Những gam màu xuân trong tranh sách

25/01/2025 - 07:07

PNO - Những bức tranh minh họa đầy hương sắc mùa xuân góp phần tô điểm cho các ấn bản sách tết thêm rực rỡ, ấn tượng. Vẻ đẹp của tết cổ truyền và những giá trị văn hóa bản sắc cũng được mô tả bằng những gam màu tươi đẹp.

Rộn rã tết 3 miền

Những ngày cuối tháng Chạp, nhà văn Văn Thành Lê bất ngờ cho ra mắt tập thơ dành cho thiếu nhi: Tết, gia đình là nhất! - Ú òa, tết phương Nam! với phần tranh minh họa của họa sĩ Lê Rin. Những vần thơ trong trẻo vừa đưa các bạn đọc nhỏ tuổi về với không gian của tết quê miền Bắc vừa được cảm nhận không khí của xuân phương Nam. Bên cạnh những vần thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, tranh minh họa với màu sắc tươi sáng cũng góp phần tô điểm cho vẻ đẹp của mùa xuân ở khắp 2 miền.

Tết rộn ràng, thắm tươi và rực rỡ trong tranh cùng những câu chuyện kể  - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng
Tết rộn ràng, thắm tươi và rực rỡ trong tranh cùng những câu chuyện kể - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng

Hình ảnh 2 bà cháu bên gốc rơm khi “lần đầu bé về quê/ lại đúng vào dịp tết…”, ông chở cành đào đi giữa đường hoa mùa xuân “lá non cùng chồi biếc/ rung rinh trong lá cành” hay cây mai vàng “bung sắc, hoa gọi hoa”… được Lê Rin vẽ theo ý thơ của nhà văn Văn Thành Lê. Riêng với tác phẩm sách tranh Tết ba miền của mình (Thái Hà Books ấn hành), Lê Rin đã mang hương sắc xuân vào trang sách từ những ngày giữa tháng Chạp. Chợ hoa nhộn nhịp ngày 23 tết, những khay bánh mứt được phơi trong sân, rồi hình ảnh cả gia đình quây quần gói bánh chưng, bánh tét; mâm ngũ quả của ngày 30 tết và quang cảnh lễ chùa đầu năm… được vẽ chăm chút, truyền cảm hứng.

Không chỉ có tết ở đất liền, tết ở thị trấn biển, tết ở cù lao xanh, tết ngoài đảo xa cùng xuất hiện trong bộ sách tranh 3 tập: Tết trẻ thơ (lời: Minh Phúc - Lam Điền; tranh: Lạc An, Cam Anh Ng, Thư Cao, Nhà xuất bản Kim Đồng). Mùa xuân ở cù lao bên sông Tiền “phủ lên những âm thanh tràn ngập rộn ràng” với hoa mai, hoa cúc cùng những bức tranh đẹp mênh mông về sông nước miền Tây. Mùa xuân của tuổi thơ nơi thị trấn biển Phan Rí “tưng bừng với những chiếc xe ngựa chật ních trẻ con” đến chùa bà Thiên Hậu, với biển cả bao la tàu ghe tấp nập… Tết nơi đảo xa xôn xao với những món quà từ đất liền: những cây tắc trĩu quả, những cây mai vàng rực, những bó lá dong…

Tết rực rỡ trong tranh, bồi hồi trong cảm xúc của người đọc. Những hình ảnh quen thuộc đã trở thành giá trị văn hóa cho những vùng đất, là miền hoài niệm trong ký ức của bao người. “Cho dù là tết xưa hay tết nay thì có những thứ sẽ không bao giờ thay đổi: tết giúp kết nối giữa người với người, tết níu giữ truyền thống thông qua các thế hệ. Và quan trọng là, dù trong thời đại nào thì người ta vẫn luôn hướng về tết” - họa sĩ Lê Rin bày tỏ. Tết cổ truyền cũng thật gần gũi và cảm động qua tranh của họa sĩ Tất Sỹ - Nam Phạm trong cuốn sách Tất tần tật tết ta. Tết ấm áp tình thân, sum vầy trong những hình vẽ từ Nhâm nhi tết Ất Tỵ 2024. Tết đầy hương sắc trong Những ngày tết ta, Kể chuyện tết Nguyên đán, Nhớ ơi là tết, Tết xưa thơ bé…

Trở về với giá trị bản sắc

Chỉ một từ “tết” đã là niềm cảm hứng cho bao tác giả, họa sĩ cùng nhau vẽ nên bức tranh của mùa xuân đầy phong vị trên trang sách. Không chỉ có những câu chuyện cảm động, ý nghĩa cùng hình ảnh mùa xuân tươi thắm mà những ghi chép/tranh vẽ còn đưa người đọc trở về với những giá trị bản sắc và cội nguồn.

Sách Tết ba miền của Lê Rin kể với bạn đọc về làng nghề làm hoa giấy Thanh Tiên (có tuổi đời hơn 300 năm), tranh dân gian làng Sình, tranh dân gian Đông Hồ, nghề làm đầu lân ở Chợ Lớn - Sài Gòn…, những phong tục dựng cây nêu ngày tết, thờ cúng ông bà tổ tiên, lễ chùa - xin chữ - xông đất đầu năm… Một trong những đóng góp ấn tượng và truyền cảm hứng từ những bức tranh minh họa trong ấn bản này là về các món ăn dịp tết. Họa sĩ Lê Rin vẽ từng chi tiết sống động cho các món canh khổ qua, thịt kho trứng, dưa hành, củ kiệu, lạp xưởng, thịt đông… rồi bánh chưng, bánh tét, bánh thuẫn, bánh in…

Trong bài viết Mở toang cánh cửa năm mới (Sách tết Ất Tỵ 2025, Đông A Books) ngẫm nghĩ về sự va đập giữa những giá trị cũ - mới, tết nay - tết xưa, nhà văn Trung Sỹ nhắc đến “thịt mỡ dưa hành, bánh chưng xanh, câu đối đỏ”, chạp mả tổ tiên, cúng ông Công ông Táo, hương mùi già chiều 30 tết, không khí đoàn viên sum họp dưới một mái nhà… Tết trong trang sách đưa người đọc trở về với những giá trị truyền thống, những nét đẹp văn hóa của người Việt tự bao đời. Người lớn chia sẻ ký ức, những miền hoài niệm và cùng trao gửi những giá trị truyền thừa cho thế hệ tiếp sau.

Năm nay, sách tết chiếm phần lớn là những ấn bản dành cho thiếu nhi, với các thể loại: thơ, truyện, sách kiến thức - kỹ năng… Trong đó, tranh minh họa góp phần quan trọng để cùng kể câu chuyện về tết qua những gam màu. Bộ sách Tết là gì hở mẹ? - Mở ra là thấy tết (Lionbooks ấn hành) với những bức tranh đầm ấm, kết nối thế hệ: bé cùng ông bà, cha mẹ trang trí nhà cửa, làm bánh, bày mâm ngũ quả… Kể chuyện tết Nguyên đán rộn ràng với hình ảnh đi chợ hoa ngày giáp tết, những lễ hội về nguồn. Đặc biệt, lần đầu tiên có cuốn sách dạy trẻ nhỏ Tự tay lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ cho mùa xuân, với những sản phẩm thủ công lưu giữ kỷ niệm tuổi thơ và gia đình.

Những gam màu đẫm hương sắc tết đưa bạn đọc vào “hành trình mùa xuân” giàu cảm xúc, đầy phong vị. Hôm nay ngày 23 tết, trong trang sách là hình ảnh đưa ông Táo về trời và chợ hoa tết xôn xao…

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI