Sống chung an toàn với COVID-19 - Bài cuối:

Những giải pháp để TPHCM phục hồi bài bản

21/10/2021 - 06:11

PNO - UBND TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau giai đoạn chống dịch căng thẳng.

Quyết sách dựa trên cơ sở khoa học

Tại kỳ họp thứ ba, HĐND TPHCM khóa X ngày 18 - 19/10, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin, từ ngày 30/9 UBND TPHCM đã ban hành Chỉ thị 18 về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. Ông khẳng định TPHCM đã tiếp thu những nội dung mới nhất trong dự thảo mà sau này là Nghị quyết 128 của Chính phủ và vận dụng, cập nhật vào Chỉ thị 18.

Đây cũng là lý do đến giờ này, TPHCM chưa có kế hoạch tổng thể triển khai Nghị quyết 128; Theo đó, thành phố không chỉ triển khai Quyết định 4800 của Bộ Y tế để đánh giá cấp độ dịch, đo mức độ an toàn của từng địa bàn mà còn có cơ chế giám sát tình hình dịch, cảnh báo. Từ đó, TPHCM có cơ sở dữ liệu khoa học làm nền tảng phục vụ cho việc ra quyết định, bao gồm nới lỏng hoặc siết chặt các biện pháp ở từng địa bàn, từng thời điểm cụ thể.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình cho biết, thành phố đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp hiệu quả nhằm vượt qua khó khăn, ổn định kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho các năm tiếp theo. Trong đó, tập trung bảy phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm ba tháng cuối năm 2021, gồm: triển khai các giải pháp tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 an toàn, hiệu quả; các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế; thúc đẩy các dự án đầu tư công; công tác ngân sách tài chính, quy hoạch đô thị; an sinh xã hội, giáo dục và văn hóa - xã hội; quốc phòng an ninh và trật tự xã hội, đối ngoại...

TPHCM cũng tiếp tục thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, nhất là Nghị quyết 128 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng đã ban hành kế hoạch chi tiết triển khai 11 chiến lược phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế trong giai đoạn mới; triển khai mở cửa từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm “an toàn là trên hết”, “an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”. 

Nhịp sống ở TPHCM đang dần trở lại bình thường, người dân đi ra đường đều tuân thủ quy định về đeo khẩu trang phòng, chống dịch ẢNH: Tam Nguyên
Nhịp sống ở TPHCM đang dần trở lại bình thường, người dân đi ra đường đều tuân thủ quy định về đeo khẩu trang phòng, chống dịch ẢNH: Tam Nguyên

Nhấn mạnh TPHCM đang bước vào một giai đoạn vô cùng đặc biệt trong hơn năm tháng qua, với 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức đã đạt tiêu chí kiểm soát dịch, chuẩn bị sẵn sàng bước vào giai đoạn bình thường mới, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ “đặt hàng” một số nhiệm vụ cho UBND Thành phố cùng các đơn vị, sở ngành. Cụ thể, phải nắm tình hình dịch bệnh, diễn biến của các chủng vi-rút mới; khẩn trương xây dựng chương trình tổng thể về phòng, chống dịch; có kịch bản, phương án, chuẩn bị nguồn lực con người, cơ sở vật chất, cách vận hành, tổ chức; đồng thời “bổ sung, cập nhật” các chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phù hợp tình hình mới…

Phải tránh được nguy cơ tiềm ẩn

Trước kỳ họp HĐND, lãnh đạo UBND TPHCM đã lắng nghe hiến kế của chuyên gia ở nhiều lĩnh vực để có định hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp sau giai đoạn dồn sức chống dịch COVID-19. 

Trong tham luận gửi UBND TPHCM, giáo sư Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TPHCM, cho rằng cuộc chiến với COVID-19 tại TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ còn diễn tiến với sự thay đổi, phát triển của mạng lưới y tế, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục. Việc thúc đẩy chiến lược chăm sóc tinh thần dài hạn cho người dân trong các bối cảnh dịch bệnh là nhu cầu cấp thiết để vừa hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, đảm bảo sức khỏe tinh thần cho tuyến đầu tập trung đẩy lùi dịch bệnh, vừa hỗ trợ người dân quản lý tình hình sức khỏe, vượt qua sự căng thẳng, lo lắng và các sang chấn đang gặp phải, bước đầu tái khởi động sản xuất, kinh doanh. 

“Thông qua việc phân tích các sang chấn có thể gặp phải ở nhóm người trưởng thành, trẻ em và nhóm yếu thế Việt Nam, chúng tôi đề xuất chiến lược chăm sóc tinh thần trong và sau dịch COVID-19 phù hợp với bối cảnh… Đây là một động thái nhân văn nhưng rất hiện đại cần nhận thức một cách sâu sắc và thực thi bằng trách nhiệm cụ thể. Đó là cơ sở quan trọng cũng như các động thái để góp phần mau chóng hồi phục kinh tế xã hội của thành phố nhưng đảm bảo phát triển bền vững và tránh những nguy cơ hay các nguy cơ tiềm ẩn”, ông Sơn 
đề xuất.

Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Trường đại học Y Dược TPHCM, cho biết với tỷ lệ gần 100% người dân đã được tiêm ngừa và 72% người dân đã tiêm đủ mũi hai, TPHCM đã đạt được miễn dịch cộng đồng một phần. Tuy nhiên, khi nới lỏng giãn cách nhằm phục hồi kinh tế, TPHCM vẫn cần tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện 5K; yêu cầu tuân thủ các quy định phòng, chống dịch tại các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp; xây dựng chiến lược xét nghiệm phát hiện ca bệnh có hiệu quả. Thành phố cần mạnh dạn xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế nhằm tranh thủ thời cơ. Nguy cơ phải dừng các kế hoạch phát triển kinh tế là rất nhỏ.

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, khi nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế, TPHCM có thể cho phép doanh nghiệp tự chủ trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch và sử dụng biện pháp kiểm soát kinh tế để yêu cầu tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Chấp nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng miễn là tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. “TPHCM cần xây dựng mạng lưới giám sát dịch tễ để có thể ứng phó kịp thời. Đánh giá mức độ miễn dịch ở người lớn tuổi để có thể thực hiện các mũi tiêm tăng cường ở các đối tượng này khi cần thiết”, ông đề xuất.

Thay đổi cách thu hút và chăm cho người lao động

Đối với việc bổ sung nguồn nhân lực sau dịch, tiến sĩ Phạm Khánh Nam,  Trường đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng sau đại dịch COVID-19, cần có chính sách thu hút người lao động trở lại thành phố làm việc. “Theo tôi, cần áp dụng hai nhóm công cụ chính sách thu hút người lao động quay trở lại làm việc là: dùng khuyến khích kinh tế, tác động vào động lực kinh tế của cá nhân và dùng công cụ kinh tế hành vi, tác động tâm lý. Đối tượng chính sách chủ yếu trong nhóm này là lao động nhập cư đã quay trở về quê và lựa chọn làm việc trong khu vực kinh tế chính thức. Chính sách thu hút lao động quay trở lại làm việc thuộc nhóm chính sách trong ngắn và trung hạn”, ông nói. Nhóm nghiên cứu có ông Nam tham gia đề xuất cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các gói phúc lợi thu hút người lao động quay trở lại làm việc gồm ba thành phần chính: giới thiệu việc làm, hỗ trợ nhà trọ, vắc-xin COVID-19.

Theo tiến sĩ Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, qua đại dịch, một trong những khiếm khuyết bộc lộ rõ nét nhất là việc cung ứng nhà ở cho công nhân, lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa được đầy đủ, an toàn để giúp người lao động thực sự an tâm, dẫn đến hiện tượng thiếu hụt lao động (do di chuyển về quê), ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, nhất là vào thời điểm cuối năm.

Do vậy, chính sách nhà ở cho người lao động nghèo và người công nhân ở các doanh nghiệp, cần được thay đổi quan điểm. Người lao động nghèo và công nhân cũng cần thay đổi nhận thức về quan niệm “nghèo phải ở nhà thuê” như trước đây, với quan điểm hướng tới mục tiêu vệ sinh, an toàn, môi trường sống trong lành, cần đặt lên hàng đầu.

Muốn vậy, chính sách nhà ở cho thuê dài hạn, giá bình dân, với đủ tiêu chuẩn nhà ở, cần được xem xét ban hành (dưới hình thức công nhận hình thức sở hữu nhà có thời hạn, ví dụ: cho phép sở hữu nhà ở 50 năm, thay vì chỉ sở hữu vài năm hoặc không xác định ngưỡng tối đa). Bên cạnh đó, các dự án chỉnh trang, nâng cấp đô thị, cải tạo nhà ở trong các khu lụp xụp, cũng nên được tiếp tục triển khai, tạo môi trường sống an toàn, sạch đẹp trong thời gian tới. 

Để thực thi chính sách giải quyết nhà ở cho người lao động nghèo, thu nhập thấp và nhà lưu trú công nhân trong các khu công nghiệp, theo tiến sĩ Dư Phước Tân, cần áp dụng mô hình “bao cấp chéo”, để lấy thu bù chi, tạo điều kiện có một nguồn lực dồi dào, đầu tư nhà ở cho thuê dài hạn. Theo đó, thành phố cần nghiên cứu hình thành một tổ chức liên ngành, đủ mạnh, được trao nhiều quyền hạn, kể cả giao một số quỹ đất công, để triển khai thực hiện chương trình nhà ở dành cho lao động nghèo, thu nhập thấp theo đúng nghĩa (khác với mô hình nhà ở xã hội hiện nay). 

“Tóm lại, an toàn về nhà ở đồng nghĩa với môi trường sống được đảm bảo cho mọi người dân trong cộng đồng, hạn chế tối đa lây nhiễm, thích ứng và sống chung với đại dịch. Nhân cơ hội này, chúng ta cần tập trung giải quyết rốt ráo vấn đề nhà ở cho lao động nghèo, người thu nhập thấp và công nhân lao động trên địa bàn TPHCM”, tiến sĩ Dư Phước Tân nhấn mạnh. 

Phong Vân - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI