Những đứa trẻ đơn độc trên hành trình đổi đời

23/04/2022 - 07:32

PNO - Năm 2020, số trẻ em quốc tế di cư đạt 36 triệu người tức cứ 66 trẻ lại có một trẻ sống bên ngoài quốc gia mình sinh ra. Đáng chú ý, số lượng trẻ em di cư một mình, không người thân đi kèm, tại một số khu vực đang ở mức cao.

“Người hùng” đơn độc

Một cậu bé 11 tuổi đã một mình vượt qua chặng đường hơn 900km từ đông nam Ukraine đến biên giới Slovakia để đoàn tụ với anh chị em. Hassan Pisecká đi xuyên đất nước chỉ với một chiếc túi nhựa, hộ chiếu và số điện thoại được viết nguệch ngoạc trên tay. Câu chuyện của cậu, vào đầu tháng Ba, đã lay động trái tim nhiều người khắp thế giới. Mẹ của Hassan, Júlia Pisecká, lúc ấy phải ở lại quê nhà Zaporizhzhia để tiếp tục chăm sóc người mẹ già yếu không thể di tản.

Nụ cười của Hassan Pisecká và chặng đường cậu bé trải qua khiến cả thế giới phải thán phục
Nụ cười của Hassan Pisecká và chặng đường cậu bé trải qua khiến cả thế giới phải thán phục

Hassan bắt vài chuyến tàu đi về phía tây để đến biên giới Slovakia. Lực lượng cứu hộ ấn tượng với “nụ cười, sự không sợ hãi và quyết tâm như một anh hùng thực sự” của Hassan nên đã giúp đỡ cậu bé sang Slovakia an toàn. Họ còn liên lạc với người thân của cậu bé qua số điện thoại ghi trên tay và thông tin từ một tờ giấy được buộc cẩn thận ở thắt lưng.

Bài đăng trên Facebook mô tả hành trình của Hassan cho biết: “Các tình nguyện viên đã chăm sóc, sưởi ấm và cung cấp thức ăn cho đứa trẻ, sẵn sàng cho chặng đường tiếp theo. Nhờ những con số trên tay và một mảnh giấy ở thắt lưng, cậu bé đã liên lạc được với những người thân và toàn bộ câu chuyện đã kết thúc tốt đẹp”.

Vài giờ sau khi Hassan được người thân từ Bratislava đến đón, cô Júlia Pisecká giải thích trong một đoạn video đăng trên Facebook của cảnh sát Slovakia: "Tôi là một góa phụ và tôi có nhiều con. Tôi muốn cảm ơn hải quan và các tình nguyện viên của Slovakia đã chăm sóc con trai tôi và giúp cậu bé vượt qua biên giới".

Nhờ số điện thoại ghi trên tay, lực lượng chức năng đã liên lạc được với gia đình của Hassan tại Slovakia
Nhờ số điện thoại ghi trên tay, lực lượng chức năng đã liên lạc được với gia đình của Hassan tại Slovakia

Hassan chia sẻ với chương trình Good Morning Britain về niềm vui được đoàn tụ rằng bản thân cậu “không nghĩ nhiều về tương lai” bởi điều quan trọng nhất là được ở bên gia đình. Khi được hỏi về phần đáng sợ nhất trong cuộc hành trình, Hassan nói đó là chuyến đi trong một toa tàu đông đúc gần 300 người, xung quanh là những người lạ nói chuyện bằng tiếng nước ngoài.

Một người chị của Hassan chia sẻ: “Tôi vẫn không thể tin Hassan đã trải qua tất cả một mình, vì cậu nhóc là con út trong gia đình, thậm chí không thể tự pha trà. Chúng tôi đã rất lo khi biết Hassan sẽ đơn độc suốt hành trình”.

Trong một bài đăng khác, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia viết: "Cậu bé Hassan chỉ mới 11 tuổi nhưng đã thể hiện sự quyết tâm rất lớn, lòng dũng cảm mà đôi khi người lớn không có" và nói thêm rằng cậu bé “xứng đáng là một anh hùng” với nụ cười đã “giành được trái tim của mọi người”.

Giữa tháng Ba, Hassan đã đoàn tụ với mẹ, bà và chú chó của mình ở Slovakia. Gia đình bày tỏ lòng cảm ơn đến tất cả mọi người vì nhờ đó, họ - những người tị nạn từng chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Syria khi Hassan chỉ mới ba tuổi - có thể trở về bên nhau bình an và bắt đầu cuộc sống mới tốt hơn.

Xu hướng đáng lo ngại

Nghèo đói, chiến tranh, bệnh tật đang đẩy hàng triệu trẻ em rời xa quê hương, gia đình để trở thành người di cư, tị nạn
Nghèo đói, chiến tranh, bệnh tật đang đẩy hàng triệu trẻ em rời xa quê hương, gia đình để trở thành người di cư, tị nạn

Theo dữ liệu của UNICEF vào năm 2020, gần 14 triệu trẻ em di cư quốc tế trên thế giới sống ở châu Á, chiếm 39% tổng số trẻ em di cư. Mặt khác, châu Âu và Bắc Mỹ là nơi sinh sống của 31% tổng số trẻ em di cư. Trong đó, 18% là trẻ từ châu Phi (6,2 triệu). Một nửa số trẻ em di cư trên thế giới chỉ sống ở 15 quốc gia, dẫn đầu là Mỹ. Đây là nơi sinh sống của 3,3 triệu trẻ em di cư.

Hệ thống tạm trú của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) đã tiếp nhận 122.000 trẻ em nhập cư không có cha mẹ đi cùng trong năm tài chính 2021, mức cao nhất mọi thời đại. Trong năm tài chính 2016 và 2019, khi các kỷ lục trước đó được thiết lập, HHS đã tiếp nhận lần lượt 59.000 và 69.000 trẻ em nhập cư không có người đi kèm.

Kể từ tháng 11/2021 đến tháng 2/2022, riêng quận Yuma, bang Arizona đã ghi nhận hơn 36.000 trẻ vị thành niên không có người đi kèm vượt biên từ Mexico sang Mỹ. Giám sát viên quận Johnathan Lines gọi tình trạng này là “bi kịch” và chia sẻ: “Có những đứa trẻ khoảng năm tuổi tự mình băng qua biên giới ngay tại đây”. 

Thuật ngữ “trẻ vị thành niên không có người đi kèm” không phải lúc nào cũng có nghĩa là một đứa trẻ đã tự mình đi đến Mỹ. Một số bị tách khỏi gia đình ở biên giới hoặc bị những kẻ buôn lậu bỏ lại. Guatemala, Honduras và Salvador là một số quốc gia có số trẻ em di cư không người đi kèm nhiều nhất. Hành trình của những đứa trẻ được thúc đẩy bởi cuộc đấu tranh với nghèo đói, tội phạm và thiên tai.

Vào ngày 1/3 vừa qua, một đứa trẻ di cư mới biết đi đã được các nhân viên Tuần tra Biên giới Mỹ giải cứu khi lang thang một mình gần Cổng nhập cảnh Eagle Pass ở bang Texas. Đứa trẻ khoảng hai tuổi, được tìm thấy trong tình trạng sức khỏe tốt dù nhiệt độ ngoài trời gần như đóng băng.

Trẻ em nhập cư không có người đi kèm được chính quyền của Tổng thống Joe Biden bảo vệ khỏi bị trục xuất đến Mexico khi chúng vượt biên giới một cách bất hợp pháp. Tuy nhiên, các cơ sở tạm trú cho trẻ em của Đội Tuần tra Biên giới Mỹ đang quá tải và các cơ sở nhà ở tạm bợ khác không được thiết kế để chứa trẻ vị thành niên nên thiếu các tiêu chuẩn chăm sóc cơ bản.

Kết quả, thanh thiếu niên di cư gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần, dịch vụ không đầy đủ và thời gian lưu trú kéo dài. Đồng thời, trẻ ở trại tập trung liên tục bị theo dõi để đề phòng các nỗ lực bỏ trốn, những cơn hoảng sợ và khả năng tự làm hại bản thân.

Theo ước tính của chính phủ, khoảng 80% trẻ em không có người đi kèm di cư đến Mỹ có thành viên gia đình đang sống ở Mỹ, nghĩa là gần 20% số trẻ còn lại không có người thân ruột thịt tại xứ người.

Khó khăn khi hòa nhập

Sĩ quan biên phòng Anh bế một đứa trẻ khi nhóm người di cư cập bến Dover, hạt Kent, Anh
Sĩ quan biên phòng Anh bế một đứa trẻ khi nhóm người di cư cập bến Dover, hạt Kent, Anh

Sammy, một người Afghanistan xin tị nạn ở Anh, đã nhận được quy chế tị nạn vào cuối năm 2020 sau 12 năm di chuyển và chờ đợi. Anh một mình rời Afghanistan vào cuối năm 2008 khi mới 15 tuổi với một hành trình thật dài bằng đường bộ, ô tô… băng qua những ngọn núi và những cánh đồng rộng lớn.

Sammy kể: “Tôi đã đi từ Afghanistan đến Iran, đến Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp rồi đến Ý, Pháp và cuối cùng từ Pháp đến Anh”. Ở độ tuổi thanh thiếu niên, anh đã nhìn thấy và trải qua những điều mà không đứa trẻ nào nên đối mặt. Phần khó khăn nhất là chứng kiến hàng trăm người, với rất nhiều trẻ em, đi bộ qua khu vực miền núi của Iran để vượt biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ; một số đánh đổi bằng sinh mạng.

Sammy từng cảm thấy nhẹ nhõm khi đến Dover, Anh nhưng không biết rằng phần khó nhất và dài nhất của cuộc hành trình của anh vẫn chưa đến. Toàn bộ quá trình để nhận được quy chế tị nạn rất khó khăn và căng thẳng. Yêu cầu đầu tiên của anh bị từ chối nhưng anh không từ bỏ. Sammy đã kháng cáo, chứng minh yêu cầu của mình là hợp pháp và đúng sự thật. Sau đó, có những rào cản và cáo buộc khác, buộc Sammy phải đứng trước tòa án đến 13 lần.

Anh chia sẻ: "Tôi không mất hy vọng vào công lý, nhưng hệ thống nhập cư rất khó khăn đối với những người di cư là trẻ vị thành niên, sống xa gia đình và ở một đất nước mà họ không hiểu văn hóa hoặc ngôn ngữ".

Hiện được chấp nhận là người tị nạn, Sammy đang học lấy bằng kỹ sư điện và hy vọng sẽ trở thành một kỹ sư thành công. Sammy cũng tình nguyện tham gia Hội Chữ thập đỏ Anh trong các dịch vụ hỗ trợ người tị nạn, giúp đỡ những người có cùng trải nghiệm với anh. 

Ngọc Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI