Những giải pháp “mềm” cho vấn nạn karaoke gây ồn

05/03/2021 - 07:28

PNO - Sau khi đăng bài Theo chân tổ liên ngành xử lý karaoke gây ồn (trên số báo ra ngày 3/3), Báo Phụ Nữ TPHCM đã nhận được nhiều ý kiến xoay quanh nội dung này.

Đa số ý kiến đồng tình, ủng hộ chủ trương chung của TPHCM là xử lý những hành vi gây ô nhiễm âm thanh ở khu dân cư nhưng một số ý kiến cho rằng, các tổ liên ngành khó duy trì việc kiểm tra, xử lý vì việc hát karaoke diễn ra quanh năm suốt tháng. Không ít ý kiến cho rằng, việc thiếu các loại hình giải trí đã tiếp sức cho sự bùng nổ của “phong trào” hát karaoke tự phát.

Chủ nhà trọ quy định “chỉ được hát cuối tuần”

Anh Trần Văn Trãi (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, trong khi nhiều người ở các khu nhà trọ khác than

Đại gia đình làm phòng cách âm để cùng hát

Nhà tôi có bốn anh chị em, quê ở TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang nên rất mê đờn ca tài tử. Về TPHCM sống nhiều năm nhưng mỗi lần nhà có giỗ chạp hay dịp lễ, tết, chúng tôi thường ca hát. Lớp chúng tôi, rồi đến con cháu tôi cũng vậy. Bốn nhà ở sát nhau, có khoảng sân chung để chạy qua chạy lại, nhưng nhà nào cũng có một dàn karaoke dành cho những cuộc liên hoan, họp mặt. 

Năm 2020, khi vấn nạn loa thùng, loa cầm tay phát sinh, cả nhà tôi nghe người ta hát riết cũng mệt. Chị Hai tôi là đảng viên, đi họp ở khu phố về nhắc các cháu vặn nhỏ âm thanh khi hát. Tụi nhỏ lại than phiền vặn nhỏ thì hát không đã. Sau đó, chị Hai tôi không cho từng nhà hát riêng nữa mà gom chung về hát để không làm phiền mọi người. Nhưng nhà ở phố, dù hát chung hay hát riêng vẫn gây ồn.

Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng, tôi đề nghị cả nhà cùng góp tiền làm phòng cách âm để đỡ phiền hàng xóm. Tôi dành nguyên gian phòng cho mấy đứa cháu mua mút xốp, dán, trang hoàng lại để hát với nhau.  

Trần Ngọc Ánh (quận 12, TPHCM)

trời với nạn hát karaoke bằng “loa kẹo kéo” thì ở nơi anh đang trọ, nạn này không xảy ra. Tại đây, khi có người vào thuê, chủ trọ yêu cầu đọc bản quy định, trong đó yêu cầu không hát karaoke gây ồn ào.

 “Ở chỗ tôi, ngày cuối tuần mới được hát karaoke nhưng cũng không được hát vào buổi trưa hoặc quá 20g. Đây là quy định chung của nhà trọ, ai ở trọ cũng phải chấp hành như nhau” - anh Trãi nói.

Ông Trần Vũ Hữu Duy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh - cho biết, xã có 121.350 nhân khẩu, đa số là người từ các tỉnh đến thuê nhà trọ gần khu công nghiệp để tiện việc đi làm. Công tác tuyên truyền về việc hát karaoke ở khu nhà trọ rất được địa phương chú trọng.

“Chúng tôi đã đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể xã tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân cùng chính quyền xây dựng đời sống văn hóa, không hát karaoke gây ồn ào. Lực lượng chức năng cũng nắm danh sách những khu nhà trọ hay hát karaoke gây ồn ào để kiểm tra, nhắc nhở và xử lý theo quy định” - ông Duy nói.

Mô hình hát với nhau miễn phí diễn ra hằ ng tuần tại Giáo xứ Đa Minh Ba Chuông (P.10, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) với âm thanh, ánh sáng và cách âm khá bài bản, góp phần đáp ứng nhu cầu ca hát của người dân tại đây - Ảnh: N.X.
Mô hình hát với nhau miễn phí diễn ra hằ ng tuần tại Giáo xứ Đa Minh Ba Chuông (phường 10, quận Phú Nhuận, TPHCM) với âm thanh, ánh sáng và cách âm khá bài bản, góp phần đáp ứng nhu cầu ca hát của người dân tại đây - Ảnh: N.X.

Bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân - cho biết, UBND quận đã đề nghị các phường đưa nội dung “không hát karaoke quá to, quá giờ” vào quy ước của cộng đồng dân cư để người dân cùng thực hiện; giao các chủ tịch phường chủ động triển khai kế hoạch, giải pháp cho tình trạng hát karaoke bằng “loa kẹo kéo”, trong đó có giải pháp vận động các chủ nhà trọ thực hiện tốt nội dung này. 

Trong cuộc họp HĐND TPHCM vào tháng 7/2020, đại biểu Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM - đề xuất đưa nội dung cam kết không hát karaoke gây ồn ào vào hương ước, quy ước của khu phố, tổ dân phố. Đề xuất của bà Châu được rất nhiều người tán đồng, cho rằng đây là một giải pháp “mềm” hữu hiệu để giải quyết tình trạng hát karaoke gây ồn “mọi lúc, mọi nơi”.

Sơn Vinh

Ý kiến xung quanh vấn đề hát karaoke gây ồn ào 

Tiến sĩ Lê Thị Hoàng Liễu - chuyên viên Tổ công tác xã hội Bệnh viện huyện Bình Chánh: Thiếu không gian sinh hoạt văn hóa công cộng
Theo tôi, ca hát là một nhu cầu. Vấn đề ở chỗ, không hát ở nhà, không kéo nhau ra vỉa hè, quán ăn, quán cà phê, người ta sẽ hát ở đâu trong khi chúng ta thiếu hẳn không gian sinh hoạt văn hóa công cộng? 

Có thể nói, thời gian qua, TPHCM đã đầu tư rất nhiều cho cơ sở hạ tầng, tập trung cải tạo môi trường sống. Một số công viên lớn từng nổi tiếng về tệ nạn xã hội và ô nhiễm đã hoàn toàn thay da đổi thịt. nhiều công viên nhỏ đã được cải tạo, trở thành nơi tập thể dục, vui chơi, thư giãn, sinh hoạt văn hóa chung cho cộng đồng. 

Tuy nhiên, nếu tính trên đầu người, diện tích công viên vẫn còn khiêm tốn. Hơn nữa, một số điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng có cũng như không. Theo như tôi biết, ở mỗi khu phố, ấp đều có trụ sở ban điều hành, một số nơi có cả nhà văn hóa ở khu phố, ấp hoặc ở xã, phường nhưng những địa chỉ văn hóa này không thu hút người dân đến. Ở nội thành, các điểm sinh hoạt này chật chội, phòng đọc chỉ toàn sách pháp luật và truyện tranh cũ. Một số văn phòng có dàn loa nhưng âm thanh thường bị trục trặc. Chính tôi cũng có không ít lần gặp trục trặc âm thanh khi có việc về khu phố báo cáo các chuyên đề. Như thế thì khó kéo người dân đến trụ sở khu phố, nhà văn hóa xã, phường để hát karaoke. 

Theo tôi, muốn dẹp karaoke ở từng nhà gây ồn, phải tính toán đầu tư để các điểm sinh hoạt văn hóa công cộng giúp dân thỏa mãn được nhu cầu này. Những tụ điểm sinh hoạt cộng đồng cần liên tục được đầu tư, không chỉ về không gian mà cả máy móc, trang thiết bị để hoạt động có thực chất chứ không phải để làm đẹp bản báo cáo. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chăm sóc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân cũng là biện pháp hữu hiệu góp phần hạn chế tội phạm, tệ nạn xã hội.

Thạc sĩ xã hội học Phan Hoài Yến - giảng viên Trường đại học Y Dược TPHCM: Cấm là hình thức quản lý bị động 

Tôi ủng hộ việc xử lý những vi phạm về tiếng ồn. Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ngày một gia tăng, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị và chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, theo tôi, việc xử lý vi phạm chỉ là cách giải quyết phần ngọn. Ca hát là một nhu cầu và không thể cấm nó. Có lần, tôi trao đổi vấn đề này với một vị lãnh đạo cấp quận, anh này cho rằng, phải cấm hình thức hát cá nhân ở các gia đình, muốn hát thì vào các phòng karaoke mà hát. Theo tôi, đây không phải là giải pháp. Người lao động nghèo lấy tiền đâu để vào tiệm, quán hát hàng giờ? 

 

Nhiều gia đình lắp phòng cách âm để hát karaoke không gây ảnh hưởng đến xung quanh - ảnh: N.A.
Nhiều gia đình lắp phòng cách âm để hát karaoke không gây ảnh hưởng đến xung quanh - Ảnh: N.A.


Cấm chỉ là hình thức quản lý bị động. Chúng ta cần sự chủ động hơn trong giải quyết vấn nạn này. Cụ thể, bên cạnh việc chỉ đạo từng địa phương cử người, lập tổ liên ngành đi xử lý hành vi gây ồn như hiện nay, lãnh đạo chính quyền cùng các ngành phải tìm cho ra cái gốc của vấn đề và bàn cho ra những giải pháp cụ thể để giải quyết. Xã hội phải hỗ trợ, không chỉ về kinh phí mà còn tạo sân chơi, xây dựng phong trào cho người dân đủ mọi lứa tuổi, thành phần được thỏa mãn những nhu cầu văn hóa tinh thần, trong đó có nhu cầu ca hát. 

Ông Đăng Lê Anh - chuyên gia tâm lý trị liệu và chữa lành: Bản chất “trị liệu” của karaoke đang bị lạm dụng

Nói về karaoke, đầu tiên, phải phân tích vì sao người ta thích đi hát. Trong đời sống và công việc, người ta có quá nhiều áp lực, tâm tư dồn nén. Những thứ ấy cần được “tháo ra”. Có người chọn cách tập thể dục, đi nghe nhạc, gặp bạn bè trò chuyện và cũng có người chọn cách đi nhậu, đi hát karaoke. Như vậy, karaoke là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng của con người. Đây có thể xem là một phương pháp để giải phóng áp lực một cách tự nhiên mà người ta không hề hay biết. Sau khi hát, người ta cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Đa số người vào quán karaoke không phải để trình diễn, để thưởng thức âm nhạc mà để giải phóng áp lực và thể hiện bản thân. Đi vào quán karaoke không giống như đi vào nhà văn hóa để biểu diễn, hát bài nọ, bài kia mà vào đó để tống ức chế, mệt mỏi. Nên, những nơi hát karaoke khó mà có trật tự được.

Hát karaoke dễ gây mất trật tự, dễ ảnh hưởng đến xung quanh nhưng lại là một nhu cầu chính đáng nên chúng ta không thể cấm mà phải tìm cách quản lý, thậm chí là quản lý cho hiệu quả. Trong một khu phố mà có quá nhiều người hát karaoke gây ầm ĩ thì những người hát có thể giảm được căng thẳng về tâm lý nhưng lại gây ức chế, căng thẳng cho hàng trăm người khác. Bản chất “trị liệu” của karaoke lúc này đã bị 
lạm dụng.

Ở các nước, các điểm hát karaoke được “quy hoạch” về một chỗ để nhiều người đến đó vui chơi, ca hát rồi về chứ không đan xen trong khu dân cư. Ở đó, có những quy định nghiêm ngặt về giờ giấc, cách âm và hàng loạt các quy chuẩn khác. Còn ở nước ta, karaoke gần như “bùng nổ”, nhà nào cũng có thể dùng thiết bị âm thanh để hát. Những năm gần đây, sự xuất hiện của thiết bị karaoke di động (loa kẹo kéo) khiến việc hát karaoke càng trở thành vấn nạn nhức nhối. Họ kéo loa hát từ ngoài đường vào trong nhà, ở đâu có hát karaoke là ở đó người dân “kêu trời”. 

Để ngăn chặn tình trạng này, cần có quy định rõ ràng: hoặc là cấm sử dụng, hoặc là có chế tài để hạn chế nó, chẳng hạn, quy định thời gian hoạt động. Để có thời gian phù hợp, cần có nghiên cứu trên cơ sở khoa học để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của việc hát karaoke bằng “loa kẹo kéo” đến đời sống người dân xung quanh. Cùng với đó, cần đa dạng hóa hình thức giải trí cho người dân hơn nữa. Khi người dân có các hình thức giải trí đa dạng thì họ sẽ hạn chế sử dụng karaoke.

Tiến sĩ Đỗ Văn Thắng - nguyên Chánh văn phòng UBND huyện Tân Trụ, tỉnh Long An: Gốc rễ của vấn đề nằm trong văn hóa

Mọi quy định hành chính đều có thể được hoạch định và đó là điều cần thiết, bắt buộc phải có, nhưng không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Đó là câu chuyện rượt đuổi giữa “kẻ trộm” với “người làm ổ khóa”, ra quy định nào thì người ta luôn tìm cách “bẻ khóa” để đối phó. Tình trạng tiếng ồn từ karaoke loa kéo không thể chỉ trông chờ vào các quy định hay việc xử phạt mà cần phải phối hợp thực thi với các vấn đề liên quan văn hóa, đạo đức một cách đồng bộ. Bằng không, sẽ không giải quyết được vấn đề.

Tăng không gian sinh hoạt, giải trí cho người dân có thể góp phần hạn chế tình trạng hát karaoke vô tội vạ Ảnh: Đỗ Minh
Tăng không gian sinh hoạt, giải trí cho người dân có thể góp phần hạn chế tình trạng hát karaoke vô tội vạ Ảnh: Đỗ Minh

Do vậy, giải quyết bằng biện pháp hành chính là cần thiết nhưng gốc rễ của hành vi văn hóa phải là tính tự giác. Ca hát là nhu cầu tinh thần của con người, không chỉ riêng người Việt. Ở đâu cũng có nhu cầu và ai cũng thích, muốn thể hiện giọng ca của mình. Thế nhưng, tại sao chỉ ở nước ta xảy ra tình trạng “ô nhiễm tiếng ồn” karaoke loa kéo trong khu dân cư?

Theo tôi, có ba vấn đề cần quan tâm.

Thứ nhất, ở góc độ quản lý, chúng ta đang thiếu sân chơi cho người dân, cả về văn hóa lẫn thể thao. Hệ thống các nhà văn hóa bây giờ hầu như tê liệt, chủ yếu cho thuê mặt bằng, còn mô hình như bar, vũ trường, karaoke thì phục vụ cho đối tượng có tiền. Người nghèo lấy đâu ra tiền để vào những nơi mà có thể chỉ một cuộc chơi đã hết một tháng lương?

Điều này kéo theo vấn đề thứ hai, đó là mặt bằng thu nhập; phải có giải pháp để nâng thu nhập, nâng đời sống của người dân lên để đủ điều kiện thỏa mãn các nhu cầu văn hóa.

Thứ ba, nhiều người tư duy theo cái bụng, cảm tính chứ không phải bằng cái đầu, lý trí. Điều này đang lấn át truyền thống tốt đẹp của người Việt là “biết nghĩ đến người khác”. Nghĩ đến người khác là một văn hóa quyện vào đạo đức. Mình có thể chịu thiệt một chút, kìm nén sở thích một chút để đừng ảnh hưởng đến người khác. Nhưng, cái văn hóa truyền thống tốt đẹp đó đang bị phai màu.

Muốn khôi phục lại truyền thống tốt đẹp, đòi hỏi một quá trình lâu dài chứ không phải cứ hô hào là được. Quan điểm phát triển bền vững phải bao gồm vấn đề này.

Phó giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng - giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM: Thiếu giáo dục cái đẹp về âm thanh

Trước giờ, dường như chưa ai nghiêm túc đặt vấn đề tiếng ồn karaoke loa kéo từ góc độ văn hóa. Báo Phụ Nữ TPHCM đặt ra vấn đề này là có lý. Thị hiếu, sở thích của người Việt Nam và một số dân tộc Á Đông đúng là thích ca hát. Đám cưới vui cũng ì xèo, đám ma buồn cũng ì xèo, không đám ma, đám cưới cũng ì xèo. Đó là một nhu cầu. Hoạt động nào xuất phát từ nhu cầu thì không thể cấm mà phải quản lý. Việc đáp ứng nhu cầu hay lái nhu cầu chính là gây ý thức tự giác.

Trước tiên, phải chỉ ra cho người ta biết hành xử thế nào là đúng hoặc không đúng. Đây là chữ chân, tức ý thức lý trí, khả năng nhận biết. Chân gắn liền với thiện, tức là ý thức được tốt hoặc xấu, ác hoặc không ác, nhận thức vấn đề tôn trọng lợi ích của người khác. Nhưng rắc rối nhất, yếu nhất với người Việt Nam lại là chữ mỹ, cái đẹp.

Chúng ta không mạnh về khả năng phân tích, lý luận, chỉ mạnh về cảm xúc và tư duy hình tượng nên khá yêu nghệ thuật. Giáo dục về thẩm mỹ là cả một vấn đề. Liên quan đến vấn nạn karaoke loa kéo là ý thức cái đẹp về âm thanh. Người ta không được giáo dục cái này nên cứ thoải mái thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu của mình mà không thấy mình đang làm tổn hại người khác. Nếu người ta chưa ý thức được tác hại của tiếng ồn thì người ta cứ mặc nhiên. Cần tuyên truyền, giáo dục lại cho người dân hiểu được tác hại của âm thanh này và thỏa mãn nhu cầu của mình sao cho chân, thiện, mỹ. 

Nhiều tỉnh, thành mạnh tay với karaoke di động

* Tháng 5/2019, UBND TP. Đà Nẵng ban hành văn bản chỉ đạo việc xử lý tình trạng gây ồn do mở nhạc, hát karaoke trong khu dân cư, trong đó giao trách nhiệm xử lý cho lực lượng cảnh sát môi trường thuộc Công an TP. Đà Nẵng. Theo đó, trong quá trình trinh sát, tổ công tác sẽ đo thử tại hiện trường bằng máy đo được kiểm định, nếu phát hiện vi phạm thì gọi đơn vị có chức năng quan trắc tới đo công khai dưới sự giám sát của cả người dân và cảnh sát. Lực lượng công an xử phạt căn cứ trên biên bản và kết quả quan trắc. Chi phí thu mẫu và đo đạc của đơn vị quan trắc sẽ do người vi phạm trả.

* Từ ngày 3/3, tỉnh An Giang tạm dừng các hình thức tổ chức, cho thuê dàn karaoke di động để tụ tập ca hát trên toàn tỉnh. Việc tạm dừng này dựa trên văn bản kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trong buổi làm việc về công tác phòng, chống dịch COVID-19 vào chiều 2/3. Theo đó, việc tụ tập hát karaoke bằng loa kéo ngoài đường, vỉa hè, tổ chức cho thuê các loại loa kéo, dàn karaoke sẽ bị xử lý vi phạm về quy định phòng, chống dịch.

 Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI