổi thơ, đời sống của mình với “giếng làng Tố Tịch”. Bà bán xôi đầu ngõ còn kể, nước giếng ở đây chính do cô Chín đưa về. Vì thế trong lễ hầu đồng ở đền thờ phố Hàng Quạt (thờ cô tổ nghề làm quạt) kế bên mới có câu ca: “Mẫu thời ngự chín tầng mây/ Cô nay mắc võng ngự rầy cây sung/ Âm dương có mạch giao thông/ Chín mươi chín giếng công đồng chảy ra”. Phải chăng đây là gốc tích văn hóa giếng làng nơi phố cổ, đã được hình thành từ xưa? Phải chăng một phần vì lẽ đó mà hiện nước ở các giếng cổ phố Hàng vẫn được người dân sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày?
Xung quanh khu vực phố Hàng này còn có những giếng cổ khác mà mọi người vẫn thường nhắc đến: trên phố Đường Thành có giếng hàng trăm tuổi nằm trong khuôn viên chùa Kim Cổ, khuất nẻo trong một ngõ nhỏ. Giếng này cách kinh thành chỉ con phố Lý Nam Đế mà thôi. Giếng còn có một tấm bia đá khắc chữ. Nghe nói ngày xưa bà Huyện Thanh Quan khi về kinh thành còn rẽ vào đây soi bóng trên giếng nước. Bà đã viết “Ngàn năm gương cũ soi kim cổ”.
|
Trải mấy trăm năm, nước giếng vẫn trong, vẫn mát |
Thú vị nhất có lẽ là giếng có tên gắn với lịch sử kháng chiến của thủ đô - giếng nước ở phố Hàng Bút. Một thời, người ta đặt tên cho nó là “giếng Liên Khu Một”. Trên mảnh đất này đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa Trung đoàn Thủ đô và thực dân Pháp theo lời hiệu triệu Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc chiến đấu kéo dài từ ngày 19/12/1946 tới 18/2/1947.
Tại phố Hàng Bút, các chiến sĩ đã đào một cái giếng để dùng ngay thời điểm đó. Đây được coi là mặt trận Liên Khu Một (trung tâm Hà Nội) nên giếng được gọi là giếng Liên Khu Một. Tuy non trẻ so với những giếng khơi cổ phố Hàng nhưng giếng Liên Khu Một gắn với lịch sử sáng chói của quân và dân thủ đô một thuở. Bản hùng ca Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi) như vẫn còn vang vọng đâu đây: “Bồi hồi chàng trai/ Những đôi mắt nào/ Quanh co chen quanh rộn ràng Đồng Xuân/ Xanh tươi bát ngát Tây Hồ/ Hàng Đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai…”. Nước giếng vẫn trong mát như ngày nào. Giếng Liên Khu Một như một mạch nguồn bất tử bên những phố phường nhộn nhịp.
Bài, ảnh: Ngọc Minh Tâm