Những đứa trẻ thủy tinh

14/04/2016 - 00:00

PNO - Người lớn trách trẻ vụng về, lóng ngóng, nhưng phải chăng chính chúng ta đã tước mất của con cơ hội trau dồi kỹ năng.

“Con ẹ quá! Không nghịch đất. Toàn vi trùng! Đứng lên, vào nhà rửa tay bằng xà bông cho mẹ. Vừa chà xà bông vào tay vừa hát hết bài Happy birthday mới đủ thời gian, xả lại nước sạch, rồi ra đây mẹ kiểm tra”, đang trò chuyện với chúng tôi, Hương Ly làm một thôi một hồi với con, rồi quay qua phân bua: “Hở ra là nghịch bẩn, mất vệ sinh vô cùng, hỏi sao không hay bệnh vặt”. Ly khiến Hạnh sượng trân, vì con gái Hạnh đang dùng đất sét nặn các con thú, con trai Ly sà vào chơi cùng. Hạnh nói đỡ: “Đây là đất nặn chuyên bán cho trẻ con chơi mà Ly”. “Không, bẩn lắm. Con mình chỉ chơi lego, iPad cho lành. Mỗi lần chơi xong phải rửa tay sạch sẽ. Ấy vậy mà cu con vẫn bệnh hoài. Không kiêng cữ sao chịu nổi!”.

Nhìn Tú, con trai Ly, tám tuổi, nặng 40kg, thật ái ngại. Thân hình phục phịch, mắt kính cận trễ xuống sóng mũi. Thấy bạn bè cùng lứa ùa ra sân chơi, Tú sáng mắt lên, nhưng chỉ một thoáng, len lén liếc sang mẹ, rồi cụp mắt, cúi đầu mân mê máy tính bảng.

Nhung dua tre thuy tinh
Trẻ ra đời, cha mẹ cần trao cho con tình yêu thương đúng mực, không nuông chiều - Ảnh minh họa: Internet

Buổi gặp mặt hôm nay giữa chúng tôi, cũng vì Ly cầu cứu: hai vợ chồng dạo này lục đục miết, xoay quanh chuyện nuôi dạy con. Chồng Ly muốn “thả” thằng bé, cho nó cứng cáp, “sương gió” một tí. Nhưng Ly thì thấy một vết muỗi cắn trên chân thằng bé cũng hít hà. Con được nhà trường cho đi tham quan nông trại, Ly xin cơ quan nghỉ phép, tháp tùng theo. Tay kè kè chai xà bông diệt khuẩn, chốc chốc Ly xịt vào tay, chân con.

Minh Thy, hàng xóm của tôi, 28 tuổi, vẫn không biết chạy xe. Đi làm, khi thì bằng xe buýt, lúc xe ôm, hoặc nhờ cha mẹ, bạn bè thay phiên nhau đưa đón. Cha Thy mắc bệnh tim nặng, vẫn phải gồng mình chở con. Mẹ cô xuề xòa: “Mãi mới có mụn con nên cưng lắm. Lúc nhỏ, không dám tập cháu chạy xe, vì sợ ngã, trầy xước. Giờ tay chân lọng cọng, nên thôi, đành chịu. Vả lại giao thông bây giờ không an toàn…”. Đó cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa mà Thy “nhảy việc” liên tục.

Kiến trúc sư thiết kế nội thất, tự gắn cho mình “mác” nghệ sĩ, lại thêm là con cưng, nên khi bị góp ý, Thy hay tủi thân, hờn giận. Ở cái tuổi sắp về làm dâu nhà người mà Thy chẳng quan tâm đến chuyện nội trợ, bếp núc, may vá. Từ nhỏ, hễ Thy mon men vào bếp thì bị cha mẹ ngăn vì sợ con cầm dao đứt tay, lo con phỏng nước sôi, dầu ăn trên chảo văng trúng người... Đủ lý do để cha mẹ làm thay con mọi việc.

Ngày nay, mỗi gia đình thường chỉ có một hoặc hai con. Tuy nhiên, cha mẹ lại bận đi làm, không có thời gian chăm sóc, nên dễ sinh ra tình trạng từ hạn chế đến cấm tiệt con làm những việc mà dưới mắt người lớn là thiếu an toàn. Không lạ khi có nhiều em không phân biệt được trái bầu với trái bí, không biết rau muống khác bồ ngót ra sao.

Người lớn trách trẻ vụng về, lóng ngóng, nhưng phải chăng chính chúng ta đã tước mất của con cơ hội trau dồi kỹ năng. Cha mẹ cứ mải miết thay con giặt ủi đồ, nấu nướng, lau dọn nhà cửa. Rồi tự biện minh bằng lý do: để con cái tập trung học hành. Đến khi ra đời, hàng loạt thế hệ “gà công nghiệp” lơ ngơ, thuần lý thuyết, không thích ứng được với thực tế cuộc sống, khi ấy hối hận đã muộn.

ThS tâm lý - BS Nguyễn Lan Hải nhận xét: “Đã xuất hiện nhiều trường hợp mang hội chứng con cưng 4-2-1: bốn ông bà, hai cha mẹ chăm sóc một đứa trẻ. Điều này diễn ra khắp nơi, không phụ thuộc hoàn cảnh kinh tế gia đình. Một số phụ huynh có tư tưởng muốn “trả thù” giai đoạn ấu thơ khốn khó của bản thân. Họ muốn con được bằng chị bằng em. Hậu quả, những đứa trẻ rất ngoan, biết vâng lời trở thành các chú gà công nghiệp - mất khả năng phục vụ bản thân và chăm sóc người khác. Đồng thời, các em không có khả năng làm cha mẹ do không có hình mẫu để noi theo. Nhiều trường hợp, cha mẹ “úm” con hầu mong trẻ hạnh phúc, nhưng bị chính con quay lại trách móc. Cha mẹ đã hy sinh hoàn toàn vô ích”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI