Những đứa trẻ vô lễ với thầy cô đã bị "ô nhiễm" từ đâu?

06/12/2023 - 18:48

PNO - Những đứa trẻ non nớt ấy dám “bắt nạt” cả thầy, cô của mình bằng thái độ hung dữ, vô cảm đó đã bị "ô nhiễm" từ đâu?

Báo cáo, giải trình, những cuộc họp, án kỷ luật trong vụ những đứa trẻ học lớp 7 tấn công hội đồng cô giáo tại Tuyên Quang có thể chỉ là phần nổi. Phía sau vụ việc gây bàng hoàng cho cả xã hội ấy còn có nhiều điều đáng bàn hơn thế!

Nữ giáo viên bị nhóm học sinh dồn vào góc lớp - Ảnh cắt từ clip
Nữ giáo viên bị nhóm học sinh dồn vào góc lớp - Ảnh cắt từ clip

Sẽ có rất nhiều lý do được đưa ra: Sự ngỗ nghịch, thiếu quan tâm của gia đình, sự xuống cấp của đạo đức học sinh, kỷ luật nhà trường… Nhưng có lẽ, còn có một lý do cơ bản nhất sau tất cả: Những đứa trẻ lớp 7 đó chính là tấm gương phản chiếu trung thực những gì chúng được thấy mỗi ngày.

Gương mặt trâng tráo, hành vi dọa nạt cô giáo của cậu nhóc "vắt mũi chưa sạch" phảng phất bóng dáng của những giang hồ mạng nhí nhan nhản trên internet. Những tiếng cười khi thấy cô giáo nằm ngất dưới sàn nhà cũng giống hệt như cách nhiều đám đông hả hê trước một sự cố không may.

Và cái cách gần như cả lớp học cùng hùa vào trò tấn công cô giáo và tuyệt nhiên không có bất cứ sự sợ sệt nào, nó cũng gợi nhớ về những cuộc tấn công trên thế giới mạng. Nơi mà rất nhiều người dùng chỉ cần có 4G, wifi là có thể tạo ra một cuộc tấn công dữ dội, bất chấp hậu quả, không cần biết đúng sai tới những người họ ghét. Bất kể họ là ai, bao nhiêu tuổi và đã mắc phải lỗi gì. 

Trong thế giới ảo, có rất nhiều thứ là thật. Lối suy nghĩ, tư duy và thói quen của một đứa trẻ có thể được hình thành ngay lúc chúng được cha mẹ đưa điện thoại - chìa khóa để truy cập vào thế giới này. Chúng sẽ trở thành ai khi trên thế giới internet ngập tràn hình ảnh, video về những gã giang hồ giàu có, những trò đùa tai quái, những cái “trend” nhảm nhí và những kẻ bắt nạt, bạo hành tinh thần kẻ khác như một trò tiêu khiển?

Thầy Hoàng Anh - quản sinh Trường THCS Nguyễn Thị Thập, quận 7, TPHCM - từng chia sẻ: “Những đứa trẻ ở độ tuổi cấp 2 là những cá thể có nhận thức nửa vời. Chúng rất dễ bị tiêm nhiễm cái xấu, thậm chí vô thức làm theo nếu như môi trường xung quanh chúng có ít điều tốt đẹp”.

Ở thời đại mỗi đứa trẻ đều có thể sở hữu một smartphone, sự lây nhiễm đó càng nhanh chóng và khủng khiếp hơn. Những điều tốt ở thế giới thông tin là điều không cần bàn cãi, nhưng nếu một lần tự hỏi đám trẻ con bị thu hút bởi điều gì, người ta sẽ biết còn rất nhiều điều xấu xí hấp dẫn.

Như việc 1 người thoải mái nhận xét, chửi bới về một người nổi tiếng, làm những trò kỳ dị nhưng lại được nhiều người tán thưởng, những “tấm gương” lệch lạc nhưng lại được tung hô trở thành thần tượng. Tất cả những thứ đó có thể chỉ là “chuyện vặt”, “điều quen thuộc” đối với người lớn, nhưng sự thật, đó chính là lý do khiến thế giới tinh thần của những đứa trẻ bị ô nhiễm nặng nề.

Khi người lớn thoải mái đóng vai “kẻ bắt nạt” trên thế giới ảo, khi những điều tiêu cực, xấu xí phổ biến tới mức được coi là “chuyện bình thường, những cuộc “bạo hành” xảy ra ở thế giới thật nhất định sẽ xảy ra. Mọi hành động của con người đều khởi đầu từ suy nghĩ, và trong tâm trí non nớt của những đứa trẻ học lớp 7, chúng sẽ hành động giống như những gì chúng nhìn thấy. 

Có lẽ, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng, người lớn chúng ta cũng không nên ngoài cuộc. Không chỉ gói gọn trong một lớp học tại Tuyên Quang, còn có cả một thế hệ tiếp theo đang nhìn chúng ta để trưởng thành. 

Nguyễn Tùng Lâm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI