Những đứa trẻ “hai không”

25/03/2014 - 15:15

PNO - PNO - Đến xóm 10, xã Kỳ Thượng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vào lúc học sinh chưa tan trường nhưng chúng tôi rất ngạc nhiên thấy một số trẻ em đến tuổi đi học đang chơi đùa, nghịch ngợm trước ngõ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hỏi ra mới biết những đứa trẻ đó là con của chị Nguyễn Thị Luật (41 tuổi) và chị Nguyễn Thị Khang (35 tuổi). Chị Luât và chị Khang là hai chị em ruột, không chồng mà có đến tám đứa con. Nhà của hai chị nằm cuối xóm 10, sát mái kề hồi. Lúc chúng tôi đến, hai chị đi rừng cắt lá nón chưa về, chỉ có năm đứa trẻ lít nhít và một bà cụ ở tuổi gần đất xa trời ở nhà.

Nhung dua tre “hai khong”
Trong bốn đứa con của chị Luận và chị Khang chỉ có bé Thùy (đứng sau) được đi học

Bà cụ tên Lý (78 tuổi) là bà ngoại của những đứa trẻ, là mẹ ruột của chị Luật và chị Khang. Mỗi chị đều có bốn đứa con, đứa nào từ lúc sinh ra đến nay cũng không biết mặt cha. “Hai đứa con gái tui đến tuổi gả chồng có nhiều người theo lắm. Không hiểu sao mà số phận đưa đẩy chúng không chồng, đông con và nghèo khó”, bà Lý nhìn những đứa cháu thiếu thốn đủ bề, than phiền.

Khi có con, chị Luật và chị Khang ra ở riêng trong hai túp tranh dột nát, ẩm ướt. Mấy năm gần đây, nhờ đi rừng, đi làm mướn, hai chị dựng được hai ngôi nhà gỗ lợp ngói, thấp lè tè sắp sụp đổ vì mưa gió. Ở miền sơn cước, không có người đàn ông trụ cột trong gia đình nên cuộc sống của hai chị đầy vất vả, nghèo khó. Nghề đi rừng đốn củi, cắt lá nón về bán của hai chị chỉ lo được ngày ba bữa cơm cho con cái, không dư để mua cái áo, cái quần mới cho con. Lúc mưa gió kéo dài, không đi rừng được, trong nhà hai chị không có gì để ăn, phải lót dạ bằng củ khoai, củ sắn qua ngày.

Nhung dua tre “hai khong”
Bé Lụa, con của chị Khang, 7 tuổi không được đi học, phải ở nhà trông em

Cái nghèo thường dẫn đến cái dốt, thất học. Đứa con đầu của chị Luật đã 18 tuổi, đã đi làm thuê, đứa con thứ hai 15 tuổi biết đi rừng phụ chị. Vậy mà một chữ bẻ đôi hai đứa cũng không biết, bởi từ nhỏ phải đi ở chăn trâu, bồng con cho người ta. Hai đứa con sau của chị Luật chỉ có bé Thúy (13 tuổi) đi học vì được người hàng xóm giúp làm giấy khai sinh. Còn bé Đạt (11 tuổi), lúc 6 tuổi không làm được giấy khai sinh, nhà trường không nhận. Đến khi làm được giấy khai sinh thì nhà trường nói Đạt quá tuổi…

Còn bốn đứa con của chị Khang, có ba đứa đến tuổi cũng không đứa nào được đi học. Con đầu tên Trường (14 tuổi) hiện đang đi giúp việc nhà cho một gia đình trong Nam, hai đứa kế là Việt (11 tuổi) và Lụa (7 tuổi) ở nhà trông em cho mẹ đi rừng, không được đến trường như những trẻ khác. “Hai chị em tui có tám đứa con, đứa con nào không làm được giấy khai sinh thì nhà trường không nhận, tui không trách móc gì. Còn có đứa, chúng tôi làm được giấy khai sinh mà xin học, các thầy cô nói gia đình tụi tui nghèo khổ, lấy đâu ra tiền đóng học phí nên không nhận. Tui còn nhớ có lần đưa con đến trường mầm non, tui xin được nộp học phí từng đợt cho con được học mà các cô không chấp nhận. Lúc đó tui chỉ biết dắt con về”, chị Luật ngậm ngùi kể.

Trao đổi ban đầu với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Trương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Kỳ Thượng, khẳng định chương trình phổ cập tiểu học ở xã Kỳ Thượng đã thực hiện từ lâu, hàng năm không có trẻ nào đến tuổi đi học mà không được đến trường. Khi được chúng tôi nêu tên những đứa con của chị Luận, chị Khang thì ông Trương lặng im, rồi nói: “Do công tác ở bậc mầm non không báo cáo lên hết nên chúng tôi không nắm được, có gì để chúng tôi kiểm tra lại”.

Ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Anh, cho rằng trường hợp trẻ em đến tuổi không được đến trường là trách nhiệm của trường và chính quyền địa phương.

TĨNH GIA


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI