Những giáo viên chọn “vùng trũng” giáo dục làm quê hương

31/10/2023 - 05:43

PNO - Vĩnh Thuận - một huyện khó khăn thuộc vùng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang vốn được xem là “vùng trũng” về giáo dục - đã thay đổi nhờ nhiều nỗ lực của địa phương, trong đó có sự góp sức lớn của những giáo viên từ các tỉnh khác tình nguyện về “gieo chữ”.

Nặng tình với vùng đất khó

Mới sáng sớm, cô Đặng Thị Mỹ Trang - Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Vĩnh Bình Nam 1 (huyện Vĩnh Thuận) đã rời nhà ở xã Tân Thuận, vượt hàng chục cây số vào xã Vĩnh Bình Nam, đến với hàng ngàn học trò thân yêu của mình. Cô Trang bộc bạch: “Còn vài năm nữa là tôi đến tuổi hưu rồi, nhưng nhiệt huyết và tình yêu dành cho ngành giáo dục địa phương vẫn nguyên vẹn. Hằng ngày, tôi được gặp đồng nghiệp, học sinh và được nhìn ngôi trường ngày càng phát triển là niềm vui không gì thay thế được”. 

Cách đây khoảng 35 năm, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Tiền Giang, cô Trang (quê ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) đã tình nguyện về huyện vùng sâu Vĩnh Thuận dạy học. Thời điểm đó, không riêng gì Vĩnh Thuận mà các huyện khác thuộc vùng U Minh Thượng như An Biên và An Minh cũng thiếu giáo viên trầm trọng, việc huy động học sinh đến trường gặp khó khăn. Chính quyền tỉnh Kiên Giang đã đề ra chủ trương mời gọi giáo viên từ các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long… về giúp sức. 

Cô Trang nhớ lại: “Năm 1988, khi tôi về đây, nhà cửa thưa thớt, tàu gỗ chạy dọc các tuyến kênh nhìn rất heo hút, đường đất thì lầy lội khó đi. Các điểm trường hầu hết bằng tre lá tạm bợ; người dân dùng sậy đan lại làm bàn, dùng cây tràm đóng ghế… Đêm xuống thì đốt đèn dầu leo lét, muỗi nhiều vô kể. Giáo viên ở nhà công vụ nền đất, vách được làm bằng cây tạp và lá dừa nước… Vậy mà có lúc suốt mấy tháng dài không có đồng lương, giáo viên phải mang bao đi mượn gạo về ăn; còn con cá, cọng rau thì nhờ học trò đem đến. Những lúc khó quá, có người định bỏ cuộc về quê. Nhưng rồi thương học sinh, thương tình cảm bà con thật thà, chất phác nên quyết tâm ở lại, cùng nhau vượt khó…”. 

Cũng chính cái tình, cái nghĩa của người dân đã níu kéo nhiều cô giáo phương xa chọn ở lại nơi này. Cô Trịnh Thúy Hồng - Phó hiệu trưởng Trường THCS và THPT Vĩnh Phong - tâm sự: “Năm 1988, khi mới về Vĩnh Thuận, điều kiện quá khó khăn. Tôi mới ra trường, còn trẻ nên dự định sẽ thử sức khoảng 5 năm. Thế rồi, sau 7-8 năm giảng dạy, tôi đã lập gia đình và xem đây là quê hương thứ hai của mình”. 

Đưa chúng tôi đi thăm ngôi trường với biết bao kỷ niệm, cô Đặng Thị Thủy - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn - cho hay: “Tôi là một trong những giáo viên tình nguyện về đây đợt đầu tiên năm 1987. Khi đi háo hức bao nhiêu thì khi đến tâm trạng rối bời bấy nhiêu. Nhiều lần định rời đi nhưng lại thương học trò, có em chịu thiệt thòi phải đi học trễ bởi thiếu trường lớp, giáo viên… nên chẳng đành lòng. Cứ như vậy, rồi cái khó cũng lùi dần. Sau 18 năm đứng lớp, đến năm 2005, tôi được phân công làm hiệu phó; từ năm 2012 trở đi làm hiệu trưởng ngôi trường này cho đến lúc nghỉ hưu khoảng 2 năm nay”. 

Góp sức thay đổi giáo dục địa phương

Thầy Võ Thanh Liêm - chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thuận - kể: “Lúc đó, những giáo viên trẻ từ Tiền Giang xuống Vĩnh Thuận dạy học, cả năm mới về thăm quê 1 lần. 22g đêm ra bờ sông đón đò dọc đi mấy chặng mới về đến Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang). Rồi đón xe đò lên Cần Thơ và tiếp tục đón xe về Mỹ Tho. Sau đó tôi còn đi thêm một chặng đường nữa, đến huyện Gò Công Tây thì đã chạng vạng tối hôm sau”. Vợ chồng thầy Võ Thanh Liêm đều là giáo viên từ tỉnh xa tình nguyện về Vĩnh Thuận. Nhận được nhiều tình cảm nồng ấm của bà con, cũng như chính quyền địa phương, thầy cô càng thấy trách nhiệm hơn với ngành giáo dục nơi đây. “Nhiều năm nay, tôi về làm chuyên môn ở phòng GD-ĐT. Thỉnh thoảng, có những lớp học trò cũ ghé thăm, thấy các em thành đạt, tôi rất vui” - thầy Liêm chia sẻ.

Đại diện Trường đại học Sư phạm TPHCM tặng học bổng cho học sinh xã Vĩnh Phong,  huyện Vĩnh Thuận trong chiến dịch Mùa hè xanh năm 2023
Đại diện Trường đại học Sư phạm TPHCM tặng học bổng cho học sinh xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận trong chiến dịch Mùa hè xanh năm 2023

Trò chuyện với chúng tôi, cô Đặng Thị Thủy cho biết cô rất vui khi “ba mươi mấy năm gieo chữ ở vùng quê Vĩnh Thuận đã góp một phần công sức bé nhỏ của mình trong việc nâng cao dân trí”. Cô và chồng - thầy Phạm Văn Nghề, cùng quê ở Tiền Giang, hiện là Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Vĩnh Bình Bắc - đều xem Vĩnh Thuận là quê hương, nơi cống hiến cả tuổi thanh xuân. Còn cô Đặng Thị Mỹ Trang bộc bạch: “Mấy chục năm giảng dạy ở đây, tôi có rất nhiều học trò đã trưởng thành. Trong đó, có em đang là cán bộ lãnh đạo của huyện”. 

Những ngôi trường tre lá ngày nào nay đã nhường chỗ cho hàng loạt ngôi trường khang trang. Huyện Vĩnh Thuận hiện có 30 trường học, trong đó 20 trường đạt kiểm định chất lượng và đạt chuẩn quốc gia. Tỉ lệ huy động học sinh đến trường các bậc học đạt kế hoạch. Học sinh đậu tốt nghiệp THPT hằng năm đạt hơn 99%. Chất lượng đội ngũ giáo viên không ngừng được nâng cao. Năm 2023, huyện tiếp tục bố trí vốn ngân sách hơn 25,4 tỉ đồng đầu tư cho 8 công trình giáo dục… 

Ông Võ Thanh Xuân - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Thuận - nhìn nhận: “Để ngành giáo dục của huyện có bước phát triển vượt bậc như hôm nay là nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đơn vị xa gần hỗ trợ. Trong đó có công sức đóng góp rất lớn của các thầy cô tình nguyện từ Tiền Giang và các địa phương khác đã không ngại khó, ngại khổ về đây. Nhiều lớp học sinh nay đã thành đạt trên nhiều lĩnh vực, có sự chung tay giúp quê hương không ngừng phát triển. Vĩnh Thuận luôn ghi nhớ và tri ân những thế hệ thầy cô ở các tỉnh xa đã tình nguyện về gieo mầm tri thức”. 

Để ngành giáo dục Vĩnh Thuận tiếp tục phát triển và nâng tầm, theo ông Huỳnh Ngọc Nguyên - Phó chủ tịch UBND huyện - tới đây, huyện sắp xếp hệ thống trường lớp, tập trung đầu tư cho trường đạt chuẩn quốc gia, trường xanh, sạch, đẹp, an toàn. Tăng cường đổi mới giáo dục, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, giảng dạy và học tập. Hướng nghiệp dạy nghề trong học sinh và thanh niên theo nhu cầu của thị trường lao động và xã hội. Đặc biệt, chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu trong điều kiện mới… 

Truyền lửa cho thế hệ thầy cô trẻ

Cô Nguyễn Thị Kim Thương - Phó hiệu trưởng Trường mẫu giáo Vĩnh Thuận - tâm sự: “Năm 2011, sau khi học xong sư phạm, tôi được phân công về quê hương của mình làm công tác giáo dục đến nay. Những lần được nghe kể các câu chuyện về thầy cô tình nguyện ở tỉnh xa về đây góp sức phát triển giáo dục huyện Vĩnh Thuận, tôi rất cảm động. Chính thầy cô là tấm gương, là động lực để tôi yêu mến nghề giáo”. 

Thầy Trần Thuận Tiến - Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Phong 2 - chia sẻ: “Từ lúc là học sinh và sau khi ra trường được về quê công tác, tôi được học rất nhiều từ những thế hệ thầy cô từ các tỉnh xa về Vĩnh Thuận “truyền lửa” cho giáo dục. Thầy cô luôn tận tình hướng dẫn từ chuyên môn đến công tác quản lý giúp tôi thêm vững vàng. Nhờ đó, tôi và tập thể đã xây dựng mái trường THCS Vĩnh Phong 2 ngày càng phát triển…”. 

Theo Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thuận, năm 1987 lãnh đạo phòng lúc đó đã sang Tiền Giang mời hơn 70 giáo viên về công tác. Năm 1988 và 1989, có thêm 174 giáo viên cũng từ Tiền Giang tiếp tục về Vĩnh Thuận giảng dạy, giúp huyện rất nhiều trong phát triển giáo dục. 

Cùng với giáo dục, thì kinh tế - xã hội của Vĩnh Thuận cũng có những thay đổi tích cực. Từ một huyện vùng xa, sau nhiều nỗ lực, đến nay 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, được tặng Huân chương Lao động hạng Ba… Mục tiêu đến năm 2025, xây dựng từ 2 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó 1 xã đạt kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng…

Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI