 |
Tôi tiếc vì từng quá nhiều tham vọng mà quên trân quý cuộc sống bình dị... (ảnh minh họa) |
Tôi tần ngần mãi rồi cũng nhắn hẹn Khang cùng về quê. Đã vài năm không gặp lại, Khang cũng chẳng lên thành phố, chỉ giữ liên lạc trong nhóm chat cũ.
Chúng tôi hỏi han tình hình người này người nọ, thầy cô giáo cũ, cha mẹ, con cái của nhau... Khang mãn nguyện khoe ngôi nhà nhỏ ở thị trấn, về 2 đứa con “học cũng ổn”, về người vợ làm văn phòng tuy lương không cao nhưng ổn định, thêm mảnh vườn sau nhà trồng đầy rau trái dư ăn. Tôi nghe và mỉm cười, thực tâm mừng cho bạn.
Khang không hỏi, tôi thì chẳng muốn thổ lộ chi tiết về thời gian sau này của mình, chỉ ngắn gọn là “cũng tạm”. Trong mắt bạn bè cũ, tôi từng là người sớm thành công, có xe hơi đầu tiên, tự lái từ thành phố về quê mỗi dịp họp lớp, hoặc đi dự đám tiệc. Tôi từng mở công ty, hào hứng xuất nhập khẩu, lại máu lửa lao ra nước ngoài vài năm, mạnh dạn gom vốn đầu tư vài dự án… rồi cuối cùng là về lại TPHCM, tạm trú trong căn nhà thuê ở quận 8.
Công việc hiện tại của tôi vẫn bấp bênh, vẫn còn vài khoản nợ chưa trả xong. Nhưng nói để làm gì, người ta chẳng phải sẽ ganh tỵ khi bạn giàu có, và âm thầm cười chê hả hê khi mình thất bại đó sao. Chắc gì Khang sẽ không phán xét.
May thay, người bạn cũ bỗng chân tình gật đầu; “À, tui có nghe qua là hồi giờ bạn chịu khó làm ăn lớn dữ lắm…”. Khoảnh khắc ấy, tôi nhớ lại những năm ngoài 30 tuổi, tôi từng cười cợt Khang lẫn những người bạn chung lớp chọn ở lại quê nhà. Khang làm kế toán cho một công ty nhỏ, thu nhập dĩ nhiên làng nhàng, ngày nào cũng tan sở đúng giờ, về ăn cơm với vợ. Tôi bảo: “Cậu an phận quá, không muốn đổi đời hả?”. “Tui thấy đủ là được rồi”, Khang nói.
Ngày đó, tôi chưa hiểu hết chữ “đủ” mà Khang nói, chỉ thầm nghĩ trong lòng là “thiếu chí cầu tiến còn bày đặt!”. Bây giờ, gần 50 tuổi, ngồi nhìn bạn cũ nhấp từng ngụm cà phê, mắt ánh lên niềm vui nhẹ nhõm khi kể về bữa cơm tối có canh rau tự trồng và cá kho keo, về chiếc xe Cub 50 vừa mua cho cậu con trai đầu lòng, tôi mới thấm…
Lại nhớ có một lần, Khang đưa vợ con về thành phố nghỉ hè vài hôm, ghé thăm nhà tôi. Tôi khề khà giới thiệu với bạn cũ cái tủ rượu hoành tráng và phong phú của mình, chi tiết từng chai, từng nhãn, từng giá tiền. Tôi nhận thái độ trầm trồ của Khang, và nụ cười đơn giản có phần không hiểu hết giá trị của vợ cậu ấy, lòng ít nhiều xem thường.
"Đàn ông thì phải có chất chơi, có đam mê, mới khá được", hồi đó tôi nghĩ vậy!
 |
Ảnh minh họa |
Tôi miên man nghĩ về cuộc sống hiện tại của mình. Vợ tôi ngày càng lặng lẽ, không còn hay căn vặn trách móc, nhưng ẩn chứa trong sự cam chịu đó là nỗi thất vọng. Tôi hay bắt gặp cô ấy xa xăm thở dài.
2 đứa con tôi đã lớn, ngày càng ít nói chuyện với ba mẹ. Chúng bất mãn khi không bằng bạn bằng bè. Nỗi buồn của vợ con thật sự khiến một người đàn ông phải nặng trĩu. Sự im lặng của vợ càng khiến tôi thấy áy náy nhiều hơn. Tôi tự tin lao vào việc, đầu tư, làm ăn, xoay xở... nhưng cái tôi mất là những tháng ngày yên ổn, là những bữa cơm tối có đầy đủ tiếng cười. Thậm chí gia đình tôi vẫn chưa thể an cư, còn vật vã với những khoản tiền đến hạn mỗi tháng…
Tuổi này, tôi biết mình không dễ bắt đầu lại. Những giấc mơ táo bạo ngày xưa giờ mỏi mệt. Bạn bè cùng lứa, người thì đã thong dong chọn rời khỏi cuộc đua cơm áo nhiều tất bật, người lo cưới vợ gả chồng cho con. Còn tôi, vẫn đang mải miết đi tìm điểm tựa.
Không phải ganh tị, chỉ là tôi chạnh lòng, kèm một chút tiếc, và một nỗi buồn nhẹ mà sâu, cái buồn của một người từng nghĩ mình bay cao, rồi nhận ra mình lạc đường. Khang vẫn như xưa. Còn tôi thì khác. Nhưng có lẽ, khác không phải là sai, chỉ là mỗi người đã chọn một cách sống, rồi thì số phận xoay vần.
Chúng tôi nhìn ra con hẻm nhỏ. Mấy đứa trẻ chơi đá banh, hò hét giữa cuối chiều nắng gắt. Tiếng cười của đám trẻ vọng vào lòng tôi như một thứ gì rất quen.
Hồi bằng tuổi chúng, nào ai đã nghĩ đến chuyện cơm áo gạo tiền. Cũng từng có một thời, tôi mơ ước như mây - bay cao, bay xa, tưởng đâu không thể rơi xuống. Để đến lúc tôi nhận ra, đi nhiều nơi, làm nhiều việc, kiếm nhiều tiền, cũng chưa chắc đã bằng một mái nhà nhỏ, một bữa cơm nóng, và một người ở bên mình thật lòng.
Tôi không trách ai, chẳng trách đời, chỉ trách mình, có lẽ đã quá vội vàng, nhiều tham vọng. Chỉ có điều, nếu được quay lại, tôi nghĩ mình sẽ chọn sống đủ - sớm hơn.
Hải Đăng