Mùa hè sôi động

Những đứa trẻ thử sức kiếm tiền

29/06/2023 - 17:46

PNO - Thuận nói tiếng Việt không rành nên mời khách bằng thứ tiếng Việt lơ lớ, xen lẫn tiếng Anh. Nhiều người tò mò hỏi "Con không phải người Việt à?".

 

Thái Thuận nhiệt tình giúp bà cụ đi bán vé số (ảnh Thùy Gương)
Cậu bé Thái Thuận nhiệt tình giúp bà cụ bán vé số - Ảnh: Thùy Gương

Đại gia đình tôi vừa đón đứa cháu từ Mỹ về Việt Nam nghỉ hè. Vợ chồng cháu có 2 con: Đào Danh 11 tuổi và Thái Thuận 9 tuổi. Vừa xuống sân bay đã thấy bọn trẻ tự mang hành lý và tiến đến chào hỏi người lớn rất lễ phép, tự tin.

Tân - cha của 2 đứa trẻ - cho hay, tụi nhỏ từng được đi du lịch nhiều nơi nên dạn dĩ và năng động. Trước mỗi chuyến đi, các bé tự thu xếp quần áo và vật dụng cá nhân, biết tra Google để tìm hiểu địa điểm sắp đến, có nơi nào đáng xem, món ăn nào ngon…

Gia đình Tân ở lại nhà chị gái tôi, tại chợ huyện. Nhà chị bán mỹ phẩm và buổi sáng bán nước giải khát. Sáng ấy, một bà cụ bán vé số tạt vào mua ly trà đường. Bà than sáng giờ ế khách. Cậu bé Thái Thuận nghe nói liền ngở lời sẽ phụ giúp bà. Bà cụ muốn trêu Thuận nên đưa ngay xấp vé số. Chẳng ngờ Thuận cầm lấy, nhanh chân đi chào mời mọi người mua.

Thuận sinh ra ở Mỹ, nói tiếng Việt không rành nên mời khách bằng thứ tiếng Việt lơ lớ xen lẫn tiếng Anh. Nhiều người thích thú, hỏi “con ở đâu?”, “con không phải người Việt à?”…

Chẳng mấy chốc, xấp vé số đã được bán gần hết, bà cụ mừng ra mặt. Cách Thuận sốt sắng giúp người khiến tôi ngạc nhiên, trong khi bọn trẻ nhà mình, vì nhiều lý do, không thể làm được điều đó.

Cậu bé Đào Danh thì quan sát quầy nước tỉ mỉ, sau đó xin phép được sử dụng quầy một lát. Cả nhà mắt tròn mắt dẹt khi thấy Danh mua về một ít trái chanh và bịch đường cát. Cậu bé pha mấy bình nước chanh, rồi bày ra bàn cùng mấy cái ly. Danh nhờ em họ viết mấy chữ lên tấm bìa để quảng cáo: “Nước chanh 10.000 đồng”.

Cả nhà cười bò cách cậu bé “kinh doanh” như trẻ con chơi, nhưng Danh tỏ ra rất nghiêm túc. Có người đi qua, Danh chào mời rất nhiệt tình. Hơn một giờ sau, Danh hạ giá xuống còn 5.000 đồng. Cuối buổi chợ, Danh xách bình nước đi chào mời khắp nơi. Kết quả, sau khi trừ chi phí, Danh lãi được 20.000 đồng.

Cách kiếm tiền của Danh khiến mấy đứa em họ ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Tôi thì nể cách một đứa trẻ dám làm đến cùng và rất có trách nhiệm, luôn cố gắng sao cho đạt kết quả tốt nhất, không bỏ cuộc giữa chừng.

Danh rao bán bình đá chanh hạ giá còn 5.000 đồng (ảnh Thùy Gương)
Cậu bé Đào Danh rao bán bình đá chanh hạ giá còn 5.000 đồng - Ảnh: Thùy Gương

Cô bạn tôi kể rằng, hè này con bạn tập tành bán trà sữa và bánh tráng trộn. Bé tự rao bán sản phẩm trên Zalo và dán tờ quảng cáo ở sảnh chung cư. Bé còn nhờ ba mẹ tiếp thị trên các hội nhóm.

Bạn tôi đã tính sẵn, sẽ uống trà và ăn bánh tráng trộn trừ cơm và bù lỗ cho con nếu chẳng may ế ẩm. Không ngờ bé chịu khó xách trà bánh đi chào mời khắp xóm. Được 2 tuần, dù luôn bán hết sản phẩm nhưng con quyết định dừng lại. Bạn ngỡ con nếm đủ mùi cực khổ nên chán, nhưng không, con nói các dì và bạn bè mua giúp cũng vì thương con. Bắt mọi người ăn hoài một món cũng ngán, và cũng... kỳ. Con nghỉ vài hôm rồi sẽ tìm hướng đi khác hợp lý hơn…

Bạn tôi nghĩ, thay vì tốn tiền cho con học kỹ năng thì để con trải nghiệm bằng việc mua bán, lĩnh vực mới mẻ với con, cũng là điều tốt. Con sẽ rèn được cách sống có trách nhiệm, cách xử lý tình huống, học tính nhẫn nại và chịu khó.

Có thể sẽ có người phản đối cách bọn trẻ kiếm tiền, hoặc cho rằng đó là cách lạm dụng lao động trẻ em, nhưng cũng có nhiều người tạo điều kiện để con thử sức với đam mê (trong tầm kiểm soát của ba mẹ). Học cách kiếm tiền sẽ dạy con biết quý giá trị của đồng tiền, giá trị của lao động. Qua đó, trẻ sẽ rèn được kỹ năng và bản lĩnh, có thất bại cũng không sao, bởi mỗi thất bại đều là bài học quý giá.      

                                                                                                                                      Thùy Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI