Những đứa trẻ giữa cuộc chiến ngoại tình

18/03/2019 - 06:00

PNO - Trong sự tan vỡ của gia đình, con cái vẫn luôn là người mất nhiều nhất, có khi mất mãi mãi.

Cư dân mạng vừa lan truyền với tốc độ chóng mặt clip người mẹ và hai đứa con bắt được ông bố đi chơi với bồ. Đứa con trai đã dùng chiếc gậy chơi golf đập vỡ kính xe, đèn xe dù người bố ra sức can ngăn. Vừa đập xe, cậu vừa gào khóc: “Con bất hiếu một lần… bố đánh con đi…”. Sau cùng, cậu kéo mẹ đi về với câu nói đẫm nước mắt “cái người ấy… không cần nữa”.

Nhung dua tre giua cuoc chien ngoai tinh
Chiếc xe vỡ nát sau khi bị đập phá

Có lẽ hiếm có clip cảnh đập phá tài sản nào trên mạng lại được người xem truyền nhau một cách hả hê và đầy cảm tình như vậy. Nhiều người bảo, họ chảy nước mắt khi nghe những câu gào lên nghẹn ngào của cậu con trai. Tất cả điều đó ẩn chứa một sự thật chua xót: gia đình đổ vỡ, thật ra đau đớn nhất, buồn nhất và để lại di chứng lâu dài nhất chính là trái tim của những đứa trẻ. 

“Không bao giờ cháu có thể quên câu nói ấy của bố, cháu đã làm gì sai hả cô”, đó là tâm sự của cô bé Kiều Oanh khi kể chuyện mình đã phải đứng giữa mâu thuẫn của bố mẹ.

Cách đây hai năm, gia đình em xào xáo vì bố có người đàn bà khác. Lúc đầu, câu chuyện chỉ âm ỉ giữa bố và mẹ nhưng những đứa con đều cảm nhận được không khí nặng nề trong nhà. Rồi đến lúc không kiềm chế được nữa, họ bắt đầu cãi nhau, chửi mắng trước mặt con cái. Bất lực, mẹ Oanh bắt đầu dùng cô bé để tác động chồng. Bà giao cho con gái nhiệm vụ phải khuyên nhủ bố, làm cho bố tỉnh ngộ. Oanh thương mẹ, nhưng cô bé chưa đủ hiểu biết để phán xét hay thuyết phục ai. Thế là cô bị mẹ trách móc, bị bố mắng mỏ “mày là con dao hai lưỡi, đòn xóc hai đầu”.

Nhung dua tre giua cuoc chien ngoai tinh

Cũng là chuyện chồng ngoại tình, lấy vợ trẻ, bỏ lại người vợ với ba đứa con nhưng bi kịch chia ly của vợ chồng đã lên đến đỉnh điểm. Ông chồng tiếc căn nhà mặt tiền, bắt vợ ngăn đôi, ông và vợ mới sống bên này, vợ cũ và ba con sống bên kia. Ngày tòa xử ly hôn, về đến nhà, họ nhìn thấy ba đứa con, theo chỉ đạo của cô gái lớn, đã lập bàn thờ bố giữa nhà và cả ba đều đeo khăn tang trắng. Người bố nổi điên đập phá, người mẹ van lơn các con tháo bỏ khăn tang. Nhưng cô chị 18 tuổi vẫn một mực: “với tụi con, người bố như vậy đã chết”.

Cuối cùng, người bố và vợ sau không chịu được áp lực từ ánh mắt dị nghị của hàng xóm nên đã dọn nhà đi nơi khác. Nghe đâu vài năm sau, họ ra nước ngoài sinh sống, không còn liên hệ gì với gia đình. Cô gái ngày xưa nay đã là mẹ. Có một câu hỏi mà cô không bao giờ có thể trả lời được với các con: “Nhà mình không có ông ngoại sao mẹ?”.

Trong sự tan vỡ của gia đình, con cái vẫn luôn là người mất nhiều nhất, có khi mất mãi mãi. Cái sự mất mát, đau khổ đó thể hiện rất rõ trong câu chuyện của cậu bé đập nát kính ô tô bố những ngày qua. Lựa chọn của cậu, như cậu gào lên rất rõ: “con thà làm đứa con bất hiếu…”.

“Chén trong sóng còn khua”. Chuyện vợ chồng cãi nhau, mâu thuẫn là điều khó tránh. Nhưng ngay cả khi vì những mâu thuẫn đó mà cha mẹ phải ly hôn, thì trong cuộc bể dâu đau khổ đó, có cần thiết để xảy ra thêm một tầng đau khổ nữa khi bố mẹ buộc con cái phải chọn bất hiếu? Có nên để những di chứng khủng khiếp của cuộc chia ly in hằn mãi trong tâm trí đứa trẻ? Hay vẫn có khả năng giữ lại được chút gì đó, để những đứa con dù không được sống chung nữa, vẫn yên lòng rằng mình có bố và mẹ? 

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI