Ngòi bút ghi chép lịch sử - thời đại
Hội Nhà văn TPHCM vừa tổ chức hội thảo chủ đề Nhà văn Anh Đức - Cuộc đời và sự nghiệp, với sự tham dự của đại diện gia đình cố nhà văn cùng những người cầm bút nhiều thế hệ. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện tôn vinh những tên tuổi tác giả từng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật. Trước đó, Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức hội thảo về nhà văn Nguyễn Quang Sáng, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn viết và bạn đọc.
Nhà văn Anh Đức (1935-2014) để lại cho đời những tác phẩm còn sống mãi: Hòn Đất, Một chuyện chép ở bệnh viện, Giấc mơ ông lão vườn chim, Bức thư Cà Mau, Đứa con của đất… Ông đã xây dựng nên những hình tượng nhân vật phụ nữ Nam Bộ kiên cường, bất khuất như chị Sứ, chị Tư Hậu… Tác phẩm của ông đã trở thành những dấu ấn không thể phai mờ của văn học Nam Bộ về đề tài chiến tranh cách mạng.
|
Một số tác phẩm văn chương vang bóng một thời |
Với nhà văn Nguyễn Quang Sáng (1932-2014), hậu thế không thể quên Đất lửa, Mùa gió chướng, Quán rượu người câm, Chiếc lược ngà…; đặc biệt là những cống hiến của ông ở lĩnh vực điện ảnh trong vai trò là biên kịch của các phim: Cánh đồng hoang, Mùa nước nổi, Pho tượng, Con gà trống… Dù lựa chọn viết ở thể loại nào (truyện ngắn hay tiểu thuyết) và tiếp cận đề tài ra sao thì nhân vật trong tác phẩm của ông đều mang phẩm chất, tinh thần, cốt cách của những người con đất Nam Bộ, giản dị mà kiên cường.
Một trong những tên tuổi được vinh danh Giải thưởng Hồ Chí Minh ngay từ đợt đầu vào năm 1996 là nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2003). Hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của ông với chủ đề Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay vừa được Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương tổ chức tại Hà Nội. Một lần nữa, giá trị của các tác phẩm ghi dấu ấn một thời được nhắc nhớ và tôn vinh với thế hệ bạn đọc hôm nay: Vỡ bờ, Bên bờ sông Lô, Vào lửa, Mặt trận trên cao, Xung kích… Bên cạnh đó là nhìn nhận lại những đóng góp và cống hiến to lớn của nhà văn, nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi đối với sự nghiệp cách mạng cũng như sự nghiệp văn học của nước nhà.
Tưởng nhớ các nhà văn không chỉ là câu chuyện về tác phẩm mà còn là nhân cách, quan điểm sống và viết của những tên tuổi lớn. Ở họ là một tinh thần chiến đấu và cống hiến, ngòi bút ghi chép lịch sử - thời đại, đồng thời cúi xuống với thân phận con người. Lịch sử chiến tranh cách mạng cùng phận người, phận đất đã ở lại trên trang viết và trở thành những giá trị vượt thời gian.
Người yêu sách vẫn nhắc nhớ các tượng đài văn chương
Kể từ năm 1996 đến nay, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đã qua 6 đợt tôn vinh (lần 6 trao giải vào năm 2022). Những giá trị hội tụ với những tên tuổi lớn: Nam Cao, Huy Cận, Xuân Diệu, Tố Hữu, Nguyên Hồng, Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương, Đỗ Chu, Ma Văn Kháng… Trong số đó có những nhà văn còn tại thế nhưng rất nhiều tên tuổi đã đi xa. Tác phẩm của họ để lại cho đời và vang những tiếng vọng, vượt khỏi biên giới Việt Nam đến với thế giới, trở thành những “huyền thoại” của văn đàn.
Trong số các tác phẩm của nhà văn Anh Đức, tiểu thuyết Hòn Đất - với hình tượng nhân vật chị Sứ - đến nay đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ: Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản… Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đình Thi cũng được chuyển ngữ sang tiếng Pháp, Đức. Các nhà văn thế hệ trước đã cùng nhau tạo nên những giá trị không thể thay thế trong từng thời đại sống của mình. Các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng trở thành những “tượng đài văn chương”: Con đường xuyên rừng (Lê Văn Thảo), Trước giờ nổ súng (Phan Tứ), Vùng pháo sáng (Thu Bồn), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội (Hoàng Tích Chỉ), Con trâu, Rừng U Minh (Nguyễn Văn Bổng), Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi)…
Nhìn lại những tác phẩm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cũng là nhìn lại cả một chặng đường dài của văn học Việt Nam - với những dòng chảy từ văn học cách mạng (thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ) đến văn học hậu chiến, hậu hiện đại và văn chương đương đại. Nhà văn lưu dấu thời đại bằng tác phẩm, văn chương trở thành những giá trị văn hóa quý giá cho hậu thế. Không chỉ văn xuôi, thi ca nổi bật với những tên tuổi qua nhiều thế hệ: Tế Hanh, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Hữu Thỉnh, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật, Tú Mỡ, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu… Văn học thiếu nhi có: Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng), Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài, tác phẩm đến nay đã được chuyển ngữ và phát hành tại gần 40 quốc gia), Khúc hát mở đầu (Xuân Thiều), Cái tết của mèo con (Nguyễn Đình Thi)…
Những di sản văn chương từ tác giả - tác phẩm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh qua các giai đoạn cho thấy “gia tài” đồ sộ của văn chương Việt. Dù đã được tổ chức tọa đàm/hội thảo - trong khuôn khổ các hoạt động tổng kết 50 năm văn học nghệ thuật Việt Nam - hay chưa, những tên tuổi lớn của văn đàn cùng các tác phẩm vẫn sẽ còn được nhắc nhớ và tôn vinh, tiếp tục đến với bạn đọc thế hệ sau.
Lục Diệp