Bà Mai Thị Phương Hoa - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Rà soát luật, nâng cao tính khả thi
Khi đi khảo sát thực tế ở 3 tỉnh Tây Ninh, Đồng Tháp và An Giang, chúng tôi nhận thấy, số vụ việc được điều tra, xét xử theo điều 150, 151 Bộ luật Hình sự về mua bán người trong thời gian gần đây giảm đột biến so với giai đoạn trước. Các cơ quan chức năng của 3 tỉnh này cho rằng, đây là loại tội phạm ẩn, rất khó phát hiện, đồng thời còn do quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể là điều 150, 151. Theo điều 119 của Bộ luật Hình sự năm 1999, chỉ cần có hành vi chuyển giao người, nhận tiền là có thể xử lý tội buôn bán người. Nhưng theo điều 150 và 151 Bộ luật Hình sự năm 2015, phải có hành vi, phương thức, thủ đoạn (có yếu tố lừa gạt, có yếu tố mục đích).
Cụ thể, các hành vi “chuyển giao và tiếp nhận người để nhận tiền, tài sản, vật chất khác” hoặc “chuyển giao, tiếp nhận để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động hoặc các mục đích vô nhân đạo khác” theo quy định ở điểm a và b của khoản 1, điều 150 thì dễ dàng chứng minh. Nhưng điểm c, khoản 1 của điều 150 lại quy định “tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b”. Để chứng minh hành vi này, phải bắc cầu mấy lần, gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan tố tụng.
Bên cạnh đó, những quy định về “mô tả hành vi khách quan” và “ý thức chủ quan” trong luật gây rất nhiều khó khăn trong việc xử lý tội phạm mua bán người, bởi có những vụ việc, hành vi khách quan đúng là hành vi mua bán người, nhưng về ý thức chủ quan, tội phạm lại cho rằng không phải mua bán hoặc không biết mình đang mua bán người. Do đó, việc rà soát, sửa đổi luật là cần thiết và phải chú ý đến tính khả thi trong thực tiễn.
Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bí thư Thị ủy thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk: Cần có quy định chặt chẽ về nhận con nuôi
Luật có các quy định về nhận nuôi con nuôi, nhưng những quy định về trách nhiệm đối với người nhận con nuôi vẫn còn khá lỏng lẻo và tội phạm mua bán người có thể lợi dụng nó. Do đó, cần quy định rõ, đối tượng nhận nuôi con nuôi phải có trách nhiệm báo cáo định kỳ cho cơ quan có thẩm quyền cũng như quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm theo dõi vấn đề này; nêu rõ chế tài với từng đối tượng cụ thể.
Hiện nay, hoạt động hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng còn nhiều bất cập. Chúng tôi đi khảo sát ở các tỉnh thì thấy rằng, nạn nhân không muốn ở lại các trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng theo quy định hiện hành, phải thành lập các trung tâm. Điều này gây ra nhiều lãng phí, bởi “đẻ” ra trung tâm thì phải “đẻ” thêm bộ máy quản lý, điều hành, kinh phí, lương… Theo tôi, trong chính sách hỗ trợ, không nhất thiết phải thành lập trung tâm mà nên tăng cường các chính sách hỗ trợ chi phí cho nạn nhân khi xác định rõ đó là nạn nhân. Cũng cần xem lại vấn đề hỗ trợ nghề cho nạn nhân bởi đào tạo rồi mà không có việc làm thì nạn nhân sẽ bế tắc, quay lại đường cũ.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV: Cần quan tâm đến yếu tố công nghệ
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 và sự phát triển của công nghệ hiện đại đã mang đến những tác hại đa chiều, nghiêm trọng đối với các quốc gia đang phát triển. Luật đã có quy định, nhưng nếu chỉ dựa vào các cơ quan nhà nước là chưa đủ. Cần quan tâm và có quy định rõ ràng về trách nhiệm của cộng đồng, nhà trường và gia đình. Hiện nay công nghệ AI - người ảo sử dụng trí tuệ nhân tạo - rất phát triển. Khi tội phạm sử dụng AI thì rất khó phát hiện, đấu tranh nhưng sự nguy hiểm của hành vi tăng lên rất nhiều. Yếu tố xuyên quốc gia cũng sẽ làm cho hành vi mua bán người diễn ra nhanh hơn, rộng hơn. Do đó, để ngăn chặn các đối tượng này, cần cải tiến hơn nữa các biện pháp phòng, chống tội phạm mua bán người.
Ông Đỗ Ngọc Thịnh - đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Có chính sách hợp lý cho đội ngũ tuyên truyền viên
Pháp luật phòng, chống mua bán người cần quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn về trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là của các cơ quan phòng, chống mua bán người, trong đó có công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Thời gian qua, chỗ cần tuyên truyền thì chúng ta không tuyên truyền, chỗ tuyên truyền cụ thể thì nội dung cũng chưa tới. Chúng ta đã tiêu tốn rất nhiều tiền trong công tác tuyên truyền nhưng hiệu quả chưa cao, nên cần phải thay đổi.
Theo báo cáo, tỉnh Tây Ninh có mô hình quán cà phê tuyên truyền dọc biên giới. Đây là những địa điểm thường tập trung các đối tượng mua bán người và cả những người có nguy cơ trở thành nạn nhân mua bán người. Nếu chúng ta thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện, làm rõ các thủ đoạn thì ít nhiều sẽ giúp những người có nguy cơ bị lừa bán nhận ra và cảnh giác với loại tội phạm này. Việc nhân rộng các mô hình tuyên truyền hiệu quả về phòng, chống mua bán người như trên rất cần thiết.
Để làm tốt công tác tuyên truyền, chúng ta cũng cần quan tâm đến đội ngũ tuyên truyền miệng, tuyên truyền viên tại cơ sở. Đây là lực lượng rất quan trọng nhưng lâu nay bị bỏ quên. Cần quan tâm đội ngũ này bằng những chính sách đào tạo kỹ năng cũng như chính sách chăm lo hợp lý.
Ông Võ Văn Buôl - Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội và Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh: Tăng cường giám sát lao động di cư
Sau đợt dịch COVID-19 vừa rồi, chúng ta tiếp nhận nhiều người lao động trái phép từ nước ngoài trở về quê hương qua biên giới. Nếu chúng ta làm tốt công tác quản lý người lao động di cư thì sẽ hạn chế tình trạng lao động trái phép cũng như tình trạng người lao động bị lợi dụng, bị bóc lột, xâm hại. Nhưng để làm được điều này, cần mở rộng giao lưu quốc tế, tạo nhiều kênh để nắm bắt thông tin về tình trạng người lao động đang làm việc ở nước ngoài. Đối với thị trường lao động trong nước, cần tăng cơ hội tiếp cận việc làm cho những nhóm người dễ bị mua bán.
Phối hợp với cơ quan nước bạn phòng, chống tội phạm Trong tháng 9/2023, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh đã tổ chức hội đàm với lực lượng công an, quân sự và hiến binh của 3 tỉnh Svây Riêng, Prây Veng và Tbong Khmun của Vương quốc Campuchia về tăng cường các hoạt động nhằm phối hợp bảo vệ biên giới, phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm mua bán người. Trong 1 năm qua, 2 bên đã phối hợp xử lý 62 vụ xuất nhập cảnh trái phép, với 138 đối tượng; giải quyết cho trên 560 công dân Việt Nam làm việc ở Campuchia về nước an toàn. Sơn Vinh |
Thu Lê (ghi)