Những đứa trẻ lao động trong đêm: Thực trạng đau lòng

11/06/2014 - 14:28

PNO - PN - Ngày mai, 12/6, ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em. Ngày 10/6, trong khi cuộc hội thảo “Bảo vệ trẻ em/thanh thiếu niên khỏi nguy cơ bị bóc lột sức lao động và xâm hại tình dục” của Trung tâm Giáo dục sức khỏe và phát...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhung dua tre lao dong trong dem: Thuc trạng dau long

Đêm trắng …

00giờ ngày 10/6, sau ly cà phê uống vội để chống chọi với cơn buồn ngủ, chúng tôi đến chợ đầu mối Bình Điền (Q.8, TP.HCM). Khu chợ hoạt động nhộn nhịp, chúng tôi như không còn khái niệm về thời gian khi nhìn đôi mắt ráo hoảnh, trong veo của cô bé Nguyễn Thị Kim Ngân, tám tuổi (thường gọi là bé Dịu, tạm trú ở P.7, Q.8). Ngân vừa thoăn thoắt lặt đầu ớt, vừa thủng thẳng tiếp chuyện: “Mỗi đêm con lặt được hơn 10kg ớt. Một ký được trả công 2.000đ, làm từ tối đến 6, 7g sáng”.

Khi nghe chúng tôi hỏi chuyện nhà, chị Trương Thị Tuyết, dì ruột của bé Dịu, cũng vừa lặt ớt vừa nói: “Hai đứa nhỏ con của em cũng theo mẹ vô chợ”. Vừa lúc hai cậu nhóc Tiền, Tuyến chạy về xòe tay khoe mẹ hai con tôm chết, dành cho bữa cơm ngày mai của cả nhà. Thấy chúng tôi giơ máy ảnh, cậu bé Tuyến (sáu tuổi) cầm hai con tôm bỏ chạy, còn Tiền (tám tuổi) gương mặt ngái ngủ, dặt dẹo nép vào người mẹ nhưng vẫn luôn tay lặt ớt.

Cách chỗ gia đình bé Tiền làm thuê không xa, cô bé Lê Thị Ni, 14 tuổi (nhà ở huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) ngồi cạo gừng thoăn thoắt. “Mới qua chợ làm hơn một tháng nhưng em rất thích. Hai năm qua em phụ quán cực lắm, từ chiều tới sáng em chạy bàn mỏi nhừ cặp giò. Bữa nào bị rửa chén, tay chân em móp hết trơn. Qua chợ, em làm suốt đêm, tháng rồi lãnh lương được bốn triệu rưỡi, em gửi về cho ba má bốn triệu…”.

Nhung dua tre lao dong trong dem: Thuc trạng dau long

Nhung dua tre lao dong trong dem: Thuc trạng dau long

Ảnh: Nghi Anh

Những “trụ cột” 12 tuổi

Chúng tôi đến chợ đầu mối nông sản Tân Xuân (huyện Hóc Môn) khi đã gần 2g sáng. Bước vào sạp cải thảo của chị Thơ, tôi bắt gặp một nụ cười quen: “Hù, cô nhớ con không, trước đây cô tặng con áo nè?” - cậu bé da đen nhẻm, khét mùi nắng bụi hỏi tôi. Chúng tôi nhận ra nhau nhưng tôi không thể hình dung cậu bé Nhân giờ trông lại nhỏ bé, đen đúa hơn hai năm trước. Chị Thơ kể: “Ba nó bị tai nạn giao thông, qua đời, mẹ nó bị khớp, nghe đâu ảnh hưởng tim nằm luôn một chỗ. Tôi cho nó phụ để nó có tiền nuôi mẹ và em”. Tôi cám cảnh: “Mới 12 tuổi đã trở thành… trụ cột của gia đình!”. Nhân cười: “Con đẩy xe bắp cải riết lớn hông nổi luôn cô”. Quả thật, giờ đã 16 tuổi, Nhân chỉ cao 1,4m.

Rời chỗ Nhân làm, chúng tôi đến trước vựa 28G, một cậu bé choắt đang ngồi trên mớ vỏ bắp cải, giở một tờ báo cũ ra đọc. Thấy tôi tới gần, cậu bé ngoảnh mặt đi. Hỏi sao giờ này chưa đi ngủ, cậu trả lời tỉnh queo: “Sáng ngủ luôn, giờ nghỉ tay một chút”. Được hỏi chuyện, cậu bé tên Bảo, kể một hơi: “Quê con ở Kiên Lương, Kiên Giang. Con đi làm từ 12 tuổi, năm nay 13 rồi, nếu đi học, năm tới lên lớp 8 đó… Con phải làm phụ ba mẹ thì mới đủ để lo cho hai đứa em…”.

Cạnh sạp Bảo giúp việc, ở một vựa cải thảo khác có bốn, năm em trạc 12, 13 tuổi xúm nhau đẩy bắp cải ra xe, rồi lại chuyển thứ khác từ xe vào tận vựa. Thấy tôi chạy theo bở hơi tai vẫn không bắt kịp xe đẩy của các em này, Nhân giải thích: “Mỗi xe hàng từ hai, ba tấn rau củ, chia khoảng bốn, năm người cùng làm, chuyển hết xe, mỗi người chỉ được vài chục ngàn, nếu không đi nhanh thì không bắt kịp chuyến xe mới…”.

Tính ra, cả đêm lao vào đẩy xe, mỗi em có thu nhập từ 180.000 - 220.000đ. Tương tự, những việc lặt rau củ quả, các em nhỏ được trả công chỉ bằng một nửa so với người lớn, dù thời gian lao động cũng kéo dài từ 8g tối đến 7g sáng hôm sau. Quệt tay áo lau mồ hôi trên mặt, Nhân nói: “Bái bai cô!” rồi đẩy xe chạy theo nhóm bạn. Một xe hàng nữa vừa trờ tới, cũng là cải thảo. Nhìn những bánh xe quay vòng, chúng tôi không khỏi lo sợ, nếu chỉ một phút lơ là sẽ nguy hiểm vô cùng.

Trời càng về sáng, công việc càng nhiều. Những đứa trẻ sau một đêm lao động miệt mài bắt đầu thấm mệt. Có đứa mới tới chợ 10 ngày, nhưng cũng có em đã bám chợ 10 năm, giờ đã ra dáng thanh niên. Các em đều nói chung một câu: “Quen rồi!”. Hỏi vì sao cho con lao động sớm, chị Nguyễn Thị Thủy, sinh 1960, ngụ ở Tân Châu, An Giang, lượm rác rau củ ở chợ nói: “Ở quê không ruộng, biết làm gì ăn. Dù hai thằng con tôi ham học lắm, nhưng tôi đành đưa lên đây đi mần”.

Đội bảo vệ chợ Tân Xuân cho biết, toàn chợ có 250 ô sạp, những chủ sạp kinh doanh nếu thuê mướn người lao động cũng phải đăng ký. Nhưng khi hỏi đến số lượng những em nhỏ theo chân bố mẹ đến chợ lựa rau, củ, đẩy hàng thì các anh… thiệt tình: “Không đếm xuể!”, và cũng không biết được có bao nhiêu em lao động thời vụ hàng đêm…

Những đứa trẻ ở chợ đêm Bình Điền, Tân Xuân, Tam Bình (Q.Thủ Đức) không chỉ vất vả lao động mà còn đang đối mặt với nhiều hiểm nguy, từ tai nạn lao động đến nguy cơ bị xâm hại tình dục...

Nhung dua tre lao dong trong dem: Thuc trạng dau long

Vào đời sớm bằng việc phụ hồ

Nhung dua tre lao dong trong dem: Thuc trạng dau long

Bé Ni, 14 tuổi phải đi cạo gừng thuê

Luật đã có nhưng ít được thực thi

Giữa trưa 10/6, chúng tôi rảo quanh một vòng từ Tân Bình, Gò Vấp, đến Q.3, Q.5. Ở hầu hết các ngả đường đều dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ đang miệt mài mưu sinh. Ở góc đường Trường Chinh, Cộng Hòa, hai anh em, đứa trạc 10 tuổi, đứa 6 tuổi đang “làm nghề” ăn xin dưới cái nắng gay gắt. Trên đường Trường Sa, đoạn giữa đường Phạm Văn Hai và Đặng Văn Ngữ, một phụ nữ trẻ ngồi cạnh một đứa bé chừng bốn-năm tuổi, áo quần nhem nhuốc, cùng xòe tay xin tiền. Chúng tôi đi về hướng Gò Vấp, tấp vào điểm nước dừa tắc ngay trước cổng Trung tâm dạy nghề thanh thiếu niên 3, một cậu bé 14 tuổi vui vẻ tiếp chúng tôi. Nhà quá khó khăn, em nghỉ học, “tiếp quản” xe nước này giúp mẹ.

Theo báo cáo của phòng LĐ-TB-XH của 24 quận, huyện tại TP.HCM, số trẻ em dưới 16 tuổi là 1.188.469 trẻ (chiếm tỷ lệ 16,6%). Trong đó có 16.572 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 41.513 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ lao động sớm tại gia đình và ngoài xã hội. Năm 2013, có 43.807 trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bị xâm hại tình dục, bị bạo lực…

“Mỗi năm tỉnh Bến Tre phát hiện 400-500 trường hợp trẻ em lao động trong môi trường nặng nhọc, độc hại. Chủ yếu các em làm việc ở các lò gạch, lò than tổ ong, đi đánh cá… Ở TP. Bến Tre, từng phát hiện nhiều lao động trẻ em bị ngược đãi”, bà Phạm Thụy Thùy Trâm - nhóm Sáng tạo trẻ tỉnh Bến Tre chia sẻ. Theo bà Trâm, ngành chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp trẻ em phải lao động trong môi trường nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại nhưng vẫn chưa thể chấn chỉnh tình trạng này.

Bà Phạm Thị Kim Yến - đại diện Sở LĐ-TB-XH tỉnh Vĩnh Long cho biết: tỉnh có 1.036 trẻ em phải lao động sớm và có 140 em phải làm việc xa gia đình. Riêng làm việc trong các cơ sở sản xuất nặng nhọc, độc hại có 74 em dưới 15 tuổi. Theo bà Yến, khó khăn nhất là nhận thức của gia đình, tiếp đó là sự quan tâm của cơ sở, của doanh nghiệp sử dụng lao động trẻ em. Việc ngược đãi, lạm dụng lao động đối với trẻ em chưa được cộng đồng phát hiện sớm và báo cho cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời. Việc quản lý lao động trẻ em chưa được quan tâm chặt chẽ, đã có nhiều trường hợp bị bạo lực, bóc lột lao động xảy ra.

Bộ luật Lao động cho phép trẻ em từ đủ 15 tuổi trở lên có thể làm thuê giúp việc gia đình, nhưng với điều kiện công việc phải nhẹ nhàng phù hợp với lứa tuổi, không ảnh hưởng đến việc học tập và phát triển nhân cách, sức khỏe của trẻ em. Song, trên thực tế, những quy định này ít được thực hiện.

 Nghi Anh - Quỳnh Mai

* Theo khảo sát do Bộ LĐ-TB-XH kết hợp cùng Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện, trong tổng số 18,3 triệu trẻ em/thanh thiếu niên từ 5 đến 17 tuổi thì có 1,75 triệu là lao động trẻ em. 1/3 trẻ em lao động phải làm việc trên 42 giờ/tuần và 55% không đi học. Trẻ trai lao động nhiều hơn trẻ gái và số trẻ ở nông thôn lao động nhiều hơn ở thành thị. Các loại công việc có số lượng trẻ em/thanh thiếu niên tham gia nhiều là trồng trọt, chăn nuôi, khai thác lâm thủy sản, may mặc, buôn bán, dịch vụ ăn uống…
 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu