Những đứa trẻ được gọi bệnh bằng mã định danh

03/12/2020 - 06:24

PNO - “Em ơi, chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhi B20 nhé” là câu nói rất dễ hiểu và quen tai ở khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM).

B20 là "mật mã" để đánh lạc hướng người ngoài ngành y, kể cả những bệnh nhi có HIV. Nhưng đó là nhân văn, là cách đảm bảo giữ bí mật riêng tư cho những trẻ không may có HIV có thể tiếp tục sống trong xã hội còn nhiều định kiến. 

Những câu chuyện về trẻ có HIV được bác sĩ Dư Tuấn Quy, Phó khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 nhớ lại với nhiều trăn trở về số phận tiếp theo của bọn nhỏ sau khi chúng bước vào tuổi vị thành niên và rời xa nơi điều trị quen thuộc tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

BS Dư Tuấn Quy khám cho bệnh nhi tại khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TPHCM
Bác sĩ Dư Tuấn Quy khám cho bệnh nhi tại khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TPHCM. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Khi trẻ dậy thì có HIV tạo “sóng” 

“Bỏ điều trị” là cụm từ mà bác sĩ chăm sóc cho trẻ có HIV sợ nghe nhất. Vì lẽ, bỏ điều trị kéo theo hàng loạt viễn cảnh rất xấu như trẻ bị lờn thuốc, trẻ tử vong, trẻ tìm cách trả thù bằng cách lây lan cho cộng đồng... Lứa tuổi dễ rơi vào tình trạng bỏ điều trị chính là khi trẻ dậy thì.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy chia sẻ, khi còn nhỏ, gia đình thường giấu trẻ chuyện có HIV. Nhưng đến tuổi vị thành niên (khoảng 12 đến 17 tuổi), thường không thể giấu được trẻ nữa.

Ở độ tuổi có nhiều thay đổi về cơ thể, tính cách, khi biết tin xấu, trẻ thường rơi vào tâm trạng rất tiêu cực. Nhiều em tâm sự sống không còn hy vọng gì nữa vì cha mẹ cũng chết vì HIV cả rồi. Có em lại vướng vào việc tự mưu sinh mà quên điều trị.

Trong quãng thời gian khi bọn nhỏ bắt đầu dậy thì, anh phải xử lý nhiều vấn đề rắc rối của chúng.

Trần Tiểu Quyên (quận 4, TPHCM) lớn lên với bà ngoại vì cha mẹ của em đã mất do bệnh AIDS. Bước vào tuổi dậy thì, cô bé bắt đầu có quan hệ tình cảm với một cậu bạn cùng lớp nhưng giấu biệt chuyện mình có HIV.

Bà ngoại cản cháu gái không được nên tìm đến bác sĩ Quy nhờ cản dùm. Bà cũng thông báo cho gia đình cậu bạn trai biết chuyện. Cậu là con trai duy nhất của dòng họ. Cả 2 bên gia đình đều cầu cứu bác sĩ Quy.

Câu chuyện càng trở nên rối bời vì cậu bạn nói rằng thương Tiểu Quyên thật lòng và đã biết rõ tình trạng của bạn gái mình. Thậm chí cậu còn nói rằng: “Nếu phải chết thì con thà chết vì người yêu, cũng xứng đáng thôi”.

Tình huống quá khó này khiến bác sĩ Quy tìm kế hoãn binh bằng cách khuyên 2 đứa nếu có quan hệ thì phải dùng bao cao su để bảo vệ an toàn tuyệt đối. Rồi những khi 2 đứa nhỏ giận hờn, cãi vả nhau, cậu bạn lại tìm đến tâm sự với bác sĩ Quy.

Lắng nghe khuyên thiệt hơn, cân nhắc đến tương lai, đến nỗi đau của cha mẹ, đến tính cách  hoàn toàn không hợp nhau giữa 2 đứa và nhất là tuổi còn quá trẻ để có thể nghĩ đến chuyện dài lâu, cậu bạn trai dần tìm cách rút khỏi mối quan hệ với Tiểu Quyên.

Cô bé vốn bướng bỉnh nên khi phải chia tay người yêu, đã quay lại hăm dọa cả bác sĩ. Những trường hợp như cô bé Tiểu Quyên này đều được bác sĩ Quy ghi chép lại như một tình huống khó xử của người làm công tác chăm sóc và điều trị cho trẻ có HIV.

Đừng hắt hủi các em

BS Dư Tuấn Quy - Phó Trưởng khoa Nhiễm -  Thần kinh, BV Nhi đồng 1
BS Dư Tuấn Quy - Phó khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1

Qua tuổi 15, các em được chuyển về điều trị tại phòng khám dành cho người lớn có HIV tại các quận, huyện. Trong khi nếu tuân thủ việc uống thuốc thường xuyên (chỉ uống một viên thuốc một ngày), người có HIV có tuổi thọ như bình thường. Khi trở về địa phương, bác sĩ Dư Tuấn Quy theo dõi ít nhất 2 năm việc uống thuốc, rồi mới an tâm về bọn nhỏ. 

Lứa tuổi vị thành niên, nhất là sau 15 tuổi trở thành nỗi lo lắng cho bác sĩ Dư Tuấn Quy vì các bé buộc phải ngừng khám ở nơi quen thuộc là Bệnh viện Nhi đồng 1 để khám, điều trị ở phòng khám HIV ở quận, huyện. Các em phải “gia nhập” vào thế giới người lớn với hành trang là một gia đình thiếu cha, thiếu mẹ, thậm chí là mồ côi.

Với trẻ mồ côi, ông phải nhờ đến nhóm đồng đẳng (người có HIV) ở địa phương đến hỗ trợ chăm lo cho bọn nhỏ. Khoảng 3 - 4 tháng, vị bác sĩ chuyên khoa nhi này lại nắm tình hình các em một lần, để biết sức khỏe đứa nào tốt, đứa nào xấu, kịp thời giúp đỡ khi cần.

Những trẻ có HIV dường như biết rõ ai thương mình, ai ghét mình. Có những đứa vượt qua được cơn bão tuổi vị thành niên, sống trưởng thành đã đến thăm bác sĩ Dư Tuấn Quy. Và đó là điều khiến anh thấy thật vô cùng hạnh phúc.

Năm 2005, Bệnh viện Nhi đồng 1 thành lập phòng khám ngoại trú dành riêng cho trẻ có HIV đầu tiên tại TPHCM. 

Hiện tại, ngoài Bệnh viện Nhi đồng 1, mô hình phòng khám này đã được thành lập tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và xuất hiện ở  quận 4, Bình ChánhThủ Đức.


Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI