Những đứa trẻ sợ... mẹ cha

10/12/2020 - 05:22

PNO - Tức giận, không kiểm soát được cảm xúc của mình dẫn đến la mắng, đánh con là điều mà bất kỳ cha mẹ nào cũng có thể mắc phải trong quá trình nuôi dạy con cái. Ít ai nghĩ rằng, những hành động nóng nảy đó có thể để lại tổn thương sâu sắc trong lòng con trẻ, và trở thành “hố sâu” ngăn cách tình cảm giữa cha mẹ và con cái.

“Con là gánh nặng của mẹ”

Suốt một tuần qua, H.N. (lớp Mười, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) luôn thức dậy với tâm trạng nặng nề, em không muốn đến trường. Mỗi lần mẹ gọi, em đều hét ầm lên: “Mẹ mặc kệ con đi, con không muốn sống nữa”. Mẹ N. rụng rời, vội đưa con đi tham vấn tâm lý. 

Ba mẹ ly hôn từ khi N. còn rất nhỏ, những gì em còn nhớ về ba là những trận cãi vã giữa hai bậc sinh thành. Sau những lần cãi nhau thì ba mẹ ly hôn. Mẹ đưa hai chị em đi nơi khác sinh sống, đến nay em không biết tin tức gì về ba. Em bảo mình không có cảm giác yêu thương, nhớ nhung hay oán trách ba. Với em, ba như thể chưa từng hiện hữu trong cuộc đời. 

Từ ngày không còn ba, mẹ một mình vất vả nuôi hai chị em. Thương mẹ, N. luôn cố gắng học thật tốt để mẹ vui lòng. Nhưng em có làm thế nào cũng không vừa lòng mẹ. Mong muốn của mẹ là N. phải trở thành bác sĩ, trong khi N. chỉ nổi trội các môn xã hội. Mẹ cho rằng N. có giỏi văn đến mấy mà môn toán không giỏi cũng là “học dốt”.

Điều khiến N. cảm thấy buồn tủi nhất, là những lúc nóng giận, mẹ mắng em là gánh nặng của mẹ. Nghe những lời đó, em cảm thấy tâm trạng của mình rất tồi tệ, như thể sự hiện diện của em đã phá hỏng cuộc đời mẹ, em chỉ muốn chết đi để mẹ không còn phải khổ nữa. 

“Em tự an ủi mình là mẹ rất thương em, mẹ đã hy sinh rất nhiều để lo cho hai chị em. Có thể lúc đó mẹ nóng giận, mệt mỏi, nhưng dù tự nhủ lòng như vậy, em vẫn không thể xóa được những lời nói đó ra khỏi tâm trí. Em luôn tự hỏi, liệu em có phải là gánh nặng của mẹ hay không? Mẹ sinh em ra để làm gì? Mẹ chưa bao giờ hiểu em, mẹ mắng chửi, rồi sau đó bù đắp cho em bằng những thứ quà cáp này nọ. Mẹ nghĩ em thích nó. Mẹ đâu biết rằng em tổn thương đến thế nào, giá như mẹ đừng sinh em ra trên cuộc đời này”, H.N. chia sẻ. 

Những tổn thương khiến N. ngày càng xa cách mẹ. Em luôn né tránh gặp mẹ và cũng không muốn đến trường. Thế giới của em là những người bạn ảo trên mạng xã hội, những hội nhóm kín mà không ai biết ai ngoài đời thật. Những con người đó tuy xa lạ, nhưng lại mang đến cho em cảm giác an toàn để sẻ chia khi muộn phiền.  

“Con là cục nợ đời của ba mẹ”

Trẻ em vốn nhạy cảm, dễ tổn thương, nên những la mắng của cha mẹ dù có thể là vô tình, nhưng sẽ để lại vết hằn sâu trong tâm trí và ám ảnh trẻ suốt đời.

Ba mẹ ly hôn khi C.T. (lớp 11, Q.9, TP.HCM) mới sáu tuổi. T. sống với mẹ, mỗi tuần ba đến thăm con một lần. Năm T. vào lớp Bảy thì mẹ tái hôn với một người đàn ông ngoại quốc khiến em vô cùng “sốc”. Bởi từ ngày ba mẹ ly hôn, cuộc sống của em chỉ có hai mẹ con. Em đã quen có mẹ bên cạnh, được mẹ dành tất cả tình yêu thương. Em lo sợ mẹ sẽ không còn thương em và theo người chồng định cư nước ngoài.

Nỗi sợ hãi bị bỏ rơi khiến em mất ăn, mất ngủ, học hành sa sút. Từ một học sinh giỏi, kết quả học tập của em ngày càng đi xuống. Em thường xuyên viện cớ nghỉ học, vì lo sợ khi mình vắng nhà, mẹ sẽ bỏ em đi. T. tâm sự với mẹ thì mẹ phớt lờ cảm xúc của em. Lâu ngày, từ trạng thái lo lắng, bất an T. chuyển sang tức giận, chống đối mẹ. Mẹ nghĩ rằng con gái bước vào độ tuổi ẩm ương, khó dạy, được mẹ nuông chiều dễ sinh hư nên quyết định cho con về sống với ba.  

Lấy lý do công việc bận bịu, ba T. không đồng ý, cả hai đùn đẩy cho nhau, vì vậy lúc em ở với ba, lúc lại về nhà mẹ. Hôm ấy, ba mẹ cãi nhau, ba quát mẹ trước mặt T.: “Mang cái cục nợ của cô về mà dạy bảo”.

Từ đó, trong thâm tâm của cô con gái nhỏ, nó là cục nợ đời của ba mẹ, là gánh nặng mà không một ai muốn nuôi dưỡng. Điều này khiến em suy sụp tinh thần, mất hết niềm tin vào cuộc sống. Khi được đưa đến phòng tham vấn tâm lý, em đang ở giai đoạn trầm cảm nặng. Mọi cảm xúc, suy nghĩ trong em đều vụn vỡ. Em cho mình là đứa tồi tệ, là “gánh nặng”, “cục nợ đời” của ba mẹ. Em chỉ muốn chết đi để giải thoát cho ba mẹ mình. 

Cảm hứng sống của con trẻ phụ thuộc phần lớn từ hành xử của ba mẹ
Cảm hứng sống của con trẻ phụ thuộc phần lớn từ hành xử của ba mẹ

“Con không còn biết đau nữa”

Q.A. - cô bé học lớp Chín (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - đến phòng tham vấn tâm lý với đôi mắt sưng húp. Em vừa bị mẹ đánh vì điểm thi toán giữa kỳ thấp. A. kể mỗi lần điểm toán kém hoặc bị cô giáo “mắng vốn”, em đều bị ăn đòn. Mẹ không bao giờ hỏi con lý do tại sao mà chỉ mắng và đánh.

“Mẹ đánh, mắng riết con quen rồi, con không còn khóc nữa. Bây giờ mỗi lần mẹ đánh, con trừng mắt lên nhìn mẹ, con muốn mẹ biết rằng con không còn biết đau nữa”. A. không khóc khi mẹ đánh, nhưng đã giàn giụa nước mắt bên những người bạn thân của mình.

A. kéo áo để lộ vết sẹo trên lưng, giọng em lí nhí: “Đây là vết sẹo mẹ con đánh lúc con năm tuổi. Con không bao giờ quên được, con nghĩ con không phải là con của mẹ. Bây giờ trong nhà, con không thương ai cả, con cảm thấy như mình đang vô cảm với con người. Con chỉ thương con mèo của con thôi”. 

Khi tôi chia sẻ lại những lời của A., người mẹ bật khóc nức nở. Chị không nhớ được vết sẹo năm đó vì lý do gì chị đã đánh con. Chị thừa nhận nhiều lần không kiểm soát được cảm xúc, nhất là chuyện kết quả học tập của con. A. là đứa con duy nhất nên vợ chồng chị đã đặt hết kỳ vọng vào cháu. Chị nhịn ăn nhịn mặc, cân đo đong đếm từng đồng chi tiêu để cho con được theo học ngôi trường tốt nhất, với hy vọng tương lai của con sẽ tươi sáng hơn mình.

Vì vậy mỗi lần con lơ là việc học, chị vô cùng thất vọng và không kiểm soát được cảm xúc. Khi cơn giận qua đi, chị luôn khóc vì hối hận đã làm con đau. Chị cố bù đắp cho con bằng những buổi đi chơi, bằng món đồ con yêu thích... A. vẫn đón nhận khiến chị chưa từng nghĩ rằng con bị tổn thương nhiều đến thế.

Còn “quyền lực” là còn tổn thương

Trong thế giới của trẻ, cha mẹ là người có sức ảnh hưởng đến các em nhiều nhất. Trẻ cảm thấy bản thân mình có giá trị hay không, điều đó phụ thuộc vào cách nhìn nhận và đánh giá của cha mẹ về chúng. Do đó, những lời khen ngợi, động viên của cha mẹ là động lực cho các em phát huy hết khả năng của mình, ngược lại một lời chê bai, chỉ trích có thể dập tắt tiềm năng và niềm tin vào chính mình của trẻ. 

Trong quá trình làm việc với các bậc cha mẹ, tôi nghe rất nhiều than phiền từ họ, rằng con cái không hiểu được tình cảm và sự hy sinh của họ dành cho chúng. Bản thân tôi cũng cảm nhận các bậc cha mẹ ngày nay đã rất cố gắng làm tốt vai trò và trách nhiệm của mình với con cái. Họ đã nỗ lực thay đổi rất nhiều trong cách giáo dục con, sao cho cha mẹ và con cái gần gũi và hiểu nhau hơn… nhưng “khoảng cách” thì vẫn tồn tại. “Khoảng cách” đó xuất phát từ những kỳ vọng, mong đợi và đòi hỏi...

Họ cho đứa trẻ rất nhiều nhưng cũng đòi hỏi ở chúng rất nhiều, buộc chúng phải đáp ứng nhu cầu của họ. Đó là nhu cầu của tính “sĩ diện” và “cái tôi” chưa được thỏa mãn. Khi không được trẻ đáp lại, họ lập tức sử dụng “quyền lực” để áp đặt lên chúng: “Cha mẹ là người lớn con phải nghe”, hay “Ba nói thì không được cãi”… Điều đó vô tình làm cho mọi hy sinh của họ trở thành vô nghĩa trong mắt con cái.

Thế nên, khi nào cha mẹ còn nuôi con bằng kỳ vọng, mong muốn, đòi hỏi và còn dùng quyền làm cha mẹ ép buộc con cái làm theo ý mình… mà không tôn trọng cảm xúc và tự do của chúng, thì sẽ còn mãi những tổn thương và “khoảng cách” giữa cha mẹ và con cái. 

Chuyên viên tâm lý Linh Giang 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI