PNO - 15 giáo viên, phần lớn giảng dạy tiếng Anh ở các trường của thành phố, thị trấn, thuận lợi mở các lớp dạy kiếm thêm thu nhập.Thế nhưng, khi tỉnh cần giải bài toán trắng giáo viên ngoại ngữ ở các huyện xa nhất, họ đã xung phong biệt phái đến những mái trường còn nhiều thiếu thốn.
Từ xã Khao Mang (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) đi TP Sơn La (tỉnh Sơn La) còn gần hơn về tỉnh lị Yên Bái. Những thửa ruộng bậc thang của Khao Mang nằm phía cuối huyện, nên cả khi du lịch Mù Cang Chải phát triển sôi động, Khao Mang vẫn hầu như lạ lẫm với du khách nước ngoài. Xa xôi và khó khăn đến độ đầu năm 2023, toàn xã Khao Mang mới có 1 bản đạt chuẩn nông thôn mới. Từ bản Páo Sơ Dào tột cùng khó khăn ra trung tâm xã, trưởng bản Giàng A Xà ngơ ngác khoe: “Lần đầu tiên, xã Khao Mang có giáo viên tiếng Anh. Các cháu nội, cháu ngoại mình và bọn trẻ con trong bản học ở Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Khao Mang, Trường PTDTBT THCS Khao Mang. Mỗi lần xuống trường thăm, nhìn các cháu ôn bài môn tiếng Anh, mình vừa thấy lạ, vừa thấy vui lắm”.
Với tiếng Anh, học sinh người Mông ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu vừa được học vừa được làm quen với công nghệ - Ảnh: M.T.
Lần đầu tiên bọn trẻ của Khao Mang được học tiếng Anh, các cô giáo biệt phái Đặng Hồng Hạnh, Mã Huyền Sâm trở thành khách quý của bà con khắp các bản người Mông nơi này. Cô Hạnh, cô Sâm đều là giáo viên tiếng Anh của TP Yên Bái, cách Khao Mang gần 200km. Để từ phố thị biệt phái lên nơi vô cùng khó khăn này, các cô đã phải vượt qua những ngặt nghèo riêng. Cha chồng cô Hạnh tuổi ngoài 90, ông cụ bị liệt; mẹ chồng cô thì trong cảnh mù lòa. Cậu con trai thứ vào lớp Chín, với đủ áp lực thi cử, cũng như tâm lý lứa tuổi. Giữa bộn bề ấy, chồng cô ra sức gánh vác việc nhà (bố mẹ chồng chuyển đến sống ở nhà người anh). Cô Sâm thì mẹ chồng già yếu, con nhỏ, chồng lại thường xuyên công tác xa nhà. Và cũng như cô Hạnh, gia đình nhà chồng cô Sâm đã gánh phần việc của cô, tạo điều kiện để cô yên tâm biệt phái.
Cô Phan Lệ Hường đang vừa dạy vừa tranh thủ phụ chồng kinh doanh ở TP Yên Bái cũng xung phong biệt phái, san sẻ bớt khó khăn của thầy trò Trường PTDTBT tiểu học Tà Ghênh (xã Tà Ghênh, huyện Mù Cang Chải). Cô Hà Thu Phương là giáo viên dạy giỏi của TP Yên Bái, các lớp “tiếng Anh cô giáo Phương” cũng là nơi được nhiều phụ huynh trong TP Yên Bái tin tưởng gửi con. Song ngay từ khi biết tỉnh nhà vận động giáo viên biệt phái, cô Phương đã xung phong và thành giáo viên tiếng Anh của Trường PTDTBT tiểu học Lao Chải (xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải).
Ở huyện Trạm Tấu, các cô giáo Nguyễn Thị Hoa, Trần Thị Huyền cũng rời thành phố lên Trường PTDTBT tiểu học - THCS Túc Đán (xã Túc Đán), Trường PTDTBT tiểu học - THCS Trạm Tấu (xã Trạm Tấu) để lần đầu tiên dạy tiếng Anh cho đa số học sinh là người Mông. Biệt phái cùng đợt với các cô, còn có thầy Cao Hải Kiên, Đặng Thanh Hải từ thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình); thầy Trương Đăng Linh, Nguyễn Văn Trường từ huyện Trấn Yên… Tất cả đều là những người tiên phong, chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp và bù đắp thiệt thòi cho học trò các huyện vùng khó.
Tình người gieo trồng trên đất khó
Lên Mù Cang Chải, thầy Đặng Thanh Hải phụ trách dạy tiếng Anh ở cả hai trường: PTDTBT tiểu học Púng Luông và PTDTBT tiểu học Dế Xu Phình. Cơ sở vật chất của 2 trường đều thiếu thốn, việc đưa kho học liệu số vào giảng dạy không khả thi, thầy Hải phải tận dụng những vật liệu sẵn có để làm công cụ trợ giảng. Với những bài khó tìm vật liệu, bằng phấn trắng, thầy cố gắng diễn đạt phần bài giảng bằng các hình minh họa; vừa khắc phục thiếu thốn, vừa khắc phục việc tiếng phổ thông, tiếng Anh, tiếng Mông cùng được nói trong giờ. Một mình dạy 2 trường cách nhau 8km, cuối tuần, thầy Hải lại vượt 170km về dạy đội tuyển tiếng Anh của Trường THCS thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình). U50, không còn sung sức như thời đôi mươi nữa, nhưng thầy Hải bảo: “Có khó khăn các em mới cần đến mình. Nên hễ các em cần là tôi có mặt”.
Rời thành phố lên huyện Trạm Tấu trập trùng núi, cô Hoa, cô Huyền phải làm quen với đường đất, lối mòn; phải luyện tay lái để có thể chạy xe trên con đường nhỏ ngoằn ngoèo từ núi này qua núi khác; phải thích nghi với lội suối, đi bộ hàng giờ xuống bản những ngày mưa trơn trượt để vận động phụ huynh cho học sinh trở lại trường sau những cuối tuần các em về nhà nghỉ. Cô Nguyễn Thị Như Hạnh - Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học - THCS Túc Đán - cảm kích: “Ở trường, các em được học tiếng Anh thay tiếng Mông. Những đồng nghiệp biệt phái của tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua môi trường, hoàn cảnh sống và giảng dạy khó khăn”.
Mới về trường từ đầu năm học 2022-2023, song cô giáo Hà Thu Phương đã rất đỗi thân quen với tất cả học sinh Trường PTDTBT tiểu học Lao Chải. Xung phong lên đây, là cô Phương cũng bán trú luôn cùng học trò Lao Chải. Là giáo viên dạy giỏi, chủ động tận dụng công nghệ, kho học liệu số để lôi cuốn học trò; cô Phương đã mang đến cho học sinh toàn trường cách học mới mẻ, đầy hào hứng. Ngoài dạy tiếng Anh cho học sinh khối Ba, các buổi tối, cô còn lồng ghép học mà chơi, chơi mà học tiếng Anh cho tất cả học trò bán trú. Nên dù chỉ dạy lớp Ba, nhưng sau đôi tuần học đầu tiên, học trò bán trú nào cũng về khoe với cha mẹ rằng “trường có cô giáo mới đến từ thành phố”. Cô Phương còn tranh thủ thời gian đến khắp bản thăm hỏi gia đình học sinh, động viên phụ huynh yên tâm cho con đến lớp. Chị Lờ Thị Sim - ở bản Hú Trù Lình - kể: “Cô đến chúc tết nhà mình, tặng quà cho các con mình. Nghe con kể, cô Phương cho con biết rất nhiều thứ mà Lao Chải mình không có. Con còn bảo sau này sẽ làm cô giáo dạy tiếng Anh như cô Phương...”.
Học sinh hái hoa rừng tặng cô giáo biệt phái Hà Thu Phương nhân ngày 8/3 - Ảnh: M.T.
Những tình người gieo trồng trên đất khó càng khiến cô Phương thấy mình cần phải làm nhiều điều thiết thực hơn nữa giúp bà con. Thế là mỗi cuối tuần rời Lao Chải về thăm gia đình, cô Phương lại mang theo đủ loại rau củ từ Mù Cang Chải về thành phố bán giúp bà con. Lần nào tài xế xe khách hay xe taxi hỏi “dạo này cô giáo buôn nhiều rau thế”, cô chỉ lặng lẽ cười.
Ngày 8/3 vừa rồi có lẽ là ngày đáng nhớ nhất trong 16 năm dạy học của cô Hà Thu Phương, Trường PTDTBT tiểu học Lao Chải. Cô xúc động kể: “Các em rủ nhau đi hái hoa rừng tặng cô. Rất nhiều em thấy cô trong lớp, nhưng đó không phải là lớp của các em nên rụt rè, thập thò ngoài cửa lớp. Khi tôi ra vẫy, các em ùa vào tíu tít như bầy chim non. Chứng kiến các em học sinh THCS rủ nhau về trường tiểu học thăm cô giáo cũ, nhiều em ôm cô giáo, mắt đỏ hoe cả cô lẫn trò; tôi cũng thấy rưng rưng”.
Cuối tháng Tư, đầu tháng Năm, cô Hà Thu Phương đưa con gái lớp Ba từ thành phố lên sống và học 1 tuần với các bạn lớp Ba ở Lao Chải. “Với con gái tôi, đó là trải nghiệm giá trị và ý nghĩa nhất. Cháu biết chia sẻ và học cách chia sẻ những khó khăn từ các bạn đồng trang lứa. Cháu cũng học được từ các bạn ở Lao Chải những kỹ năng mà học sinh thành phố không dễ gì có được” - cô Phương nói.
Năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu triển khai ở các khối lớp Ba, Bảy và Mười. Ở khối lớp Ba, đây cũng là lần đầu tiếng Anh trở thành môn bắt buộc. Yên Bái là một trong những tỉnh miền núi phải đối mặt với bài toán thiếu giáo viên tiếng Anh, ở 5/7 huyện.
Trong 5 huyện thiếu giáo viên, có 3 huyện có thể tự cân đối bằng cách sắp xếp giáo viên tiếng Anh dạy liên cấp, liên trường, tăng số giờ dạy - vượt định mức khoảng 3 tiết/tuần/giáo viên. Các giáo viên tiếng Anh đồng thời cũng được ưu tiên không kiêm nhiệm các công việc khác để tập trung giảng dạy. Riêng 2 huyện xa nhất, khó khăn nhất là Trạm Tấu, Mù Cang Chải thiếu lần lượt là 22 và 25 giáo viên. Đặc biệt, cấp tiểu học của toàn huyện Mù Cang Chải chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh. Tỉnh Yên Bái đã chọn phương án ban hành cơ chế, động viên 15 giáo viên vùng thấp lên hỗ trợ 2 huyện này.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...
Chiều 14/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà giáo của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương.