Cha mẹ cho phép ở với nhau
Sơn Tây, huyện miền núi phía tây tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Ca Dong, phân tán lác đác bên những sườn đồi, lẩn khuất trong những rừng cau.
Tháng Sáu, khi học sinh chộn rộn chuẩn bị thi học kỳ, cũng là lúc chính quyền H.Sơn Tây hoàn thiện báo cáo gửi lên tỉnh về số lượng các em tảo hôn, nghỉ học lấy chồng, sinh con sau kỳ nghỉ bất đắc dĩ kéo dài do dịch COVID-19.
Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, ít nhất đã có 20 học sinh nghỉ học sau dịch. Thầy Lê Cao Đồng, Phó hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Phần lớn các em nghỉ học là nữ sinh. Khi nhà trường xuống kiểm tra thì được biết các em có tình cảm với nhau, theo nhau về nhà sống như vợ chồng, một số em đã sinh con”.
Điều khiến nhà trường lo lắng là trong số các em nghỉ học, có nhiều em học sinh lớp 12. “Vừa rồi thi cuối cấp có bảy em không dự thi, trong đó ba em lấy chồng; em Đinh Thị Nhài ở xã Sơn Tân sinh con được ba tuần, em Đinh Thị Huệ ở xã Sơn Long sinh con được hai tuần… Giờ chỉ muốn vận động các em đi thi cho hết chương trình nhưng xem ra rất khó” - giọng thầy Đồng xót xa.
|
Học sinh miền núi bây giờ cũng yêu nhau qua điện thoại nên nhà trường không thể phát hiện |
Những con số nhẩm tính từ thầy Đồng như dài ra: từ đầu năm đến nay, toàn trường đã có khoảng 30 học sinh nghỉ học. Ngoài những em nghỉ học lập gia đình như kể trên, thì một số em nghỉ học đi làm ăn xa.
Phòng giáo dục huyện cũng đã cho rà soát và phát hiện có năm em học sinh cấp II cũng đã nghỉ học lấy chồng từ sau đợt dịch; trong đó có bốn nữ sinh lớp Tám và một em học sinh nam lớp Chín. “Các thầy cô về tận nhà để tìm hiểu thì được biết sau Tết khoảng một - hai tháng, các em đã được cha mẹ hai bên cho phép về ở với nhau theo tập tục địa phương chứ không tiến hành cưới hỏi”, thầy Bùi Thế Giới - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo H.Sơn Tây - cho biết.
Tương lai xám xịt
Trưa. Nắng hấp xuống những ngôi nhà sàn nhỏ quần tụ giữa thung lũng Sơn Tây. Những khóm nhà đó là nơi ở của cả ba thế hệ gia đình. Nhà trên, bà nội nằm ngủ. Nhà cạnh trống rỗng vì bố mẹ đi rẫy. Ngồi ở bậc tam cấp nhà sàn của người cô, Đinh Thị Vân đang loay hoay cho con bú. Chồng Vân cũng đi rẫy với cha mẹ vợ.
Vân năm nay 17 tuổi, cô con gái đã sáu tháng tuổi. Vậy là từ hồi ra Tết đến nay, Vân nghỉ học ở nhà sinh và chăm con. 12 năm theo con chữ, nay dễ chừng phải bỏ dở không lấy được bằng tốt nghiệp THPT chỉ vì bìu ríu con cái. Nhà chồng Vân ở xã Sơn Long, cách đó 10 cây số đường núi. Hai em cùng tuổi, quen nhau từ năm lớp Chín. “Bọn em chỉ chat trên mạng, sau đó vào lớp Mười thì yêu”, Vân kể.
|
Em Đinh Thị Vân (thôn Huy Em, xã Sơn Mùa, H.Sơn Tây) nghỉ học lớp 12 ở nhà sinh con |
Nhà Vân thuộc hàng khá giả ở thôn Huy Em. Thôn nằm ngay trung tâm xã Sơn Mùa, cũng là trung tâm huyện lỵ Sơn Tây. Dưới mái nhà sàn của ông nội Vân, sáu cái đầu trâu đã khô bồ hóng chỉ còn cặp sừng dính vào sọ được cài ngay ngắn theo thứ tự bên trên cửa vào, cạnh đó là một dãy ché đựng rượu và một chồng nồi gang dùng nấu rượu. Đó là biểu hiện cho sự giàu có của đồng bào Ca Dong. Sáu lần nhà tổ chức đâm trâu, ít ai có điều kiện làm được, mỗi lần tốn trên dưới trăm triệu đồng.
Cũng như tục đâm trâu, việc con cháu có con sớm với người dân ở đây cũng bình thường. Và ngày mai tụi trẻ con sẽ ra sao, họ không cần nghĩ đến. Đâm trâu xong lại nghèo đói. Sinh con sớm rồi quăng quất đời mình vào lưng chừng ngọn núi, không đi qua nó mà cũng không trèo xuống được.
“Có con sớm vậy sợ không?”- tôi hỏi. “Sợ lắm”. “Vậy sao để có?”. “Em không biết nữa, hai đứa thích nhau, rồi vậy”. “Cha mẹ có nói gì không?”. “Không nói gì”. “Ở trường thầy cô cũng dạy về giới tính, về cách tránh không có con, sao không làm theo?”. “Em cũng không biết nữa”. “Đã biết chăm con nhiều chưa?”. “Mẹ cũng bày nhiều, có biết rồi”. “Rồi lấy tiền đâu nuôi con?”. “Em không biết nữa, mẹ cho. Chồng em cũng nói mày đi thi hết cấp đi, tao ở nhà trông con cho, nhưng em không thích”, Vân vừa nói vừa bập bập tay dỗ con như cách của một người chị vụng về.
Ông Vũ Xuân Bé, Phó chủ tịch xã Sơn Mùa cho biết, toàn xã 835 hộ dân thì có 40% hộ nghèo; phần lớn kinh tế phụ thuộc vào trồng cây keo, cây cau. Kinh tế còn khó khăn, tập tục còn nặng nề nên xã thường xuyên phối hợp với các ban ngành, nhà trường để nắm tâm tư các em học sinh.
Tuy nhiên, khi phát hiện thì các em đã theo nhau về nhà ở hoặc có con. Như năm nay, trên địa bàn xã có bốn trường hợp nghỉ học lập gia đình. Mà nói thật, bây giờ các em yêu nhau như thế, xã chỉ vận động khéo léo chứ căng thẳng quá các em lại ức chế, sinh ra suy nghĩ cực đoan, thậm chí đòi tự tử.
|
Sâu trong những con đường núi ngoằn ngoèo là bao lời ru buồn của các bà mẹ trẻ |
Như em Đinh Văn Tú ở thôn Nước Min bên cạnh. Tú 17 tuổi, bỏ học từ năm lớp 10 để lấy cô vợ cùng tuổi tên Thương. Bố Thương, anh Đinh Văn Ký kể: “Hai đứa nó về ở với nhau cách đây hai năm rồi, bị hư thai đến nay chưa có lại. Năm lớp 10, con Thương bỏ học theo chồng, mình cũng ngăn cản nhưng nó dọa thắt cổ nên chịu. Mình dọa ngược nó, con mà bỏ học lấy chồng thì ba chết cho coi, nó bảo cha chết trước con chết theo, nên chịu”.
Cả nhà bèn xúm lại làm một căn nhà gỗ nhỏ bên cạnh cho vợ chồng Thương ở. Bây giờ hằng ngày hai vợ chồng đi chăn bò nhà nuôi. Ba Thương không làm rừng thì đi phụ thợ xây dựng bữa đực bữa cái.
Hằng ngày, Vân lưng cõng con, ngược dốc theo cha mẹ chăm mấy héc-ta keo sau dãy đồi. “Một héc-ta keo khoảng 4-5 năm bán được khoảng 20 triệu, chừng đấy con người, khó khăn lắm”, ông Bé nói và nhẩm đếm từ năm 2016 đến nay chỉ có một, hai cặp vợ chồng học trò còn giữ cuộc sống hôn nhân; còn lại do khó khăn nên vứt con lại cho cha mẹ rồi đường ai nấy đi.
Như một lời nguyền
Tôi muốn đi tìm một lối thoát khỏi những hủ tục, khỏi những cuộc hôn nhân trẻ thơ chóng đổ vỡ, nhưng ông giáo lắc đầu: “Như một lời nguyền, bởi cũng đủ chương trình, kế hoạch, dự án rồi; nhưng làm từ đâu và làm thế nào là một câu chuyện dài.
Gia đình, nhà trường, đoàn thể, chính quyền, chính sách - năm thứ đó không thể bắt đầu từ một phía nào hết - Phó hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết - nhà trường cũng đã tiến hành rất nhiều chương trình tuyên truyền cho các em như sinh hoạt chào cờ đầu tuần; thành lập câu lạc bộ pháp luật, tập trung chủ đề hôn nhân gia đình, bạo lực học đường để phổ biến cho các em; liên lạc với xã, Đoàn Thanh niên để nắm hoàn cảnh và đến vận động khi các em bỏ học…
Tuy nhiên, khả năng tự học của các em rất ít, các em lại có hoàn cảnh khó khăn, đi học không thường xuyên, nên suy nghĩ cũng hạn hẹp”, thầy Đồng thở ra bất lực.
Ông Vũ Xuân Bé cũng cho hay, hình thức tuyên truyền, vận động thì không thiếu. “Các cơ quan đoàn thể của xã luôn phối hợp với Trường Đinh Tiên Hoàng hoặc các trường cấp II để theo dõi, nắm bắt tâm tư của các cháu, nhưng vì các cháu học tập trung dễ quen nhau, lại sử dụng điện thoại nên khó mà biết được các cháu có nảy sinh tình cảm với ai hay không”.
|
Cuộc chiến với nạn tảo hôn của địa phương nghèo này vẫn còn tiếp diễn... |
Cũng theo ông Bé, bây giờ các cháu tảo hôn sẽ không tổ chức đám cưới, các em học sinh thích nhau thì cứ theo nhau về nhà chung sống. “Các cấp ngành cũng đã bàn đến chuyện dùng biện pháp mạnh để răn đe là khởi tố người đàn ông kết hôn với các bé gái chưa đủ tuổi, nhưng khó khăn ở chỗ không có ai đứng ra tố cáo, tố giác. Cha mẹ hai bên thì không rồi, còn các đoàn thể cũng ngại tình làng xóm nên thôi. Chỉ có con cán bộ đảng viên mình mới xử lý được, như trường hợp của con công an viên Phước cách đây mấy năm sống với vợ chưa đủ tuổi, nên xã cảnh cáo về mặt Đảng và cho nghỉ việc”.
Có lẽ, khai dân trí vẫn là biện pháp tiên quyết cho mọi nỗ lực; đồng thời sinh kế của người dân cũng phải được ưu tiên; cạnh đó là mối liên kết thường xuyên giữa chính quyền, gia đình, các đoàn thể.
Tôi xuống núi, xứ ngàn cau sau lưng vẳng điệu ngâm buồn của ông giáo già trong đêm tối: “Lưng chừng núi. Lưng chừng đồi. Lưng chừng một đời. Vắt vẻo giữa tầng mây”. Sơn Tây là xứ của cau, là vật tuyệt đối không thể thiếu trong sính lễ cưới xin của người Việt. Ước sao miếng cau miếng trầu lắc đầu không chịu đến sớm với những đứa trẻ xứ này…
Lê Đình Dũng
(Tên của các em học sinh trong bài viết đã được thay đổi)