edf40wrjww2tblPage:Content
Đàn hát và tranh gạo là công việc và thú vui hàng ngày của anh
Khó khăn chỉ là tạm thời
Ra đời lành lặn như bao đứa trẻ, bốn tháng tuổi, Nguyễn Ngọc Nhật bắt đầu phát sốt liên miên. Sau những đợt vào ra bệnh viện, bà Nguyễn Thị Sáng, mẹ của Nhật chết ngất khi nghe bác sĩ thông báo con trai đã bại liệt toàn thân. Lớn dần, Nhật vẫn nằm yên, gương mặt bất động, không biết nói cười. Chỉ khi có điều buồn tủi, biểu hiện của ý thức mới hiện lên trên mặt cậu bằng một giọt nước trào ra từ khóe mắt.
Ngày ấy, ánh mắt sáng ngời của con trai cứ thôi thúc bà Sáng lao từ bệnh viện này đến tổ chức từ thiện kia, tìm kiếm cơ hội cứu con. Sau nhiều năm, tình trạng của Nhật vẫn không khá hơn, cậu không bò được, chỉ lết khắp nhà. Trở về sau mỗi hành trình ấy, đêm đêm, bà Sáng vò võ ngồi bóp nắn từng khớp xương của con, níu giữ hy vọng.
Đến tuổi, Nhật theo cha mẹ đến trường. Nhưng, việc học dần trở nên khó khăn khi cậu cứ phải cố sức rướn người cho vừa với chiếc bàn học. Dần dần, Nhật bị cong vẹo cột sống, khối gù trên lưng hành hạ hằng đêm mỗi khi trái gió trở trời. Những giờ học trở thành một nỗi ám ảnh, nhưng với cậu bé, “buồn nhất vẫn là những giờ chơi”, khi các bạn chạy nhảy khắp phòng, chơi đá cầu, bắn bi, hay hè nhau đánh trận giả. Viễn cảnh “mình không bị tật” cứ đeo đuổi, vừa hành hạ, vừa thôi thúc Nhật.
Bảy tuổi, Nhật được bố làm riêng cho một phòng tập vật lý trị liệu với những công cụ hỗ trợ bằng tre. Kiên nhẫn và nghiêm khắc, ông Nguyễn Cẩm túc trực bên con 24/24 với những bài tập, quy tắc khắc nghiệt. Nắng không ngưng, mưa không nghỉ; những buổi tập đã được “lập trình” sẵn, cứ thế tiến hành. Mỗi khi quá đau, cậu con trai lại được bố cho tập những bài tập nhẹ nhàng hơn. Dần dần, con không còn ý thức phản kháng, ngoan ngoãn làm theo bố để “nhanh nhanh được chạy nhảy với các bạn”. Một ngày mưa, trong một giờ tập cật lực của hai cha con, chiếc nạng tre cũ gãy đôi, khiến thân thể Nhật đổ ập xuống đất. “Huấn luyện viên lạnh lùng sắt đá” vứt vội chiếc nạng còn lại, ôm chầm lấy con, nước mắt lã chã: “Tại bố, tại bố…”.
Vào lớp 3, Nhật vừa đi được thì niềm vui như nhân đôi khi có đoàn từ thiện nước ngoài về phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhân bại liệt. Cả nhà vội vã thu xếp đưa cậu đi mổ thử một chân. Gác lại việc học hành để theo đuổi giấc mơ khỏi bệnh, sáu tháng trời nằm một chỗ với lớp bột băng nóng nực, ngứa ngáy; Nhật vừa cắn răng chịu đựng, vừa đếm ngược cho đến ngày được đến trường với cái chân thẳng thớm, lành lặn. Thế nhưng, hy vọng tan tành khi cái chân phẫu thuật yếu hẳn sau ngày tháo bột. Khả năng đi lại dày công tập luyện bao năm trời bỗng biến mất, Nhật không thể tự mình đứng dậy. Ráng chờ đợi thêm vài ngày, cả nhà đành chấp nhận sự thật: cuộc phẫu thuật đã thất bại, để cùng con trai làm lại từ đầu.
Số phận lần nữa trêu ngươi Nguyễn Ngọc Nhật vào năm 17 tuổi, khi cả nhà chuyển từ Bình Thuận vào Đồng Nai. Năm ấy, Nhật học lớp 11, nuôi ước mơ trở thành thầy giáo dạy văn hoặc một bộ môn gì đó liên quan đến nghệ thuật nhưng các trường học ở Đồng Nai đều từ chối nhận anh vào học.
Ngọc Nhật trong một buổi giao lưu của CLB Trảng Bom nơi tôi sống
Món quà từ đam mê
Mơ về ngôi nhà và hàng ngàn đứa trẻ
Đường học rơi vào ngõ cụt, Nhật lặng lẽ ở nhà, học đàn, đọc sách. Giấc mơ giảng đường tuột khỏi tay khiến anh buồn bã một thời gian dài. Nhưng rồi sự chán nản ngày một vơi đi, khi ý thức phải kiếm tìm một con đường khác càng mạnh lên trong anh. Anh cười: “Bây giờ thì mình lột xác rồi, không mặc cảm, hy vọng, thất vọng lung tung nữa; vốn liếng vẫn vậy, chỉ còn cách tự mình khác đi thôi”.
Lần “ra đời” đầu tiên, anh vào làm công ở xưởng mỹ nghệ gần nhà. Cuộc sống tưởng như đã ổn định sau hai năm anh vừa hòa nhập, vừa học cho thạo nghề ở xưởng, thì “nỗi nhớ con chữ” lại thôi thúc anh đến trường. Anh quyết định xin ba mẹ lên thành phố học tin học ở Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi TP.HCM. Hành trang là chiếc xe gắn máy ba bánh, kế hoạch duy nhất là “học để biết”, mỗi tuần, anh vượt hơn 50km để đến huyện Hóc Môn (TP.HCM). Từ những kiến thức trong giờ học, anh tự mày mò, tìm kiếm học thêm. Tự hào vì cậu học trò khuyết tật, mỗi lần có ai ghé thăm lớp, thầy giáo lại kéo đến giới thiệu. Không ngờ, sau khóa học, anh được giữ lại giảng dạy ở trung tâm vì thể hiện tốt năng lực và khả năng giảng dạy. Giấc mơ trở thành thầy giáo tưởng đã vĩnh viễn khép lại từ năm 17 tuổi đã thành hiện thực.
Suốt một năm rưỡi làm việc ở trung tâm dạy nghề, anh Nhật đăng ký học lớp khởi sự doanh nghiệp, nuôi ý định gầy dựng một doanh nghiệp nhỏ cho riêng mình. Mọi thứ càng rõ ràng hơn sau từng ngày anh theo đuổi lớp học ấy. Ngày tốt nghiệp, “liên hệ” những điều đang có và giấc mơ nghệ thuật thường trực trong tâm trí, Nhật quyết định thôi việc, mua lại cửa hàng tranh gạo của người anh ruột, “tái tạo” theo ý mình. Hành trình trở thành “người làm tranh” đòi hỏi một quãng thời gian và tâm sức để học và tự học nghề. Để làm xong một bức tranh, anh phải tỉ mẩn chọn loại gạo tốt và đẹp nhất, kiên trì rang gạo hàng giờ đồng hồ, rồi phác họa bức tranh, xếp gạo, phơi tranh, xử lý hóa chất. Bức tranh đơn giản nhất mất khoảng một ngày, có bức tốn hàng tuần để hoàn tất. “Càng học càng yêu nghề”, anh nói, “ai cũng có thể làm được tranh gạo, chỉ cần đủ tình yêu và kiên nhẫn”. Anh nung nấu giấc mơ mở rộng cơ sở làm tranh, nhận dạy nghề miễn phí, giúp người khuyết tật tạo thu nhập.
Hàng ngày, ngoài việc làm tranh theo đơn đặt hàng, anh lại lên mạng, hoặc đi khảo sát, tìm cơ hội kết nối với các doanh nghiệp để có từng bước chuẩn bị cho kế hoạch dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Ở địa phương, anh là “thủ lĩnh” của một nhóm bạn trẻ, thường xuyên tổ chức những buổi họp mặt, đá bóng, giao lưu văn nghệ, hoặc làm vệ sinh môi trường. Quản lý thành viên bằng trang Facebook Trảng Bom nơi tôi sống, anh luôn hy vọng rằng, mình sẽ thu hút các bạn trẻ vào câu lạc bộ, thay vì sa vào những quán bar, vũ trường ngày càng náo nhiệt ở địa phương.
Biết chúng tôi ghé thăm, trước đó ba ngày, anh đã lên mạng, tra tìm rồi làm một bức tranh gạo hình logo Báo Phụ Nữ. “Chỉ là món quà đam mê thôi mà…”, anh nói.
Mỗi lần nghêu ngao: “Anh đã mơ về ngôi nhà và… hàng ngàn đứa trẻ”, anh lại bị các bạn trẻ chọc: “Sức đâu?”. Anh cười, “Ý tưởng cơ sở tranh gạo dành cho người khuyết tật đã rõ ràng trong đầu mình, nhưng hiện tại vẫn còn bộn bề lắm”. Với anh, dám mơ tức là đã bước đến gần giấc mơ.
Minh Trâm
Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn