Những đứa trẻ chào đời từ người mẹ mắc COVID-19

03/07/2021 - 06:13

PNO - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều thai phụ vô cùng hoang mang, lo lắng. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Nếu không may nhiễm bệnh, liệu virus SARS-CoV-2 có lây truyền từ mẹ sang con? Dấu hiệu nào cho thấy chị em đang mang thai mắc COVID-19? Nếu chẳng may nhiễm bệnh sẽ xử lý ra sao ngoài chuyện tuân thủ chỉ định của bác sĩ?...

Chưa có bằng cứ chứng minh SARS-CoV-2 có thể lây từ mẹ sang con

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, xác nhận đến thời điểm hiện tại, chưa có bằng cứ khoa học để chứng minh virus SARS-CoV-2 có thể lây từ mẹ sang con. Tuy nhiên, với bất kỳ bệnh lý nhiễm trùng nào, những ảnh hưởng đến thai thông thường ở những giai đoạn rất sớm (những tuần đầu, ba tháng đầu), là hậu quả chứ không phải trực tiếp. 

Hầu hết các bà mẹ nhiễm SARS-CoV-2 đều sốt. Nếu nhiệt độ quá cao hay sốt kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thai nhi nên bắt buộc phải hạ sốt.

Các bác sĩ Khoa Ngoại sản, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã mổ cấp cứu thành công cho sản phụ Đ.T.T. (23 tuổi, trú tại Hưng Yên) mang thai 38 tuần tuổi
Các bác sĩ Khoa Ngoại sản, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã mổ cấp cứu thành công cho sản phụ Đ.T.T. (23 tuổi, trú tại Hưng Yên) mang thai 38 tuần tuổi

Bên cạnh đó, độc tố của các loại virus thường gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai theo quy luật “tất cả hoặc không”. Tất cả nghĩa là thai có thể hỏng do ảnh hưởng của độc tố quá mạnh còn không có nghĩa thai không bị ảnh hưởng. Đặc thù của virus SARS-CoV-2 là gây viêm phổi rất nặng. Đặc biệt, ở phụ nữ có thai, miễn dịch tương đối giảm trong khi viêm phổi lại dẫn đến suy hô hấp, thiếu oxy. Điều này có thể khiến thai chết lưu vì thiếu oxy. Thiếu oxy còn có thể làm gián đoạn sự phát triển của thai kỳ, khiến thai dị dạng. 

Như vậy, cho đến lúc này, có thể nói virus SARS-CoV-2 chỉ ảnh hưởng gián tiếp đến thai nhi. 
Chuyên gia thông tin thêm, các phương pháp điều trị hiện có dành cho những thai phụ nhiễm virus SARS-CoV-2 đều nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe của người mẹ. Với những thai phụ này, phải điều trị virus SARS-CoV-2 và giữ thai. Sau khi điều trị khỏi COVID-19 mới sàng lọc thai nhi giống những trường hợp thai nghén bình thường.

“Phụ nữ mang thai không nên quá lo lắng, vẫn phải đi khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn vì các cơ sở y tế đều có đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch” - phó giáo sư - tiến sĩ Trần Danh Cường nói.  

Đồng tình với những quan điểm chuyên môn trên, bác sĩ chuyên khoa 2 Hồ Cao Cường - Khoa Sản, Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) - nói các bằng chứng hiện tại cho thấy, nếu mẹ không may mắc COVID-19 thì hầu như không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Hiện chưa có báo cáo nào về ảnh hưởng trực tiếp của virus SARS-CoV-2 lên thai nhi. 

Bé gái con của sản phụ Đ.T.T. - nặng 2,8kg đã được phẫu thuật lấy ra từ bụng người mẹ mắc COVID-19
Bé gái con của sản phụ Đ.T.T. - nặng 2,8kg đã được phẫu thuật lấy ra từ bụng người mẹ mắc COVID-19

Tình trạng nhiễm virus có thể nghiêm trọng hơn ở phụ nữ mang thai một phần vì toàn bộ hệ thống miễn dịch của mẹ hướng tới việc đảm bảo không tạo ra bất kỳ phản ứng miễn dịch nào kháng bào thai. Người mẹ phải thỏa hiệp khả năng bảo vệ miễn dịch của chính mình để bảo vệ sức khỏe của em bé. 

Mặt khác, đích tấn công của SARS-CoV-2 là phổi và hệ thống tim mạch - những nơi vốn chịu áp lực lớn trong thai kỳ. Khi tử cung phát triển, ngày càng có ít chỗ cho phổi. Đó là lý do thai phụ thường cảm thấy khó thở. Để cung cấp oxy cho thai nhi, thai phụ cũng cần thêm oxy và máu. Điều này có thể làm tăng áp lực với hệ thống tim mạch. Phụ nữ mang thai nhiễm 
SARS-CoV-2 có khả năng gây ra nhiều sự thay đổi tới hệ mạch máu, viêm nhiễm thành mạch, khiến tim hoạt động nhiều hơn…

Biểu hiện nhiễm SARS-CoV-2 ở thai phụ

Bác sĩ Hồ Cao Cường cho biết, chỉ có khoảng 2/3 phụ nữ mang thai mắc COVID-19 có triệu chứng. Đó thường là các triệu chứng của cảm lạnh nhẹ: đau nhức cơ thể, đau rát họng, mệt mỏi, đau cơ xương khớp… Bước qua ba tháng cuối của thai kỳ, các bằng chứng ghi nhận phụ nữ mang thai mắc COVID-19 có thể tăng nguy cơ biến chứng nặng hơn so với phụ nữ không mang thai nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, chị em không nên quá lo lắng bởi phụ nữ mang thai là đối tượng được chăm sóc đặc biệt, nếu không may nhiễm COVID-19 sẽ được điều trị ở những nơi có điều kiện chăm sóc y tế tốt nhất. 

Một bé gái ra đời từ người mẹ mắc COVID-19
Một bé gái ra đời từ người mẹ mắc COVID-19

Giải đáp thắc mắc về việc phụ nữ mang thai nên làm gì để phòng tránh nhiễm SARS-CoV-2, bác sĩ Hồ Cao Cường cho biết, phụ nữ mang thai nên thực hiện các bước sau để giữ gìn sức khỏe, gồm: duy trì lịch khám thai định kỳ trước khi sinh, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục đều đặn nhằm tăng cường sức đề kháng, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác. Không nên ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết. Giữ khoảng cách với người khác ít nhất hai mét nếu cần ra ngoài.

Đeo khẩu trang ở nơi công cộng và trang bị mọi dụng cụ bảo vệ cần thiết khác khi làm việc. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Làm sạch tay bằng chất sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn nếu bạn không thể rửa tay. Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng…

Trường hợp sản phụ mắc COVID-19 chưa có biến chứng sẽ được chuyển đến khu cách ly để theo dõi cho đến khi khỏi bệnh (không có triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm âm tính). Thai phụ nhiễm SARS-CoV-2 sẽ được đỡ sinh tại bệnh viện nơi người mẹ đang điều trị COVID-19.

Sau sinh, em bé sẽ được tách khỏi mẹ, chăm sóc tại khu riêng nhằm tránh lây nhiễm 
SARS-CoV-2 từ mẹ. Tùy tình trạng sức khỏe sau sinh của mẹ và bé, bác sĩ sẽ đưa phác đồ theo dõi cụ thể.    

Khác với ba đợt dịch trước, lần này có nhiều ca bệnh là phụ nữ mang thai. Ngày 17/5, Khoa Ngoại sản, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã mổ cấp cứu thành công cho sản phụ Đ.T.T. (23 tuổi, trú tại Hưng Yên) mang thai 38 tuần tuổi, xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 ngày 12/5. Tối 17/5 bệnh nhân có dấu hiệu chuyển dạ, tim thai chậm, không đều, có dấu hiệu suy thai. 

Ngày 21/5, đơn vị trên cũng mổ cấp cứu thành công cho sản phụ mắc COVID-19, L.T.Q. (33 tuổi, trú tại Điện Biên). Bệnh nhân vào viện ngày 19/5 với chẩn đoán suy hô hấp do nhiễm SARS-CoV-2 (thai 35 tuần tuổi, thụ tinh trong ống nghiệm) và suy thai. 

Ngày 9/6, cũng tại nơi này, các bác sĩ đã đỡ đẻ thành công cho sản phụ H.T.K.T. (20 tuổi, trú tại Bắc Giang), nhập viện từ ngày 17/5, khi thai được 35 tuần tuổi. 

Bên cạnh những sản phụ nhiễm SARS-CoV-2 sinh con tại bệnh viện nơi đang điều trị COVID-19, còn có rất nhiều bà mẹ sinh con ngay tại các khu cách ly tập trung...

An Bình 


 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI