PNO - Chia tay - chính là nỗi ám ảnh khủng khiếp nhất với những đứa trẻ từng chứng kiến cuộc ly hôn của cha mẹ mình và nhận lãnh tất cả hậu quả từ sự tan vỡ đó.
Cuộc ly hôn ồn ào của hai nhân vật có danh tiếng và địa vị nhất định trong xã hội, đã làm hao tốn không ít giấy mực của báo chí và truyền thông trong suốt nhiều tuần qua. Dù chẳng liên quan gì đến cuộc đời họ, nhưng vì buộc phải lướt qua những thông tin đầy rẫy mạng xã hội, tôi có chút chạnh lòng khi ngẫm lại những cuộc hôn nhân không lành lặn mà tôi từng biết, trong đó có cuộc hôn nhân của chính cha mẹ mình.
Bi kịch kéo dài
Dù tính chất các vụ ly hôn không giống nhau, nhưng cơ bản là họ đã phải giẫm chân lên những mảnh vỡ hôn nhân và cắn răng đi qua nó. Nỗi đau cứa vào da thịt, hóa ra lại như nhau.
Khi dư luận còn mải tập trung vào hai con người đang tranh giành từng chút khoản lợi tức có được sau ly hôn, tôi chỉ nghĩ được một điều: bốn đứa trẻ của ba Vũ mẹ Thảo đang cảm thấy thế nào? Các em có bị tức ngực, không thở nổi, hay nhận ra cổ họng mình nghẹn đắng khi phải chứng kiến hai người thân yêu nhất đời mình đang chỉ tay vào mặt nhau? Đơn giản vì tôi cũng đã từng như chúng. Cuộc sống thiếu hụt tình cảm của một gia đình không còn đủ mặt các thành viên, sẽ là trải nghiệm nhiều vỡ vụn trong suốt hành trình khôn lớn của những đứa trẻ - nạn nhân của các cuộc ly hôn. Phải rất khó khăn, tôi mới vượt qua những trải nghiệm không lấy gì làm dễ chịu đó. Nhưng tất cả vẫn không mệt mỏi bằng việc phải đối diện với cái ngưỡng tình yêu hôn nhân khi trưởng thành, đúng theo quy luật cuộc sống. Với tôi, khi ấy bi kịch mới thực sự bắt đầu.
Đó là khi tôi nhận ra những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn, như mình, sẽ khó lòng có được niềm tin tuyệt đối vào tình yêu. Có lẽ, việc phải chứng kiến sự đổ vỡ tình cảm của cha mẹ từ trong quá khứ đã gieo vào lòng chúng tôi một nỗi thất vọng hằn sâu trong tâm trí. Vì niềm tin ấy là một thứ gì đó rất xa xỉ, nên một khi đã đặt trọn sự tin tưởng vào ai đó rồi, thường thì chúng tôi sẽ không giữ lại cho bản thân bất cứ thứ gì. Điều này tuy đến hoàn toàn tự nhiên, nhưng tiềm tàng rất nhiều hiểm họa, đặc biệt trong mối quan hệ được bắt đầu bằng một động cơ thiếu trong sáng. Chúng tôi, cùng với niềm tin mù quáng của mình, chính là những con người dễ dàng sa ngã nhất trong tình cảm, ngay cả khi bị phản bội và đời tát thật đau, vẫn mê muội tin rằng mình vừa trải qua một đoạn đời thật đáng sống.
Khi tình yêu vừa mới chớm nở, trong lòng những đứa trẻ lớn lên từ vỡ vụn như tôi, sẽ luôn tồn tại một mặc cảm mình không xứng đáng để có được tình yêu ấy. Cố gắng thế nào, tôi cũng không thể dứt bỏ được cái ý nghĩ người đó quá tốt để dành cho mình - một đứa trẻ lớn lên với trái tim mục ruỗng và bề mặt thì chi chít vết thương. Tôi cho rằng, mình không xứng đáng được yêu thương hay đón nhận những quan tâm từ một ai đó. Và dù rất muốn, tôi vẫn không thể mở lòng chia sẻ với người đang muốn bắt đầu mối quan hệ nghiêm túc với mình, những câu chuyện thực sự nghiêm túc về bản thân. Gia cảnh là điều tôi luôn tìm cách né tránh nhắc tới. Và nó sẽ biến thành một mặc cảm to lớn cùng với nỗi sợ hãi và sự tự ti, nếu người tôi yêu thương may mắn có được một gia đình hạnh phúc và một tuổi thơ êm đềm không biến cố.
Sự sợ hãi này không phải là không có cơ sở. Tôi đã từng chia tay với một mối tình ba năm, sau màn ra mắt bố mẹ người yêu và được họ hỏi thăm về gia đình mình. Khi thật thà kể về cuộc ly hôn của cha mẹ, tôi không nghĩ rằng, đó chính là lý do đánh bật chúng tôi ra khỏi mối quan hệ mà phải rất khó khăn tôi mới mở lòng để đón nhận. Bố mẹ người yêu không chấp nhận tôi, dĩ nhiên, vì câu nói truyền đời “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” chưa bao giờ sai cả. Chỉ có những đứa trẻ trót sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc, là sai, tôi đã từng nghĩ một cách tiêu cực như vậy. Từ sau lần đó, tôi lại càng cố gắng che lấp gia cảnh của mình bằng một bức tường kiên cố hơn, điều đó đồng nghĩa với việc tôi ngày càng khép chặt lòng mình.
Con cái sợ lặp lại vết xe đổ
Những đứa trẻ lớn lên từ một cuộc ly hôn thường phải học cách trưởng thành từ rất nhỏ, học cách tự chăm sóc bản thân và quen dần với điều đó như cuộc sống đương nhiên phải thế. Như tôi, chẳng được ai dạy dỗ cách xoay xở trong kỳ kinh nguyệt đầu tiên, cũng như phải tự học cách nấu một nồi nước xông khi cảm mạo, cách sắp xếp thời gian khoa học, cách vượt qua những kỳ thi quan trọng, cách chọn ngành nghề hoặc thậm chí là cách tránh thai ngoài ý muốn. Vì vậy, trong những mối quan hệ, những cô gái giống như tôi luôn đóng vai trò là người bảo vệ người khác và luôn tỏ ra bất cần một ai đó dù thực lòng không bao giờ muốn thế. Điều này càng trở nên mâu thuẫn hơn, khi những cuộc cãi vã xảy ra và cảm giác mất mát, bất an sẽ xâm chiếm lấy tôi như thể nếu không nhún nhường thì lịch sử tan vỡ sẽ lặp lại.
Chia tay - chính là nỗi ám ảnh khủng khiếp nhất với những đứa trẻ từng chứng kiến cuộc ly hôn của cha mẹ mình và nhận lãnh tất cả hậu quả từ sự tan vỡ đó. Chúng tôi biết làm gì để điều đó không còn lặp lại trên cuộc đời mình bây giờ? Rồi bằng một nỗ lực vô vọng, đôi khi chúng tôi chấp nhận hạ mình, nhẫn nhịn, im lặng, chịu đựng, tránh gây tổn thương, chỉ để dỗ dành tình yêu ở lại. Với trái tim mục ruỗng, yếu đuối mà chúng tôi đang mang, sự cô đơn là một hình phạt đau đớn nhất trong mọi mối quan hệ. Đôi khi, chúng tôi còn chấp nhận cả một mối quan hệ không xứng đáng, chỉ để tránh việc đối mặt với sự cô đơn ấy thêm bất cứ lần nào trong đời.
Mặc dù vậy, kết hôn lại là một nỗi ám ảnh khác với những người như tôi, bởi nó sẽ bắt đầu một giai đoạn gắn kết bằng hôn nhân và được công nhận bởi pháp luật. Nhưng đoạn kết của nó chính là cái lịch sử đau buồn mà chúng tôi đã từng trải qua. Nỗi sợ ly hôn khiến chúng tôi ngần ngại luôn cả việc kết hôn. Và nếu nỗi sợ này không được dập tắt bởi một tình yêu đích thực, chúng tôi sẽ khó lòng viết vào cuộc đời mình những trang hôn nhân vững bền, hạnh phúc, viên mãn. Đừng nói là kéo dài đến trăm năm!
Những đứa trẻ lớn lên từ một cuộc chia ly, rất giỏi trong việc giấu đi cảm xúc thật và có thể cười nhiều hơn cả những người khác. Cha mẹ đừng nhìn vào sự bình thản ấy mà nghĩ “chắc con sẽ ổn thôi”. Sự bình thản ấy chỉ là bức màn rất mỏng che đậy những vỡ vụn của trái tim trong lồng ngực thơ bé.
Nếu không thể vì con mà giữ lại cho chúng một mái ấm, thì cũng hãy vì con mà bớt đi những tranh cãi, đôi co, kể tội nhau trước tòa. Làm sao để ly hôn chỉ là một thủ tục nhanh chóng và ít để lại dư chấn đớn đau nhất trong cuộc đời con cái chúng ta, liệu những bậc làm cha làm mẹ có thực hiện được không?
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.