Những đứa trẻ khốn khổ nhất thế giới

11/03/2019 - 18:00

PNO - Một đứa trẻ chào đời có quyền được sống, lớn lên lành mạnh và an toàn; nhưng điều đó không hiển nhiên đối với tất cả mọi đứa trẻ trên thế giới.

“Ở trại tị nạn al-Hawl, mọi thứ hỗn độn đến nghẹt thở. Phụ nữ và trẻ em chen chúc nhau, lẳng lặng đối diện với ngày tháng mà không biết ngày mai sẽ ra sao. Sự bế tắc ấy hiển hiện trên đôi mắt vô hồn của tất cả. Những phụ nữ bí bức đến mức chẳng buồn nói chuyện hoặc nếu có mở miệng thì đó chỉ là những lời gào thét cho thỏa. Trẻ con thì lăn lộn trên những đống bùn, có đứa thì ngủ thiếp đi trong cơn sốt…”. Đấy là những dòng tường thuật tại hiện trường mà nữ phóng viên Bethan McKernan (chuyên phụ trách Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực Trung Đông) viết trên tờ Guardian.

Nhung dua tre khon kho nhat the gioi
Cuộc sống bấp bênh, đáng thương của những đứa trẻ ở al-Hawl

Ở khu tị nạn al-Hawl, hiện có khoảng 3.000 trẻ. Các em gầy trơ xương vì đói, ngơ ngác chẳng biết niềm vui trẻ thơ là gì. Bên trong trại al-Hawl, không ít thai phụ với những ánh nhìn vô định, chờ đến ngày con chào đời. Tương lai, với cả người mẹ và đứa trẻ là một màu tăm tối.

Không phải người phụ nữ nào đến đây cũng yên phận. Có nhiều nhóm tự thiết lập nên “luật chơi”, phân định thứ tự theo cấp bậc mà chồng của họ có được trong lực lượng IS. Họ tấn công nhau, dùng bạo lực đúng với tinh thần của IS, lấy cắp hoặc cướp đồ đạc của nhau. Tệ hơn cả là thản nhiên đánh đập con của những bà mẹ yếu thế hoặc bất cứ phụ nữ nào khiến những “người đàn bà quyền lực” tại trại tị nạn thấy ngứa mắt.

Trong số những phụ nữ mà Bethan McKernan gặp ở al-Hawl có Shamima Begum. Bốn năm trước, Shamima Begum (khi ấy chỉ mới 15 tuổi) từ bỏ gia đình ở London (Anh), sang Syria. Cô bé kết hôn cùng một người đàn ông Hà Lan đã cải đạo Hồi. Bi kịch ập xuống với Shamima Begum khi chồng em bị bắt giữ. Shamima không còn chỗ dựa, phải chuyển đến trại tị nạn al-Hawl để tránh rơi vào vòng xoáy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Shamima được phát hiện ở trại tị nạn này khi đã cận ngày sinh nở. Bé trai chào đời chưa đầy một tháng đã chết yểu. Bên cạnh mộ phần của Jarrah, còn dấu đất mới xới, là nơi an nghỉ của hai hài nhi bé bỏng, bị thiêu chết, chỉ vì người ta từ chối sự hiện diện của các em trên cõi đời.

Nhung dua tre khon kho nhat the gioi
Con trai của Shamima Begum đã chết vài ngày trước

Bộ Nội vụ Anh bị các nhà hoạt động xã hội chỉ trích vì chính sách khắt khe, tuyệt tình đóng cửa với mẹ con Shamima. Nhưng phía Anh cho rằng, họ không làm khác được, khi không thể tiếp cận khu trại tị nạn này - nơi mà các điều lệ ngoại giao không áp dụng được. Tính từ tháng 12/2018 đến nay, đã có 100 trẻ chết vì bị bỏ mặc. Trong đó, khoảng 80 trẻ chưa đến 1 tuổi. Nhiều đứa trẻ đi lang thang quanh trại tị nạn vì đã lạc mất hết người thân.

Không luật lệ nào có thể vượt qua được lương tri và tình người. Chính phủ Pháp có một chính sách nhân văn hơn. Nếu cha hoặc mẹ của trẻ có quốc tịch Pháp, đứa trẻ ấy có quyền hồi hương, được nhà nước Pháp chăm sóc. Nhưng bấy nhiêu chưa thể giải quyết được khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở những khu trại tị nạn mà al-Hawl chỉ là một trong số đó.

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI