Những gia vị giúp giữ sức khỏe ngày tết

30/01/2022 - 05:55

PNO - Tết cũng là thời điểm giao nhau giữa mùa nắng và mùa lạnh, mọi người dễ bị bệnh, nhất là trẻ nhỏ, người già và những người có bệnh mãn tính.

Thời điểm giao mùa, điều kiện khí hậu có sự chênh lệch về nhiệt độ, độ ẩm… dễ gây bệnh, nhất là trong giai đoạn giao thời nắng mưa, oi bức xen lẫn ẩm ướt, các loại côn trùng (ruồi, muỗi) phát triển, nguy cơ mắc các bệnh lý như viêm nhiễm đường hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy... Ngoài ra trong khoảng thời tiết biến động, môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh giao mùa. 

Trong giai đoạn này, trẻ nhỏ, người già và những người có bệnh nền... dễ mắc bệnh nhất. Để có thể chăm sóc tốt sức khỏe gia đình, các bác sĩ Đông y lưu ý những cây gia vị hàng ngày được xem là phương pháp dưỡng sinh bằng thức ăn, vị thuốc giúp mọi người giữ gìn sự khỏe trong những ngày tết. 

Trẻ em rất dễ mắc bệnh khi giao mùa
Trẻ em rất dễ mắc bệnh khi giao mùa

Các loại thảo dược có tác dụng giải cảm

Những thức ăn thường dùng như gừng, tỏi, sả, hành, hẹ, ớt,… đều là những vị thuốc tốt. Những vị thuốc “vườn nhà” vừa có tác dụng giải cảm, vừa là gia vị ngon cho món ăn.

Hành: Có tác dụng giải độc, kích thích tiêu hóa, điều hòa hô hấp. Hành có tính ấm, làm tan lạnh, thông khí, giải cảm, đặc biệt là sát trùng. Khi bị cảm lạnh, dùng hành, tía tô nấu cháo nóng sẽ giải cảm nhanh. Liều lượng dùng không giới hạn, dùng được cả lá và củ.

Tỏi: Có vị cay, hăng, tính ấm. Tỏi dùng để hạ khí, giải độc, tiêu đờm, chữa sốt do truyền nhiễm. Liều lượng mỗi lần dùng khoảng 10-20g. 

Gừng: Có vị cay đắng, tính ấm, tác dụng tán phong, trị trúng gió, trị lạnh bụng khó tiêu. Gừng giữ ấm cơ thể rất tốt, vì thế mà chống được hàn tà. 

Sả: Có vị cay đắng, tính ấm. Sả dùng nhiều trong chế biến các món ăn có tính hàn, có công dụng làm ấm bụng, giải cảm. Tinh dầu sả chống muỗi, chống cúm và bệnh truyền nhiễm rất tốt. Có thể dùng sả kết hợp với gừng, tỏi, hành.

Ăn thức ăn nấu chín, uống nước đun sôi để nguội, ăn vừa đủ no, đủ loại dinh dinh dưỡng. Mùa hè là mùa của các loại trái cây ngon như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, vải…  nên cần lưu ý với các bệnh nhân rối loạn dung nạp đường.

Điều tiết cảm xúc

Lo lắng làm tổn thương Tỳ Vị, tức giận dễ dẫn đến Can khí uất. Bạn cần tiết chế cảm xúc, duy trì sự bình tĩnh, vui vẻ sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh.

Thức ăn nên dùng

Bạn có thể ăn thêm cháo lúa mạch và đậu đỏ trong mùa hè và mùa thu. Cháo lúa mạch và đậu đỏ có tác dụng trừ ẩm, bồi bổ Tỳ Vị, đặc biệt đối với người trung niên và người già béo phì do cơ thể bị thấp thì tác dụng rất tốt.

Táo tàu cũng rất thích hợp cho liệu pháp ăn kiêng cuối mùa hè với nhiệt độ cao và ẩm ướt. Táo tàu có tác dụng bổ Tỳ Vị, hòa vị, bổ khí, dưỡng huyết, an thần, rất thích hợp cho người Tỳ Vị hư nhược. Ngoài ra, vỏ cam cũng rất hữu hiệu trong việc bồi bổ Tỳ Vị, khi nấu có thể cho thêm một ít vỏ cam tươi. Ngay cả khi không dùng để xào, có thể uống với vỏ cam khô ngâm nước cũng rất tốt.

*Một số cách đơn giản làm tại nhà để phòng chống dịch bệnh

Nên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Chỉ cần xà phòng diệt khuẩn và xả nước kỹ là đủ sạch. Không nên lạm dụng các loại nước sát khuẩn mạnh, vì sẽ bị hỏng da.

Đeo khẩu trang khi ra ngoài: đeo khẩu trang để phòng bệnh là một việc đơn giản nhưng hiệu quả để ngăn ngừa virus, vi khuẩn lây qua đường hô hấp. Nên sử dụng khẩu trang để bảo vệ chính mình khi tới bệnh viện, khi ở gần nguồn lây nhiễm, hoặc khi có dịch. Khi bản thân có các triệu chứng như hắt hơi, ho… nên đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho người khác.

Luyện thở bụng để nạp đủ oxy cho phổi, phòng chống việc suy yếu hệ hô hấp. Khi hít vào thì đưa khí xuống bụng (phình bụng ra), khi thở ra thì đẩy khí từ bụng ra ngoài (hóp bụng lại).

Uống gừng pha với mật ong và nước ấm vào buổi sáng để tăng cường đề kháng cho hệ miễn dịch.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nga 
Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Lê Văn Thịnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI