PNO - Lực lượng người viết trẻ ngày càng hùng hậu, chiếm lĩnh văn đàn và không phụ lòng mong mỏi, kỳ vọng của thế hệ nhà văn đi trước. Họ đã cùng nhau “làm nên chuyện” với văn chương.
Giải thưởng Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn TP.HCM 2021 gọi tên Trần Đức Tín (Khét) cũng là giới thiệu đến bạn đọc một gương mặt mới của văn chương trẻ, với một phong cách thơ ấn tượng. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - Trưởng ban Văn trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM - nhận định: “Thơ Khét có nhiều ý tưởng mới mẻ và chịu khó tìm tòi về ngôn ngữ. 69 bài thơ trong tập thơ Ở đậu trong nhau có cảm hứng chủ đạo là tâm trạng của người trẻ nhập cư đô thị, đối diện không ít thử thách tha hương và luôn ám ảnh nỗi nhớ quê nhà ở miền sông nước Cửu Long”. Trong thơ của Khét có nỗi niềm của người ly hương hoài xứ, có cả nỗi buồn về phận người. Kể từ giải thưởng Nhà văn trẻ được trao cho Trần Minh Hợp vào năm 2011, đây là lần đầu tiên giải được trao cho tác giả thơ.
Một số tác phẩm của người viết trẻ tạo dấu ấn trong thời gian qua
Trong khi đó, giải thưởng Tác giả trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam 2021 dành cho hai cây bút thơ Lý Hữu Lương và Phương Đặng, cùng với Đinh Phương viết văn xuôi. Mỗi tác giả một giọng điệu, một phong cách rất riêng. Với tập thơ Yao (yao - mượn âm từ tiếng Hán, có nghĩa là Dao tộc), Lý Hữu Lương, cây bút người Dao, đã kể với độc giả câu chuyện về bản làng, văn hóa, bản sắc của dân tộc mình. Những câu thơ giàu hình ảnh và thanh âm của miền núi phía Bắc. Còn Đinh Phương tái hiện một giai đoạn lịch sử đầy ám ảnh với tiểu thuyết Nắng Thổ Tang (Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Cuộc khởi nghĩa Yên Bái cũng như cái chết của các chí sĩ yêu nước trong tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng được tái hiện qua lời kể của một tên đao phủ. Viết về đề tài lịch sử ấn tượng còn có những cây bút nhiều “nội lực”: Trường An, Phạm Thúy Quỳnh, Đặng Hằng, Nguyễn Thị Kim Hòa…
Sự đa dạng đề tài, bút pháp của những ngòi bút trẻ được nhận diện rõ nhất từ các giải thưởng, các cuộc thi văn chương. Khả năng sáng tạo của họ còn được thấy trên những trang sáng tác trên báo, các tạp chí văn. Huỳnh Trọng Khang, Tống Phước Bảo, Nguyễn Vân (Ny An), Phát Dương… là những cái tên luôn “chiếm lĩnh” văn đàn trẻ, liên tục có truyện ngắn in báo, ra mắt sách mới và được đánh giá cao. Năm nay, 3/4 hội viên mới được kết nạp vào Hội Nhà văn TP.HCM chính là những người trẻ, trong đó có những cây bút đã ghi dấu ấn từ cuộc thi Văn học tuổi 20: Tịnh Bảo, Yudin Nguyễn. Trong danh sách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có Lê Quang Trạng, Cao Nguyệt Nguyên, Phan Đức Lộc…
Mỗi người có một vùng đất làm “quê hương sáng tác”, một phong cách cho riêng mình, họ đã cùng nhau vẽ nên những gam màu đa sắc, đối lập, làm đầy bức tranh tươi sáng của văn chương trẻ. Thời gian gọt giũa và gạn lọc, đã có những người trẻ mất hút sau một, hai tác phẩm đầu tay, nhưng cũng có rất nhiều cây bút trẻ không ngừng nỗ lực làm mới mình với văn chương và đi được đường dài.
Miệt mài sáng tạo
Ngay khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, nhà văn Huỳnh Trọng Khang cho ra mắt tác phẩm Phật trong hẻm nhỏ (Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam). Đây cũng là lần đầu tiên cây bút sinh năm 1994 bước sang địa hạt truyện ngắn, sau hai tiểu thuyết Mộ phần tuổi trẻ (2016), Những vọng âm nằm ngủ (2018). Và dịch bệnh đã bước vào trang viết của Huỳnh Trọng Khang, không phải ở những ghi chép thời sự mà để soi chiếu hiện thực. Phật trong hẻm nhỏ được lọt vào top bình chọn của giải thưởng Bookish Best 2021 và được nhắc đến như một tác phẩm hay của người viết trẻ trong năm, tại tọa đàm Văn học Việt Nam - Một năm nhìn lại (được tổ chức vào cuối tháng 12/2021 tại Hà Nội).
Những người trẻ vẫn miệt mài sáng tạo và không ngừng tìm tòi phương thức thể hiện mới. Truyện dã sử, đề tài chiến tranh cách mạng, thể loại fantasy, truyện ngắn, tiểu thuyết, văn học thiếu nhi, chân dung văn học… địa hạt nào cũng thấy có sự dự phần của những cây bút trẻ. Không chỉ tạo dấu ấn ở một lĩnh vực, nhiều cây bút còn khẳng định mình ở cả thơ lẫn văn xuôi. Nhà thơ Lữ Mai (sinh năm 1988) liên tục tạo tiếng vang với những tác phẩm của mình: từ Nơi đầu sóng, Mắt trùng khơi (tản văn) đến trường ca Chư Tan Kra mây trắng (viết về những năm tháng sống và chiến đấu của Trung đoàn 209 trên dãy núi Chư Tan Kra, H.Sa Thầy, tỉnh Kon Tum)… Nhà văn Văn Thành Lê vừa viết sách cho thiếu nhi (hai tác phẩm Trên đồi, mở mắt và mơ; Bên suối, bịt tai nghe gió liên tục được tái bản) vừa viết chân dung văn học. Cây bút 8X Trường An giữ vững phong độ với những bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ đậm dấu ấn: Ngoài bờ Đông là mặt trời, Hồ dương, Vũ tịch, Thiên hạ chi vương.
Sau tập truyện ngắn Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM) được bạn đọc đón nhận, nhà văn Hồ Huy Sơn cho biết, anh đang ấp ủ tiếp những dự án với văn chương, cả thơ lẫn văn xuôi. Nhà văn Tống Phước Bảo chuẩn bị ra mắt tập truyện ngắn Hỗn kỳ đài. Sau tết Nguyên đán, nhà văn Hiền Trang cũng sẽ gửi đến bạn đọc tác phẩm Chopin biến mất… Đây đều là những cây bút dồi dào trữ lượng văn chương, viết hăng say và đầy sáng tạo. Giải thưởng Văn học tuổi 20 cũng gọi tên và góp phần định vị những tên tuổi mới: Phạm Thu Hà, Nguyễn Đinh Khoa, Đinh Thành Trung, Mai Thanh Nga, Phã Nguyện…
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, nhìn nhận, các cây bút 8X, 9X ngày càng khẳng định được mình với nội lực văn chương đa dạng, phong phú. Trong sự chuyển tiếp thế hệ, các cây bút “gen Z” đã có thể tạo dấu ấn riêng cho thế hệ mình qua cách lựa chọn đề tài, thể hiện bút pháp, tư tưởng, văn phong. Một lực lượng văn trẻ hùng hậu và liên tục được bổ sung vào “đội ngũ” những tên tuổi mới. Sáng tác của người trẻ ngày càng “bứt phá về đề tài, về cách thể hiện nghệ thuật và có giá trị tư tưởng cao”, có lẽ chính là lời đáp từ của các cây bút trẻ dành cho những kỳ vọng của các nhà văn đi trước.