|
“Trải nghiệm suýt nữa trở thành tội phạm khiến tôi không muốn bất kỳ đứa trẻ nào khác phải rơi vào hoàn cảnh giống mình” - Edras Suazo |
“Cái ôm từ một kẻ phạm tội”
Suazo sinh ra ở Comayagua, thành phố thuộc miền trung Honduras. Anh nhớ lại: “Chỉ cách 1 cây cầu, từ phố du lịch phồn hoa trong khu trung tâm, bạn có thể đến chỗ tôi và nhìn thấy hiện thực cuộc sống nơi đây. Một Comayagua đầy đất đá bụi bặm, với từng dãy nhà gỗ đơn sơ ọp ẹp. Lúc nhỏ, tôi sống ở đó”.
Suazo trải qua thời thơ ấu không hề êm đềm cùng mẹ và 2 người anh em. Những đứa trẻ trong gia đình anh đều không biết cha ruột mình là ai. “Chính vì không có bố, mẹ cũng không quan tâm, tôi là mục tiêu dễ dàng bị nhắm đến” - anh nói - “Nhiều thành viên mara có "tai mắt" và quyền lực khắp khu dân cư. Khi mẹ đánh mắng tôi vì một lỗi nhỏ, bọn họ lại chủ động bảo vệ, an ủi tôi. Tôi còn nhớ, ngày bé, mẹ chưa từng ôm tôi lần nào. Cái ôm đầu tiên tôi nhận được trong đời đến từ một tên tội phạm, thành viên của băng đảng”.
Pablo, quản lý một băng nhóm, để mắt chăm sóc Suazo và thường nói muốn nhận anh “làm con nuôi”. Bấy giờ vẫn là một thiếu niên non nớt, Suazo bắt đầu đặt lòng tin vào gã tội phạm. “Chuỗi hình xăm dữ tợn, vũ khí ông ta mang theo và quyền hành trong băng đảng của Pablo từng khiến tôi nảy sinh suy nghĩ vặn vẹo. Tôi có lúc muốn trở thành người như ông. Mọi người xung quanh luôn tuân theo lời Pablo. Còn tôi, một thằng nhóc bị bố mẹ bỏ rơi, chưa từng được ai tôn trọng” - Suazo bộc bạch.
|
Đoạn đường bị hư hỏng nặng trong một khu phố nghèo thuộc Comayagua, nơi Suazo lớn lên |
Lên 12 tuổi, thái độ đối xử bạo lực, khắc nghiệt của người thân càng khiến Suazo quyết tâm muốn chứng tỏ mình với băng đảng tội phạm. Anh nói: “Lần đó Pablo dẫn tôi đến một ngọn đồi. Ông ta bảo, nếu tôi muốn chứng minh năng lực, hãy thử giết một chú chó. Tôi không làm được”.
Khi đã trưởng thành, Suazo mới hiểu “bài kiểm tra” ấy đơn thuần là cách tổ chức tội phạm khảo nghiệm tâm lý những đứa trẻ bơ vơ như anh. Cảm giác được nương tựa vào gia đình, thứ Pablo dùng để thuyết phục thiếu niên Suazo ngờ nghệch đứng về phía mình, lại ẩn giấu đầy “cạm bẫy” nguy hiểm. Không ít trẻ em đã bị dẫn dụ vào con đường phạm pháp, phải trả giá bằng lao tù, thậm chí cái chết. “Về sau, chính Pablo cũng phải bỏ mạng” - Suazo chia sẻ.
Quay đầu trước “vực thẳm”
Khi không thể thông qua thử thách giết chóc, Suazo được nhóm băng đảng quen biết giao cho một số công việc vặt ít rùng rợn hơn như che giấu hay vận chuyển thuốc phiện. “Tôi từng đến nhà tù quốc gia ở Comayagua với cái ba lô đi học chứa đầy ma túy, thuốc lắc và cần sa. Theo lời hướng dẫn từ mara, tôi lén giấu số thuốc này trong hộp đựng thực phẩm để đưa đến chỗ các tù nhân” - anh tiết lộ. Đổi lại, Suazo được nhận thức ăn, tiền tiêu vặt và sự hỏi han che chở - những thứ tưởng như bình thường với rất nhiều đứa trẻ khác, lại quá đỗi quý giá với trẻ em nghèo bị gia đình và xã hội bỏ rơi ở Honduras.
Khi Suazo lớn hơn chút nữa, nhóm tội phạm bắt đầu đề cập với anh việc tiến vào băng đảng. “Vài thành viên trong mara đã khuyên tôi gia nhập” - anh nói - “Họ đưa ra điều kiện hấp dẫn như có thể bảo vệ tôi, giúp tôi trả học phí đại học. Tôi biết chỉ cần đồng ý, mình sẽ không còn đường lui”.
Trước khi phạm phải sai lầm không thể cứu vãn, Suazo bất ngờ tham dự một sự kiện. Và nó đã thay đổi cuộc đời anh vĩnh viễn. “Lúc đó có một buổi giao lưu trong trường học và tôi chỉ tham gia vì tò mò. Nhưng nhờ đến đó, lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra mình còn có những lựa chọn khác” - anh nhớ lại.
Trong buổi giao lưu, người phụ trách nhắc đến Jóvenes Contra la Violencia Honduras (JCVH, tổ chức Thanh thiếu niên đấu tranh phòng chống bạo lực). Đây là tổ chức bảo trợ nhân quyền dành cho trẻ vị thành niên, nơi nhiều bạn trẻ tình nguyện giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn bằng đa dạng hoạt động thiết thực. Suazo cảm thấy mình “đã tìm được chốn nương náu đúng nghĩa”.
“Từ ấy, tôi chọn dốc sức vì công việc tình nguyện. Tôi không muốn tiếp tục qua lại với băng đảng tội phạm nữa” - anh nói.
|
Suazo trong một buổi làm việc tại văn phòng JCVH |
Không lâu sau khi tốt nghiệp trung học, Suazo lập gia đình và có đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh. Muốn đảm đương tốt trách nhiệm với gia đình, anh quyết tâm vừa học vừa làm nhiều nghề. Tuy vất vả, Suazo không từ bỏ vai trò tình nguyện viên. Anh giải thích: “Trải nghiệm suýt nữa biến thành tội phạm khiến tôi không muốn bất kỳ đứa trẻ nghèo nào khác phải rơi vào hoàn cảnh giống mình”.
Tại JCVH, những chương trình tuyên truyền, tư vấn, giáo dục trẻ vị thành niên được triển khai liên tục và linh hoạt. Nhóm của Suazo thường xuyên trò chuyện, lắng nghe tâm tư của các gia đình và trẻ vị thành niên trong khu vực, nhờ đó truyền đạt thông điệp sống tích cực đến thế hệ trẻ. Mặt khác, JCVH đang bắt tay với một số tổ chức xã hội có chung định hướng, nhằm tạo áp lực với giới làm luật và nhà chức trách. Họ muốn sớm hiện thực hóa một chính sách bảo trợ thiết thực, xác đáng hơn để bảo vệ trẻ em nghèo, cơ nhỡ trước nạn bạo hành, bạo lực đã luôn gây ám ảnh ở Honduras.
Từ ngày Suazo chính thức gắn bó với tổ chức tình nguyện, đã 10 năm trôi qua. Hiện giờ anh đang giữ chức giám đốc truyền thông JCVH. Sự nhiệt huyết, nhạy cảm lẫn thấu hiểu về tâm lý trẻ thơ giúp Suazo đạt được nhiều thành tựu đáng nể. Anh đã góp phần thu hút hơn 600 tình nguyện viên từ 32 cộng đồng dân cư lớn nhỏ thuộc Honduras. Cùng nhau, họ không ngừng truyền cảm hứng và hy vọng sống cho thế hệ tương lai.
“Lúc nhỏ, tôi thậm chí không dám hình dung có ngày mình sẽ học đại học hay cống hiến sức mình vì cộng đồng” - Suazo nói - “Làm công tác tình nguyện, giúp đỡ trẻ em khiến tôi nhận ra, bạo lực chỉ giúp "che lấp" đi vấn đề chúng tôi cố né tránh như cái nghèo, gia đình rạn nứt. Thời trẻ, tôi không hẳn là một người đáng được tôn trọng. Nhưng giờ đây, tôi đang cố trở thành một người tôi muốn tôn trọng. Chưa từng có bố bên cạnh, nên tôi càng muốn làm một người cha tốt. Chưa từng có ai chỉ dạy tôi lúc nhỏ, nên tôi càng muốn giúp bọn trẻ bơ vơ như tôi đi đúng hướng”.
Như Ý (theo ELPAÍS)