Những đứa trẻ không được phép thất bại

07/07/2015 - 15:57

PNO - PN - Khi luật sư Alex Jones (36 tuổi) mang thai con trai thứ hai ở tuần thứ 12, cô đã nộp đơn xin cho con vào nhà trẻ ở khu East Dulwich phía Nam London. Tình trạng xoay xở cho con vào “trường điểm” từ bậc học... nhà trẻ ở đây đang diễn ra rất gắt, đến nỗi các bà mẹ nộp đơn khi đang mang thai vào tháng thứ tám đã bị từ chối và phải vào danh sách chờ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Alex Jones kể lại: “Lúc tôi dọn đến East Dulwich, chủ nhà đã cho danh sách một số trường uy tín. Tôi đăng ký ngay cho con trai đầu Milo, dù nó chỉ mới sáu tháng trong bụng mẹ, với con trai thứ hai Freddie, tôi đăng ký khi bé chỉ mới ba tháng”. Hiện hai con trai của Alex được học ở nhà trẻ Nelly, một trường điểm nhiều người mơ ước, nhưng vẫn trong danh sách chờ để vào nhà trẻ Ducks, một trường “xịn” hơn.

Alison Fisher, hiệu trưởng trường Broadhurst, một trong những nhà trẻ rất có tiếng ở London cho biết, nhiều bà mẹ đến đăng ký chỗ học cho con trước cả khi họ loan báo tin mang thai đến gia đình và người thân. Vị hiệu trưởng này từng phải từ chối nguyện vọng của một bà mẹ tương lai vì cô ấy… chưa thụ thai nhưng vẫn đến đăng ký.

Các bậc phụ huynh như Alex tin rằng, việc cho con vào học các trường danh tiếng với mức chi phí rất cao sẽ là chìa khóa cho chúng phát triển trên con đường học vấn.

Các nhà trẻ do nhà nước trợ cấp nhận trẻ ba tuổi, nếu phụ huynh muốn gửi con đến các nhà trẻ tư nhân sớm hơn, họ phải chấp nhận trả tiền. Chi phí cho một học kỳ ở những nhà trẻ danh tiếng là 5.000 bảng. Để đáp ứng nhu cầu của các bậc phụ huynh nhiều tham vọng, dịch vụ tư vấn trường học cho con rộ lên với mức lệ phí chóng mặt: 350 bảng một giờ tư vấn. Tại các phòng sinh trong bệnh viện, văn phòng nhận đăng ký trường học cho trẻ ngay sau khi chúng mới sinh.

Nhung dua tre khong duoc phep that bai

Người mẹ 36 tuổi Alex Jones đăng ký nhà trẻ cho con từ khi Freddie (bìa trái) là thai nhi ba tháng, và Milo (thứ hai) là thai nhi sáu tháng - Ảnh: Standard

Chỉ ba giờ sau khi cậu bé Alexander chào đời, theo “lệnh” của mẹ, bố cậu phải chạy hộc tốc nộp đơn ngay vào các nhà trẻ danh tiếng. Mẹ cậu, Estelle Lee, không tin tưởng vào con tem của bưu điện, nên phớt lờ nguyện vọng của chồng mình là được bên con trong những giờ phút đầu tiên. Sự cẩn trọng của Estelle đem lại kết quả, Alexander được nhận vào Marmalade Cat ở phía nam London.

Từ nhà trẻ này, Alexander sẽ được vào thẳng trường tiểu học Thomas, trường danh tiếng trong khu vực. Estelle Lee tâm sự: “Nhìn lại, tôi vẫn muốn làm mọi cách cho con vào học trường tốt nhất. Tình hình cạnh tranh của các phụ huynh hiện rất gay gắt. Trường Thomas tiếp nhận 160 hồ sơ cho 30 chỗ học. Tôi rất may mắn vì nhà trẻ Marmalade đã bảo đảm một chỗ cho Alexander. Không phải vì tôi muốn khẳng định vị trí xã hội của mình hay cho con, tôi chỉ cảm thấy yên tâm vì con được bảo đảm về đường học vấn”.

Sở dĩ các bà mẹ có tư tưởng như thế là vì các nhà trẻ và trường tiểu học danh tiếng liên tục đưa ra tỷ lệ học sinh của họ vào các trường đại học Oxbridge (tức Oxford và Cambridge) hay các trường trong khối liên minh Ivy. Một số trường khác lại đăng danh sách “cựu học sinh lớp mầm” hiện là sinh viên các trường Oxbridge. Các bà mẹ tin rằng, lo cho con vào nhà trẻ “điểm” là nước cờ domino đầu tiên bảo đảm cho con có nghề nghiệp ưu tú về sau.

Amanda Sevaux (35 tuổi) phải nhờ trung tâm tư vấn hỗ trợ để xin cho con gái vào nhà trẻ điểm. Cô chia sẻ: “chạy trường cho con hiện nay quá căng thẳng, càng căng thẳng hơn nếu bạn làm không đúng cách và thất bại, coi như bạn đã có quyết định sai lầm đầu tiên trong hành trình làm bố mẹ”.

Catherine Kelsey, giám đốc trung tâm tư vấn giáo dục Gabbitas Education cho biết: “Sự cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt trong 5 năm trở lại đây. Tôi cảm thấy thương các bà mẹ này, đặc biệt là họ còn phải cạnh tranh với các bậc phụ huynh giàu có đến từ Nga hay Trung Quốc. Những người này sẵn sàng cho con vào học ở các trường tại Anh với bất cứ giá nào, khiến ảnh hưởng không nhỏ đến các bà mẹ ở địa phương”.

Các chuyên gia xã hội và giáo dục tiếp tục bày tỏ sự e ngại về tình hình “mẹ hổ” - ám chỉ các bà mẹ thúc ép con học bằng mọi giá. Khi phụ huynh tự đặt gánh nặng học vấn của con lên chính bản thân mình, nếu các con không đạt thành tích như phụ huynh mong muốn, phản ứng của họ với con trẻ sẽ ra sao? Các chuyên gia xã hội cảnh báo, nếu những áp lực này liên tục áp đặt lên trẻ theo thời gian, sẽ dẫn đến những hành vi hay tình cảm tiêu cực, ví dụ như chứng biếng ăn, tự hành xác...

 PHAN QUỲNH DAO 

(Theo Telegraph, Evening Standard)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI